CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH B – Chúa Nhật Chúa Chiên Lành
MỤC TỬ TỐT LÀNH
Lm. Phêrô Trần Thanh Sơn
***
Trong Chúa Nhật IV Phục Sinh, bài Tin Mừng của cả ba năm phụng vụ đều được chọn đọc trong đoạn 10 của Phúc Âm theo thánh Gioan nói về người Mục Tử. Do đó, Chúa Nhật IV Phục Sinh hôm nay được chọn làm ngày cầu cho ƠN THIÊN TRIỆU.
Trong giờ chia sẻ này, xin mời cộng đoàn cùng với tôi chiêm ngắm lại hình ảnh của Đức Kitô, Vị Mục Tử nhân lành để cảm tạ lòng thương xót của Ngài. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để mỗi người chúng ta cầu nguyện nhiều hơn cho Giáo Hội luôn có nhiều Mục Tử tốt như lòng Chúa mong ước. Nhờ đó, khát vọng của Đức Kitô: “Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này; cả những chiên đó, Ta cũng phải mang về đàn” sớm trở thành hiện thực.
1. Mục Tử tốt lành:
Có lẽ hình ảnh của người mục tử và đàn chiên khá xa lạ với chúng ta, những người làm nghề biển. Tuy nhiên, đối với người Do thái thì đây lại là một hình ảnh khá quen thuộc. Vào thời bấy giờ, chăn nuôi là một trong những nghề nghiệp chính của họ. Họ cho đàn súc vật của họ đi ăn khá xa nhà, có khi cả mấy tuần mới về (x. St 37, 12-36). Đến tối, họ tập trung cả đàn súc vật lại một nơi, có tường đá bao quanh đề phòng nạn trộm cắp hoặc thú dữ đến sát hại. Như thế, trong suốt thời gian cho đàn chiên của mình đi ăn, đời sống của những người chăn chiên coi như gắn liền với đàn chiên. Từ đó đã phát sinh một mối dây vô hình gắn bó giữa người chăn và đàn chiên. Họ biết rõ từng con chiên một, sẵn sàng hy sinh vì chiên. Mỗi khi có một con chiên bị lạc. Họ liền đi khắp nơi để tìm kiếm cho bằng được (x. Sm 9, 3-4).
Vì thế, khi nói: “Ta là mục tử tốt lành”. Đức Giêsu đã gợi lại nơi các thính giả của Ngài một hình ảnh thật thân quen và gần gũi. Đồng thời, Đức Giêsu cũng xác định rõ sự khác biệt giữa người mục tử tốt lành và người chăn thuê.
1.1 Biết chiên:
Trước hết, để chứng tỏ mình là “Người mục tử tốt lành”, Đức Giêsu nói: “Ta biết các chiên Ta”. Khi dùng từ “biết” ở đây, Đức Giêsu không chỉ muốn nói đến cái biết ở bên ngoài, nhưng là cái biết theo nghĩa Kinh Thánh, nghĩa là cái biết tận bên trong, một cái biết thân mật, thắm thiết, như vợ chồng biết nhau như lời sách Sáng Thế: “Ađam biết Eva, vợ ông, và bà đã có thai” (St 4, 1). Hơn nữa đối với thánh Gioan, “biết” ở đây còn là cái biết của tình yêu, nghĩa là cái biết kết hợp cả hai nên một như lời cha ông chúng ta vẫn thường nói: “Mình với ta tuy hai mà một”. Còn Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay thì nói: “Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta. Cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha”. Như vậy, đó là cái biết của tình yêu, “Cái biết” khiến cho Ba Ngôi trở nên Một.
Quả thật, là Mục Tử tốt, Đức Giêsu thấu rõ tất cả con người của chúng ta như lời tác giả Thánh vịnh: “Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, … Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời, thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết. Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước, bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con… Đi mãi đâu cho thoát thần trí Ngài, lẩn nơi nào cho khuất được Thánh Nhan?” (Tv 139, 1-7). Cùng chung một cảm nghiệm đó, thánh Augustin trong tác phẩm “Tự thú”, cũng đã thốt lên: “Lạy Chúa, con là người thế nào, thì Chúa đã thấu tỏ” [1].
Chính vì biết rõ những giới hạn, bất toàn, yếu đuối của chúng ta, nên Đức Giêsu đã hết lòng thương xót chúng ta đến nỗi sẵn sàng thí mạng vì chúng ta.
