CHÚA NHẬT LỄ LÁ
ĐẤNG MÊSIA TIẾN VÀO THÀNH GIÊRUSALEM
Chú giải mục vụ của Jacques Hervieux
***
Sau một cuộc hành trình dài, Chúa Giêsu cũng các môn đệ đã đến Giêrusalem. Đây chính là thời kỳ quan trọng –Maccô cũng như ba vị thánh sử kia (Mt 21,1-10; Lc 19,28-40; Ga 12,12-19), đã kể lại biến cố này bằng một bối cảnh rất rõ ràng. Bản tường thuật của Maccô đầy tràn các hình ảnh Kinh Thánh. Nghĩa là các Kitô hữu sơ khai vẫn ấp ủ và chiêm ngắm việc Chúa Giêsu vào thủ đô như là hình ảnh báo trước việc Đấng Phục Sinh sẽ trả lời trong vinh quang.
Bối cảnh cho giai đoạn này cũng rất đặc sắc. Từ Giêricô, Chúa Giêsu tiến về thành thánh từ hướng đông. Ngài băng qua các làng Betphaghê và Bêtania, theo hướng xuôi xuống triền núi Ôliviê (c.2a). vào thời Chúa Giêsu, có một truyền thống Do Thái xa xưa cho rằng chính Thiên Chúa –và Đấng Mêsia của Ngài- chắc chắn sẽ theo lộ trình đó để đến phán xét vào thời cuối cùng. “Vào ngày ấy, Người sẽ dừng chân trên núi Ôliviê đối diện với Giêrusalem về hướng đông” (Dc 14,4). Chính bối cảnh tiên tri này đã mang lại âm sắc độc đáo cho biến cố xảy ra ngay sau đoạn khơi mào: sự thanh tẩy Đền thờ (11,15-18).
Trong lúc ấy, việc Đấng Mêsia vào thành vẫn chưa mang vẻ uy nghi gì cả. Chúa Giêsu chưa phát biểu gì. Ngài chỉ phái hai môn đệ đi tìm cho Ngài một con vật để cỡi (c.1b-6). Kiểu tường thuật này được lặp lại trong việc chuẩn bị chi cảnh cuối cùng (14,12-16). Trong cả hai lần, Chúa Giêsu muốn chính mình sắp đặt mọi sự, và muốn mọi việc Ngài ủy thác phải được thi hành hoàn hảo. Điều này càng nhấn mạnh tính chất linh thiêng của biến cố sắp xảy ra. Đó là một sáng kiến cao cả và hoàn toàn không do ngẫu nhiên. Việc Chúa Giêsu ra lệnh đem về cho mình “một con lừa nhỏ có cột dây, chưa có ai cỡi” (c.2) rất đáng ta chú ý đến. Con vật đó phải còn nguyên tuyền, chưa ai dùng đến. Đó phải là một con vật thánh. Ở xứ Israel, lừa là một gia súc quen thuộc với công việc gia đình. Và trong Thánh Kinh, đó là con vật để cỡi theo truyền thống của vua chúa (1V 32-35). Chính trong trường hợp này, qua việc chọn lấy một con lừa, Chúa Giêsu đã hoàn tất một trong những lời tiên tri mang tính Mêsia được biết đến nhất. “Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy vui lên! Này đây Vua ngươi ngự đến, Ngài công minh và vinh quang, nhưng khiêm tốn cỡi trên lừa còn nhỏ. Ngài sẽ cất khỏi Êphraim các cỗ chiến xa và khỏi Giêrusalem các xe trận. Người sẽ bẻ gẫy cung nỏ chiến tranh và tuyên bố hòa bình cho mọi dân nước” (Dc 9,9-10).
Nghịch lý đã được bộc lộ ra ở đây. Chúa Giêsu muốn tỏ mình ra là Đấng Mêsia của Israel. Ngài khiêm hạ, đem đến sự an bình. Con vật tầm thường của Ngài cỡi trái ngược hẳn với đoàn hộ tống của vua chúa thân chinh: ngựa chiến oai phong, chiến xa. Trang phục kín đáo của Ngài cũng không xứng với danh xưng dân chúng gán cho Ngài. Ngài là “Chúa” (c.3). Dưới ngòi bút của Maccô, tước hiệu này có lẽ chỉ là do sự lầm lẫn khi viết ra. Maccô rất ít khi dùng đến tước hiệu này khi Chúa Giêsu còn sống (7,28 và 12,36-37). Trước tiên, nó muốn ám chỉ Đấng mà các Kitô hữu sẽ thờ phương sau khi Ngài sống lại vinh quang, đó chính là Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ.
