CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN – NĂM B
CON ĐƯỜNG NGÔN SỨ
Logos năm B
***
Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II luôn luôn thực thi sứ vụ ngôn sứ trong cuộc đời giáo hoàng của mình. Ngài thường dùng lời nói của mình không những để kêu gọi hòa bình, mà còn mạnh mẽ đả kích sự bạo lực và giết chóc.
Một lần kia, ngài đến đảo Sicile, tổng hành dinh của Mafia nước Ý. Trong bài diễn văn tại đây, Đức Cố Giáo Hoàng đã lớn tiếng kêu gọi : Không được giết người ! Đó là lề luật của Thiên Chúa ! Vì thế, không một tổ chức nào, không một quyền lực nào, cho dù đó là Mafia đi chăng nữa, cũng không được giết người !
Ngay sau đó, để đáp lại, Mafia Ý đã giết hai linh mục và cài 2 trái bom tại trung tâm Rôma. Một trái nổ ngay vương cung thánh đường Latran lịch sử. Trái bom kia nổ ngay tại thánh đường thánh Grêgôriô được xây dựng từ thời trung cổ.
Sau vụ nổ, Đức Cố Giáo Hoàng đã có mặt tại hiện trường và tiếp tục đưa ra lời kêu gọi thống thiết : Tôi thỉnh cầu những ai đã gây ra chuyện này : Hãy sám hối, vì một ngày kia các ông sẽ lãnh nhận án phạt của Thiên Chúa !
Đức Cố Giáo Hoàng đã can đảm nói sự thật dù có bị ghét bỏ hay bị hiểm nguy đến tính mạng. Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đi theo con đường ngôn sứ mà Chúa Giêsu đã đi. Chúa Giêsu là vị ngôn sứ chính danh mà hôm nay Ngài đã hé lộ cho mọi người thấy dung mạo và sứ vụ ngôn sứ của Ngài trong bài Tin Mừng theo thánh Maccô : “Không một ngôn sứ nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình”. Ngài là vị ngôn sứ bị khước từ tại quê hương xứ sở. Qua đó, Chúa Giêsu muốn tỏ cho chúng ta thấy : Con đường ngôn sứ luôn luôn là một con đường đau khổ.
Ngôn sứ, con đường đau khổ
Bài đọc I, trích sách tiên tri Êzêkiel kể về ơn gọi của ngôn sứ Êzêkiel. Ông đã được Thiên Chúa trao cho sứ mạng đến với dân Israel để truyền lại sứ điệp của Thiên Chúa. Thiên Chúa cũng ban cho Êzêkiel thần linh của Người. Tuy nhiên, Thiên Chúa cũng cho ông biết đó là một dân cứng đầu và phản loạn. Họ sẽ không nghe lời các ngôn sứ, thậm chí còn xua đuổi và ám hại các ngôn sứ nữa. Nhưng Thiên Chúa vẫn muốn tỏ cho họ thấy : “Ở giữa họ có một vị ngôn sứ”. Cuộc đời của ngôn sứ Êzêkiel cho thấy : Ngôn sứ luôn phải chịu đau khổ và con đường các ngôn sứ đi luôn là con đường gian khó.
Bài đọc II, trích thư thứ II gửi tín hữu Côrintô, đã phác họa ơn gọi ngôn sứ của thánh Phaolô tông đồ. Hơn ai hết, thánh Phaolô luôn cảm thấy mình rất yếu đuối. Sự yếu đuối đó như “cái dằm đâm vào thịt” ngài. Cũng vì sự yếu đuối mỏng dòn, nhiều lúc thánh Phaolô như thất vọng, buông xuôi, xin Chúa lấy “cái dằm” ấy ra khỏi thân xác ngài. Nhưng Chúa đã củng cố niềm tin nơi ngài khi nói với ngài: “Ơn Ta đủ cho ngươi, vì sức mạnh của Ta được tỏ bày trong sự yếu đuối”.
Cuối cùng, thánh Phaolô đã tin tưởng phó thác vào quyền năng và sức mạnh của Chúa. Ngài vui mừng trong sự yếu hèn, trong sự lăng nhục, sẵn sàng chịu bắt bớ và khốn khó vì Đức Kitô. Trong đau khổ, thánh Phaolô đã có thể kêu lên : “Khi tôi yếu đuối chính là lúc tôi mạnh mẽ”.
Con đường của thánh Phaolô đi chính là con đường của một ngôn sứ. Con đường đó là con đường đau khổ. Nhưng thánh Phaolô đã đi đến cùng con đường ấy và đã đoạt được triều thiên vinh quang.
Bài Tin Mừng theo thánh Marcô đã vẽ tả con đường đau khổ của Chúa Giêsu, vị ngôn sứ “bị khước từ”. Chúa Giêsu trở về quê hương mình là Nagiarét. Ở đó, Ngài đã gặp lại những người đồng hương và cả những người họ hàng, thân tộc. Mọi người đều kinh ngạc, sửng sốt khi Ngài giảng Kinh Thánh trong Hội Đường. Những người đồng hương ngạc nhiên về sự khôn ngoan của Ngài và về những phép lạ Ngài đã làm ở nơi khác.
