03-05: Chúa Nhật 5 Phục Sinh – Năm B
CÂY NHO ĐÍCH THỰC
Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt
***
CHÚ GIẢI CHI TIẾT
“Ngài tỉa sạch … Các ngươi đã được tỉa sạch rồi”: Ở đây có một lối chơi chữ giữa katharei ‘Ngài tỉa sạch’ là katharoi ‘sạch, được tỉa sạch’, lối chơi chữ của tiếng Hy lạp chắc chắn phỏng lại một lối chơi chữ của tiếng Aram. Trong tiếng Syri, vốn cũng là một ngôn ngữ sêmita, dakki có nghĩa là “thanh tẩy” và “tỉa sạch”. Việc diễn tả ý niệm “tỉa sạch” bằng ý niệm “thanh tẩy” là một điều tự nhiên, bằng chứng là trong Pháp ngữ, “émender” (tỉa) phát xuất từ la ngữ mun dus (sạch), và rõ ràng trong Việt ngữ cũng thế.
“Bởi lời Ta đã nói với các ngươi”: Trong bản văn này cũng như trong nhiều bản văn khác của Gioan (8,31.43; 6,60; 48; 14,23; 15,20) “logos” (lời) là một hạn từ đơn giản hóa “giáo huấn” của Chúa Giêsu. Dĩ nhiên không phải lời Chúa Giêsu được thu nhận vào lỗ tai đã làm cho các môn đồ nên sạch, nhưng là lời được người nghe và đón tiếp. Chính niềm tin vào giáo huấn của Chúa Giêsu đã kết hợp họ vào Cây Nho và nhờ vậy đã làm cho họ tinh sạch. Ý tưởng cho rằng niềm tin vào lời Chúa Giêsu có sức thanh tẩy này còn được Phêrô diễn tả rõ ràng hơn khi nói về những người ngoại đã tin: “Thiên Chúa đã tẩy sạch lòng họ bằng đức tin” (Cv 15,9). “Nếu các ngươi không lưu lại trong Ta”. Đối với con người, lưu lại là bám chắc vào điều đã được ban tặng trong quá khứ, nắm giữ nó trong hiện tại, và tùy vào nó mà xét tương lai. Cũng chính trong ý nghĩa này mà người tín hữu phải lưu lại trong lời (8,31), trong tình yêu (15,9-10), trong ánh sáng (1Ga 2, 10), trong Thiên Chúa (1Ga 4,13-16). Ngược lại, đối với Thiên Chúa hay đối với Chúa Giêsu, lưu lại có nghĩa là liên tục ban hồng âu cứu rỗi cho các kẻ tin (1Ga 2,27; 3,9.15; 12-15). Nhờ lòng trung tín, người tín hữu không ngừng nối chặt cuộc sống mình vào Chúa Kitô, Đấng trong đó hồng ân của Thiên Chúa được trao ban luôn mãi; lòng trung tín này cũng bao hàm một mối tương giao sống động và một sự hiểu biết ngày càng đào sâu.
KẾT LUẬN
Như cành nho thông phần vào sự sống của cây nho mà nó được liên kết với, thì người tín htĩu, nhờ gắn bó với Chúa Kitô, cũng được thông phần vào sự sống đích thực, sự sống Thiên Chúa: việc tham dự này đòi buộc họ phải sống và hành động theo sự mới mẻ mà Chúa Giêsu đã mặc khải.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1) Đoạn văn của diễn từ thứ hai sau Tiệc ly này phải được đặt vào trong bầu khí của buổi cử hành Thánh Thể vốn là trung tâm của bữa tiệc. Việc chúc lành và thánh hiến rượu nho gợi lên ám dụ cây nho. Trước đó, Cựu ước đã dùng tỷ dụ vườn nho để chỉ dân Thiên Chúa rồi. Ở đây, Chúa Giêsu muốn nói rằng Người thể hiện trong bản thân Người toàn thể những gì mà người ta vẫn gán cho dân Thiên Chúa như sự được tuyển chọn, được chăm sóc, phương thế cứu rỗi. Ý chính của bản văn tập trung vào thực tại của sự kết hiệp vốn thiết lập ngay từ đời này giữa Kitô hữu với Chúa Kitô; nên ghi nhận là trong đoạn văn vắn gọn này, từ ngữ “trong Ta” trở đi trở lại năm lần đấy!
