Chúa Nhật CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG – Năm B
THÁNH THẦN, NGUỒN HIỆP NHẤT
Lm. Phêrô Trần Thanh Sơn
***
Trong Chúa Nhật lễ Thăng Thiên vừa qua, cũng là ngày “Thế giới truyền thông”, Đấng Phục Sinh đã trao cho chúng ta sứ mạng lên đường truyền thông cho mọi người biết Tin Mừng cứu độ. Sứ mạng này thật vinh dự nhưng cũng không kém phần khó khăn. Cảm thông được với sự giới hạn của bản thân từng người chúng ta, trước khi về Trời, Chúa Giêsu đã nhắn bảo các tông đồ và từng người chúng ta: “Hãy chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa… Ít ngày nữa, các con sẽ chịu phép Rửa trong Thánh Thần”. Lời hứa đó, hôm nay, đã trở thành hiện thực với việc Chúa Thánh Thần được ban xuống cho các tông đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần, mà chúng ta vừa nghe thuật lại trong bài đọc một.
Chúa Thánh Thần chính là ân huệ của Đấng Phục Sinh, và là nguồn sức mạnh nối kết muôn dân và các tín hữu nên một trong cùng một phép Rửa và một niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô, như lời thánh Phaolô trong bài đọc hai: “Không ai có thể nói: “Chúa Giêsu là Chúa” mà lại không do Thánh Thần”.
- Chúa Thánh Thần, ân huệ của Đấng Phục Sinh
Nhìn lại những đoạn Tin mừng theo thánh Gioan được trích đọc trong hai tuần lễ vừa qua, chắc hẳn chúng ta đều nhận ra rằng lời hứa ban Thánh Thần là điều được Chúa Giêsu lập đi, lập lại rất nhiều lần. Chính Ngài đã khẳng định với các tông đồ: “Thầy đi thì ích lợi cho các con, vì nếu Thầy không đi, thì Đấng Phù Trợ sẽ không đến với các con, nhưng nếu Thầy ra đi, Thầy sẽ sai Người đến với các con” (Ga 16, 7).
Và quả thật, Chúa Giêsu đã thực hiện trọn vẹn lời hứa này của Ngài. Ngay khi hiện ra lần đầu tiên với các tông đồ vào “ngày thứ nhất trong tuần”, Chúa Giêsu đã phán bảo với các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần”. Như thế, đối với thánh Gioan, việc Chúa Giêsu Tử nạn – Phục Sinh – Ban Thánh Thần là một. Chính vì thế, phụng vụ đã chọn đọc bài Tin Mừng hôm nay chính thức hai lần trong mùa Phục Sinh: Một là vào ngày Chúa Nhật trong tuần Bát Nhật Phục Sinh và hôm nay, trong ngày lễ Chúa Thánh Thần.
Cũng theo chiều hướng đó, thánh Gioan đã gắn liền cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá với việc trao ban Thần Khí, thánh sử đã thuật lại giờ ra đi của Chúa Giêsu như sau: “Người gục đầu xuống và trao Thần Khí” (Ga 19, 30). Với cái chết của mình, Chúa Giêsu thực sự mở ra một giai đoạn mới trong nhiệm cục cứu độ, giai đoạn hoạt động của Chúa Thánh Thần. Nói là giai đoạn của Chúa Thánh Thần, bởi vì trước đó, mặc dù vẫn hiện diện và hoạt động trong chương trình cứu độ, nhưng vai trò của Chúa Thánh Thần vẫn còn chưa được làm rõ. Chính Chúa Giêsu, trong lần lên Giêrusalem vào dịp Lễ Lều của người Do thái, đã minh nhiên tuyên bố: “Từ lòng Người sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống”. Và thánh Gioan giải thích : “Chúa Giêsu muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận. Thật thế, bấy giờ họ chưa nhận được Thần Khí, vì Chúa Giêsu chưa được tôn vinh” (Ga 7, 38-39). Giờ Chúa Giêsu được tôn vinh, “được giương cao”, chính là giờ Chúa Giêsu bị treo trên thập giá (x. Ga 12, 23-32). Và ngay trên thập giá, “một tên lính đã lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra” (Ga 19, 34). Như thế, “máu và nước” này chẳng phải là “Dòng nước hằng sống, dòng nước Thánh Thần” mà Chúa Giêsu đã hứa trước đó sao?
Như thế, Thánh Thần chính là ân huệ lớn lao nhất mà Chúa Giêsu trao ban cho chúng ta từ cuộc Vượt Qua của Ngài. Đồng thời, Thánh Thần còn là nguồn sức mạnh liên kết muôn người lại với nhau, và với Thiên Chúa. Thánh Thần cũng chính là Đấng tái tạo lại sự hiệp nhất nguyên thuỷ mà con người đã đánh mất bởi tội của mình.
- Chúa Thánh Thần, nguồn hiệp nhất:
Trước hết, Chúa Thánh Thần, chính là Đấng qui tụ muôn dân nên một trong Giáo Hội.
