CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN – NĂM B
CHÂN DUNG VỊ NGÔN SỨ
Lm. Phêrô Trần Thanh Sơn
***
Cách đây ít năm, tôi có dịp đi cùng các soeurs dòng Đức Bà Truyền Giáo lên thăm Chùa Pháp Hoa ở Long Hải, thường gọi là Chùa Khỉ, vì ở đó có rất nhiều khỉ. Trong khi chúng tôi đang chờ đàn khỉ từ trên núi xuống, thì các soeurs có trao đổi, trò chuyện với các nhà sư ở đó. Và mặc dù biết rõ đây là các nữ tu Công Giáo, các nhà sư vẫn muốn thuyết pháp về đạo Phật cho các soeurs. Đứng trước nhiệt tình của họ, tôi chợt nhớ tới sứ mạng ngôn sứ của mỗi người kitô hữu chúng ta.
Sứ mạng ngôn sứ này, mỗi người chúng ta đã được lãnh nhận từ ngày chúng ta chịu phép Rửa, như lời nguyện mà linh mục chủ sự đọc lên khi xức dầu thánh cho thụ nhân, trong nghi thức diễn nghĩa của bí tích Rửa tội: “…Chính Người xức dầu cứu độ cho các con, để sau khi nhập đoàn với dân Người, các con mãi mãi làm chi thể của Đức Kitô là Tư tế, Ngôn sứ và Vương đế đến cõi sống đời đời”. Như thế, kể từ khi lãnh nhận phép Rửa, nhất là khi lãnh nhận bí tích Thêm sức, từng người chúng ta cũng đồng thời lãnh nhận sứ mạng làm ngôn sứ của Thiên Chúa.
Tuy nhiên, trong suốt cuộc sống của mình, tôi và quý ông bà anh chị em, lắm khi vẫn quên đi vai trò ngôn sứ của mình. Do đó, để có thể sống xứng đáng với sứ mạng ngôn sứ đã lãnh nhận, chúng ta cùng nhìn lại hình ảnh của vị ngôn sứ, dưới ánh sáng của phần phụng vụ lời Chúa hôm nay.
- Ngôn sứ, người được gọi:
Nhìn lại suốt lịch sử cứu độ, chúng ta thấy ơn gọi nói chung luôn là sáng kiến của Thiên Chúa. Thiên Chúa chính là Đấng khởi xướng, kêu gọi và sai những kẻ Người muốn, để họ ra đi làm việc cho Người. Đó cũng là cảm nghiệm của ngôn sứ Ezékiel mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc một: “Trong những ngày ấy, sau khi nói với tôi, thần linh nhập vào tôi, và đỡ tôi đứng dậy. Tôi nghe người nói với tôi rằng: Hỡi con người Ta sai ngươi đến với con cái Israel”. Khi nói lên những lời này, ngôn sứ Ezékiel đã thực sự xác tín mình là người được Thiên Chúa tuyển chọn và gọi đích danh giữa bao người. Đây quả là một hồng ân cao cả, vì chúng ta là những con người giới hạn, bất toàn lại được kêu gọi để làm sứ giả cho Lời của Thiên Chúa, Lời của tuyệt đối và là nguồn phát sinh sự sống.
Mặt khác, như trên tôi đã nói, kitô hữu cũng chính là người được gọi để làm ngôn sứ cho Thiên Chúa. Do đó, ơn gọi làm kitô hữu của chúng ta cũng là một hồng ân của Thiên Chúa mà chúng ta phải không ngừng cảm tạ. Tâm tình này được diễn tả rất rõ trong Kinh Cám ơn mà chúng ta vẫn đọc hàng ngày. Sau khi đã cám ơn Chúa “chẳng bỏ con, chẳng để con không đời đời, mà đã dựng nên con, cho con được làm người, cùng hằng gìn giữ con, hằng che chở con, lại cho Ngôi Hai xuống thế làm người chuộc tội chịu chết trên cây Thánh giá vì con,”, chúng ta lại cám ơn Chúa vì đã “cho con được Đạo Thánh Đức Chúa Trời”, nghĩa là, con cám ơn Chúa vì đã cho con được làm ngôn sứ của Chúa.
Ơn gọi làm ngôn sứ tuy là một hồng ân của Thiên Chúa, nhưng không miễn trừ cho chúng ta sự cố gắng của bản thân. Được gọi làm ngôn sứ, làm một kitô hữu, chúng ta vẫn cảm nhận được sự yếu đuối của chúng ta. Chính thánh Phaolô, một người được Thiên Chúa trực tiếp tuyển chọn để làm tông đồ cho các dân ngoại cũng đã thú nhận: “một cái dằm đâm vào thịt tôi, một thần sứ của Satan vả mặt tôi. Vì thế, đã ba lần tôi van nài Chúa để nó rời khỏi tôi”. Thánh nhân luôn phải chiến đấu để chu toàn sứ mạng ngôn sứ mà mình đã lãnh nhận được từ nơi Thiên Chúa.
