Chúa nhật 15 Thường Niên – Năm B
SAI NHÓM MƯỜI HAI ĐI RAO GIẢNG
Chú giải mục vụ của Jacques Hervieux
+++
Mãi đến lúc này Maccô mới kể cho chúng ta biết thoạt đầu Chúa Giêsu gọi vài môn đệ theo Ngài (1,16-20), sau đó Chúa Giêsu thiết lập nhóm Mười Hai để họ “ở với Ngài” và chia sẻ sứ vụ của Ngài (3,13-19). Và giờ đây Ngài mới sai họ đi rao giảng (c. 7). Nhóm Mười Hai sẽ xứng đáng với tước hiệu “tông đồ”, nghĩa là “được sai đi” thi hành sứ vụ (6,30) mà sau này họ sẽ lãnh nhận. Trong chương ngắn gọn này, xem ra Maccô đã sử dụng cuốn tiểu cẩm nang của một thừa sai hoàn hảo. Lối hành văn vấp váp không mạch lạc cho thấy rõ Maccô đã sử dụng lại một truyền thống có trước ông.
Khởi đầu Chúa Giêsu sai các môn đệ đi từng nhóm “hai người một” (c. 76). Đây không hiểu có phải là một tập tục Do Thái không? Theo luật Môsê, cần hai nhân chứng mới xác nhận được một lời khai (Đnl 19,15). Tuy nhiên con số hai cũng là biểu tượng của cộng đoàn, nghĩa là các thừa sai không làm việc đơn lẻ mà làm việc theo từng nhóm. Các Kitô hữu sơ khai đã lặp lại y hệt lối thực hành này của Chúa Giêsu. Trong công vụ sứ đồ, các thừa sai luôn luôn đồng hành từng cặp với nhau: Phêrô và Gioan (Cv 3,1; 4,13); Phalô và Barnabê (Cv 13,2); Giuđa và Sila (Cv 15,22b)… Chúa Giêsu cũng ban cho các thừa sai này một phần quyền năng của Ngài, đó là quyền trừ quỷ, như là một trong dấu chỉ xác thực rằng Vương Quốc Thiên Chúa đã được khánh thành.
Điều đáng nhớ trước hết: các lệnh Chúa Giêsu truyền cho các thừa sai (c. 8-9) lại là các lệnh truyền dành riêng cho khách bộ hành. Tuy nhiên, các huấn luyện ấy đặc biệt nhấn mạnh đến đức tính khó nghèo mà các thừa sai phải chứng tỏ cho mọi người thấy. Ngay cả những gì thiết yếu (như bánh mì, tiền túi) thì cũng sẽ chỉ được nhận lãnh như những quà tặng của những người được họ ghé thăm. Phong thái họ cực kỳ đơn giản giống như những lữ khách lòng không hề vướng bận (không túi xách đi đường, không áo dài để thay đổi). Ngược với Matthêu và Luca, để bước đi cho dễ, Maccô cho rằng gậy và dép là cần thiết. Vào thời đó, hầu như người ta thường đi chân không. Tuy nhiên để đi nhưng chặng đường dài, xem ra cần phải có gậy và dép. Có lẽ ở đây Maccô muốn trình bày các trợ tá của Chúa Giêsu như những “khách hành hương” luôn luôn sẵn sàng lên đường, như những kẻ được mô tả trong nghi thức lễ vượt qua: “Nịt thắt ngang hông, giầy dép xỏ vào chân, tay cầm sẵn gậy” (Xh 12,11).
Các lời khuyên liên quan đến việc tiếp đãi còn đáng ngạc nhiên hơn (c. 10-11). Là thừa sai đi rao truyền sứ điệp một cách vô vị lợi, nên họ có quyền được những gia đình mà họ ghé tiếp đón họ một cách vô vị lợi. Tuy nhiên Tin Mừng không mang tính áp đặt, mà chỉ có thể được đón nhận trong tự do. Nếu thành phố hay làng mạc nào từ chối không đón nhận thì người ta sẽ đi qua chỗ khác nhưng đồng thời vẫn tôn trọng sự từ chối đó. Ở đây Maccô mô tả lại nghi thức xưa kia thường được dùng ở phương Đông: Phủi bụi khỏi chân mình khi rời bỏ một nơi chốn thù nghịch để tỏ dấu tuyệt giao!
Giống như Chúa Giêsu (c. 12-13), nhóm Mười Hai lên đường loan báo Nước Thiên Chúa đã đến và mời gọi mọi người hoán cải (1,15). Giống như Ngài, họ cũng chứng thực lời nói của họ bằng việc ban phát những dấu chỉ để giúp người ta tin họ. Việc xức dầu trên bệnh nhân chứng thực đây là một thói quen đã có từ xa xưa. Người ta từng biết công dụng hữu ích của việc xức dầu lên thân thể. Giáo Hội về sau đã nhận ra trong tập tục này mầm giống một phép bí tích đó là bí tích Xức dầu bệnh nhân để chữa lành thể xác và tâm linh của họ (x. Gc 5,14).
Đối với chúng ta ngày nay xem ra rất cổ kính xét về mặt hình thức của nó bởi vì rõ ràng nó chịu ảnh hưởng sâu đậm của các phong tục thời xưa. Tuy nhiên tận căn nó vẫn hiện thực. Tin Mừng phải luôn luôn được cơ động mang đến khắp mọi nơi bằng những phương tiện nghèo khó. Được trao ban vô vị lợi, Tin Mừng này mời gọi lương tâm tự do đón nhân. Đây là lời nói đi kèm theo các dấu chứng sự chiến thắng của Chúa Kitô trên sự Dữ và Thần Chết. Đó chính là sứ điệp trường cửu của trình thuật rất cổ kính này.