Chúa Nhật 7 Phục Sinh – Năm B: Chúa Thăng Thiên
“ĐỨC GIÊ-SU ĐƯỢC ĐƯA LÊN TRỜI
VÀ NGỰ BÊN HỮU THIÊN CHÚA”
Lm Inhaxiô Hồ Thông
***
Tin Mừng Mác-cô hiệp nhất cuộc Thăng Thiên hữu hình và cuộc tôn vinh của Chúa Con ngự bên hữu Chúa Cha, theo một công thức cô động mà Giáo Hội đã giữ lại trong kinh Tin Kính: “Đức Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa”.
CHÚA NHẬT LỄ THĂNG THIÊN
Lễ Thăng Thiên tưởng niệm đồng lúc hai biến cố: cuộc Thằng Thiên hữu hình của Chúa Giê-su có các Tông Đồ làm chứng và cuộc tôn vinh của Ngài không có nhân chứng.
Cv 1: 1-11
Sau khi nhắc lại cuộc gặp gỡ sau cùng của Đấng Phục Sinh với các môn đệ của Ngài, sách Công Vụ tường thuật cuộc Thăng Thiên hữu hình: “Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa”.
Ep 4: 1-13
Sau khi gợi lên biến cố Thăng Thiên vinh quang của Đức Ki-tô: “Đấng đã lên cao hơn mọi tầng trời”, thánh Phao-lô nhắc lại rằng vận mệnh của người Ki-tô hữu là gặp lại Đức Ki-tô, vì Ngài là Thủ Lãnh của Giáo Hội, và Giáo Hội là Nhiệm Thể của Ngài.
Mc 16: 15-20
Tin Mừng Mác-cô hiệp nhất cuộc Thăng Thiên hữu hình và cuộc tôn vinh của Chúa Con ngự bên hữu Chúa Cha, theo một công thức cô động mà Giáo Hội đã giữ lại trong kinh Tin Kính: “Đức Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa”.
BÀI ĐỌC I (Cv 1: 1-11)
Sách Tông Đồ Công Vụ được trình bày như phần tiếp theo của sách Tin Mừng Lu-ca: cùng một tác giả là thánh Lu-ca, và cùng một người nhận là ông Thê-ô-phi-lô nào đó, mà chúng ta không biết.
Sách Tin Mừng Lu-ca kết thúc với cuộc Thăng Thiên của Đức Ki tô: “Người rời khỏi các ông, và được đưa lên trời…” (Lc 24: 51) trong khi sách Công Vụ mở ra với hai lần gợi lên cùng một biến cố: “…cho tới ngày Người được rước lên trời” (Cv 1: 2) và“Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa” (1: 9). Như vậy, qua kiểu trình bày văn chương này: “ở phần cuối” sách Tin Mừng Lu-ca và “ở phần đầu” sách Công Vụ, cuộc Thăng Thiên rõ ràng được trình bày vừa đích điểm sự hiện diện hữu hình của Thiên Chúa và vừa khởi điểm sự hiện diện vô hình của Thiên Chúa ở giữa loài người; đồng thời, vừa hoàn tất sứ mạng trần thế của Đức Giê-su và vừa bắt đầu sứ mạng của các Tông Đồ.
1.Hai cuộc Thăng Thiên:
Một cách nào đó, chúng ta có thể phân biệt hai cuộc Thăng Thiên: Cuộc Thăng Thiên thứ nhất không có nhân chứng, đó là việc Đức Giê-su trở về cùng Cha Ngài ngay sau khi Ngài sống lại. Đây là một cuộc đoàn tụ Ba Ngôi, biến cố tuyệt mức thần linh; và đó cũng là cuộc tôn vinh Đức Giê-su bên cạnh cạnh Chúa Cha, cuộc tôn vinh mà Ngài đã nguyện xin trong lời cầu nguyện của Ngài, trước khi bước vào cuộc Khổ Nạn của Ngài:“Vậy, lạy Cha, xin Cha tôn vinh Con bên Cha: xin ban cho con vinh quang mà con được hưởng bên Cha trước khi có thế gian” (Ga 17: 5).
