03-05: Chúa Nhật 5 Phục Sinh – Năm B
ĐỨC GIÊSU LÀ CÂY NHO THẬT
Suy niệm chú giải của Lm.Inhaxiô Hồ Thông
***
Đức Giê-su là cây nho thật. Được kết hợp với Ngài, các môn đệ mới có thể đơm bông kết trái được, nhưng phải biết rằng họ phải chịu cắt tỉa, nghĩa là phải chịu thử thách.
CHÚA NHẬT V PHỤC SINH
Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật V Phục Sinh mời gọi mỗi Ki-tô hữu phải xác tín rằng cuộc đời Ki-tô hữu không thể nào đơm hoa kết trái nếu không được cắt tỉa.
Cv 9: 26-31
Sách Công Vụ tường thuật Giáo Hội Giê-ru-sa-lem ngần ngại tiếp đón thánh Phao-lô, sau khi thánh nhân đã hoán cải. Nhưng thánh nhân đã thật sự hoán cải: một môn đệ rao giảng Đức Ki-tô với một con tim bốc lửa và một niềm xác tín sâu xa.
1Ga 3: 18-24
Đoạn trích thư thứ nhất của thánh Gioan khuyên người Ki-tô hữu hãy đứng về phía sự thật; có như thế, cuộc đời chúng ta mới thanh thản và bình an và lời nguyện cầu của chúng ta mới được Thiên Chúa nhậm lời.
Ga 15: 1-8
Đức Giê-su là cây nho thật. Được kết hợp với Ngài, các môn đệ mới có thể đơm bông kết trái được, nhưng phải biết rằng họ phải chịu cắt tỉa, nghĩa là phải chịu thử thách.
BÀI ĐỌC I (Cv 9: 26-31)
Trong suốt sáu Chúa Nhật Phục Sinh, tất cả Bài Đọc I đều được trích dẫn từ sách Công Vụ: năm trong số đó liên quan đến lãnh vực hoạt động của thánh Phê-rô, vị lãnh tụ Giáo Hội. Một đoạn trích duy nhất, đoạn trích hôm nay, nêu bật dung mạo của thánh Phao-lô.
Chứng liệu này cống dâng cho chúng ta mối quan tâm về lịch sử cũng như tâm lý: chính yếu là thời gian thánh Phao-lô lưu lại ở Giê-ru-sa-lem, sau khi hoán cải. Thánh nhân được đón tiếp với thái độ nghi kỵ.
1.Những thử thách đầu tiên của thánh Phao-lô.
Các Ki-tô hữu Giê-ru-sa-lem chẳng những biết mà còn biết quá rõ về ông Phao-lô nầy. Trong cuộc bách hại đạo đầu tiên giáng xuống trên họ, ông Phao-lô là kẻ bách hại cuồng tín nhất: “Ông đến từng nhà, lôi cả đàn ông lẫn đàn bà đi tống ngục” (Cv 8: 3). Ông đã dự phần vào việc ném đá thánh Tê-pha-nô, chính ở dưới chân ông mà người ta để áo để rảnh tay ném đá (Cv 7: 58).
Nhiều năm sau nầy, chính thánh Phao-lô vẫn còn nhớ thái độ cuồng tín mà ông đã phô bày vào lúc đó: “Về phần tôi, trước kia tôi nghĩ rằng phải dùng mọi cách để chống lại danh Giê-su người Na-da-rét. Đó là điều tôi đã làm tại Giê-ru-sa-lem. Được các thượng tế ủy quyền, chính tôi đã bỏ tù nhiều người trong dân thánh; và khi họ bị xử tử, tôi đã bỏ phiếu tán thành. Nhiều lần tôi đã rảo khắp hội đường, dùng cực hình cưỡng bức họ nói lộng ngôn. Tôi đã giận dữ quá mức đến nỗi sang cả các thành nước ngoài mà bắt bớ họ” (Cv 26: 9-11).