Nhưng khi nhớ đến nguồn gốc tầm thường của Ngài : Ngài chỉ là bác thợ mộc con bà Maria, thì họ không tin Ngài nữa. Vì sự cứng lòng tin ấy của họ, Chúa Giêsu đã bỏ họ mà qua làng khác.
Con đường ngôn sứ của Chúa Giêsu là con đường đau khổ. Vì Chúa đã bị khước từ nơi chính những người thân cận, gần gũi của mình. Cuối con đường đau khổ ấy chính là thập giá đau thương. Nhưng Chúa đã vượt qua chặng đường đau thương đó để tiến đến sự phục sinh vinh quang.
Ngôn sứ, con đường của mỗi người tín hữu
Ngày nay, con đường ngôn sứ vẫn được mở ra cho mỗi người tín hữu chúng ta. Trên con đường ấy, chúng ta được mời gọi để đến với tha nhân trong ơn gọi của một ngôn sứ, để truyền rao sứ điệp Tin Mừng của Chúa. Cũng giống như ngôn sứ Êzêkiel, chúng ta được sai đi trong thân phận thấp hèn, nhưng vẫn phải gặp gỡ với cả những người cứng tin và gian ác. Chúng ta cũng giống như thánh Phaolô tông đồ, luôn nhận thấy mình là kẻ yếu đuối và mỏng dòn. Nhưng vào chính lúc chúng ta yếu đuối, lại là lúc chúng ta mạnh mẽ nhất. Giữa lúc chúng ta đang phải đối diện với những thử thách và gian nan, chúng ta lại nghe thấy lời Chúa văng vẳng bên tai : “Ơn Ta đủ cho ngươi”.
Người tín hữu hôm nay phải biết nói lời của Thiên Chúa. Mặc dù khi nói lời Thiên Chúa, người ta có thể bị ghét bỏ hoặc bị thiệt thân. Chúng ta cũng được mời gọi để nói sự thật, dù đó là “sự thật mất lòng”. Nhưng để có thể nói sự thật, con người phải thấm nhuần chân lý của Chúa. Nhất là phải có sự dũng cảm của một vị ngôn sứ.
Cũng giống như những người đồng hương của Chúa, có những lúc đôi mắt đức tin của chúng ta như mờ tối, không nhận ra Chúa đang đồng hành với chúng ta. Chúng ta không nhận ra Chúa đang dùng quyền năng và sức mạnh để nâng đỡ chúng ta. Cũng vì thế, đã có những lúc chúng ta khước từ Chúa, khiến Chúa không thể đến với chúng ta và ban ơn cho chúng ta.
Biến cố Chúa bị khước từ tại quê hương và nơi những người thân của Ngài vẫn còn lặp lại trong cuộc sống chúng ta hôm nay : Vẫn còn có rất nhiều người không đón nhận Chúa. Chúa vẫn mãi là vị ngôn sứ không được tiếp nhận. Có lẽ đó chính là sự đau khổ lớn lao trong cuộc đời của Ngài : “Ngài đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận Ngài” (Ga 1, 11).
Ngày xưa, những người đồng hương của Chúa không nhận ra Chúa vì chỉ nhìn thấy sự xuất thân tầm thường của Chúa. Họ không tin Chúa bởi vì Chúa chỉ là “bác thợ mộc”.
Ngày nay, nhiều người không tin Chúa vì Chúa cũng đang mang những dung mạo thật hèn mọn. Ngài hiện diện nơi những người anh em rất tầm thường : mang khuôn mặt của một bác thợ tầm thường, hay khoác bộ áo của một nông dân quê mùa. Thậm chí, có thể Chúa đang ẩn thân nơi những con người đang thù ghét chúng ta. Chúa đang mong mỏi được gặp gỡ ta và đồng hành với ta.
Một ngày kia, có đoàn khách làm việc từ thiện đến thăm một viện phong. Khi thấy một nữ y tá đang chăm sóc một người bệnh rất tận tụy, một ông khách dừng lại và hỏi thăm về gia cảnh của cô y tá. Cô y tá trả lời : “Tôi chưa lập gia đình, nhưng đã có người yêu. Người yêu của tôi là một bác thợ mộc”.
Đó chính là một cô gái đã tận hiến cuộc đời trong một tu hội đời. Cô từ khước cuộc sống gia đình, tình nguyện phục vụ các bệnh nhân đau khổ. Bác thợ mộc kia chính là Chúa Giêsu, người yêu muôn thuở của cô.
Xưa kia “bác thợ mộc” ấy đã bị coi thường và bị từ chối tại quê quán mình. Chớ gì hôm nay “bác thợ mộc” ấy vẫn mãi là người yêu dấu của muôn trái tim con người.