Cuộc Thăng Thiên thứ hai là việc Đức Giê-su lên trời hữu hình trước mắt các Tông Đồ. Biến cố này chủ yếu liên quan đến chúng ta: chính nhân tính, cùng với Đức Ki-tô, sẽ chiếm chỗ trong vinh quang Thiên Chúa. Cuộc Thăng Thiên nầy loan báo cuộc thăng thiên của chúng ta.
2.Lý do của cuộc Thăng Thiên hữu hình.
Vào cuộc gặp gỡ sau cùng với các môn đệ, Ngài chỉ cần loan báo cho các ông rằng Ngài sẽ không tỏ mình ra nữa, đoạn nói lời từ biệt với họ, và rồi biến mất như Ngài đã nhiều lần làm như vậy trong suốt bốn mươi ngày sau biến cố Phục Sinh. Tại sao Đức Giê-su đã chọn cuộc ra đi khỏi thế giới nầy một cách ngoạn mục như thế, dù thoáng qua và kín đáo?
Chúng ta gặp thấy câu trả lời qua cách thức mà Đức Giê-su, trong suốt cuộc đời công khai của Ngài, đã trình bày cuộc sống tiền hữu và cuộc Nhập Thể của Ngài.
Trước hết, Ngài lên trời theo cách thức như vậy nhằm chỉ rõ mình dưới danh xưng“Con Người”, nhân vật này, theo thị kiến của ngôn sứ Đa-ni-en, “đang ngự giá mây trời mà đến” (Đn 7: 13). Trong cuộc nói chuyện với ông Ni-cô-đê-mô Đức Giê-su xác định:“Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3: 13; cf. 16: 28; 17: 11, vân vân).
Đức Giê-su cũng sử dụng hình ảnh nầy khi công bố: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống”. Trong diễn từ “Bánh Hằng Sống”, Ngài gợi lên sáu lần diễn ngữ “từ trời xuống” nầy, và cuối cùng, Ngài kết thúc bằng những lời nầy: “Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư? Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao?” (Ga 6: 62). Đây là cách thức Đức Giê-su dùng để loan báo cuộc Thăng Thiên của mình rõ ràng nhất.
3. “Trong bốn mươi ngày, Người hiện ra…”
Con số “bốn mươi” nầy chất chứa biết bao ý nghĩa: nó hình thành nên thể song đối với bốn mươi ngày Đức Giê-su trải qua trong hoang địa để chuẩn bị sứ mạng của Ngài, giữa phép rửa bởi thánh Gioan Tẩy Giả và khởi đầu cuộc đời công khai của Ngài. Đó cũng là khoảng thời gian để chuẩn bị cho các môn đệ bắt tay vào sứ mạng của họ, giữa biến cố Phục Sinh và biến cố Thăng Thiên của Ngài.
Chúng ta có thể tự hỏi Ngài đã sống như thế nào sau khi sống lại. Một cách nào đó, Kinh Thánh cung cấp cho chúng ta một tiên trưng. Quả thật, khi đọc đoạn văn Tông Đồ Công Vụ nầy làm thế nào chúng ta không nghĩ đến sách Tô-bi-a, trong đó thiên sứ Ra-pha-en, sau khi đã hoàn tất sứ mạng trần thế của mình, mặc khải cho ông Tô-bi-a và vợ của ông là bà Xa-ra chân tính của mình: “Tôi đây là Ra-pha-en, một trong bảy thiên sứ luôn hầu cận và vào chầu trước nhan vinh hiển của Chúa…Đừng sợ! Bình an cho các ngươi!…Phần tôi, tôi đã ở với các ngươi…do ý muốn của Thiên Chúa…Các ngươi đã thấy tôi ăn, nhưng thật ra tôi không ăn gì cả, đó chỉ là một thị kiến mà các ngươi thấy…Nầy tôi lên cùng Đấng đã sai tôi…Và thiên sứ lên trời. Hai cha con đứng dậy, nhưng không thể thấy thiên sứ nữa” (Tb 12: 15-21).
