CHÚA NHẬT LỄ LÁ
CON THIÊN CHÚA VÀ LÀ VUA
Chú giải của Noel Quesson
***
Trang Tin Mừng hôm nay muốn giúp mọi Kitô hữu đang ước ao sống trọn một tuần lễ “thánh”. Những lễ nghi trong tuần này là những lễ nghi đẹp đẽ nhất, ý nghĩa nhất trong năm. Nhưng chúng ta chỉ thực sự sống những lễ nghi đó cách nội tâm, nếu cá nhân mỗi người trong ta đã suy gẫm những “biến cố” tạo nên “tuần lễ” này, chắc chắn, đó là những biến cố quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại: Chúng ta đã làm nghiêng ngả dòng lịch sử và thay đổi bộ mặt hành tinh trái đất chúng ta.
Đọc bài thương khó một lần, cách phớt qua, là không đủ. Cần phải để cho nó thẫm nhiễm trong ta. Nên đọc đi đọc lại. Chúng ta chưa lưu ý đúng mức “vị trí” mà bài thương khó nắm giữ trong toàn bộ “Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô”! Trong trình thuật của Maccô, bài thương khó là phần thứ năm của Tin Mừng. Ngày nay, chúng ta sẽ nghĩ gì về một tiểu sử, màphần quan trọng nhất trong đó, lại dành để kể lại cái chết của một nhân vật ta muốn nói tới? Ta lại càng ngỡ ngàng hơn khi những trình thuật đó đã được viết sau sự kiện sống lại, bởi những người đang sống trong ánh sáng của biến cố Phục sinh vinh hiển. Thế mà, các nhà trước tác lại không nhấn mạnh đến biến cố Phục sinh đó. Trong bản văn bằng tiếng Hy Lạp của Maccô, bài thương khó đã chiếm tới 160 dòng chữ viết… và cuộc Phục sinh chỉ có 46 dòng, hay 19 dòng, nếu ta không kể những câu 16,9 đến 20, là những câu được một người khác với Maccô thêm vào văn bản sau đó.
Đúng vậy, cái chết của Đức Giêsu phải là vấn đề chủ yếu: có một “bí mật” nào đó cần phải được khám phá.
Còn tôi, các ông chẳng có mãi đâu! Điều gì làm được thì cô đã làm: “Cô đã lấy dầu thơm ướp xác tôi để chuẩn bị ngày mai táng” (Mc 14,8).
Toàn thể phần đầu Bài Thương Khó (14,1-42) kể lại “âm mưu ám hại Đức Giêsu”, “việc xức dầu tại Bêtania”, “Giuđa phản bội”, “chuẩn bị mừng lễ Vượt qua”, “báo trước việc Giuđa phản bội”, “thiết lập Bí tích Thánh Thể và “cơn hấp hối tại Giệtsêmani”… tất cả những chi tiết đó cho ta thấy, Đức Giêsu bắt đầu sống trong nội tâm Ngài cuộc thụ khổ, trước khi nó diễn ra trên thân xác cách cụ thể. Các bạn hãy đọc 42 dòng đầu chương 14 của Maccô. Trong khi đọc như thế, các bạn hãy tìm hiểu tư tưởng và tâm tình của Đức Giêsu. Phải, trước khi xảy ra cuộc bắt giữ, khởi đầu cho tiến trình thụ khổ bên ngoài, Đức Giêsu đã sống trọn vẹn cuộc thụ khổ đó trong lương tâm, trong ý thức trước về việc tự nguyện dâng hiến của mình: Người đã thấy trước mình sẽ được “mai táng” (14,8), “bị phản bội” (14, 10.14,17), “phải đổ máu” (14,24), “bị mọi người bỏ rơi và bị Phêrô chối từ” (14, 27-30). “hấp hối” (14,34-36) Nhưng Đức Giêsu đã bắt đầu ý thức vấn đề sớm hơn nhiều. Thế thì Người đã nói đến cái chết sắp tới của Người từ lúc nào? Hiển nhiên hơn cả là lúc “Phêrô tuyên xưng Đức tin tại Xêdarê (Mc 8,31): kể từ ngày đó, đã ba lần Đức Giêsu nói với các bạn hữu Người về cái chết dữ dằn và khổ nhục của mình (Mc 8,3,31 – 9,30 – 10,33). Nhưng cũng cần phải ngược lên xa hơn. Các bạn hãy đọc câu 14 của chương I Tin Mừng Maccô: Đức Giêsu tiếp tục sự nghiệp của Gioan Tẩy Giả, khi Người biết rằng điều đã xảy đến cho cái ngôn sứ sẽ xảy đến cho ông và cũng xảy đến cho Người. Do đó, Đức Giêsu trải qua phần lớn đời Người, trong sự cảm nhận trước cái chết của mình. Phần chúng ta thì sao? Chúng ta có tìm cách tránh né khỏi phải nghĩ đến cái chết không? Đối với chúng ta, cái chết của ta không phải là “tác động” quan trọng nhất của đời người và hướng dẫn mọi hành động khác sao?