Những câu 7-10 gợi lên nghi thức phong vương. Các môn đệ dắt lừa con tới, trải áo làm yên, Chúa Giêsu ngồi lên (c.7). Những cử chỉ này làm nhận biết tính cách vương đế của Thầy họ. Và dân chúng phấn khởi (c.8). Họ trải thảm cho Chúa Giêsu đi, thảm danh dự trong các ngày lễ thánh (xem chuyện Jêhu trong 2V 12b-13) #. Việc chặt lá cây là mượn hình ảnh ngày lễ Trại. Thời Chúa Giêsu vào dịp lễ này người ta hoan hỉ đón mừng vương quyền của Giavê. Niềm mong chờ Đấng Mêsia bỗng trở nên sống động nhờ một cuộc diễn hành trong đó dân chúng tán tụng Thiên Chúa, tay cầm các nhành vạn tuế và lá dừa (x. Lv 23,39-40) miệng tung hô.
Chúa Giêsu là vị anh hùng y như trong nghi thức trên đây. Người ta tung hô đón tiếp Ngài. Họ hoan hỉ hộ tống Ngài vào thành (c.9). những lời ca tụng tán dương dân chúng dành cho Ngài mang một sắc thái lễ nghi rõ rệt. Chúng được trích từ Thánh vịnh 118, và cũng được hát trong dịp lễ trại “Hosana!” là một từ ngữ Hy Bá Lai có nghĩa “Xin cứu giúp chúng tôi!”. Dần dà, lời kêu cầu xin giúp đỡ này trở thành một tiếng tán dương, một lời “hoan hô”. Chúa Giêsu đã được hoan hô, được công nhận là Mêsia, “Đấng sẽ đến” (Tv 118,26). Maccô còn làm cho thời điểm này mang tính Mêsia hơn khi ông thêm vào: “Vạn tuế vạn phúc triều đại đang tới, triều đại vua Đavit, tổ phụ chúng ta” (c.10a). dân chúng nhận ra Chúa Giêsu là Con Vua Đavít, vị vua đã hoàn thành được những lời hứa hẹn của Thiên Chúa với các vị vua Giuđa (2V 7,12-16). Tiếng kêu cuối cùng của dân chúng có thể khiến ta ngạc nhiên, tựa như một âm vang: “Hoan hô Chúa!” (c.10b).
Sau cùng, thánh sử khéo léo ghi nhận đích đến của đám rước hoan hỉ này: “Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem và đi vào Đền thờ” (c.11a). Vị Vua Mêsia hoàn tất cuộc diễn hành tại nơi trung tâm của thành thánh: nơi thờ phượng Thiên Chúa. Toàn bộ hành trình của Chúa Giêsu hướng về Giêrusalem như nơi Ngài chọn để hoàn tất sứ vụ. Những cuộc gặp gỡ, tranh luận sau đó đều xảy ra xung quanh hoặc chính trong nơi thánh này của Israel (11,12-12,44). Những từ Maccô dùng để kết thúc bản tường thuật không làm ta ngỡ ngàng chút nào. Khi đã vào đền, Chúa Giêsu “rảo mắt nhìn xem mọi sự” (c.11b). Chắc hẳn Thầy đã biểu lộ sự hiện diện uy nghi của mình qua việc đảo mắt dò xét xung quanh. Và Maccô biết điều bí mật đó.
Nhưng trong cái nhìn của Chúa Giêsu vẫn ẩn náu một vẻ bình thản lạ lùng. Hội hè lễ lạc đã xong hẳn. Một tấn kịch đang hình thành và sắp mở màn. Ngài đợi đến ngày hôm sau mới ra tay hành động bởi vì trời đã về chiều. Chúa Giêsu cùng với Mười Hai môn đệ trở về nghỉ ở Bêtania (c.11b). Cuộc rút lui chiến thuật này thật đầy ý nghĩa. Bêtania, tiếng Hy Bá Lai có nghĩa là “nhà của kẻ nghèo”. Với vẻ trang trọng lạ thường, việc Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem có thể làm người ta quên đi điều này: Con Người đến đó để trải qua cuộc khổ nạn (10,32-34).