Ấy vậy, cũng chính nhân vật nầy trở lại Giê-ru-sa-lem và tự nhận mình là môn đệ của Đức Giê-su. Làm thế nào cộng đoàn Ki-tô hữu không khỏi nghi ngờ về việc một kẻ bách đạo cuồng tín nầy nay đã được chính Đấng Phục Sinh quy phục để trở thành một trong những nhà truyền giáo nhiệt thành nhất của họ được chứ? Thật ra, tin đồn về cuộc hoán cải của thánh nhân đã vang dội tới Giê-ru-sa-lem; nhưng phản ứng đầu tiên là ngờ vực.
Trong thư gởi các tín hữu Ga-lát, thánh Phao-lô tường thuật những gì đã xảy ra cho thánh nhân sau khi được ơn trở lại. Sau khi Đấng Phục Sinh đã tỏ mình ra cho thánh nhân trên đường đi Đa-mát và sau những ngày thánh Phao-lô đã trải qua giữa nhóm nhỏ Ki-tô hữu thành Đa-mát, thánh nhân viết: “Tôi đã chẳng thuận theo các lý do tự nhiên, cũng chẳng lên Giê-ru-sa-lem để gặp các vị đã là Tông Đồ trước tôi, nhưng tức khắc tôi đã sang xứ Á-rập, rồi lại trở về Đa-mát. Ba năm sau tôi mới lên Giê-ru-sa-lem diện kiến ông Kê-pha, và ở lại với ông mười lăm ngày” (Gl 1: 16-18).
Tại sao thánh Phao-lô lại trì hoản lên Giê-ru-sa-lem? Phải chăng vì kẻ bách hại xưa kia đã gây ra biết bao điều tang tóc cho những người Ki-tô hữu ở tại kinh thành nầy nay cảm thấy ngại ngùng? Lý do thật sự mà thánh Phao-lô cho chúng ta ở nơi những lời nầy: “Tôi đã chẳng thuận theo các lý do tự nhiên, tức khắc tôi đã sang xứ Á-rập”. Thánh nhân không hỏi ý kiến của bất kỳ ai, tự xem mình là người được chính Đấng Phục Sinh ủy nhiệm, là người đã nhận mệnh lệnh loan báo Tin Mừng từ chính Chúa. Tức khắc, ông khởi hành ra đi loan báo Tin Mừng cho lương dân. Đây không là lần duy nhất, như đoạn trích Công Vụ hôm nay cho thấy.
Tuy nhiên, trong những ngày lưu lại ở Giê-ru-sa-lem, khi “tìm cách nhập đoàn với các môn đệ”, thánh Phao-lô lại càng gieo nỗi sợ hãi ở nơi họ. May thay, có một người trong số họ, không xuất thân từ Giê-ru-sa-lem nhưng từ đảo Síp, rất có uy tín trong cộng đoàn vì tấm lòng quảng đại của ông (Cv 4: 37), đó là ông Giu-se, người được các Tông Đồ đặt tên là Ba-na-ba, nghĩa là “người có tài yên ủi” (Cv 4: 36). Chính ông nhận ra nhân cách của thánh Phao-lô, vì thế ông lấy uy tín của mình mà đứng ra bảo lãnh thánh nhân và chân thành giới thiệu ơn gọi đặc biệt của thánh nhân. “Từ đó thánh Phao-lô cùng với các tông đồ đi lại hoạt động tại Giê-ru-sa-lem. Ông mạnh dạn rao giảng danh Chúa”.
