Chúa Nhật IX Thường Niên – Năm B – LỄ CHÚA BA NGÔI
BA NGÔI MẪU GƯƠNG CỦA CÁC GIA ĐÌNH
Lm. Phêrô Trần Thanh Sơn
***
Khi nói tới Mầu nhiệm Ba Ngôi, theo thói quen, chúng ta thường nghĩ tới bài giáo lý đã thuộc nằm lòng từ tấm bé: “Một Chúa mà lại Ba Ngôi, Ba Ngôi nhưng chỉ một Chúa. Ba Ngôi bằng nhau không ngôi nào hơn, không ngôi nào kém”. Một khái niệm thật khô khan và trừu tượng, chúng ta đọc lên và cảm thấy chẳng liên hệ gì tới đời sống hàng ngày của mình. Tuy nhiên, câu giáo lý này lại làm tôi liên tưởng tới một câu ca dao khá hay, nói về đời sống gia đình: “Mình với ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai”. Khi nghe câu ca dao này, chắc quý ông bà anh chị em không thấy khô khan, nhưng chắc có cùng một cảm nhận, đây là sự diễn tả tuyệt vời của một gia đình đang thật sự hạnh phúc. Và nếu để ý, chúng ta sẽ thấy: điều làm cho đời sống gia đình trở nên hạnh phúc, không phải chỉ là: “Mình với ta, tuy hai mà một”, nhưng còn là: “Ta với mình tuy một nhưng vẫn là hai”. Vì vẫn còn là hai, nên mới thực sự hạnh phúc.
Tuy nhiên, trong thực tế của cuộc sống gia đình, chắc hẳn quý ông bà anh chị em cảm nhận được rằng: rất khó để có thể sống được cái gọi là: “hai mà một, một mà hai” này.
Do đó, trong ngày lễ mừng kính mầu nhiệm Ba Ngôi, mầu nhiệm của “ba mà một, một mà ba”, tôi muốn cùng quý ông bà anh chị em dựa vào lời Chúa để chiêm ngắm đời sống của Ba Ngôi, nhờ đó, chúng ta có thể làm cho gia đình chúng ta thực sự trở thành “hai mà một, một mà hai”.
- Mầu nhiệm Ba Ngôi:
Nói về Ba Ngôi, trước hết, chúng ta cùng nghe lại lời tuyên xưng trong sách Đệ Nhị Luật: “Trên trời dưới đất, chính Chúa là Thiên Chúa, chớ không có Chúa nào khác”. Lời tuyên xưng này của dân Do thái, chính là kết tinh của cả một quá trình suy gẫm về tất cả những gì mà Thiên Chúa đã làm cho dân tộc họ. Niềm tin vào một Thiên Chúa độc nhất cũng chính là đặc điểm làm cho dân Do thái khác các dân tộc khác thời bấy giờ. Mặc khải về một Thiên Chúa duy nhất kéo dài trong suốt thời Cựu Ước cho tới khi Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể làm người. Nhờ Ngôi Lời, chúng ta biết rõ hơn về Thiên Chúa, bởi vì: “Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ; nhưng Con Một là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1, 18). Đó là một Thiên Chúa duy nhất, nhưng có Ba Ngôi.
Ngay trong sự kiện Truyền Tin, Thiên Chúa đã bắt đầu tỏ cho con người về mầu nhiệm Ba Ngôi, khi sứ thần loan báo về việc Con Thiên Chúa Nhập Thể làm người bởi quyền năng của Thánh Thần. Tuy nhiên mặc khải này được tỏ hiện cách rõ ràng nhất vào lúc Chúa Giêsu chịu phép Rửa tại sông Giođan. Theo tường thuật của thánh sử Luca, lúc đó, Thánh Thần đã ngự xuống trên Chúa Giêsu dưới hình chim bồ câu và có tiếng Chúa Cha xác nhận: “Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con” (x. Lc 3, 21-22). Và hôm nay, trong lệnh truyền cho các môn đệ lên đường, Chúa Giêsu một lần nữa tuyên bố rõ ràng, công khai về mầu nhiệm Ba Ngôi. Ngài nói: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Đức Kitô đã căn dặn các môn đệ làm phép rửa nhân danh cả Ba Ngôi trong cùng một Thiên Chúa duy nhất.