4.Chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống.
Trước khi từ giả các môn đệ lên trời, Đức Giê-su dặn dò các ông những lời sau cùng và loan báo cho các ông biết các ông sẽ đón nhận phép rửa trong Thánh Thần. Ngài nhắc lại lời hứa mà Ngài đã hứa với các ông: “Ông Gioan thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần”.
Vào lúc nầy, các ông đã hỏi Ngài câu hỏi không thể nào tin được: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không?”. Họ vẫn ôm ấp một giấc mơ chính trị xưa cũ về việc khôi phục nền độc lập của quốc gia Ít-ra-en! Đức Giê-su không trách cứ họ; Ngài không trả lời thẳng câu hỏi của họ, nhưng mượn kiểu nói khác: vương quốc mà Ngài sắp giao phó cho họ sẽ vượt quá đất nước nhỏ bé của xứ Giu-đê, cho đến tận cùng thế giới. Nhưng vào lúc nầy đây, chưa đón nhận sức mạnh Thánh Thần, họ chưa có thể nào hiểu được.
5.Đức Giê-su biến mất trong mây trời:
Đây không cốt là đám mây nào, nhưng đám mây chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa, như đã xảy ra biết bao lần trong Cựu Ước. Hơn nữa, thánh Lu-ca là thành ký của biến cố Truyền Tin: đám mây, dấu chỉ của Chúa Thánh Thần, phủ bóng trên Đức Ma-ri-a vào giây phút Ngôi Lời thụ thai trong lòng trinh khiết của Mẹ; đó cũng là đám mây quyện lấy Đức Giê-su khi Ngài từ giả cõi thế nầy. Một thiên sứ hiện diện khi Đức Trinh Nữ thưa “xin vâng”. Cũng thế, các thiên sứ hiện diện vào lúc Đức Giê-su trở về với Cha Ngài.
Biến cố Thăng Thiên là điều kiện của biến cố Ngũ Tuần; Chúa Thánh Thần ngự xuống sẽ biến đổi các Tông Đồ và thúc đẩy họ bắt tay hành động. Các thiên sứ đã mời gọi họ rồi: “Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn lên trời? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời”. Nhưng phải chuẩn bị ngày Ngài trở lại nầy bằng cách bắt đầu công việc truyền giáo vĩ đại mà Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta.
BÀI ĐỌC II (Ep 4: 1-13)
(Phụng Vụ cho phép chúng ta lựa chọn giữa bản văn Ep 1: 17-23 và bản văn Ep 4: 1-13. Bản văn Ep 1: 17-23 đã được chú giải trong lễ Thăng Thiên năm A. Vì thế, để có thêm chất liệu phong phú cho ngày lễ Thăng Thiên năm B, xin chú giải bản văn Ep 4: 1-13).
Thánh Phao-lô đã viết thư gởi các tín hữu Ê-phê-xô trong khi thánh nhân đang bị giam cầm ở Rô-ma vào những năm 61-63. Lời chào của bức thư nầy rất tổng quát gởi đến“các tín hữu trong Đức Giê-su Ki-tô”, điều nầy khiến nghĩ rằng bức thư nầy nhằm luân lưu giữa các cộng đoàn (các cộng đoàn khác miền Tiểu Á).
Bức thư được chia thành hai phần: phần thứ nhất về đạo lý và phần thứ hai về luân lý và khuyên bảo. Phần thứ hai được liên kết chặc chẽ với phần thứ nhất. Đoạn trích hôm nay là đoạn mở đầu của phần thứ hai.
1. “Tôi là người đang bị tù vì Chúa”.
Để tăng cường những lời khuyên bảo của mình, thánh Phao-lô nhắc nhớ trước hết ngài đang bị giam cầm, như vậy thánh nhân muốn nói rằng ngài không chỉ là vị tông đồ rao giảng về Đức Ki-tô, nhưng còn là nhân chứng chịu đau khổ vì Đức Ki tô.