Nhưng rồi thánh Phao-lô nhận thấy Hội Thánh Giê-ru-sa-lem quá bận tâm về sự hoán cải của những người Do thái bản địa, vì thế thánh Phao-lô toan tính mở rộng sứ vụ truyền giáo đến những người Do thái gốc Hy-lạp. Sở hữu hai nền văn hóa: Do-thái và Hy-lạp, những người Do thái gốc Hy lạp nầy đến sinh sống ở Giê-ru-sa-lem và hình thành nên một nhóm nhiệt thành và năng động, nhưng cũng là một nhóm nguy hiểm. Thánh Tê-pha-nô đụng phải họ và đã phải trả giá bằng mạng sống của mình (x. Cv 6: 9). Thánh Phao-lô cũng phải chịu chung số phận. Lòng nhiệt thành của thánh nhân đánh thức lòng thù hận của họ. Thánh nhân phải lìa bỏ Giê-ru-sa-lem không chỉ để cứu mạng mình nhưng còn vì lợi ích của Hội Thánh Giê-ru-sa-lem: “Anh em biết thế, liền dẫn ông xuống Xê-da-rê và tiễn ông lên đường về Tác-xô”.
Những bước khởi đầu đầy gian nan nầy không ảnh hưởng đến tâm tình mà thánh Phao-lô dành cho Hội Thánh-Mẹ; thánh nhân luôn luôn công bố uy quyền của Hội Thánh-Mẹ mà ông gắn bó sâu xa. Thánh nhân sẽ không quản ngại ra sức quyên góp để giúp đỡ Hội Thánh-Mẹ. Với tấm lòng nhiệt thành truyền giáo, thánh nhân luôn luôn là người tiên phong, nhưng luôn luôn hoạt động trong mối hiệp thông với Hội Thánh.
Ông Ba-na-ba sẽ không quên người bạn đồng hành có tâm hồn bốc lửa nầy. Vài năm sau nầy, ông sẽ cất công đi tìm thánh Phao-lô ở Tác-xô, dẫn thánh nhân theo với mình đến An-ti-ô-khi-a; đoạn, lôi kéo thánh nhân vào cuộc hành trình truyền giáo đầu tiên của mình. Thánh nhân cảm thấy mình thoải mái hơn trong cuộc mạo hiểm lớn lao nầy.
2.Hội Thánh được bình an.
Sau những sự cố xảy ra trong những ngày thánh Phao-lô lưu lại ở Giê-ru-sa-lem, Hội Thánh lại được bình an. Thời kỳ yên ổn nầy không kéo dài được bao lâu. Vào năm 42-43, cuộc bách hại xảy đến một lần nữa, lần nầy do vua Hê-rô-đê Ác-ríp-pa, cháu của vua Hê-rô-đê An-ti-pát. Trong cuộc bách đạo này, nạn nhân đáng chú ý nhất là thánh Gia-cô-bê, anh của thánh Gioan, bị xử trảm.
BÀI ĐỌC II (1Ga 3: 18-24)
Chúng ta tiếp tục đọc thư thứ nhất của thánh Gioan. Bức thư nầy được triển khai theo một dàn bài khó xác định. Cũng những chủ đề xuất hiện nhiều lần, lúc thì với những lập đi lập lại, lúc thì với những hàm chứa mới. Nhưng giọng văn luôn luôn thôi thúc và nồng nàn. Vị Tông Đồ trình bày những tiêu chuẩn cho cuộc đời Ki-tô hữu chính danh.
Thánh nhân khuyên người Ki-tô hữu “đứng về phía sự thật”, tức là “sống trong sự thật”, “sống trong bình an” và “sống trong mối hiệp thông với Thiên Chúa”. Đây là một trong những ý tưởng chủ đạo thường hằng được nhắc đi nhắc lại trong bức thư nầy: một ngón đòn hữu hiệu nhất đối lại với những đạo lý sai lạc đang hoành hành nhân danh Ki-tô giáo, tự cho mình là cao vời siêu việt.
1.Sống trong sự thật:
Sống trong sự thật, chính là sống theo cách sống của Thiên Chúa, nghĩa là sống trong tình yêu, vì Thiên Chúa là tình yêu.
“Đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương thật sự bằng việc làm”. Đây là lời khuyên cảnh giác của vị mục tử, nhưng cũng là lời quở trách ngầm đối với những người lạc giáo mà thánh Gioan vừa mới lên tiếng ở trên: “Ai nói mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình, thì vẫn còn ở trong bóng tối” (1Ga 2: 9). Chúng ta không thể xác định cách cư xử của những thầy dạy sai lạc nầy, nhưng sau nầy chúng ta biết rằng những nhà thuyết giáo ngộ đạo này bày tỏ sự khinh miệt đối với đám đông tín đồ không có khả năng vươn tới sự khôn ngoan của họ.
