CN VI Phục Sinh – Năm B
TÌNH YÊU
Logos năm B
***
“Chí Phèo” là truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Nam Cao. Truyện ngắn này nổi tiếng đến nỗi tên của hai nhân vật trong truyện là Chí Phèo và Thị Nở đã trở thành danh từ chung ám chỉ sự xấu xa thấp hèn trên đời. Thế nhưng, giữa sự xấu xa thấp hèn đó vẫn ánh lên một điều quý giá sáng ngời : đó là tình yêu.
Chí Phèo là một đứa con hoang bị bỏ rơi tại một lò gạch bỏ không khi mới lọt lòng mẹ. Được người ta nhặt về nuôi, lớn lên đi ở đợ hết nhà này sang nhà khác. Vì lòng ghen ghét của tay điền chủ Lý Kiến, Chí Phèo phải đi tù 7 năm. Mãn hạn tù, Chí Phèo trở về nhà thành một tay nát rượu, thường đến cổng nhà Lý Kiến chửi bới, tự rạch mặt và nằm ăn vạ. Dưới mắt dân làng Vũ Đại, Chí Phèo như một con quỷ dữ, ai thấy cũng tránh xa.
Thế rồi, vào một đêm kia, trong cơn say, Chí Phèo gặp Thị Nở, một người đàn bà xấu xí đến cùng cực, tâm thần không ổn định, bị mọi người hắt hủi. Trong cảnh khốn cùng ấy, hai người đã yêu nhau. Chí Phèo muốn lấy Thị Nở làm vợ và muốn trở thành người lương thiện. Nhưng bà cô già của Thị Nở không đồng ý. Thế là trong cơn tuyệt vọng, Chí Phèo đến nhà Bá Kiến, rút dao đâm chết Bá Kiến, sau đó tự đâm vào cổ mình tự sát.
Câu truyện “Chí Phèo” cho chúng ta thấy : Con người dù xấu xa đê hèn đến mấy cũng khao khát yêu và được yêu. Nhưng tiếc thay, Chí Phèo và Thị Nở đã bị người đời từ chối quyền được làm người lương thiện, nhất là quyền yêu và được yêu.
Trong lúc con người “sẻn so” với tình yêu như thế, thì Chúa Giêsu đã đến để rao giảng và ban phát tình yêu không ngừng. Trong bài Tin Mừng theo thánh Gioan hôm nay, Chúa đã truyền cho các môn đệ : “Các con hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến các con”.
Tình yêu của Chúa dành cho chúng ta thật vô bờ bến, đến nỗi chúng ta có thể sánh ví tình yêu Chúa như một dòng sông vô tận chảy tràn lan trên trần thế, tưới gội mọi tâm hồn khô khan cằn cỗi. Chúa là dòng sông tình yêu cho ta ngụp lặn thỏa thuê.
Dòng sông tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa
Chúa Giêsu đã phán cùng các môn đệ : “Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con”. Qua những lời tâm huyết này, Chúa Giêsu muốn mạc khải cho các môn đệ một chân lý cao cả : Tình yêu bắt nguồn từ Chúa Cha, qua Chúa Con để đến với con người. Chúng ta đón nhận tình yêu Chúa trao ban không phải để giữ lại cho mình, nhưng lại ban tặng cho người khác. Như thế, tình yêu của Thiên Chúa như một dòng sông tuôn chảy không ngừng. Dòng sông tình yêu ấy bắt nguồn từ cội nguồn là Thiên Chúa Cha. Người chính là mạch nước vô tận chảy đến chúng ta qua Chúa Giêsu Kitô.
Tuy nhiên, mạch nước và dòng sông luôn phải gắn chặt với nhau và luôn có nhau. Dòng sông không có mạch nước sẽ khô cạn. Mạch nước không có dòng sông sẽ không thể tràn đi khắp nơi. Sự gắn bó kết hiệp giữa Chúa Cha và Chúa Con được xác định trong bài Tin Mừng : “… cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người”. Như thế, sự kết hiệp mật thiết nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con chính là Chúa Con đã luôn thực thi ý Chúa Cha. Sự gắn chặt giữa dòng sông và nguồn mạch làm cho dòng chảy luôn trào dâng lai láng.
Có một dòng sông như thế
Chúa Giêsu chính là dòng sông tuôn chảy không ngừng. Dòng sông không e ngại thác ghềnh, không lùi bước trước những cái đập chắn nước, không sợ hao hụt khi cho đi. Ngài ra đi không mệt mỏi để đem nguồn nước tình yêu đến cho mọi tâm hồn đang khát khao. Chúa Giêsu là dòng sông cho đi đến cạn kiệt chính mình.
