Chúa nhật 15 Thường Niên – Năm B
ĐỨC GIÊSU SAI NHÓM MƯỜI HAI ĐI
Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.
+++
Đức Giêsu đã thiết lập Nhóm Mười Hai với hai mục tiêu: họ phải ở với Người và phải được Người cử đi loan báo Tin Mừng và trừ quỷ (3,14t). Kể từ khi được Người chỉ định, Nhóm Mười Hai ở với Người, đồng hành với Người, chứng kiến tất cả hoạt động giảng dạy và tất cả các hành vi quyền lực của Người. Như thế, các ông chu toàn mục tiêu đầu tiên mà Đức Giêsu nhắm cho các ông, khi các ông cùng đi với Người trong khi Người chu toàn sứ mạng của Người (x. 1,38).
Đức Giêsu đang đi đường và giảng dạy các làng trong miền Galilê (6,6). Kế đó, Người cử Nhóm Mười Hai đi, để các ông nối tiếp công việc của Người.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành ba phần:
1) Đức Giêsu ban chỉ thị cho Nhóm Mười Hai (6,7-11):
- a) Nhóm Mười Hai được giao phó sứ mạng (c. 7),
- b) Giáo huấn của Đức Giêsu về hành trang (cc. 8-9),
- c) Giáo huấn của Đức Giêsu về cách xử sự (cc. 10-11);
2) Nhóm Mười Hai thi hành sứ mạng (6,12-13).
3.- Vài điểm chú giải
– Nhóm Mười Hai (7): Đời Tông Đồ là một cuộc hành trình để nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu. Điều này được tác giả Mc diễn tả bằng cách dùng thuật ngữ “Nhóm Mười Hai” ở 7 điểm quan trọng. Thuật ngữ này trở đi trở lại theo những khoảng cách đều đặn: từ khi Nhóm được thành lập cho đến khi tan rã vào lúc Giuđa phản bội, Nhóm được nhắc đến ở mỗi chặng quan trọng. Các ông đi theo Đức Giêsu từ lời đầu tiên loan báo về Nước Thiên Chúa cho đến thử thách cuối cùng:
1) Lần đầu, ở ch. 3: Đức Giêsu “thành lập (= tạo thành) Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai đi rao giảng” (3,14). Và xa hơn: “Người thành lập Nhóm Mười Hai” (3,16).
2) Ở ch. 4: “Khi còn một mình Người, những người thân cận cùng với Nhóm Mười Hai mới hỏi Người về các dụ ngôn” (4,10). Lần đầu tiên Nhóm Mười Hai hỏi riêng Đức Giêsu: điều này chứng tỏ Nhóm được tuyển chọn để được đào tạo riêng.
3) Ở ch. 6: “Đức Giêsu gọi Nhóm Mười Hai” (6,7). Trong Mc, từ ngữ “Tông Đồ” chỉ được dùng ở 6,30.
4) Ở ch. 9: Đức Giêsu nhắc bảo các môn đệ vài điều: “Người gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: “Ai muốn làm đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm tôi tớ mọi người” (9,35).
5) Ở ch. 10: Đức Giêsu loan báo Người sẽ chết và sống lại. Đức Giêsu dẫn các ông; các ông kinh hoàng, còn nhưng kẻ theo sau cũng sợ hãi. Người lại kéo riêng Nhóm Mười Hai ra, và bắt đầu nói với các ông về những điều sắp xảy đến cho mình” (10,32).
6) Ở ch. 11: Đức Giêsu đã đi vào Giêrusalem: “Sau khi rảo mắt nhìn xem mọi sự, Người ra khỏi thành…, và tiến về Bêtania cùng vớiNhóm Mười Hai” (11,11). Câu 11 là như lời dẫn nhập vào hoạt động của Đức Giêsu tại Giêrusalem (nơi chốn, hoàn cảnh, chương trình hành động), và Nhóm Mười Hai là những người tháp tùng Người.
7) Ở ch. 14 (tại Giêrusalem): Đây là khởi đầu cuộc Thương Khó, Nhóm Mười Hai được nhắc đến thường xuyên, nhưng như là Nhóm trong đó có kẻ phản bội: 14,10.17.20.43. Mỗi lần kẻ phản bội được nhắc tên cũng là mỗi lần Nhóm được nhắc lại. Ở 14,17, Nhóm Mười Hai được nêu lên như là những người tháp tùng Đức Giêsu vào Tiệc Ly và đồng bàn với Người.
Khi nêu bật Nhóm Mười Hai, Mc cho thấy rằng Tin Mừng không phải là một hệ thống các giáo thuyết hoặc luật lệ. Khi làm như thế, Mccũng cho thấy rằng Tin Mừng được mạc khải và đón nhận xuyên qua một quan hệ riêng tư với Đức Giêsu, được truyền đạt bởi những sứ giả được đào tạo từ chính quan hệ này, và cuối cùng, điều Người muốn là đưa độc giả đi dần vào quan hệ riêng tư và trọn vẹn này với Người.
– Quyền trừ quỷ: Mc trình bày sứ mạng của Nhóm Mười Hai như là việc nối dài chính sứ vụ của Đức Giêsu là rao giảng và chữa bệnh (chủ yếu là trừ quỷ).