2.Sống trong bình an:
Người Ki tô hữu nào thực hành tình yêu chân chính cho anh em mình, mới có thể sống trong sự thanh thản và bình an: “Chúng ta sẽ được an lòng trước mặt Thiên Chúa”. Chữ “lòng” ở đây phải được hiểu theo nghĩa của văn hóa Do thái, nơi lương tâm ngự trị:“vì nếu lương tâm chúng ta cáo tội chúng ta thì Thiên Chúa còn lớn hơn lương tâm chúng ta, và Người biết hết mọi sự”.
Cả câu trích dẫn trên và câu theo sau: “Nếu lương tâm không cáo tội chúng ta, thì chúng ta được mạnh dạn đến cùng Thiên Chúa”, hình thành nên hai thái độ căn bản ở nơi người Ki-tô hữu: thái độ của tội nhân thống hối ăn năn và thái độ của người công chính làm những việc đẹp lòng Chúa.
Trong trường hợp thứ nhất, chúng ta đừng xao xuyến vì tội lỗi của mình. Thiên Chúa biết rõ cõi lòng sâu thẳm của chúng ta còn hơn chúng ta nữa; chúng ta hãy phó thác vào trong sự hiểu biết sâu xa của Ngài. Mẫu gương mà bức thư này thường trích dẫn để minh họa lời khuyên bảo nầy là mẫu gương của thánh Phê-rô, rõ ràng được thánh Gioan tường thuật trong Tin Mừng của mình, khi Chúa Giê-su long trọng hỏi thánh Phê-rô:“Nầy anh Si-môn, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em nầy không?”, vị Tông Đồ nhớ lại ba lần mình đã chối Thầy, nên không dám quả quyết ngay là mình yêu mến Thầy, nhưng khiêm tốn phó thác vào sự hiểu biết của Đức Giê-su, Đấng thấu suốt cõi sâu thẳm của lòng người: “Thưa Thầy, Thầy biết là con yêu mến Thầy”. Và lần thứ ba, với một giọng trầm buồn, thánh nhân thưa: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21: 18). Ở đây, chúng ta gặp lại cùng một diễn ngữ trong thư thứ nhất của Gioan: “Người biết mọi sự”.
Trường hợp thứ hai là thái độ của người Ki-tô hữu trung tín: lương tâm của họ không cáo tội họ. Thánh Gioan không ngần ngại khuyên bảo họ hãy mạnh dạn đến cùng Thiên Chúa. Khi người công chính đạt được tâm trạng nầy, họ biết rằng những lời cầu nguyện của mình phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa; vì thế, “xin điều gì được Người ban cho điều đó”. Chủ đề nầy vang dội trong bản văn của Tin Mừng hôm nay.
3.Sống trong sự hiệp thông với Thiên Chúa.
Diễn ngữ “Tuân giữ các điều răn của Người” được nhắc đi nhắc lại như một điệp khúc xuyên suốt bức thư nầy. Trong đoạn trích nầy, thánh Gioan hòa hợp ý muốn của Chúa Cha và lệnh truyền của Chúa Con thành một viễn tượng duy nhất, trong quan điểm hiệp nhất của Thiên Chúa. Chúa Cha đòi hỏi họ phải “tin vào Con của Ngài” và “yêu thương nhau” như Chúa Con đã đòi hỏi họ. Hai huấn lệnh nầy “được đúc kết thành một huấn lệnh duy nhất”. Như vậy, đối với thánh Gioan, “tin” và “yêu thương nhau” thì bất khả phân ly.