Người ta thường cho rằng cuộc khải hoàn của Chúa Giêsu vào Giêrusalem chỉ xảy ra vắn vỏi. Mọi người đều tin rằng bản văn tường thuật hiện nay chỉ mang màu sắc hội hè sau khi Chúa Giêsu Phục Sinh mà thôi. Cộng đoàn sơ khai hẳn rất thích thú đọc lại, qua ánh sáng Kinh Thánh, về một biến cố nguyên tuyền, đồng thời lại khiêm nhường nhất. Gioan đã nói lại điều đó khi ông viết: “Thoạt đầu các môn đệ không hiểu điều này, nhưng khi Chúa Giêsu đã được vinh hiển rồi, họ mới nhớ lại rằng điều đó chỉ về Ngài…” (Ga 12,16). Chúng ta chỉ kết luận rằng vào dịp lễ độc đáo đó, Chúa Giêsu đã được dân chúng tiếp rước nồng hậu nhưng vẫn hàm hồ. Những biến cố kế tiếp sẽ chứng tỏ điều này.
ÂM MƯU CHỐNG LẠI CHÚA GIÊSU (14,1-2)
Lần đầu tiên độc giả có dịp đặt mình vào bối cảnh “Lễ Vượt Qua”. Trước kia, Vượt Qua chỉ là một dịp lễ hội của dân du mục. Vào mùa xuân, khi gia súc đã qua mùa sinh sản, người ta dâng cúng cho thần thánh các con chiên sinh ra đầu tiên (x. Xh 12,1-11). Đến khi dân Israel đã định cư, họ tổ chức một lễ hội khác, cũng mang dáng dấp nông nghiệp như trên, gọi là “bánh không men”. Họ mừng mùa gặt mới. Hai lễ hội này –Vượt Qua và bánh không men- nhanh chóng được nhập làm một với nhau. Thay vì tổ chức mừng đón thiên nhiên đâm chồi nẩy lộc khi xuân đến, họ lại tưởng nhớ việc được giải phóng khỏi ách nô lệ (ra khỏi xứ Ai Cập) và thiết lập dân Thiên Chúa (Dt 16,1-8). Ở Israel, Vượt Qua đã trở thành lễ hội quan trọng và lớn nhất của dân Do Thái. Do đó không phải ngẫu nhiên mà bản tường thuật khổ nạn lại được đặt vào khung cảnh của lễ hội này. Nó tạo nên một bầu khí phụng vụ rõ nét.
Và thế là một sự diễn ra rất chính xác (c.1b). Trước đây ta thấy đã có một âm mưu chống lại Chúa Giêsu, dù mới chỉ là nét phác họa sơ sài (c.3,6). Nhưng âm mưu này chỉ liên quan đến nhóm biệt phái và các kẻ thuộc phe Hêrôđê. Nhưng khi Chúa Giêsu trở lại Giêrusalem, kế hoạch bắt Ngài được vạch ra chính xác hơn, phát xuất từ giới tư tế, và được giới thường dân hùa theo, nhất là sau “vụ việc” Đền thờ (11,15-18; 12,12). Đến bây giờ các thượng tế, với sự giúp đỡ của các ký lục, đang cố tìm ra cách thức cụ thể để bắt Chúa Giêsu. Họ “tìm mưu” hầu tránh gây kích động nơi dân chúng (c.2). Vào dịp lễ Vượt Qua rất nhiều khách hành hương tuôn về Giêrusalem, họ là những người Do Thái tản mác khắp bốn phương thiên hạ. Đó hẳn là một thời cơ thuận lợi để nổi dậy: Vả lại, Chúa Giêsu được dân mến mộ vì những lời giảng dạy sáng chói trong Đền thờ (12,12-57). Các thủ lãnh Do Thái phải nhanh chóng hành động, trước khi ngày lễ bắt đầu: phải đảm bảo trật tự công cộng.
XỨC DẦU THƠM Ở BÊTANIA (14,3-9)
Đây chính là lời dẫn nhập về Cuộc Khổ Nạn. Câu chuyện xảy ra ở Bêtania, một làng nhỏ gần Giêrusalem, nơi Chúa Giêsu thường ghé lại nghỉ ngơi khi rời thành Giêrusalem (11,11). Người tiếp đón Ngài không ai khác hơn là chính người phong cùi trước đây tên là Simon (c.3a). Ông đã được lành bệnh và đã tiếp đón Chúa Giêsu vào nhà mình.