Mặc dù chỉ có một Thiên Chúa, nhưng lại có Ba Ngôi riêng biệt. Đó là Chúa Cha, Đấng hằng yêu thương đã dùng “sự thử thách, dấu chỉ, điềm lạ,…, cánh tay quyền năng mạnh mẽ và những thị kiến khủng khiếp để chọn lấy cho mình một dân tộc giữa các dân tộc khác”. Đó còn là Chúa Con, Đấng đã hy sinh trên thập giá và sống lại vì chúng ta, và nếu “chúng ta đồng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng hưởng vinh quang với Người”. Đó còn là Chúa Thánh Thần, Đấng ban cho chúng ta sự sống mới, sự sống của con cái Thiên Chúa, khi chúng ta chịu phép Rửa trong Đức Kitô, như lời thánh Phaolô chúng ta vừa nghe: “Ai sống theo Thánh Thần Thiên Chúa thì là con cái Thiên Chúa”. Và cũng nhờ Thánh Thần, chúng ta nhận được “tinh thần nghĩa tử của Thiên Chúa; trong tinh thần ấy, chúng ta kêu lên rằng: “Abba”, “Cha ơi””.
Mặt khác, Ba Ngôi tuy riêng biệt, nhưng cũng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất. Chính vì yêu nên “Ba là một”. Chính vì yêu nên Thánh Ý của Cha cũng là ý của Con, chính Chúa Giêsu đã khẳng định điều này với các môn đệ tại bờ giếng Giacóp: “Lương thực của Thầy là làm theo ý Đấng đã sai Thầy” (Ga 4, 34). Và trong sự duy nhất đó của Ba Ngôi, Thánh Thần chính là Đấng đến để làm cho ơn cứu độ của Chúa Giêsu được phát triển một cách sung mãn. Chính Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần, Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng ấy sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em… Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 14, 26. 16, 14).
Như thế, chúng ta thấy cho dù là một Thiên Chúa duy nhất, Ba Ngôi vẫn riêng biệt, không đánh mất ngôi vị và đặc tính riêng của mình, mỗi ngôi đều chu toàn trọn vẹn vai trò của mình trong một tình yêu duy nhất. Hay nói theo cách nói của Nho giáo và cũng đã trở thành một đặc điểm trong nền văn hoá Việt Nam, Ba Ngôi đã thực sự “Chính Danh”. Ngôi nào đúng với “Danh” ngôi đó. Nhờ Chính Danh, Ba Ngôi là một, và cho dù là một, nhưng vẫn là ba riêng biệt. Chính nhờ có sự phân biệt đó, sự duy nhất của Ba Ngôi không đơn điệu, nhưng thật phong phú và sung mãn.
Như thế, Ba Ngôi chẳng phải là mẫu gương cho các gia đình chúng ta hay sao? Mẫu gương “ba mà một, một mà ba”
- Gia đình sống mầu nhiệm Ba Ngôi:
Mẫu gương đầu tiên, các gia đình chúng ta học được nơi mầu nhiệm Ba Ngôi là mẫu gương về hiệp nhất. Đây là sự hiệp nhất trong tình yêu, khiến cho Ba Ngôi nên một. Nếu mỗi thành viên trong gia đình chúng ta cũng biết yêu thương nhau theo mẫu gương của Ba Ngôi, nghĩa là người này luôn nghĩ đến ý muốn, hạnh phúc của người kia, và luôn muốn làm vui lòng người kia, thì gia đình chúng ta cho dù có nhiều người cũng sẽ trở nên một.
Kế đến, điểm thứ hai chúng ta học được nơi mầu nhiệm Ba Ngôi đó là: Tuy chỉ có một Chúa, nhưng lại là Ba Ngôi riêng biệt. Sự riêng biệt này nhắc nhở chúng ta rằng: trong gia đình, mỗi người có một chổ đứng và một bổn phận riêng. Do đó, mỗi người cần chu toàn bổn phận của mình trong gia đình cách chu đáo. Mỗi người phải sống cho “Chính Danh”, nghĩa là, sống đúng với địa vị và vai trò của mình. Vợ chồng biết tôn trọng lẫn nhau. Cha mẹ sống đúng với vai trò của cha mẹ, luôn làm gương sáng cho con cái bằng chính đời sống tiết độ, công chính của mình. Con cái phải biết vâng phục cha mẹ trong tâm tình yêu mến và thảo hiếu, như Chúa Giêsu đã luôn vâng phục Chúa Cha (x. Ga 4, 34; Dt 5, 8-9).
Nếu mỗi gia đình trong giáo xứ chúng ta biết sống “Chính Danh”, nghĩa là, từng người trong gia đình luôn sống đúng vai trò của mình và chu toàn nhiệm vụ của mình trong tình yêu, gia đình chúng ta dù đông cũng trở nên một. Chúng ta trở nên một, nhưng mỗi người vẫn còn là chính mình. Nhờ đó, gia đình của chúng ta sẽ không tẻ nhạt, nhưng ngày càng trở nên sung mãn, phong phú và thật sự hạnh phúc. Amen.