Đức tin sống động nầy đảm bảo cho người tín hữu rằng “mình ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong mình” (chúng ta gặp lại động từ “ở trong” chất chứa cùng một ý nghĩa như trong Tin Mừng thứ tư). Chính Thần Khí bảo lãnh đức tin và đức ái nầy một cách chắc chắn và chính thực. Như vậy, chương nầy kết thúc với cuộc đời Ki-tô hữu trong cùng một quan điểm của Ba Ngôi Thiên Chúa.
TIN MỪNG (Ga 15: 1-8)
Vì Lễ Thăng Thiên: tưởng niệm cuộc ra đi của Đức Giê-su, sắp đến gần, các bản văn Tin Mừng của Chúa Nhật V và Chúa Nhật VI Phục Sinh được trích dẫn từ những cuộc trò chuyện của Đức Giê-su với các môn đệ của Ngài vào buổi chiều Tiệc Ly, trước khi Ngài bước vào con đường Khổ Nạn.
1.Bối cảnh của dụ ngôn “cây nho”:
Dụ ngôn “cây nho” được Chúa Giê-su công bố với các môn đệ Ngài trong cuộc chuyện trò sau cùng này. Xét về hình thức, dụ ngôn nầy khó lồng vào khuôn khổ lịch sử của buổi chiều cáo biệt nầy. Đức Giê-su nói rất nhiều điều với các môn đệ mình; đoạn Ngài tỏ dấu rời khỏi bàn tiệc mà đến vườn Ô-liu: “Nào đứng dậy! Ta đi khỏi đây!”. Ấy vậy, ngay sau lời nầy, Ngài công bố: “Thầy là cây nho thật”. Phải chăng Chúa Giê-su kể dụ ngôn nầy khi Ngài cùng với các môn đệ cùng chung bước trong đêm trên đường đến vườn Ô-liu? Xem ra hợp lý hơn, Chúa Giê-su công bố dụ ngôn này đang khi Ngài cùng các môn đệ rảo bước băng qua vườn nho của miền Pa-lét-tin. Đây là cách thức thông thường Ngài đưa ra giáo huấn của mình khởi đi từ những dữ kiện cụ thể.
Tuy nhiên, còn chỗ nào thích hợp hơn là bữa Tiệc Ly ở đó Đức Giê-su nhắc lại dụ ngôn nầy khi mà chén rượu được chuyền tay, khi mà cây nho thật sắp sản sinh rượu nho tinh tuyền nhất từ cuộc Khổ Nạn sắp đến của Ngài nhỉ? Dụ ngôn “cây nho” ngân vang một cung giọng đậm nét Thánh Thể. Trong Tin Mừng của mình, dù thánh Gioan không tường thuật Đức Giê-su thiết lập Bí Tích Thánh Thể, thánh ký đã biết đóng ấn Bí Tích nầy trên bữa Tiệc Ly cao cả nầy.
2. “Thầy là cây nho thật”:
Nếu chúng ta liên kết hai bài Tin Mừng của Chúa Nhật trước và của Chúa Nhật này, sứ điệp của Chúa Giê-su thật tuyệt vời. Sau khi Chúa Giê-su đã gợi lên tấm lòng nhân hậu của Thiên Chúa dưới dung mạo “Người Mục Tử Nhân Lành”, bây giờ Ngài gợi lên tấm thân tình gần gũi của Thiên Chúa qua một hình ảnh khác, hình ảnh “Cây Nho Thật”.
Khi tuyên bố mình là “Cây Nho Thật”, Chúa Giê-su quy chiếu về một lịch sử dài của biểu tượng chạy xuyên suốt toàn bộ Kinh Thánh: Ít-ra-en là cây nho được Thiên Chúa ân cần chăm lo, điều này được các ngôn sứ không ngừng nhắc đi nhắc lại: Hô-sê, I-sai-a, đặc biệt Giê-rê-mi-a, Ê-dê-ki-en, Tv 80, các sách Khôn Ngoan, vân vân. Nhưng cây nho nầy, dù đã được Thiên Chúa hết lòng chăm sóc, đã không đơm bông kết trái như lòng Chúa mong ước. Các vị lãnh tụ hiện nay của dân cung cấp một bằng chứng rõ ràng (x. Mt 21: 33-44).