2) Kitô hữu được bắt vào Chúa Kitô như cành nho gắn liền với cây nho. Không có Chúa Kitô, họ chẳng là gì. Họ phải nhờ Chúa Kitô mà được hiện hữu, mà có nhựa sống, có khả năng sinh hoa quả. Có thể xảy ra là trên gốc nho, mọc ra một cành không tuân theo định luật của cây con, nhưng phát triển thành gỗ và lá mà không sinh quả. Các người trồng nho gọi đó là cành thừa; họ chặt nó và vứt đi. Có thể có những người tuyên xưng Tin Mừng mà chẳng sinh trái không? Có, đấy là không ai không quan tâm sống nhờ Chúa Kitô đồng thời vẫn tự xưng là Kitô hữu họ tự cho mình thuộc về Giáo hội và Tin Mừng, nhưng chẳng thông hiệp thực sự vào sự sống của Chúa Kitô.
3) Muốn thông hiệp thực sự với Chúa Kitô, thì phải trung thành đáp lại ánh sáng Người đã thông ban. Đối với người ngoại giáo hoặc vô thần không nhìn biết Chúa Kitô mà không phải do lỗi họ, thì ánh sáng ấy đồng hóa với các mệnh lệnh của lương tâm. Nếu họ quen vâng phục tiếng nói của lương tâm thì họ vâng phục chính Chúa Kitô mà không hay biết, và do đó thực sự thông hiệp với Người. Nhưng đối với Kitô hữu đã được biết ánh sáng tràn đầy của Chúa Kitô, sẽ không có hiệp thông thực sự với Chúa Kitô nếu không hiệp thông với Giáo hội, bởi vì ngày nay Giáo hội là Chúa Kitô được nối dài. Một trong những sự kiện đau thương của Giáo Hội hiện thời là tính tự phụ của nhiều con người quảng đại nhưng lạc hướng, đã rời bỏ Giáo hội, lấy cớ là Giáo hội làm thứ màn chắn giữa họ với Chúa Kitô. Chắc hẳn Giáo hội chưa phải là Hiền thê ‘trang sức mỹ miều’ (Kh 19,7; 21,2) để nhập tiệc cưới vĩnh cửu trong Giêrusalem thiên quốc; nhưng dù tội lỗi và dơ bẩn trong các chi thể, Giáo hội vẫn không kém là Hiền thê của Chúa Kitô và là Mẹ các Kitô hữu. Tách rời khỏi Giáo Hội là tách rời khỏi Chúa Kitô.
4) Trong phương cách Thiên Chúa hướng dẫn người tín hữu chân thành, tất cả đều được xếp đặt để cho họ thành công trong định mệnh của họ là khai hoa, đậu trái, sinh quả dồi dào. Sống trong Chúa Kitô, người Kitô hữu được nuôi dưỡng bằng giáo huấn, gương lành, lời dạy ân sủng bên trong và Thánh Thể của Người. Tuy nhiên, có khi quá ứ đầy tư tưởng dự định hoặc chỉ vì thiếu sáng suốt, bệnh hoạn tinh thần, suy nhược ý chí mà Kitô hữu ấy có thể sai lầm hoặc bất trung cách này cách nọ. Chính lúc đó Chúa tỉa sạch tâm hồn và cõi lòng của người ấy, thanh tẩy họ, chặt đi những gì độc hại chiếm sinh lực của họ cách vô ích để họ sinh hoa trái. Điều đó không thể nào không gây đau khổ. Nhưng làm sao lưu lại trong Chúa Kitô được nếu không theo Người trên con đường hy sinh? Nếu đôi lúc ta cảm thấy hình như Chúa Cha cắt tỉa trong xác thịt ta, trong linh hồn ta, thì ta hãy hấp thụ nhiều hơn nữa nhựa sống của Chúa Kitô và hãy bền tâm can đảm vì Chúa đã hứa ban nhiều hoa trái.