Chỉ một mình Maccô ghi lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và một phụ nữ đang khi Ngài ngồi ăn ở nhà một người bạn (c.b). Ta không biết tên của người phụ nữ ấy. Tác giả Tin Mừng không chú trọng đến con người, mà là hành động của cô ta. Cô mang một bình dầu thơm quý, “rất tinh tuyền”. Có lẽ đó là loại dầu thơm chiết xuất từ một loài cây cỏ Ấn Độ. Đập bể bình ra, “Cô đổ dầu thơm trên đầu Người” (c.3c). Maccô nhấn mạnh đến sự hoang phí này. Người phụ nữ không ngần ngại đập bể bình để đổ thật nhiều và thật nhanh. Chuyện đổ dầu thơm lên đầu Chúa Giêsu là việc quá dễ dàng: Chúa Giêsu ngồi vào bàn theo lối xưa, nghĩa là Ngài tựa mình dài lên một cạnh bàn tiệc. Cử chỉ bất ngờ này mang ý nghĩa gì? Về phía người phụ nữ, chắc chắn đó là một cử chỉ tỏ lòng tôn kính Thầy. Có thể cô đã nhận ra tính cách Thiên sai nơi Chúa Giêsu. Bởi vì khi xức dầu lên đầu cho ai, người ta xác định kẻ ấy là vua. Theo như sự mong đợi của người Do Thái thì Đấng Mêsia đã được “xức dầu” (x. Is 61,1). Nhưng việc vừa xảy ra khiến các môn đệ Chúa Giêsu phản ứng dữ dội.
Người ta quên rằng ngoài Simon, Chúa Giêsu và người phụ nữ còn có nhóm Mười Hai môn đệ nữa chứ. Họ mới là những kẻ nổi xung lên, cho rằng làm như thế là phí phạm quá. Họ ước tính bình dầu thơm đó phải hơn ba trăm đồng: tương đương với ba trăm ngày công vất vả của một nông dân chớ đâu phải ít gì! (c.4-5). Thà rằng đem bán lấy tiền cho kẻ khó còn hơn. Lời phê phán này cũng có lý đấy chứ, nhưng Chúa Giêsu vẫn bênh đỡ cho hành vi của cô ấy: “Cô ấy vừa làm cho Tôi một việc nghĩa” (c.6). Các môn đệ phải nhận thức ra điều này. Người ta chẳng thiếu gì người nghèo để mà giúp đỡ. Hẳn thực là theo luật Môsê thì Thiên Chúa đã đòi hỏi dân Ngài phải ra tay cứu giúp kẻ bần hàn, xóa bỏ bất công: “Ước chi kẻ nghèo khó sẽ không có nơi ngươi” (Đnl 15,4). Nhưng cũng không nên quá nhiều ảo tưởng. “Vì sẽ không hề thiếu người nghèo khó trong xứ đâu. Bởi thế Ta truyền dạy rằng: Ngươi phải mở rộng tay ngươi cho anh em ngươi, cho kẻ bần cùng và nghèo hèn trên đất ngươi” (Đnl 15,11). Chúa Giêsu không hề phủ nhận việc phải cấp tốc giúp đỡ người nghèo. Ngoài ra, ngay chính trong đám môn đệ, vẫn có một kẻ đặc trách việc phân phát tiền bố thí. Theo Gioan, đó chính là phần vụ của Giuđa, thủ quỹ của nhóm Mười Hai (Ga 12,4-6). Vậy rõ ràng là các Tông đồ, mà đầu tiên là Giuđa, đã tỏ ra giả dối khi lên án người phụ nữ đó phí phạm. Và Chúa Giêsu bất ngờ mặc cho hành động của cô ta một ý nghĩa cao cả hơn thế nữa: vả lại, “Cô ấy đã lấy dầu thơm để chuẩn bị ngày mai táng” (c.8). Ý Chúa Giêsu muốn nói về hành động mang tính tiên tri của cô ấy. Cô đã thấy trước sự ướp thơm tử thi Chúa Giêsu. Đó là một việc rất có giá bởi lẽ ta nên nhớ rằng nấm mồ nơi chôn cất Chúa Giêsu là mồ của kẻ đã bị kêu án tử; phải nhanh chóng táng xác Ngài và cũng không cần chi mà phải ướp dầu thơm (15,46). Ta cũng nên lưu ý rằng theo đạo Do Thái hồi ấy, người ta vẫn thường coi trọng việc thực thi bác ái. Theo truyền thống thì chôn xác kẻ chết là một nghĩa cử rất đáng biểu dương, tương tự như việc bố thí cho kẻ nghèo khó vậy (x. Tb 1,16-18).