Trong phần thứ nhất về đạo lý, thánh Phao-lô đã có chủ ý trình bày “mầu nhiệm cứu độ” mà thánh nhân đã được chính Đức Ki-tô mặc khải và ra lệnh phải truyền lại cho Giáo Hội của Ngài, đó là trong kế hoạch của Thiên Chúa, mọi người, dù Do thái hay lương dân, đều được mời gọi hưởng nhận cùng một ơn cứu độ.
2.Ơn gọi làm người Ki tô hữu.
Vì thế, thánh nhân nhắc nhở với hết mọi người Ki-tô hữu, dù họ xuất thân từ đâu, hãy sống cho xứng với ơn gọi mà Thiên Chúa đã ban cho họ.
Thánh nhân khuyên họ phải ăn ở thật khiêm nhường, hiền từ và nhẫn nại, lấy đức ái mà chịu đựng lẫn nhau. Chúng ta ghi nhận rằng thánh nhân đã đặt lên hàng đầu những nhân đức mà chính Đức Giê-su là mẫu gương: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhượng” (Mt 11: 29). Đoạn thánh nhân mời gọi họ hãy hiệp nhất với nhau bằng cách “ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau”. Trước đó, thánh nhân đã gợi lên sự bình an mà Đức Giê-su mang lại: “Thật vậy, chính Người là sự bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Do thái và dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tương ngăn cách là sự thù ghét” (2: 14).
Lời kêu gọi “ăn ở thuận hòa với nhau” không là nét đặc thù trong các thư của thánh Phao-lô. Việc chung sống giữa những người Ki-tô hữu gốc Do thái và những người Ki-tô gốc lương dân đã là vấn đề trong lòng Giáo Hội tiên khởi.
3.Lời tuyên xưng đức tin.
Tiếp đó, trong một niềm hưng phấn, thánh Phao-lô công bố lời tuyên xưng đức tin xoay quanh chủ đề về sự hiệp nhất: chỉ có một thân thể, một Thần Khí, một Chúa, một niềm tin, một phép rửa, vân vân. Biểu thức nguyên thủy có thể là một lời công bố phụng vụ mà những người chịu phép rửa tuyên xưng khi khẳng định niềm tin của mình, chắc chắn được thánh Phao-lô quảng diễn. Những thuật ngữ của lời tuyên xưng nầy rõ ràng đã có ảnh hưởng trên kinh Tin Kính của công đồng Ni-xê.
Thật kỳ lạ và có thể có chủ ý, khi ngỏ lời cả với những Ki-tô hữu gốc Do thái lẫn những Ki-tô hữu gốc lương dân, thánh Phao-lô sử dụng những diễn ngữ nhắc nhớ trước hết lời tuyên xưng độc thần của Ít-ra-en: chỉ có một Chúa, đoạn sử dụng từ vựng rất gần với từ vựng của phái Khắc Kỷ. Thiên Chúa của phái Khắc Kỷ, nguyên lý hiệp nhất, là“cha của muôn loài muôn vật”, Đấng duy trì sự cố kết và sự hòa điệu của vũ trụ. Đức Ki-tô cũng là nguyên lý hiệp nhất, nhưng không là một vị thần linh nội tại trong vũ trụ. Vai trò siêu việt của Ngài chính là hiệp nhất tất cả mọi sinh linh: Ngài là “Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người”.
Biểu thức hoàn vũ của thánh Phao-lô cũng thay thế những suy luận Do thái giáo, trong đó họ đề cao những quyền lực trung gian giữa Thiên Chúa và con người, nhất là quy chiếu trật tự vũ trụ vào vai trò của các thiên sứ.
4.Biến cố Thăng Thiên và biến cố Ngũ Tuần.