– không được mang gì đi đường (8): Tình trạng thiếu trang bị vật chất như thế phản ánh tính cấp bách của công tác và sự tin tưởng ký thác hoàn toàn vào tay Thiên Chúa.
– chỉ trừ cây gậy: Mt 10,10 và Lc 9,3 cấm các môn đệ cầm gậy đi đường. NJBC giải thích: hoặc bản văn Mc có khuynh hướng chế giảm hoặc đây là cách đọc sai từ Aram l’ (“không”) thành ’l’ (“ngoại trừ”). Hay là phải chăng vào thời Mc, tình thế còn khá nguy hiểm, nên còn chấp nhận một vài chế giảm như thế?
– bao bị: Từ Hy Lạp pêra là túi xách để đựng hành trang đi đường hoặc của bố thí.
– tiền: “Tiền” đây dịch từ Hy Lạp chalcos, “tiền đồng”, nhưng ở đây có nghĩa là “tiền bạc” nói chung.
– được đi dép (9): Mt 10,10 và Lc 9,3 cấm các môn đệ đi giày; có lẽ đây là cấm đi một đôi dư ra (Mt dùng từ hypodêma, vật bó dưới chân; cònMc dùng từ sandalion), bởi vì đi chân không trên các nẻo đường đầy sỏi đá xứ Paléttina thì rất vất vả.
– hai áo: Từ Hy Lạp chitôn là áo trong, mặc sát người.
– giũ bụi chân (11): Khi có nơi nào không đón tiếp mình, người môn đệ được hướng dẫn làm thành một hành vi biểu tượng thôi, chứ không trả đũa thô bạo. Hành vi này nhằm thúc bách những con người tại nơi ấy phải suy nghĩ. Hành vi này cũng có thể có liên hệ với việc giũ bụi chân khi trở lại xứ Paléttina. Khi ấy, ý nghĩa của hành vi này là thành thiếu lòng hiếu khách thì không thuộc về Israel chân chính.
– Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối (12): Câu tóm về lời rao giảng của các môn đệ làm vọng lại câu tóm về lời rao giảng của Đức Giêsu trong 1,14-15: các môn đệ chia sẻ sứ mạng của Thầy (x. c. 13).
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Đức Giêsu ban chỉ thị cho Nhóm Mười Hai (7-11)
Đức Giêsu đã “gọi lại với mình” Nhóm Mười Hai: điều này chứng tỏ uy quyền của Người và sự chọn lựa của Người. Người cử Nhóm Mười Hai đi, để các ông nối tiếp công việc của Người. Các hình thái cơ bản trong hoạt động của các ông là loan báo Tin Mừng và xua trừ ma quỷ (3,14t; 6,7.12t): đây cũng là những nhiệm vụ của Đức Giêsu (1,14t; 1,21-27; 1,39). Người không chu toàn sứ mạng một mình, nhưng chia sẻ sứ mạng đó cho những người mà Người đã uốn nắn và đào tạo nhờ tiếp xúc thường xuyên với Người. Cũng như Người, các ông cũng phải loan báo Tin Mừng là Triều Đại Thiên Chúa đã gần. Cũng như Người, các ông phải truyền đạt với xác tín cao và vững chắc sứ điệp vui tươi và giải phóng này: chỉ mình Thiên Chúa là Chúa tể; quyền làm chủ của Người trên muôn loài muôn vật, vào lúc này, người ta chưa nhận ra được, nhưng đến một lúc nào đó, chắc chắn sẽ tỏ hiện rõ ràng.
Chân lý hệ trọng này, các môn đệ phải loan báo không những bằng lời nói, mà còn phải cho thấy nó có giá trị thực sự bằng hành động nữa. Hành trang của các ông chỉ có những gì cần thiết cho một lữ khách: một cây gậy, một áo choàng và đôi dép. Người ta phải thấy được rõ ràng là các ông không sở hữu gì cả và các ông không có gì mà mang theo cả, ngoại trừ sứ điệp của các ông: các ông chỉ là sứ giả mà thôi. Các ông được mang gậy. Chúng ta nhớ lại rằng Môsê đã cầm gậy trong tay khi đưa dân Israel ra khỏi Ai Cập; vậy cái gậy tượng trưng quyền lực của Thiên Chúa. Với cây gậy nhỏ bé, Môsê làm nhiều dấu lạ điềm thiêng trước mặt Pharaô (x. Xh 4,2), xẻ đôi Biển Đỏ (Xh 14,16) và làm cho nước tuôn chảy từ một tảng đá (Xh 17,5). Các môn đệ của Đức Giêsu chỉ cầm một cái gậy, điều này cho hiểu rằng các ông chỉ có thể cậy dựa vào quyền năng của Lời Chúa mà thôi.