Đức Giê-su là cây nho thật, cây nho hoàn hảo, cây nho sinh hoa kết trái như Chúa Cha mong đợi, nghĩa là Đức Giê-su là Ít-ra-en mới; các Ki-tô hữu kết hợp với Ngài hình thành nên Dân Thiên Chúa Mới, dân mà Ngài chuyển thông nhựa sống của mình cho họ.
Đức Giê-su long trọng khẳng định: “Thầy là cây nho thật”. Đây là một trong những lời khẳng định độc quyền của Đức Giê-su khi Ngài tuyên bố “TÔI LÀ”, một danh xưng mà Cựu Ước chỉ dành riêng cho Đức Chúa, Thiên Chúa của Ít-ra-en. Những lời khẳng định nầy thường có một âm vang chiều kích Mê-si-a và luôn luôn mặc lấy tính chất siêu việt. Ở đây, Đức Giê-su xác định: cây nho chính là Ngài, Con Thiên Chúa; người trồng nho chính là Thiên Chúa, Cha của Ngài.
Như vậy Chúa Giê-su muốn nói rằng sự sống mà Ngài chuyển thông thực chất là sự sống thần linh. Thân nho và các cành nho hình thành nên chỉ một cây nho duy nhất, hình ảnh mật thiết về Chúa Ki-tô với Giáo Hội của Ngài. Ở đây, khía cạnh Giáo Hội cũng rõ ràng như trong dụ ngôn Người Mục Tử Nhân Lành, nhưng điểm nhấn được đặt trên đời sống nội tại của Giáo Hội.
3. “Anh em là cành”:
Ở nơi lời tuyên bố “Thầy là cây nho, anh em là cành”, chúng ta nhận ra một chủ đề căn bản của Tin Mừng Gioan. Đức Giê-su đòi hỏi một sự chọn lựa: hoặc gắn bó với Ngài hay từ chối Ngài. Gắn bó với Ngài không là một con đường dể dàng. Đức Giê-su gợi lên những công việc mà thính giả của Ngài biết rất rõ, những công việc của người trồng nho xử lý cây nho của mình như thế nào để cây nho được trổ sinh nhiều hoa trái: chặt cành tỉa lá một cách nghiêm khắc, không biết xót thương. Chúa Cha hành xử như vậy đối với những môn đệ của Con Ngài. Đức Giê-su sử dụng những từ rất mạnh mẻ; Ngài chuẩn bị cho các môn đệ của Ngài bước vào những thử thách đang chờ đợi họ. Đây chính là mầu nhiệm Vượt Qua mà chính Ngài sẵn sàng sống. Luật cắt tỉa luật cứng rắn, nhưng chỉ như vậy người Ki-tô hữu mới trở thành những cành nho đơm bông kết trái.
Tuy nhiên, Đức Giê-su trấn an các ông: “Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em”. Chữ “lời” được hiểu theo nghĩa giáo huấn, sứ điệp . Đây là nét nghĩa thường hằng trong Tin Mừng Gioan: “Ai tuân giữ lời tôi, sẽ không bao giờ phải chết” (8: 51); “Ai nghe lời tôi, và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời” (5: 24);“Các ông tìm cách giết tôi, vì lời tôi không thấm vào lòng các ông” (8: 37). Vả lại, đặc ngữ nầy quy chiếu đến Ngôi Lời trong Tựa Ngôn: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời”.
Trước đó, Đức Giê-su đã nói với thánh Phê-rô rồi khi Ngài rửa chân cho ông: “Về phần anh em, anh em đã sạch” (13: 10). Các Tông Đồ được sạch nhờ Lời Thiên Chúa mà họ đã đón nhận, Lời này đã trở thành ở trong họ một sức mạnh biến đổi nội tâm. Đây là một chủ đề tiêu biểu của thánh Gioan: Ai kết hợp với Sự Thật, người ấy có ở trong mình sức mạnh thanh tẩy, sức mạnh giải phóng khỏi sự dối trá và tội lỗi: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông” (8: 31). Sự thật là sự sống; hai khái niệm rất gần nhau tại Tin Mừng Gioan.