Muôn vàn ân sủng mà mỗi người đón nhận tùy theo mức độ Đức Ki-tô ban cho, Đấng “đã xuống tận các vùng đất sâu thẩm dưới mặt đất” (nhờ mầu nhiệm Nhập Thể) cũng chínnh là Đấng “đã lên cao hơn mọi tầng trời”. Ở đây, chúng ta nhận ra một trong những ý tưởng chủ đạo của thánh Phao-lô, thánh nhân thiết lập mối liên hệ giữa sự hạ mình của Con Thiên Chúa trong kiếp sống phàm nhân và sự tôn vinh của Ngài.
“Để làm cho vũ trụ được viên mãn”, thánh Phao-lô hiệp nhất trong cùng một viễn cảnh biến cố Thăng Thiên và biến cố Ngũ Tuần, tức là việc Đức Giê-su lên trời và việc Ngài ban xuống muôn vàn ân sủng. Để thực hiện điều nầy, thánh nhân dựa vào một bản văn Kinh Thánh: Thánh Vịnh 68. Thánh Vịnh này là một bài ngợi ca được hát lên khi rước Hòm Bia Giao Ước lên Giê-ru-sa-lem; bài ngợi ca nầy trình bày Đức Chúa tiến lên thánh điện của Người như một vị lãnh tụ chiến thắng, dẫn theo đám tù binh. Thánh Phao-lô áp dụng bài ngợi ca nầy vào Đức Ki-tô “Người đã lên cao, dẫn theo một đám tù; Người đã ban ân huệ cho loài người”. Muôn vàn ân huệ nầy được ban trước tiên cho những ai xây dựng Giáo Hội của Ngài.
5.Giáo Hội, sự viên mãn của Đức Ki tô.
Lúc đó, thánh Phao-lô hướng về phía các tín hữu, cũng chính họ xây dựng Nhiệm Thể Đức Ki-tô cho đến khi đạt được tầm mức tăng trưởng tối hậu, tầm vóc viên mãn. Sự viên mãn nầy chỉ có thể được thực hiện trong sự hiệp nhất của đức tin (thánh Phao-lô trở lại chủ đề về sự hiệp nhất) và của sự hiểu biết thật sự về Con Thiên Chúa.
Như vậy, cùng với nhau tăng trưởng trong đức tin và trong đức ái, “chúng ta sẽ được đưa lên cao cho đến Ngài”. Biến cố Thăng Thiên của Đức Ki-tô loan báo và chuẩn bị biến cố thăng thiên của chúng ta.
TIN MỪNG (Mc 16: 15-20).
Đây là đoạn kết Tin Mừng Mác-cô. Biến cố Thăng Thiên được gợi lên rất ngắn gọn nhưng đầy đủ: “Đức Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa”. Đây là cách diễn tả mà Giáo Hội đã giữ lại trong kinh Tin Kính. Quả thật, lễ Thăng Thiên tưởng niệm hai biến cố lên trời của Đức Giê-su: Cuộc tôn vinh của Ngài ngay lúc Ngài sống lại và cuộc lên trời hữu hình của Ngài trước mắt các Tông Đồ của Ngài.
Như Tin Mừng Lu-ca, Tin Mừng Mác-cô định vị hai biến cố vào cùng ngày: cả hai thánh ký đều đặt biến cố Thăng Thiên vào buổi chiều Phục Sinh, đây là cách thức thâu tóm hai biến cố trong cùng một quan điểm thần học. Tuy nhiên, sách Công Vụ lại đặt biến cố Thăng Thiên vào một khoảng thời gian “bốn mươi ngày sau”, về phương diện lịch sử xem ra thật hơn, bởi vì Tin Mừng Lu-ca nói về những lần Đấng Phục Sinh tỏ mình ra, dạy dổ các môn đệ của Ngài.
Đoạn Tin Mừng Mác-cô hôm nay có thể được chia thành ba phần:
-Lệnh lên đường loan báo Tin Mừng (16: 15-18).
-Biến cố Thăng Thiên (16: 19).
-Thi hành sứ mạng (16: 20).
1.Lệnh lên đường loan báo Tin Mừng (16: 15-18).
Biến cố Thăng Thiên đánh dấu việc kết thúc sứ vụ trần thế của Đức Giê-su và việc khởi đầu sứ vụ của các Tông Đồ.