Các ông không được gắn liền kết quả của sứ mạng với tiền bạc. Về lối sống của các ông, Đức Giêsu cho hai chỉ thị: các ông không được đòi hỏi gì và phải ý thức về sứ mạng của các ông. Các ông phải bằng lòng ở lại nhà đầu tiên các ông đến, nghĩa là với mọi kiểu nơi ăn chốn ở có được, chứ không đi hết nhà này đến nhà kia để tìm cho được một nhà có nếp sống thoải mái, tiện nghi hơn. Các ông phải nêu bật ý nghĩa của sứ điệp. Ai không muốn nghe, các ông phải cho họ hiểu rõ ràng rằng khi từ chối như thế, họ đã lấy một quyết định hệ trọng trong quan hệ đối với ơn cứu độ: giũ bụi chân, không phải để chứng tỏ sự khinh bỉ, nhưng để cho hiểu rằng vừa xảy ra một việc tách biệt quyết liệt, “giữa chúng ta, không còn liên hệ gì nữa!”. Từ chối sứ giả có nghĩa là từ khước sứ điệp.
* Nhóm Mười Hai thi hành sứ mạng (12-13)
Giữa phần mô tả hoạt động của Nhóm Mười Hai (6,12t) và việc họ trở về (6,30), TM II không nói gì đến hoạt động của Đức Giêsu. Hoạt động của các Tông Đồ có trọng lượng riêng, chứ không phải là một chuyện phụ thuộc được che phủ bởi hoạt động của Đức Giêsu. Hoạt động của các ông có trọn vẹn tầm quan trọng của nó. Các ông đã ra đi thi hành hai điều cốt yếu trong chỉ thị của Đức Giêsu: rao giảng và trừ quỷ. Một chi tiết quan trọng: giữa phần mô tả hoạt động của Nhóm Mười Hai và việc họ trở về, Mc ghép truyện Gioan Tẩy Giả bị chém đầu, để nhắn bảo các tín hữu rằng, cuộc sống rao giảng Lời Chúa luôn khiến các tín hữu phải gặp những khó khăn, có khi là khó khăn chết người.
+ Kết luận
Bản văn kể cho chúng ta biết rằng tất cả các Tông Đồ đều Đức Giêsu được sai đi, không trừ bất cứ ai; điều này có nghĩa là việc loan báo Tin Mừng là công việc của Đức Giêsu, nay được coi là công việc của cả Nhóm Mười Hai, chứ không phải là công việc của một ít thành viên của cộng đoàn. Khi đọc đoạn văn trên đây, Giáo Hội (và mỗi Kitô hữu) được mời gọi nhận ra câu truyện về ơn gọi của chính mình. Giáo Hội (và mỗi Kitô hữu) không được khép kín trên chính mình, theo một số tiêu chuẩn xã hội học nào đó. Giáo Hội sẽ phải ra đi đến mọi phương trời vào mọi thời đại.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Tất cả chúng ta đều phải phổ biến Lời Chúa. Quả thật, nhiệm vụ của người Kitô hữu hôm nay không khác nhiệm vụ của Nhóm Mười Hai xưa kia: loan báo Tin Mừng và giảm thiểu ảnh hưởng của sự dữ. Nhưng họ “được sai đi từng hai người một”, tức là họ làm việc chung với nhau, chứ không theo cách cá nhân. Những người phổ biến Lời Chúa phải thuộc về một cộng đoàn. Đức Giêsu “ban cho các ông quyền trên các thần ô uế”: các Tông Đồ hôm nay hiểu rằng sức riêng không giúp họ chu toàn được sứ mạng này; họ cần phải liên kết mật thiết với Đức Giêsu (“ở với Người”; x. 3,14).
2. Đức Giêsu bảo các Tông Đồ ra đi đến với người ta, chứ không chờ người ta đến với mình. Các Tông Đồ hôm nay được nhắc nhớ: Quyền Đức Giêsu ban cho các ông không phải là quyền điều khiển người khác, nhưng là quyền “trên các thần ô uế”, xua đuổi chúng đi, để giải thoát loài người khỏi tay chúng. Như thế, đây là một khả năng để phục vụ, chứ không phải là một uy thế để thống trị và trục lợi.
3. Làm chứng bằng lời nói là một khía cạnh của sứ mạng Tông Đồ. Tuy nhiên, sứ mạng này sẽ khiếm khuyết nếu việc làm chứng bằng lời nói không được phối hợp với việc làm chứng bằng hành động, bằng chính đời sống mình. Đặc biệt Đức Giêsu yêu cầu các Tông Đồ phải chu toàn sứ mạng trong sự nghèo khó tuyệt đối, có nghĩa là các môn đệ Người không được liên kết hiệu năng của sứ mạng của họ với khối tiền bạc họ chi ra khi thi hành sứ mạng. Người ta có nói ra trọn sự thật không nếu điều họ nói được liên kết với một khoản lương bổng? Và nếu người ta phải nói ngược lại với kẻ trả lương cho mình, người ta có sẵn sàng nói không?
4. Người Kitô hữu luôn nhớ rằng mình là người được Đức Giêsu sai phái đi, nên phải lệ thuộc vào các chỉ thị của Người và phải trả lời về cách thực hiện các mệnh lệnh của Người. Như thế, ra đi loan báo Tin Mừng không phải là cơ hội để truyền đạt và áp đặt các tư tưởng của riêng mình.