CN X Thường Niên – Năm B: LỄ MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KITÔ
THÁNH THỂ,
BÍ TÍCH CỦA GIAO ƯỚC MỚI
Logos năm B
***
Lịch sử Giáo Hội còn ghi lại một phép lạ kỳ diệu về phép Thánh Thể đã xảy ra tại vùng Polsêna, nước Đức. Vào năm 1263, một linh mục người Đức đang cử hành thánh lễ tại nhà thờ thánh Christiana Đồng Trinh Tử Đạo, khi bẻ bánh, vị linh mục bỗng thấy bánh thánh biến thành thịt và máu. Những giọt máu từ bánh thánh chảy loang ra thấm ướt khăn thánh. Vị linh mục vô cùng kinh ngạc và sợ hãi muốn giấu máu thánh đi, nên gấp khăn lại. Nhưng thật lạ, khăn được gấp đến đâu thì máu rỉ ra đến đó, và in lại hơn 25 lần dung mạo của Chúa Giêsu trên khăn thánh.
Vị linh mục không thể tiếp tục cử hành thánh lễ. Ngay lập tức, ngài đến thành Orviêtô để yết kiến Đức Thánh Cha Urbanô. Ngài khóc nức nở kể lại cho Đức Giáo Hoàng nghe câu chuyện phi thường đó. Khi nghe biết sự việc, Đức Thánh Cha truyền cho Đức giám mục thành Orviêtô đến Polsêna để rước đi di tích cực thánh ấy. Đức Giáo Hoàng Urbanô đã quỳ gối khiêm tốn thờ lạy và cung nghinh Mình Thánh cùng tấm khăn thấm đẫm Máu Thánh về nhà thờ Chính Tòa.
Năm sau, tức năm 1264, Đức Giáo Hoàng Urbanô ban sắc dụ Transiturus lập lễ kính Thánh Thể trên khắp toàn cầu. Và thánh Tôma Aquinô đã soạn ra bài ca Thánh Thể tuyệt tác mà Giáo Hội vẫn hát vào chiều Thứ Năm tuần thánh hàng năm : bài ca Pange Lingua.
Phép lạ kỳ diệu trên đã làm cho các nhà khoa học bối rối vì không thể lý giải được hiện tượng xảy ra. Đó cũng là phép lạ củng cố niềm tin của chúng ta vào bí tích Thánh Thể cực trọng mà hôm nay chúng ta mừng kính.
Chúng ta thường nghe nói bí tích Thánh Thể là bí tích của tình yêu, bí tích của sự hiệp nhất, bí tích của sự sống… Nhưng hôm nay, chúng ta nhìn vào một khía cạnh khác của bí tích cao cả này : Thánh Thể chính là bí tích của giao ước mới.
Bí tích Thánh Thể, giao ước tình yêu
Khi nói đến giao ước, người ta thường nghĩ đến sự cam kết song phương giữa hai người hay hai tập thể. Khi giao ước hay cam kết với nhau, người ta thường đưa ra những điều kiện hay những điều khoản hai bên phải thi hành. Nếu bên nào vi phạm điều đã thỏa thuận, hay không thi hành điều đã kết ước, bên ấy sẽ bị những biện pháp chế tài. Vì thế, có thể “hình tượng hóa” giao ước giữa Thiên Chúa và con người giống như một “bản hợp đồng hai chiều” : Bên A và Bên B phải thi hành những điều khoản được thỏa thuận. Nếu bên nào không thi hành như đã cam kết, kể như bên ấy “xé hợp đồng” và phải chịu phạt.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là giao ước giữa Thiên Chúa và loài người là một “giao ước đơn phương”, hay đúng hơn, con người chúng ta thường không giữ lời cam kết, mà chỉ có Thiên Chúa trung thành giữ giao ước : Thiên Chúa yêu thương và trung thành với con người, nhưng con người lại không yêu mến và trung thành với Người như lời hứa. Vì thế, giao ước giữa Chúa và ta chỉ còn là một “hợp đồng một chiều”. Nhưng cho dù con người có phản bội và từ bỏ Thiên Chúa, Người vẫn trung thành mãi mãi với con người.
Lịch sử ơn cứu độ chính là một bản trường ca về tình yêu và sự trung thành của Thiên Chúa đối với dân riêng của Người. Biết bao lần họ đã ngang nhiên “xé giao ước”, quay lưng lại với Thiên Chúa để chạy theo các ngẫu thần. Nhưng dù thế nào, Thiên Chúa vẫn không bội ước : Người vẫn trung thành mãi mãi.