Vì thế, tình yêu mà Ngài cho đi là tình yêu lớn nhất, tình yêu không so đo tính toán, như lời Chúa đã khẳng định : “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình”. Tình yêu của Chúa lớn lao như thế, vì Ngài đã thí mạng vì bạn hữu, đã chết cho người mình yêu.
Không ai có thể tát cạn dòng sông tình yêu là Chúa Giêsu, vì Ngài luôn nối liền với mạch nước dồi dào là Chúa Cha, Đấng đã ban phát mãi đến tận cùng. Không ai đo lường hết lòng sông sâu thẳm của tình yêu. Chúa có tất cả và trao ban tất cả, vì Ngài kín múc từ nguồn nước vô biên là Thiên Chúa : “Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các
con biết”.
Tình yêu của Chúa dành cho chúng ta mãi mãi như một dòng sông tuôn chảy không ngừng. Chúa cũng mong muốn chúng ta cùng tuôn chảy với Ngài trong cùng một dòng sông. Chúa mong muốn chúng ta cũng biết yêu như Chúa yêu : “Các con hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến các con”. Yêu như Chúa yêu nghĩa là yêu bằng tình yêu lớn nhất. Chúng ta không thể chết cho người mình yêu thì hãy sống cho người mình yêu. Yêu như Chúa yêu, là luôn biết quên mình để phục vụ tha nhân. Nếu Chúa cúi xuống để rửa chân cho các môn đệ, thì chúng ta cũng hãy biết cúi xuống để rửa chân cho nhau.
Dòng sông chảy mãi
Trong bài đọc II, thánh Gioan đã định nghĩa : “Thiên Chúa là tình yêu”. Từ đó, ngài rút ra hệ luận: ai yêu thương thì sinh bởi Thiên Chúa và nhận biết Thiên Chúa. Còn ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa. Chúng ta cũng được mời gọi để trở nên dòng sông yêu thương bắt nguồn từ Thiên Chúa, trôi đi mãi trên dòng đời, mang tình yêu đến cho mọi người. Vì là dòng sông yêu thương, chúng ta bắt nguồn từ Thiên Chúa và đi đến với mọi người.
Chúng ta còn là dòng sông tình yêu được Chúa tuyển chọn và sai đi, để mang lại những thành quả thiêng liêng cho đời : “Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con và đã cắt đặt, để các con đi và mang lại hoa trái và để hoa trái các con tồn tại”.
Dòng sông tốt là dòng sông biết đem phù sa đến bồi đắp cho những cánh đồng bát ngát. Dòng sông trong mát là dòng sông luôn luân chuyển. Ngày nào dòng sông ngừng lại, dòng sông sẽ trở thành ao tù vẩn đục hôi tanh. Thế giới hôm nay đang đói khát tình yêu đích thực. Chúng ta hãy ra khỏi chính mình để đến với tha nhân trong tình liên đới yêu thương, như dòng sông luôn trôi mãi đến tận chân trời, tưới mát những nơi cằn cỗi nhất.
Ở Palestine có 2 biển hồ. Biển hồ thứ nhất gọi là Biển Chết. Đúng như tên gọi, nơi đây không có sự sống. Không có loài cá nào sống nổi trong nước hồ này. Biển hồ thứ hai là Galilê, đây là biển hồ thu hút nhiều khách du lịch nhất. Nước ở biển hồ lúc nào cũng trong xanh mát rượi, từng đàn cá tung tăng bơi lội, cây cối chung quanh tốt tươi xanh rờn.
Có một điều kỳ lạ là cả hai biển hồ này đều cùng đón nhận nguồn nước từ sông Giođan. Nước sông Giođan chảy vào Biển Chết, Biển Chết đón nhận và giữ lại cho riêng mình, nên nước trở thành tù đọng và mặn chát. Biển hồ Galilê cũng đón nhận nguồn nước từ sông Giođan rồi từ đó tràn qua các hồ nhỏ và sông lạch. Vì vậy, nước hồ luôn trong sạch và mang lại sự sống cho cây cối, muông thú và con người.
Mỗi người hãy là một dòng sông yêu thương, bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa, chảy tràn đến cho muôn người. Ước mong dòng sông ấy luôn chảy mãi không ngừng, cho đi tất cả, càng cho đi mạch nước càng tuôn trào.