CN VI Phục Sinh – Năm B
GIỚI RĂN MỚI
Chú giải của Fiches Dominicales
***
1) “Như Cha đã thương Thầy, Thầy cũng thương anh em”
Bài Tin Mừng trích trong chương 15 của thánh Gioan nối tiếp đoạn Tin Mừng tuần trước. Như bức tranh in chìm trong giấy, biểu tượng Cây Nho chỉ tái hiện vào cuối đoạn Tin Mừng. Nó nhường chỗ cho điều làm nền tảng cho nó: Tình yêu phát nguồn từ Chúa Cha, tình yêu làm nền tảng cho tình yêu của Đức Giêsu đối với nhân loại. Chuyển động vòng tròn của việc độc thoại về đời sống cộng đoàn các môn đệ sau khi Người “về” cùng Cha, vốn là tiêu biểu của tư tưởng của thánh Gioan. Một tình yêu duy nhất, nhưng không ngừng trào tràn:
– từ Chúa Cha qua Chúa Con: “Như Cha đã yêu Thầy”
– từ Chúa Con qua các môn đệ: “Thầy cũng yêu anh em”
– rồi giữa các môn đệ với nhau: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Như thế là trung tín với giới răn của Người và ở lại trong tình yêu của Người, như thế họ sẽ được “tràn đầy niềm vui”.
Từ ngữ chìa khoá của chuyển động vòng tròn này là “tình yêu” (tiếng Hy lạp: agape), được sử dụng 12 lần trong bản văn này, dưới những hình thức khác nhau. A.Marchadour đưa ra một nhận xét lý thú: Trong trường hợp này, hoàn trả và tặng đáp lễ, luật của tình yêu, luôn hướng về một đối tượng khác với người đã trao tặng. Sự đáp trả của Đức Giêsu đối với tình yêu của Chúa Cha lại hướng về các môn đệ. Cũng thế sự đáp trả của các môn đệ đối với tình yêu của Đức Giêsu dành cho mình lại hướng về anh em (Tin Mừng theo thánh Gioan Centurion, trang 202).
2) “Như Thầy đã thương anh em, anh em hãy thương nhau”
Vừa khẳng định: “Như Cha đã thương Thầy, Thầy cũng thương anh em”, Đức Giêsu nói tiếp ngay: “Giới răn của Thầy là anh em hãy thương nhau như Thầy đã thương anh em”. Hai từ “như” nói lên mầu nhiệm sâu xa nhất của mặc khải. Marchadour lưu ý ta: Đó không phải là một lối so sánh, nhưng là một đào sâu, một thiết lập nền tảng. Ở đây Gioan nói về tình yêu mật thiết giữa Chúa Cha và Chúa Con, đã biểu lộ trên thập giá (3,16), là kiểu mẫu phải qui chiếu, tình yêu đó là nền tảng của cộng đoàn mới: “Phần chúng ta, chúng ta yêu thương vì Người đã yêu thương ta trước” (1 Ga 4, 19)” (Sđd, trang 202).
Chính do cách thực hiện lời Người truyền: yêu nhau, mà Đức Giêsu nhận ra họ là môn đệ Người, mà Người trở nên “bạn hữu” của họ khi Người chia sẻ cho họ điều thiết thân nhất: sự hiểu biết Chúa Cha.
Từ bao đời, sự gần gũi với Thiên Chúa là ước mơ của con người. Trong Cựu ước, vài người bạn của Thiên Chúa như Abraham, đã gặp gỡ Thiên Chúa như gặp một người thân. Môsê cũng đã sống cái kinh nghiệm thần bí ấy, “Yahvê đã chuyện trò với Môsê diện đối diện, như người ta chuyện vãn với bạn bè” (Xh 33, 11).
Đó là đặc quyền Đức Giêsu dành cho những ai chấp thuận làm môn đệ Người. Thực ra, tình yêu này không phải do người tín hữu chọn mà được; chính Đức Giêsu chọn lựa bạn hữu của Người (6,70; 13,18). Đó là một ân ban nhưng không để con người không thể tự mãn (Sđd, trang 202).