Chính trong bối cảnh lễ Vượt Qua của người Do Thái, Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích Thánh Thể, bí tích của giao ước tình yêu. Trong bữa tiệc đáng ghi nhớ ấy, Chúa Giêsu đã biến bánh và rượu trở thành Mình và Máu Chúa, để có thể tiêu tan vào máu thịt con người dương thế. Đó chính là sáng kiến độc đáo của Thiên Chúa để diễn tả tình yêu sâu thẳm của Ngài. Đó chính là một giao ước tình yêu, một “giao ước đơn phương” của một tình yêu mãnh liệt, không tính toán, không so đo của Thiên Chúa dành cho con người.
Hôm nay, giao ước tình yêu vẫn được thể hiện trong thánh lễ hàng ngày. Chúa vẫn “đơn phương” chờ đợi chúng ta trong kiên nhẫn và trung tín để có thể ban phát tình yêu và sự sống cho chúng ta.
Bí tích Thánh Thể, giao ước mới
Dân Do Thái cũng như một số dân tộc khác thường dùng máu trong giao ước. Đó là máu súc vật hay có thể là máu của chính những người kết ước với nhau. Trong bài đọc I, trích sách Xuất Hành hôm nay, chúng ta thấy ông Môisen đã lập bàn thờ để ký kết giao ước giữa Thiên Chúa và dân Do Thái trước khi vào Đất Hứa.
Nghi thức ký kết giao ước được thực hiện dưới chân núi Sinai và điều quan trọng hơn cả, giao ước này được ký kết trong máu của các con vật : một nửa phần máu được đổ trên bàn thờ, tượng trưng cho Thiên Chúa và một nửa phần máu được rảy trên dân chúng như một giao ước được ký kết song phương. Thế nhưng dân Do Thái đã hủy bỏ giao ước, không tuân giữ lời cam kết. Họ đã thờ các thần ngoại lai. Dù vậy, Thiên Chúa vẫn không từ bỏ dân Người. Người vẫn đi bước trước để tha thứ và lập lại giao ước với họ.
Thiên Chúa đã sai Con Một xuống thế gian để cứu độ nhân loại. Qua Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã ký kết một giao ước mới với nhân loại. Giao ước đó không phải ký kết bằng máu các con vật, nhưng được ký kết trong máu Đức Kitô.
Như thế, giao ước cũ trên núi Sinai dùng máu của con vật. Còn giao ước mới Chúa Giêsu thiết lập dùng máu của chính Ngài. Máu luôn là biểu hiệu của sự sống. Vì thế, dùng máu để ký kết giao ước có nghĩa là lời cam kết hệ trọng như sự sống cần được bảo vệ, giữ gìn.
Tuy thế, con người vẫn luôn bất trung trước giao ước, cho dù giao ước đó được đóng dấu bằng máu Chúa Kitô. Giao Ước Mới như một “hợp đồng tình yêu” được chúng ta lặp lại trong mỗi thánh lễ, để thấy rằng Chúa mãi mãi trung thành và yêu thương tha thứ cho ta. Ngài tiếp tục viết lời tha thứ vào tâm khảm chúng ta bằng chính Máu Thánh Ngài. Ngài tiếp tục chờ đợi chúng ta quay về với giao ước tình yêu được thực hiện trong Máu Thánh Ngài.
Các bổn đạo Trung Hoa vẫn còn nhắc mãi một câu chuyện thương tâm đã xảy ra tại một xứ đạo miền quê Trung Hoa.
Li là một em bé gái đạo đức trong một gia đình Công Giáo nghèo khổ. Vào một ngày đầu tháng hoa Đức Mẹ, bé Li được xưng tội rước lễ lần đầu. Đó chính là ngày hạnh phúc nhất đời em.
Thế rồi, ngày kinh hoàng đã xảy đến. Vào lúc bé Li và các bạn đang học giáo lý cùng một dì phước tại nhà thờ. Bốn người lính đã xuất hiện giải tán lớp học, đập phá nhà thờ và ném bình đựng Mình Thánh xuống đất. Mọi người hoảng hốt chạy trốn.
Sáng hôm sau, dù nhà thờ đang được lính canh giữ, em bé Li vẫn cố lẻn vào nhà thờ để lượm Mình Thánh cất vào bình kẻo bất xứng. Khi em vừa cất bình Mình Thánh trên bàn thờ, một loạt đạn đã bắn vào em. Em ngã gục dưới chân bàn thờ. Chiếc áo trắng em mặc trong ngày rước lễ lần đầu loang máu hồng. Với giòng máu đỏ, em đã viết lên tấm áo ấy lời giao ước tình yêu muôn thuở.
Mỗi người chúng ta cũng có tấm áo trắng ngày rước lễ lần đầu. Trên tấm áo ấy, mỗi ngày chúng ta hãy viết lại lời giao ước tình yêu bằng nét mực hy sinh trong cuộc sống của mình. Mỗi thánh lễ cũng là một bữa tiệc ly, nhắc lại giao ước tình yêu của Chúa. Ở đó Chúa luôn chờ đợi để đón nhận hy lễ cuộc đời chúng ta.