Sự kiện Đấng Phục Sinh sai nhóm Mười Một đi thi hành sứ vụ đều được nhắc lại trong cả bốn sách Tin Mừng. Tin Mừng Mát-thêu nhấn mạnh rõ nhất chiều kích phổ quát của sứ vụ nầy: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành muôn đệ” (Mt 28: 19).
Tin Mừng Mác-cô cũng nhấn mạnh không kém: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”. Diễn ngữ “mọi loài thọ tạo”, rất gần với diễn ngữ của thánh Phao-lô trong thư gởi tín hữu Rô-ma (8: 19-22), có chung một viễn cảnh về sự đổi mới tâm linh, không chỉ của nhân loại nhưng cũng toàn thể vũ trụ.
A.Tin và không tin.
Thế chọn lựa đôi ngã: “Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án”, gợi nhớ bút pháp của Tin Mừng Gioan: hoặc tiếp đón ánh sáng hay ở trong bóng tối. Cuộc giáng trần của Đức Giê-su đòi buộc con người phải chọn lựa. Tất cả lời rao giảng tông đồ quả quyết rằng Đức Giê-su là Đấng Cứu Độ duy nhất; không ai có thể đạt được sự sống siêu nhiên mà không qua Ngài. Chỉ Giáo Hội được trao quyền truyền đạt sự sống siêu nhiên nầy nhờ các Bí Tích, trước hết bí tích Thánh Tẩy.
Lập trường không nhân nhượng nầy được giải thích do việc các Tông Đồ ngỏ lời với người Do thái, những ngươi này từ chối tin vào Đức Ki-tô và chỉ thấy ơn cứu độ nhờ Lề Luật.
B.Dấu lạ.
Đức Giê-su kể ra một loạt dấu lạ mà “những ai có lòng tin vào danh Ngài” có thể làm được. Ở đây, Chúa Giê-su không không chỉ ngỏ lời với các Tông Đồ, nhưng còn với những ai tiếp nối sau các Tông Đồ: “Họ sẽ trừ được quỷ, họ sẽ nói được những tiếng mới lạ…”
Từ ngữ “dấu lạ” có một tầm mức rộng lớn hơn và sâu xa hơn từ ngữ “phép lạ”. Phép lạ hàm chứa một sự ngạc nhiên, một sự thán phục, trong khi dấu lạ hàm chứa một giáo huấn, một mặc khải chứ không luôn luôn là một điều kỳ diệu. Như nước và máu chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thâu là một dấu lạ về sự sinh hạ của Giáo Hội; cuộc Tử Nạn của Đức Giê-su tự nó là dấu lạ về tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại; muôn vàn ân huệ của Chúa Thành Thần, dù kín đáo, cũng là những dấu lạ không kém.
Trước đây Tin Mừng Mác-cô đã tránh dùng từ ngữ dấu lạ, vì đây là thuật ngữ mà các đối thủ của Đức Giê-su đã sử dụng để đòi hỏi Ngài cho họ thấy một bằng chứng để chứng tỏ Ngài là Đấng Mê-si-a (hai Tin Mừng Nhất Lãm khác cũng tuân theo thái độ dè dặt như thế). Trong đoạn kết nầy, thuật ngữ dấu lạ mặc lấy một giá trị tương đồng với thuật ngữ dấu lạ thường được dùng trong Tin Mừng Gioan: bày tỏ sự hiện diện của Thiên Chúa, chứng tỏ quyền năng cứu độ của Đức Giê-su.
Chúng ta gặp lại những dấu lạ nầy trong sách Công Vụ: các Tông Đồ đã trừ được quỷ, nói được những ngôn ngữ; thánh Phao-lô bị con rắn độc quấn vào tay mà không hề hấn gì (Cv 28: 3-6), thánh Phê-rô đặt tay và chữa người què (3: 7-8), ông Kha-na-ni-a đặt tay và chữa ông Sao-lô được thấy lại (9: 17-18), vân vân. Vả lại, Chúa Giê-su đã hứa với các môn đệ của Ngài vào lúc sai nhóm Bảy Mươi Hai đi thi hành sứ vụ: “Thầy đã ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bò cạp và mọi thế lực Kẻ Thù, mà chẳng có gì làm hại được anh em” (Lc 10: 19).
