03-05: Chúa Nhật 5 Phục Sinh – Năm B
CÂY NHO THẬT
Chú giải của Fiches Dominicales
***
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI
1) Từ Israel, một dân đã không sinh hoa kết quả như mong đợi.
Với nông dân vùng Palestine thời đó. Cây nho là tài sản quí giá nhất. J.P.Charlier cảnh giác: “Để có một ý niệm về cây nho ở Israel và trong những vùng phụ cận nắng cháy, chiêm ngắm những vườn nho vùng Bourgogne hay Bordeaux chẳng ích lợi gì. Những gốc nho ôn đới chẳng có gì giống với gốc nho vùng Palestine vốn lớn như cổ thụ xum xuê cành lá chứ không phải là những thân nho được cắt tỉa kỹ lưỡng và nhỏ xíu. Phải biết rằng cả một thang lầu trong đền thờ thần Diana ở Ephêsô tạc từ một gốc nho duy nhất mang về từ đảo Chypre. Nếu không nhớ đến vẻ oai nghi hùng tráng đó, sẽ không tài nào hiểu nối một thành ngữ rất thông dụng trong Thánh Kinh “nghỉ dưới gốc nho” (1V 4,25; Mk 4,4). “Đức Giêsu ở giữa dân Người” (“Đọc Thánh Kinh” số 78, trang 54).
Chẳng lạ gì cây nho, đã trở thành biểu tượng của sự phú túc và sự hào phóng của Thiên Chúa, rất thường được Kinh Thánh dùng như hình ảnh để chỉ Dân Thiên Chúa đã chọn và đã xếp đặt những mối liên hệ yêu thương và âu yếm. Ôsê đã chẳng miêu tả Israel như một cây nho xum xuê nặng trĩu quả đó sao? (Hs 10,1) Thánh vịnh 79 đã chẳng nài van Chúa cho cây nho mà Chúa đã bứng từ Ai Cập và trồng trên thửa đất đã cày cuốc cẩn thận, “để nó làm đẹp cho xứ sở và vươn cành ra đền tận biển khơi” đó sao? (Tv 79,10-12). Riêng Israel, trong bài ca cây nho thời danh được Thiên Chúa yêu thương dành cho mọi ưu đãi, đã chẳng tuyên xưng: “Tôi sẽ hát cho bạn nghe bài ca của người yêu dấu với cây nho của mình (Is 5,1) đó sao?
2) Đến Đức Giêsu, “cây nho thật”.
Nếu một lần nữa, Đức Giêsu trở về với biểu tượng cây nho, đó là để thực hiện một chuyển vị táo bạo: Người tuyên bố: “Thầy là cây nho thật, các con là cành nho”.
– Khi xưng mình là “cây nho thật”, Đức Giêsu tự giới thiệu mình là người đến để đáp lại sự mong đợi của Thiên Chúa, người mà vì yêu đã tự nguyện hiến ban sự sống của mình, nên đã sinh hoa trái “làm tôn vinh Chúa Cha”.
– Những chăm nom săn sóc của “Chúa Cha chủ vườn nho” đối với cây nho cho thấy sáng kiến của Chúa Cha, tình yêu ưu ái Người dành cho Đức Giêsu, Những mối dây duy nhất nối kết Chúa Cha với Chúa Con.
Còn về những “cành nho-môn đệ”, phát xuất từ thân nho, chỉ có thể được nuôi dưỡng bằng dòng nhựa chảy ra từ thân nho, chỉ có thể được sinh động nhờ sự sống của thân cây, để sinh hoa kết quả làm tôn vinh Chúa Cha, nếu chúng “ở lại” trong Người.
“Ở lại trong Người”, thực vậy, đó là điều kiện không thể thiếu đối với sự sống của các ‘môn đệ-cành nho’, Người quả quyết: “Vì ngoài Thầy, các con không làm gì được”. “Ở lại trong Người” là kết hiệp với Người bằng những mối dây tình yêu và sự sống, là nhờ Người mà được dẫn đến kết hiệp với Chúa Cha (xem Ga 6,56 và 14,23). Tách mình khỏi Thân Nho thật, xa lìa Đức Giêsu, là dấn thân vào chỗ chết: “Nếu ai không ở trong Thầy, người ấy sẽ giống như cành nho bị ném ra ngoài và chúng khô héo đi. Người ta sẽ lượm những cành khô và liệng vào lửa và chúng sẽ cháy”.
Sự gắn bó với Đức Kitô, nếu đúng, nếu thực, sẽ được phiên dịch ra thành những xử sự cụ thể. Sự gắn bó ấy được kiểm chứng nơi những hoa trái phát sinh: “Ai ở trong Thầy, và Thầy ở trong người ấy, người ấy sẽ sinh nhiều hoa trái”. Thử thách, bắt bớ sẽ là những trắc nghiệm về lòng son sắt và bảo đảm cho hoa trái dồi dào.
Như thế, vinh quang của Chúa Cha, đã biểu lộ ra nơi Đức Giêsu, cũng sẽ biểu lộ ra nơi những ai trổ sinh hoa trái bác ái nhờ kết hiệp, gắn bó với Đức Giêsu: “Điều làm vinh danh Cha Thầy, là các con sinh nhiều hoa trái: như thế, các con sẽ là môn đệ của Thầy”.
Nên, X.Léon-Dufour đã cảm nhận: “Môn đệ không chỉ là người thụ hưởng hoạt động của Chúa Con, nhưng còn tham dự vào hoạt động đó, là đồng tác giả của những kết quả đó. Kết quả đó chưa có, sẽ có, nếu các tín hữu kết hiệp sâu xa với Đức Giêsu. Kết quả đó sẽ làm vinh danh Chúa Cha” (Sđd, trang 168).
Việc đưa hình ảnh Cây Nho vào diễn từ sau bữa Tiệc ly củng cố thêm âm hưởng Phụng Vụ và Thánh Thể của nó. Cần phải liên hệ hình ảnh này với lời Đức Giêsu ở Ga 12,24: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không mục nát đi, nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó mục nát đi, nó mới sinh nhiều bông hạt”. Chỉ có hai đoạn Tin Mừng Gioan (12,24 và 15,5) nói rõ: “sinh nhiều hoa trái”. Như thế chủ đề cây nho và chủ đề hạt lúa bổ túc cho nhau và là nền tảng của những yếu tố chính yếu trong bữa tiệc Thánh Thể: rượu và bánh. Phải chăng Gioan đã chủ ý tìm kiếm hiệu quả này? Dù sao, hình ảnh Cây Nho, được tuyên xưng trong những buổi quy tụ có tính cách phụng vụ vào những thế kỷ đầu tiên cũng như trong các buổi quy tụ ngày nay, vẫn mời gọi các Kitô hữu thấu hiểu sâu xa hơn mầu nhiệm mà họ đang sống khi cử hành bí tích Thánh Thể.