Chúa Giêsu đã không ngần ngại liên kết hành động của người phụ nữ vô danh đó với thảm kịch Ngài sắp phải chịu. Và Maccô cũng không bỏ qua việc kết thúc bài tường thuật bằng cách ghi nhận lời tuyên bố long trọng của Thầy mình là: Khắp cả thế giới hễ nơi nào được loan báo Tin Mừng, thì biến cố này cũng sẽ được biết đến (c.9). Khi ghi lại cảnh này, thánh sử biết rằng việc xức dầu ở Bêtania hẳn sẽ được nối kết với lời rao truyền “Tin Mừng” loan báo cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Ta nhận thấy Maccô rất quan tâm đến việc thông truyền Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô cho cả thế giới (1,1; 8,35; 10,29; 13,10). Tâm điểm của Tin Mừng này là cuộc khổ nạn và Phục Sinh của Đấng Mêsia, và dĩ nhiên, cử chỉ khiêm hạ của người phụ nữ kia phải chiếm một vị trí thích hợp ở đó.
NGẢ GIÁ ĐỂ GIUĐA PHẢN THẦY (14,10-11)
Như ta đã nói ở trên, trong số các môn đệ chống đối việc người phụ nữ xức dầu thơm cho Chúa Giêsu (14,3-9), chắc chắn có “Giuđa Iscariot, một trong nhóm Mười Hai” (c.10a). nhờ vào Tin Mừng Gioan, ta biết thêm rằng chính y là người quản lý tiền bạc cho nhóm Tông đồ. Ngoài việc lo lắng chi tiêu cho cả nhóm, y còn đảm trách luôn việc bố thí cho người nghèo. Vậy mà y chẳng bận tâm gì đến những nhiệm vụ ấy, bởi lẽ “y là một tên trộm cướp… y ăn cắp” hết thảy những gì người ta cho vào trong túi ấy (Ga 12,4-6). Và ta có cần phải tưởng tượng nhiều lắm mới nhận ra chính y là kẻ biển lận và dễ bị mua chuộc phản bội lại Thầy mình nhất không? Thực tế cho thấy rằng chính y là kẻ “đã đi gặp các thượng tế, để tính chuyện nộp Chúa Giêsu cho họ”. Bù lại, y sẽ nhận được tiền (c.10b-11a). Như thế mưu mô mà họ đã âm thầm nuôi dưỡng (14,1b) nay sắp tới lúc chín muồi. Và qua những dòng đơn sơ Maccô đã chỉ cho thấy rằng chỉ vì một lợi lộc bẩn thỉu một tên phản bội đã len lỏi vào hàng ngũ bạn hữu của Chúa Giêsu. Chúa đã chọn Giuđa làm Tông đồ như những Tông đồ khác, tin tưởng y, cùng sống với y và giúp đỡ y (3,13-19). Cần ghi nhớ rằng một trong những nguyên nhân dẫn Chúa Giêsu đến cái chết lại đến từ một trong các kẻ thân cận với Ngài.
Bây giờ Giuđa chỉ còn tìm dịp thuận tiện để giao nộp Chúa Giêsu (c.11b). Dịp này sẽ xảy ra trong vài giờ nữa, không cần phải chờ đến hết ngày (14,43-50).
CHUẨN BỊ CHO BỮA TIỆC LY (14,12-16).