Tóm lại, ngôn sứ là người được chính Thiên Chúa kêu gọi để đi làm sứ giả cho Lời của Ngài. Và mặc dù là sứ giả của Lời Thiên Chúa, vị ngôn sứ vẫn còn mang trong bản thân mình sự yếu đuối của con người. Nhưng cho dù yếu đuối, vị ngôn sứ vẫn phải chu toàn sứ mạng được Thiên Chúa giao phó.
- Sứ mạng của vị ngôn sứ:
Được Thiên Chúa sai đi, vị ngôn sứ lãnh nhận sứ mạng làm cầu nối giữa Thiên Chúa và dân Người. Do đó, sứ mạng chính yếu mà vị ngôn sứ phải thi hành đó là nói lời của Thiên Chúa. Đây cũng là điều đương nhiên, bởi vì ngôn sứ là sứ giả của Thiên Chúa, thì phải nói Lời của Ngài. Ngay khi tuyển chọn Ezékiel, Thiên Chúa cũng đã ra lệnh cho ông: “Ta sai ngươi đến để nói với những con cái dầy mặt cứng lòng rằng: “Chúa là Thiên Chúa phán như vậy””. Vị ngôn sứ không được nói lời của mình, nói cho mình hay nhân danh mình, nhưng phải nói cho mọi người biết ý muốn của Thiên Chúa.
Đồng thời, mặc dù nói lời của Thiên Chúa, nhưng không phải lúc nào lời của vị ngôn sứ cũng được dân chúng đón nhận. Ngay cả Đức Giêsu, khi trở về giảng dạy tại quê hương Nazareth của mình cũng chẳng được mấy người đón nhận. Thánh sử Marcô thuật lại: “Khi ấy Chúa Giêsu trở về quê nhà… Đến ngày Sabbat, Người vào giảng trong hội đường, và nhiều thính giả sửng sốt về giáo lý của Người”. Tuy nhiên, họ lại “vấp phạm”, nghĩa là, không tin vào Đức Giêsu khi nhận ra Ngài chính là “bác thợ mộc, con bà Maria”, một phụ nữ bình thường, vẫn đang sống ở giữa họ. Đúng là “quen quá hoá nhàm”, “gần nhà gọi Bụt bằng anh”. Trước tình trạng cứng lòng tin đó, Đức Giêsu đã có một nhận xét khá chua xót: “Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình, họ hàng mình”.
Nhưng cho dù dân chúng không đón nhận đi chăng nữa, thì việc nói Lời Thiên Chúa lại chính là dấu chỉ để mọi người nhận ra người nào là ngôn sứ của Thiên Chúa. Khi giao cho ngôn sứ Ezékiel sứ mạng đi nói với dân chúng, Thiên Chúa cũng đã nhắn bảo ông: “Ta sai ngươi đi nói với con cái dầy mặt cứng lòng… “Chúa là Thiên Chúa phán như vậy”. Hoặc chúng nghe, hoặc chúng không nghe,…, và chúng sẽ biết rằng giữa chúng có một tiên tri”. Như thế, chỉ có ai nói Lời Thiên Chúa, người đó mới thực là ngôn sứ của Ngài.
Tới đây, có lẽ chúng ta đang thầm trách người Do thái: sao mà cứng lòng tin thế, Chúa giảng mà cũng chẳng chịu nghe và tin vào Ngài. Còn chúng ta hôm nay thì sao? Đức Giêsu vẫn đang tiếp tục nói với chúng ta bằng chính Lời của Ngài trong Thánh lễ. Thế nhưng, chúng ta đã có thái độ nào khi nghe Lời của Ngài? Tham dự Thánh Lễ, chúng ta cứ muốn lễ thật mau, Linh mục làm cho thật nhanh, không giảng càng tốt. Dâng lễ xong, chúng ta chẳng còn nhớ Lời Chúa hôm nay nói gì với mình. Như vậy, chúng ta cũng đâu có hơn gì dân Do thái khi xưa, hay không muốn nói là tệ hơn. Và nếu chúng ta không lắng nghe, và suy niệm Lời của Thiên Chúa, thì chúng ta lấy gì mà nói với anh chị em của mình?
Hơn nữa, hàng ngày, Thiên Chúa vẫn sai chúng ta đi làm ngôn sứ cho mọi người: đó là người chồng, người vợ, là con cái, là cha mẹ, là anh chị em và bạn bè, nói chung tất cả những ai chúng ta gặp gỡ tiếp xúc, nhưng trong những cuộc trao đổi, trò chuyện đó, tôi và quý ông bà anh chị em có nói cho họ biết về Thiên Chúa không? Chúng ta làm sứ giả cho Lời Chúa không chỉ bằng lời nói, nhưng quan trọng hơn, bằng chính đời sống của chúng ta. Chớ gì bắt đầu từ hôm nay, chúng ta ý thức hơn về vai trò ngôn sứ của mình bằng cách siêng năng lắng nghe, suy niệm và sống Lời Chúa mỗi ngày. Nhờ đó, chúng ta có thể thực hiện được lời mời gọi của thánh Phêrô: “Anh em hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1 Pr 3, 15b). Sống được như thế là chúng ta đã chu toàn nhiệm vụ ngôn sứ mà chúng ta đã lãnh nhận vào ngày chúng ta chịu phép Rửa. Amen.