Tuy nhiên, các ngôn sứ đã loan báo rằng những dấu lạ như thế đánh dấu triều đại Mê-si-a, như ngôn sứ I-sai-a phác họa một cách sinh động: “Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang. Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta, vì sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập đất nầy, cũng như nước lấp đầy lòng biển” (Is 11: 8-9).
Thời kỳ đầu tiên của Giáo Hội được minh họa bởi muôn vàn ân sủng mà các Tông Đồ và các Ki-tô hữu tiên khởi được hưởng.
2.Thăng Thiên (16: 19).
“Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời”. Tước hiệu “Chúa” (Kurios) để chỉ Đức Giê-su chỉ được gặp thấy một lần trong Tin Mừng Mác-cô: khi Ngài sai hai môn đệ ra đi chuẩn bị cuộc khải hoàn tiến vào thành thánh Giê-ru-sa-lem của Ngài, chính Ngài tự cho mình tước vị nầy: “Nếu có ai bảo: ‘Tại sao các anh làm như vậy?’, thì cứ nói làChúa cần đến nó” (Mc 11: 3). Tước hiệu “Chúa” nầy Cựu Ước dành riêng cho Đức Chúa, được các Ki-tô hữu tiên khởi áp dụng cho Đức Giê-su để công bố “quyền chúa tể hoàn vũ của Ngài”.
Cuộc tôn vinh của Đức Giê-su được diễn tả bằng hình ảnh: “ngự bên hữu Thiên Chúa”. “Bên hữu Thiên Chúa” là chỗ danh dự và là dấu chỉ của việc dự phần vào quyền năng của Thiên Chúa. Đây là chỗ mà Thánh Vịnh 110 phân định cho Đấng Mê-si-a tương lai, Đấng sẽ là “Đức Chúa”. Chính Đức Giê-su tiên báo biến cố nầy cho các thành viên của Thượng Hội Đồng : “Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng…” (Mc 14: 62).
Thánh Lu-ca là thánh ký duy nhất cho vài chi tiết rõ ràng về biến cố Thăng Thiên hữu hình (trong sách Công Vụ chi tiết rõ ràng hơn trong sách Tin Mừng của thánh nhân), trong khi Tin Mừng Gioan dọi chiếu ánh sáng trên biến cố Thăng Thiên vinh quang không có nhân chứng. Trong bài Diễn Từ Cáo Biệt của Ngài, Đức Giê-su nhiều lần nói với các Tông Đồ là Ngài “ra đi khỏi thế giới nầy mà về cùng Cha Ngài” và trong lời cầu nguyện của Ngài, Chúa Giê-su gợi lên cuộc tôn vinh của Ngài: “Vậy, lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh Con bên Cha: xin ban cho con vinh quang mà con được hưởng bên Cha trước khi có thế gian” (Ga 17: 5). Sau cùng, không phải biến cố Biến Hình trên núi cao là dấu chỉ tiên báo biến cố Thăng Thiên vô hình và vinh quang mà Chúa Con sẽ được nhận lại đó sao?
3.Thi hành sứ mạng (16: 20).
Đoạn, các Tông Đồ ra đi loan báo Tin Mừng “khắp nơi”; và “có Chúa cùng hoạt động với các ông”. Sự hiện diện vô hình của Ngài mà thánh Mát-thêu diễn tả trong cùng một bài tường thuật song song khi nhắc lại những lời sau cùng của Đức Giê-su với các Tông Đồ của Ngài: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28: 20).
Biến cố Thăng Thiên không là một cuộc ra đi của Đức Giê-su, nhưng khai mạc một cách thế hiện diện mới của Ngài. Từ nay, với cách thế hiện diện mới nầy, Ngài không còn bị giới hạn trong không gian và thời gian nữa.