Thật vậy, các tông đồ trước khi nhận lãnh Thánh Thần đã “đóng kín cửa vì sợ người Do thái”. Thế nhưng, sau khi đã nhận được sức mạnh của Thánh Thần, các ngài đã mở tung cửa mạnh dạn bước ra rao giảng cho mọi người Tin Mừng về Đấng Phục Sinh khiến mọi người đều bỡ ngỡ. Theo sách Tông đồ Công vụ thuật lại lúc đó, tại Giêrusalem có rất nhiều người thuộc các dân tộc với nhiều tiếng nói khác nhau, từ muôn nơi đổ về nhân dịp lễ Vượt Qua, nhưng có một điều lạ là tất cả đều nghe rõ và hiểu điều các tông đồ loan báo, họ thắc mắc: “Tại sao mỗi người chúng tôi lại nghe họ nói tiếng bản xứ của chúng tôi: Chúng tôi là người Parthi, Mêđi, Êlam, Mêsopotamia, Giuđêa, Cappađôcia, Pontô, Tiểu Á, Phrygia, Pamphylia, Ai cập, Lybia, cận Cyrênê, và người Rôma cư ngụ ở đây, là Do thái và tòng giáo, là người Crêta và Árập, chúng tôi đều nghe họ nói tiếng của chúng tôi mà ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa”. Khi nêu lên danh sách các dân tộc này, thánh sử Luca đã cho thấy tính phổ quát của Tin Mừng cứu độ. Mọi dân nước dù xa xôi như Rôma, mút cùng của thế giới theo quan điểm của người Do thái hay bé nhỏ như Pamphylia, một thành phố rất nhỏ của đế quốc Rôma, cũng phải được nghe loan báo Tin Mừng và được qui tụ về thành một đoàn chiên duy nhất dưới quyền của một Chủ chiên là Đức Kitô.
Như thế, Chúa Thánh Thần chính là mối dây liên kết muôn dân nên một, như lời khẳng định của thánh Phaolô trong bài đọc hai: “Vì chưng trong cùng một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể, cho dù là Do thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do: tất cả chúng ta đã uống trong một Thánh Thần”.
Kế đến, theo thánh Phaolô, Chúa Thánh Thần còn là mối dây liên kết mọi thành phần trong Hội Thánh. Mỗi người, mỗi thành phần trong Hội Thánh không đứng riêng rẽ, nhưng liên đới và gắn bó chặt chẽ với nhau như các chi thể trong cùng một thân thể, như lời thánh Phaolô: “Cũng như chỉ có một thân thể, nhưng có nhiều chi thể, mà các chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân thể, thì Chúa Kitô cũng vậy”. Có lẽ đây là một trong những hình ảnh sống động và rõ ràng nhất để diễn tả sự hiệp nhất và liên đới của mọi thành phần trong Giáo Hội.
Mặt khác, vì cùng chung một thân thể, nên mỗi chi thể cho dù hoạt động có khác nhau cũng không nhằm đem lại lợi ích cho riêng mình, nhưng là cho toàn thân thể. Mắt có nhìn thấy cũng là để hướng dẫn cho toàn thân thể; tay có làm việc cũng là làm cho toàn thân thể; miệng có ăn cũng là để nuôi sống toàn thân thể, … hay nói theo cách nói của thánh Phaolô: “Có nhiều thứ ân sủng, nhưng chỉ có một Thánh Thần. Có nhiều thứ chức vụ, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều thứ công việc, nhưng chỉ có một Thiên Chúa là Đấng làm mọi sự trong mọi người”. Và thánh nhân kết luận: “Sự xuất hiện của Thánh Thần được ban cho từng người, tuỳ theo lợi ích”.
Lắng nghe Lời Chúa trong Thánh Lễ hôm nay là cơ hội để mỗi người chúng ta ý thức lại vị trí của chúng ta trong cộng đoàn Giáo Hội, Giáo xứ. Trong cộng đoàn đó, mỗi người chúng ta có một vị trí, và vai trò độc đáo không thể thay thế. Do đó, chúng ta hãy cố hết sức chu toàn nhiệm vụ của mình trong gia đình, trong giáo xứ. Trong mọi suy nghĩ, lời nói, cũng như hành động… chúng ta cần loại bỏ tất cả những gì không mang lại sự hiệp nhất, vì cho dù điều đó bên ngoài có vẻ đẹp đến mấy đi chăng nữa, thì đó vẫn không phải là hoạt động của Thánh Thần.
Chớ gì nhờ việc rước chung cùng một tấm Bánh trên bàn thờ đây, mỗi người chúng ta khi trở về nhà cũng luôn biết quên mình, để tạo nên sự hiệp nhất trong gia đình, giáo xứ… Nhờ đó, cộng đoàn chúng ta ngày càng dẫn đưa được nhiều người trở về với Đức Kitô, trong cùng một Chúa Thánh Thần. Amen.