Chúa Nhật 7 Phục Sinh – Năm B: Chúa Thăng Thiên
TRUYỀN THÔNG TRONG GIA ĐÌNH:
MỘT NƠI THUẬN LỢI CỦA GẶP GỠ
VỚI HỒNG ÂN TÌNH YÊU
Lm. Phêrô Trần Thanh Sơn
***
Hôm nay cộng đoàn chúng ta họp nhau trong ngôi thánh đường này để mừng trọng thể lễ Chúa Thăng Thiên. Đây cũng là ngày Giáo Hội dành làm “Ngày truyền thông thế giới”. Khi chọn ngày lễ này làm ngày truyền thông, Giáo Hội muốn nhắc nhở từng người chúng ta ý thức hơn đến việc loan truyền cho mọi người Tin Mừng Phục Sinh, một Tin Mừng vĩ đại nhất qua mọi thời đại và có khả năng biến đổi cuộc sống của những ai tin nhận. Không chỉ hôm nay, nếu để ý, chúng ta sẽ thấy trong suốt những tuần lễ vừa qua, dưới nhiều hình thức khác nhau, phụng vụ lời Chúa cũng đã luôn mời gọi chúng ta phải lên đường loan báo Tin Mừng Phục Sinh của Đức Kitô.
Và hôm nay, trước khi chấm dứt giai đoạn hiện diện hữu hình của mình với các môn đệ, một lần nữa, Đấng Phục Sinh đã giao cho các tông đồ sứ mạng: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật”.
Như thế, loan báo Tin Mừng Phục Sinh không còn là một điều mà chúng ta muốn làm hay không tuỳ thích, nhưng là một sứ mạng, một bổn phận bắt buộc cho tất cả những ai muốn xưng mình là kitô hữu. Ý thức điều đó, Công đồng Vatican II, trong Sắc lệnh về truyền giáo, số 2 đã nói: “Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo”. Giáo Hội phải loan truyền cho mọi người về Tin Mừng Phục Sinh. Chúa lên trời, không phải là Ngài không còn hiện diện với con người nữa, nhưng là hiện diện với một cách thức mới, hiệu quả hơn, như lời Ngài đã hứa: “Các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđêa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất”. Lịch sử Giáo Hội bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn mở ra cho muôn dân.
Từ đây, Giáo Hội có nhiệm vụ truyền thông cho thế giới về Tin Mừng Phục Sinh, Tin Mừng của Tình yêu và Sự sống, Tin Mừng của niềm Hy vọng.
Riêng năm nay, trong Đức Thánh Cha Phanxicô đã muốn toàn thể Giáo Hội khởi sự việc truyền thông Tin mừng này bắt đầu từ mái gia đình. Ngay trong lời mở đầu của Sứ điệp, ngài viết: “Gia đình là đối tượng suy tư sâu sắc của Giáo Hội và của một tiến trình liên quan đến hai Thượng Hội Đồng: Thượng Hội Đồng Ngoại Thường về Gia Đình gần đây và Thượng Hội Đồng thường kỳ dự kiến vào tháng Mười tới (10/2015). Vì vậy, tôi nghĩ thật là thích hợp để chủ đề cuả Ngày Truyền thông Thế giới sắp tới có điểm quy chiếu là gia đình. Nói cho cùng, chính là trong bối cảnh của gia đình mà chúng ta lần đầu tiên biết cách giao tiếp. Tập trung vào ngữ cảnh này có thể giúp cho việc truyền thông của chúng ta chân thực và nhân bản hơn, đồng thời giúp chúng ta nhìn gia đình từ một góc độ mới.
Chúng ta có thể lấy cảm hứng từ đoạn Tin Mừng thuật lại chuyến viếng thăm của Đức Mẹ dành cho bà Êlisabét (Lc 1: 39-56). “Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được trần đầy Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: ‘Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.’”(các câu. 41-42)” (Đức Thánh Cha Phanxicô, Sứ điệp ngày Truyền thông Thế giới 2015)
Khởi từ đoạn Tin mừng này, Đức Thánh Cha đã cho chúng ta thấy: “Dạ mẹ đang cưu mang chúng ta là “trường học” đầu tiên của truyền thông, một nơi để lắng nghe và có những tiếp xúc thể lý khi chúng ta bắt đầu làm quen với thế giới bên ngoài từ trong một môi trường được bảo vệ, nơi nhịp tim người mẹ là âm thanh làm ta yên tâm. … Đó là một kinh nghiệm mà tất cả chúng ta cùng chia sẻ, vì mỗi người trong chúng ta đều được sinh ra bởi một người mẹ”.