1.2 Thí mạng vì chiên:
Dấu chỉ thứ hai của người Mục Tử tốt lành là sẵn sàng “thí mạng sống vì chiên”. Đức Kitô đã hết lòng yêu thương, chăm sóc đàn chiên là chúng ta đến độ sẵn sàng thí mạng mình cho đàn chiên. Sự thí mạng này là kết quả của một tình yêu tự hiến hoàn toàn cho người mình yêu, như lời Đức Giêsu mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng: “Không ai cất mạng sống Ta được nhưng chính Ta tự mình thí mạng sống Ta; Ta có quyền thí mạng sống Ta”. Việc Đức Giêsu chịu chết để đền tội cho nhân loại là ý Chúa Cha, nhưng đồng thời, cũng là ý của Đức Giêsu. Chính tình yêu đã làm cho ý muốn của Chúa Giêsu trở nên một với ý muốn của Chúa Cha. Cảm nghiệm được tình yêu đó, thánh Gioan, vị tông đồ của tình yêu đã mời gọi chúng ta: “Các con thân mến, các con hãy coi: tình yêu của Chúa Cha đối với chúng ta là thế nào, khiến chúng ta được gọi là con Thiên Chúa và sự thật là thế”. Chỉ vì yêu, Đức Giêsu Mục Tử đã chết và Phục Sinh để cho tất cả chúng ta, những kẻ đã cùng chết với Ngài nhờ bí tích Rửa tội, trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa, được gọi Thiên Chúa là “Abba, Cha ơi!” (x. Rm 8, 15-17).
Đức Giêsu cũng chính là Người Mục Tử tốt lành đã thí mạng mình để cứu chiên khỏi sói dữ, hay nói đúng hơn là để cho chiên được sống và sống dồi dào (x. Ga 10, 10). Điều này đã được thánh Phêrô mạnh mẽ làm chứng trước toà Công Nghị của người Do thái, sau khi các ngài đã chữa lành cho một người què nhân danh Đức Giêsu: “Chính nhờ Danh Đức Giêsu Kitô Nazareth, Chúa chúng ta, Người mà chư vị đóng đinh, và Thiên Chúa đã cho từ cõi chết sống lại, chính nhờ Danh Người mà anh nầy được lành mạnh như chư vị thấy đây”.
2. Chúng ta hôm nay:
Nhìn vào mẫu gương người Mục Tử tốt lành của Đức Kitô, chúng ta cũng cần suy nghĩ lại về đời sống của mình. Thông thường, khi nói đến Mục Tử, chúng ta thường nghĩ đến các Giám mục, các Linh mục, Tu sĩ… nói chung là hàng Giáo phẩm. Tuy nhiên, trong địa vị của mình, mỗi người chúng ta cũng đang là một mục tử. Trong gia đình, cha mẹ chính là mục tử cho con cái. Chúng ta sẵn sàng hy sinh làm lụng, vất vả, thức khuya dậy sớm, để lo cho con cái, nhưng như thế vẫn chưa đủ, người mục tử tốt là người biết rõ chiên của mình. Chúng ta có biết rõ chiên (con cái) của mình không? Chúng đang ở đâu? Đọc sách gì? Làm gì? Chơi với những bạn bè nào? Chúng đang có tâm sự gì? Chúng có gặp khó khăn gì trong cuộc sống? Đời sống đạo đức của chúng ra sao?… và nhiều vấn đề khác nữa. Lắng nghe lời Chúa hôm nay chính là cơ hội để chúng ta kiểm điểm lại tư cách mục tử của chúng ta trong gia đình.
Cũng thế, những người có trách nhiệm trong từng cộng đoàn, từng giới, các Giáo lý viên… cũng là mục tử cho những người mình có trách nhiệm. Chúng ta có biết rõ hoàn cảnh của từng người và sẵn sàng hy sinh thời giờ, cơ hội, khả năng để phục vụ cho cộng đoàn không? Hay là chúng ta chỉ là những người chăn thuê, đến làm việc theo giờ?
Kế đó, mỗi người cũng là mục tử cho chính mình và cho bạn bè của mình. Vì chính Chúa Phục Sinh đã giao nhiệm vụ cho mỗi người chúng ta phải đưa bản thân chúng ta và mọi người về với Chúa, để rồi “chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên”.
Mặt khác, tất cả chúng ta còn là chiên của Đức Kitô Mục Tử tối cao. Chúng ta hãy sẵn sàng nghe tiếng Ngài qua Kinh Thánh, qua Giáo Hội, qua Đức Giám Mục Giáo phận và các cộng tác viên của các ngài là các Linh Mục mà Chúa gởi đến hướng dẫn chúng ta, như lời Đức Giêsu đã nói: “Chiên của Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta”.
Cuối cùng, nhân ngày cầu nguyện cho ơn Thiên Triệu, trong tư cách là những người làm cha mẹ, chúng ta hãy lưu ý cổ võ, vun trồng ơn gọi tu trì nơi con cái chúng ta. Còn các bạn trẻ và các em thiếu nhi, khi nhận ra tiếng Chúa đang mời gọi chúng ta theo Ngài trong đời sống tu trì, chúng ta hãy can đảm và quảng đại đáp lại tiếng Chúa. Nhờ đó, Giáo Hội ngày càng có thêm nhiều Mục Tử như lòng Chúa mong ước. Amen.
[1] Lm. Antôn Trần Minh Hiển, Giáo Phụ, phụ trương 2, 1999, trang 58-60