Trình thuật này làm độc giả ngạc nhiên bởi vì được mô tả khá chính xác. Trước hết nó cho biết thời gian và ý nghĩa của bữa ăn tiệc ly Chúa Giêsu dùng chung với các môn đệ. Về thời gian, Maccô cũng như Matthêu (26,17-19) và Luca (22,7-13)-cho rằng bữa tiệc của Chúa Giêsu xảy ra trùng hợp với bữa tiệc Vượt Qua của người Do Thái, được tổ chức vào đêm trước lễ Vượt Qua (c.12a). và Chúa Giêsu cũng rất ít có được khả năng ăn mừng lễ Vượt Qua Do Thái. Bởi vì hôm sau, ngay chính lễ Vượt Qua, Ngài sẽ chết. Nhưng theo luật tòa án hồi bấy giờ, người ta không thể kêu án và xử án bất kỳ ai một khi lễ Vượt Qua đã bắt đầu. Về phương diện lịch sử, trình tự thời gian mà Gioan ghi lại có vẻ hợp lý hơn. Năm ấy, lễ Vượt Qua Do Thái xảy ra vào ngày thứ Bảy, ngày Sabbat (Ga 19,31). Chúa Giêsu bị đóng đinh vào trước hôm đó, ngày thứ sáu, vào giờ mà người ta cắt tiết chiên để ăn mừng lễ (Ga 18-28). Như thế, Chúa Giêsu dùng bữa tiệc ly cùng với các môn đệ vào ngày thứ Năm. Sự xê xích thời gian này rất quan trọng. Dù sao đi nữa, chính vì lễ đã quá gần nên mới có bữa tiệc này, và người ta nhận ra ngay là cả ba Tin Mừng nhất lãm đều biến bữa tiệc này thành tiệc Vượt Qua. Sự chết và sống lại của Chúa Giêsu gắn liền với “lễ Vượt Qua mới”: việc giải thoát khỏi ách sự Ác và sự Chết-Phaolô là người đầu tiên có thể nói lên: “Đức Kitô, Chiên Vượt Qua của ta, đã bị sát tế. Ta hãy mừng lễ, đừng với men cũ… nhưng với bánh không men của lòng tinh tuyền và chân thật” (1Cr 5,7-8)..
Bản tường thuật tiếp tục với một văn phong gần như kiểu chuyện “thần kỳ”. Các môn đệ hỏi Ngài về địa điểm dọn tiệc, Chúa Giêsu trả lời khá kỳ cục (c.13-15). Có hai điểm nổi bật trong đoạn này. Điểm thứ nhất là các môn đệ sẽ gặp một người đội vò nước. Lẽ thường thì chỉ có phụ nữ mới đi lấy nước. Như vậy, Chúa Giêsu đã mặc cho đặc điểm kỳ lạ này một dấu chỉ trù định trước. Điều kỳ cục thứ hai, đó là việc tìm được một căn phòng “đã sắp sẵn” cho bữa tiệc. Hình như Thiên Chúa đã quan phòng hết mọi sự, và Chúa Giêsu được coi như là một tiên tri biết hết mọi chuyện sẽ xảy ra, biết từng chi tiết một. Làm sao giải thích điều này? Hầu chắc là Maccô đã được linh hứng khi viết những trang này, theo kiểu viết Kinh Thánh thông thường hồi đó. Trong sách Samuel thứ I, tiên tri Samuel đã thấy trước được những lần gặp gỡ (theo thánh ý Chúa) và chàng trai trẻ Saul. Những cuộc gặp gỡ này phải chứng tỏ được rằng Thiên Chúa đã chọn chàng trai trẻ này để làm vua Israel (1S 10,1-10). Cũng tương tự như thế, cuộc gặp gỡ được báo trước hai môn đệ với người đàn ông đội vò nước sẽ là dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa đã quyết chọn Chúa Giêsu làm Vua -Mêsia. Đoạn này còn được xác quyết chắc chắn bằng một đoạn khác của Maccô: đoạn kể về việc Chúa Giêsu vào Giêrusalem (11,1-11). Ở đó, Chúa Giêsu cũng phái hai môn đệ đi trước để tìm gặp con lừa con. Biến cố này rõ rệt là mang tính chất Mêsia và lần nào thì sự việc cũng xảy ra y như những lời dặn dò trước cả. Mọi sự đều diễn ra phù hợp với nhận định tiên tri của Thầy (c.16).
Ta kết thúc đoạn này bằng cách lưu tâm đến việc lặp lại tới hai lần tính từ “Vượt Qua” (c.12b và 12d) và danh từ “vượt qua” (c. 14,16) là nhằm mục đích kêu mời độc giả chú trọng đến ý nghĩa tối hậu của bữa tiệc Chúa Giêsu sắp tham dự. Nó là dịp lễ mừng nhắc nhở lại việc ra khỏi Ai Cập, đồng thời chính là dịp loan báo sự chết và sống lại của Đấng Mêsia cứu thế.