Chúa lên trời, Ngài không trực tiếp hoạt động nữa nhưng Ngài muốn mượn đôi tay, đôi chân, và cả con tim của chúng ta để thông truyền Tin Mừng đó cho mọi người ngay trong chính môi trường chúng ta đang sống mà môi trường gần gũi nhất, cụ thể nhất chính là gia đình của chúng ta. Sách Công vụ Tông đồ thuật lại, sau khi Đức Giêsu Phục Sinh về trời, đang lúc các môn đệ vẫn còn ngước mắt lên trời, thì thiên sứ đã nhắc các ông: “Hỡi người Galilê, sao các ông còn đứng nhìn trời…”. Các tông đồ không được phép đứng đó mãi nhìn trời. Các ông phải trở về với cuộc sống hiện tại để làm chứng cho Đấng Phục Sinh, làm chứng cho mọi người về tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu dám chết cho người mình yêu. Và để cảm nhận được tình yêu ấy thì không nơi nào tốt hơn là gia đình, bởi vì “Chính là trong gia đình mà đa số chúng ta đã học được những chiều kích tôn giáo của truyền thông, nơi Kitô giáo được thấm nhuần tình yêu, là tình yêu mà Thiên Chúa ban cho chúng ta và đến lượt mình chúng ta lại trao ban cho người khác”.
Đồng thời, Đức Thánh Cha Phanxicô nói tiếp: “Trong gia đình, chúng ta học cách chấp nhận và hỗ trợ lẫn nhau, học cách phân biệt ý nghĩa của những biểu hiện trên khuôn mặt và những khoảnh khắc của sự im lặng, học cách khóc cười với những người tuy đã không chọn lựa nhau nhưng rất quan trọng đối với nhau. (Thật vậy, ai trong chúng ta có thể chọn lựa cho mình cha mẹ, anh chị em đâu). Điều này giúp chúng ta rất nhiều để có thể hiểu được ý nghĩa của truyền thông như là sự công nhận và tạo ra sự gần gũi. Khi chúng ta giảm bớt khoảng cách bằng cách gần gũi hơn và chấp nhận nhau hơn, chúng ta cảm nhận được lòng biết ơn và niềm vui”. Thật vậy, biết bao bất hoà, chia rẽ dẫn đến xung đột ẩu đả cũng chỉ vì thiếu chiều kích tình yêu, thiếu sự chấp nhận nhau trong các mối tương quan.
Để sống được như vậy không phải là điều dễ dàng. Với kinh nghiệm bản thân của mình, chắc hẳn mỗi người chúng ta cũng có cùng một cảm nghiệm với thánh Phaolô: “Điều lành tôi muốn tôi lại không làm, còn điều dữ tôi không muốn, tôi lại làm” (Rm 7, 20). Những điều đối với chúng ta là không thể, thì đối với Thiên Chúa lại là có thể. Do đó, mỗi người chúng ta hãy hoạt động trong sức mạnh của Đấng Phục Sinh và dưới tác động của Thánh Thần. Thánh Phaolô trong bài đọc hai đã nhắc bảo chúng ta hãy luôn cậy trông vào ơn Chúa: “Xin cho mắt tâm hồn anh em được sáng suốt để anh em biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi… và thế nào là quyền năng vô cùng lớn lao của Người đối với chúng ta”.
Lòng trông cậy của chúng ta không phải là một sự trông cậy viễn vông, nhưng dựa vào chính lời hứa của Đấng Phục Sinh trước lúc về trời: “Hãy chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa… Phần các con, …, các con sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần… Các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con”. Lời hứa này đã được chứng thực qua hoạt động rao giảng của các tông đồ thuở ban đầu. Thánh sử Marcô thuật lại: “Các ông đi giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố lời giảng dạy bằng những phép lạ kèm theo”.
Tóm lại, chúng ta có thể chu toàn sứ mạng thông truyền Tin Mừng bằng chính đời sống công chính, yêu thương, nhường nhịn, tha thứ, và một tấm lòng mở rộng sẵn sàng cảm thông của chúng ta ngay trong mái gia đình mình. Kết thúc Sứ điệp Truyền Thông năm nay (2015), Đức Thánh Cha mời gọi: “Các gia đình không phải là một đối tượng của những cuộc tranh luận hoặc một địa bàn cho những cuộc đụng độ về ý thức hệ. Thay vào đó, gia đình là một môi trường trong đó chúng ta học để giao tiếp với cảm nhận của sự gần gũi, là bối cảnh trong đó giao tiếp diễn ra, một “giao tiếp cộng đồng”. Gia đình là một cộng đồng mang đến sự giúp đỡ có hiệu quả và tôn vinh cuộc sống. Một khi chúng ta nhận ra điều này, chúng ta lại thấy thêm một lần nữa rằng gia đình vẫn tiếp tục là một nguồn mạch phong phú cho nhân loại, chứ không phải là một vấn nạn hoặc một định chế đang bị khủng hoảng.”. Chính khi các thành viên trong gia đình người kitô hữu biết sống gần gũi, yêu thương nâng đỡ nhau cách vô vị lợi như thế, thì lúc đó gia đình chúng ta sẽ là một dấu lạ cho mọi người nhận ra rằng có một Thiên Chúa đang ở với chúng ta. Chớ gì nhờ sức mạnh của Thánh Thể nâng đỡ, từng người, từng gia đình và cả cộng đoàn giáo xứ chúng ta sẽ trở thành một lời chứng hùng hồn cho Tin Mừng yêu thương và hy vọng vào Đấng Phục Sinh, để ngày sau tất cả chúng ta cùng được về trời với Chúa chúng ta. Amen.