4. “Hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong anh em”.
Đức Giê-su mời gọi các môn đệ: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em”. “Ở lại” là từ chủ chốt của dụ ngôn này. Chúng ta biết rằng, khác với ba Tin Mừng Nhất Lãm, thánh Gioan không sử dụng kiểu nói: “Nước Thiên Chúa” (ngoại trừ trong cuộc đàm luận với ông Ni-cô-đê-mô ở đó kiểu nói nầy xuất hiện hai lần: Ga 3: 3 và 5). Thánh nhân không bao giờ nói: “Nước Thiên Chúa đã đến gần” hay “Nước Thiên Chúa ở đó”, vì Nước Thiên Chúa không là một thực tại bên ngoài. Thánh Gioan nhấn mạnh“chiều kích nội tại của Nước Thiên Chúa” và diễn tả chiều kích nội tâm hóa nầy bởi động từ “ở lại”.
Cành nho không thể tự mình đơm bông kết trái được, cũng vậy: “Không có Thầy, anh em không làm gì được”. Đây cốt là cuộc sống siêu nhiên mà không ai có thể đạt được hay tăng trưởng được, nếu chỉ cậy nhờ vào những phương thế của riêng mình.
Toàn bộ dụ ngôn “cây nho” là bài diễn từ về cuộc sống siêu nhiên. Hậu cảnh bí tích được tiềm ẩn ở đây. Đức Giê-su công bố những lời nầy vài giờ trước cuộc Thương Khó và Tử Nạn của Ngài. Chính Giáo Hội là những cành nho, nhất thiết phải gắn bó mật thiết với Đức Ki-tô là thân nho, để tiếp nhận nhựa sống thần linh. Nước Rửa Tội và Rượu Thánh Thể sẽ là những chính lộ của sự chuyển thông nầy; cây nho thật là cây ban sự sống.
5. “Anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý”.
Trong Diễn Từ Cáo Biệt của mình, Đức Giê-su nhiều lần nhấn mạnh lời cầu nguyện: “Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý”. Chính Ngài nêu gương khi hoàn tất cuộc trò chuyện của Ngài với các môn đệ bởi một lời cầu nguyện dài thân thưa với Cha Ngài, được gọi“Lời Nguyện Hiến Tế” (17: 1-26).
Trong viễn cảnh của sự kết hợp mật thiết giữa thân nho và cành nho, Đức Giê-su gợi lên tính hiệu lực của lời cầu nguyện. Cường độ của cuộc sống nội tâm kéo theo như một sự thẩm thấu giữa những ý muốn của Thiên Chúa và những ước muốn của người tín hữu.
6.Điều làm Chúa Cha được tôn vinh.
Như chúng ta đã biết, Tin Mừng Gioan được chia thành hai phần: phần thứ nhất được gọi là “Tin Mừng về các dấu lạ” (2: 1-12: 50) và phần thứ hai được gọi là “Tin Mừng về vinh quang” (ch. 13-21). Quả thật, phần thứ hai nầy đề cập rất nhiều về vinh quang của Chúa Cha và sự tôn vinh của Chúa Con.
Điều đem lại vinh quang của người trồng nho chính là chất lượng của trái nho cũng như sự phong phú của chùm nho. Cũng vậy, các môn đệ sẽ góp phần vào vinh quang của Chúa Cha bằng những hoa trái thánh thiện và sự rạng ngời sứ vụ của họ. Lúc đó, họ xứng đáng được gọi là môn đệ của Chúa Giê-su. Bằng những lời nầy, Đức Giê-su diễn tả mối bận lòng chủ yếu của Ngài: thực hiện ý muốn của Cha Ngài trên con người, tức là họ phải nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện.