CHÚA NHẬT LỄ LÁ
CHÚA GIÊSU VÀ THẬP GIÁ
Lm. Phêrô Trần Thanh Sơn
Bài đọc 1: Is 50, 4-7
Bài đọc 2: Pl 2, 6-11
Tin Mừng: Mc 11, 1-10 (Bài Tin Mừng rước lá)
Mc 14, 1-15, 47 (Bài Thương khó)
***
Sau khi đã giới thiệu về các khía cạnh của con người Chúa Giêsu trong các Chúa Nhật Mùa Chay vừa qua, hôm nay, Chúa Nhật Lễ Lá mở đầu cho tuần Thương khó của Chúa Giêsu, lời Chúa mời gọi chúng ta cùng suy niệm về những giờ phút cuối cùng của Ngài trên con đường thập giá.
Suy niệm về những đau khổ Chúa Giêsu đã trải qua, không phải để chúng ta bi quan, nhưng là cơ hội để từng người chúng ta nhận ra sự nặng nề của tội lỗi, đồng thời, cũng là cơ hội giúp chúng ta nhận ra tình yêu vô bờ bến mà Thiên Chúa dành cho từng người chúng ta. Nhờ đó, chúng ta đủ can đảm và nghị lực để đi trọn con đường thập giá của mình, ngõ hầu chúng ta cũng có thể tham dự vào sự Phục Sinh của Đức Kitô, Chúa chúng ta.
Trước hết, chúng ta cùng nhìn lại thái độ của dân chúng đối với Chúa Giêsu. Ngay khi Chúa Giêsu vào thành để dự lễ Vượt Qua, dân chúng đã đổ xô ra đường, chặt cành lá, trải áo, tung hô để đón rước Ngài như một vị vua. Họ muốn Ngài đứng ra làm vua Thiên Sai theo ý họ, giải thoát họ khỏi ách thống trị của ngoại bang. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã vào thành không phải trên lưng một con ngựa chiến, nhưng là trên lưng một con lừa khiêm nhu. Ngài đã không thoả mãn những đòi hỏi theo cái nhìn trần thế của đám đông dân chúng. Ngài đến là để thực hiện sứ mạng người tôi tớ mà Chúa Cha đã giao phó, như lời ngôn sứ Isaia đã báo trước: “Mỗi sáng Người đánh thức tôi, Người thức tỉnh tai tôi, để nghe lời Người giáo huấn… Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu, tôi đã không che giấu mặt mũi tránh những lời nhạo cười và nhưng người phỉ nhổ tôi”. Như thế, Chúa Giêsu đến trần gian không phải để làm một vị vua theo nghĩa chính trị, nhưng là để “gánh tội trần gian” (Ga 1, 29). Thánh Phaolô đã đúc kết sứ mạng của Chúa Giêsu như sau: “Chúa Giêsu Kitô, tuy là thân phận Thiên Chúa, đã không nghĩ phải dành cho được ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người huỷ bỏ chính mình… Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá”.
Thế là dân chúng đã thay đổi thái độ. Họ chuyển những lời tung hô, chúc tụng thành lời kết án. Chính họ đã trao nộp Chúa Giêsu cho tổng trấn Philatô, một người dân ngoại. Tin mừng thuật lại: “Vừa tảng sáng, các thượng tế hội nghị với các kỳ lão, luật sĩ và toàn thể công nghị. Họ đã trói Chúa Giêsu và giải nạp Người cho Philatô”. Tệ hơn nữa, khi được Philatô hỏi về số phận của Chúa Giêsu, dân chúng đã xin quan tha cho Baraba, một tên trộm cướp, giết người và đòi đóng đinh Chúa Giêsu. Họ đã coi Chúa Giêsu không bằng một tên cướp.
Tới đây, có lẽ chúng ta chê trách thái độ vô ơn, bạc bẽo, phụ bạc của dân Do thái. Thế nhưng, đây cũng có thể là thái độ của mỗi người chúng ta. Khi có người không vừa ý với chúng ta, chúng ta đã vội kết án, và tìm đủ cách để dìm người đó xuống, mà không màng tới lẽ phải và công bằng. Chẳng phải chúng ta cũng từng bỏ giờ thờ phượng Chúa chỉ vì một vài lợi ích nào đó trước mắt sao?
Điều thứ hai, tôi muốn cùng với ông bà anh chị em suy niệm về cuộc thương khó của Chúa Giêsu, đó là sự phản bội của những người thân tín nhất, trong những giờ phút quan trọng nhất. Đó là sự phản bội của Giuđa, và chối Thầy của Phêrô.
Đây là sự bội phản mà Chúa Giêsu đã biết trước. Ngay trong bữa tiệc sau hết với các môn đệ, Ngài nói: “Thầy nói thật với các con: có một người trong các con sẽ nộp Thầy”. Và cũng trong bữa tiệc này, mặc dù Phêrô lên tiếng mạnh mẽ: “Dù tất cả vấp phạm về Thầy, riêng con, con sẽ không bao giờ vấp phạm”, nhưng Ngài biết rõ yếu đuối của ông: “Thầy bảo thật con, chính đêm nay, trước khi gà gáy, con sẽ chối Thầy ba lần”. Giuđa và Phêrô là hai môn đệ được Ngài tin tưởng nhất. Vì tin tưởng nơi các ông, nên Chúa Giêsu đã giao cho Giuđa nhiệm vụ “tay hòm, chìa khoá”, nghĩa là làm nhiệm vụ thủ quỹ cho các Ngài. Còn Phêrô, thì Ngài đã đặt làm đầu các tông đồ. Thế mà giờ đây, cả hai đều vấp ngã. Còn các môn đệ khác đều chạy trốn hết cả. Thử hỏi còn đau khổ nào hơn thế nữa. Nỗi đau khi bị chính những người mình thân yêu, tin tưởng nhất phản bội. Nỗi đau này còn lớn hơn nữa bởi Ngài đã được nhìn thấy trước mà không thể tránh. Hiểu như thế, chúng ta mới có thể cảm thông được phần nào lời tâm sự của Chúa Giêsu trong vườn Giệtsimani: “Linh hồn Thầy buồn đến chết đựơc”.
Nhưng có lẽ sự đau khổ lớn nhất của Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn này là sự im lặng của Chúa Cha. Từ khi Chúa Giêsu bị trao nộp, chịu các cực hình, bị dân chúng và binh lính sỉ vả và đóng đinh trên thập giá, chúng ta không hề thấy có sự xuất hiện của Chúa Cha. Đau khổ này lớn đến nỗi, Ngài đã phải kêu lên: “Eloi. Lammasabachtani!”. Nghĩa là: “Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi. Tại sao Chúa bỏ tôi!”. Tuy nhiên, đây không phải là một lời than trong tuyệt vọng, nhưng khi dùng lại lời của Thánh vịnh 22 này như lời kinh trước giờ chết của mình, Chúa Giêsu đã chứng tỏ một lòng cậy trông vững chắc của Ngài vào sức mạnh và tình yêu của Thiên Chúa.
Vâng, đứng trước tất cả những đau đớn bởi đòn vọt, tra tấn nhất là những đau khổ trong tâm hồn như thế, với sức tự nhiên của con người, quả thật, không thể chịu đựng nổi. Nhưng Chúa Giêsu đã vượt qua tất cả. Ngài đã đi trọn vẹn con đường thương khó, đến hơi thở cuối cùng trên thập giá. Ngài đã hoàn tất nhờ sức mạnh của tình yêu mà Ngài dành cho loài người chúng ta, như lời Ngài đã nói: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13). Và nhất là vì Chúa Giêsu đã luôn phó thác trọn vẹn cuộc sống mình trong tay Chúa Cha như một người tôi tớ khiêm hạ mà ngôn sứ Isaia đã báo trước: “Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không hổ thẹn”.
Cuối cùng, khi suy niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu hôm nay, phụng vụ còn cho chúng ta thấy rằng: Sự chết của Chúa Giêsu trên thập giá không phải là dấu chấm hết. Nhưng đó là một sự khởi đầu, như lời Ngài nói mà chúng ta vừa nghe trong Chúa Nhật vừa qua: “Khi nào Ta chịu đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta” (Ga 12, 32). Và kết quả đầu tiên từ cái chết của Ngài đó là: “màn trong đền thờ xé ra làm đôi từ trên xuống dưới”. Với cái chết của mình, Chúa Giêsu đã thực sự xé tan bức màn ngăn cách chúng ta với Thiên Chúa. Bức màn đã được dựng nên do bởi tội Nguyên tổ và tội riêng của từng người chúng ta. Ngài đã giao hoà chúng ta với Thiên Chúa ngang qua thân xác của Ngài. Từ đây, mỗi người chúng ta có thể đến trực tiếp với Thiên Chúa. Và cũng từ cái chết của Chúa Giêsu, ơn cứu độ đã đựơc ban cho mọi dân tộc mà lời tuyên xưng của chính viên sĩ quan là một khởi đầu: “Đúng người này là Con Thiên Chúa”.
Hôm nay, ngày đầu tiên của Tuần Thánh, chúng ta vừa cùng nhau suy niệm về cuộc Thương khó của Chúa Giêsu. Những đau khổ mà Chúa Giêsu phải chịu chính là do tội lỗi của tôi và quý ông bà anh chị em. Giờ đây, trong tâm tình tạ ơn, chúng ta cùng xin Chúa ban ơn giúp sức cho từng người chúng ta can đảm từ bỏ tội lỗi, cùng với đời sống bất công, thiếu bác ái. Đồng thời, sẵn sàng chấp nhận thập giá Chúa gởi đến hàng ngày trong cuộc sống để kết hiệp với cuộc khổ nạn của Đức Kitô. Nhờ đó, chúng ta cũng sẽ được cùng Ngài sống lại trong vinh quang sau này. Amen.