BỮA ĂN VƯỢT QUA (Mc 14,12.13.14.16).
Trong đoạn này, đã bốn lần sử dụng từ “Vượt qua”. Lễ Vượt qua của người Do Thái là để tưởng niệm công cuộc “giải phóng”! Một dân tộc bị áp bức tự giải phóng mình với sự trợ giúp của Thiên Chúa. Trong những đau khổ trần gian những gì áp đặt ta, không gì có thể hủy diệt ta, kể cả trong cái chết của mình; nhờ đức tin, chúng ta có thể tiếp gặp sự hiện diện tuy bí ẩn nhưng hiển nhiên của Thiên Chúa, để giúp ta vượt thoát những khó khăn đó, tới hạnh phúc bất diệt. Đức Giêsu đã trải qua cái chết của Người như một cuộc “vượt qua”: thay vì trốn chạy thực tế đau đớn và nhục nhã của thân phận làm người, Người đã phó mặc cho số phận bằng một thái độ liên kết yêu thương với Thiên Chúa! Cảm nghiệm về cái chết như thế, Người đã “thay đổi ý nghĩa” cho nó: “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập giá” (Pr 2,8). Lạy Chúa, xin cho con biết chấp nhập mọi trái ý trong cuộc sống: đau khổ, thử thách, bệnh tật, già nua, thất bại, cô đơn, tội lỗi… như một cuộc vượt qua, như một bước đường dẫn đến Chúa.
“Đây là Mình Thầy… Đây là Máu Thầy…” Đức Giêsu đã nói như thế, sau khi dâng lời chúc tụng Thiên Chúa.
Chúng ta hãy ghi nhận một số chi tiết lý thú: trong Tin Mừng Maccô, Đức Giêsu “truyền phép rượu”, sau khi các môn đệ đã uống rượu đó (“tất cả đều uống” câu 23… Người bảo họ: “Đây là Máu Thầy câu 24…). Chi tiết này có thể dẹp bỏ những tranh cãi về phụng vụ và các nghi thức chặt chẽ… như thể tuyệt đối đọc những lời trên bằng tiếng La-tinh hay tiếng địa phương, rước lễ trên tay hay phải đặt Mình Thánh nơi miệng… Lạy Chúa, xin giúp chúng con đừng quá để ý đến những chuyện tầm phào đó, nhưng hãy tiến vào tình yêu mầu nhiệm của Chúa, Đấng đã phó mình trước, cách vui tươi, trong một thái độ “tạ ơn” (câu 22) “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình” (Mc 10,45; Ga 10,18). Còn chúng ta thì sao? Tại sao chúng ta không lợi dụng việc suy niệm cuộc thương khó để “ngay từ bây giờ và một cách tự nguyện hiến dâng” cái chết của ta, hợp ý cùng cái chết của Đức Giêsu? Đó là cách thế tuyệt diệu giúp chúng ta không còn sợ cái chết nữa, nhưng có thể bình thản nhìn nó đến, trong bình an, như Đức Giêsu và cùng với Người.
Chẳng bao giờ Thầy còn uống rượu nho này nữa, cho đến ngày được uống thứ nrợu mới trong nước Thiên Chúa.
Đó là niềm vui, sự yên tĩnh, an bình biết bao! Đó là thái độ thanh thản chờ đợi “ngày đó”, ngày của Thiên Chúa, ngày mà Thiên Chúa cuối cùng sẽ hiển trị, ngày mà tất cả sẽ là sự sống, tình yêu, hạnh phúc, bữa tiệc mới, rượu mới; ngày đó “sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, nhưng là Tiệc Cưới Của Con Chiên” (Kh 21,4). Đó là “ngày cuối cùng”, kết thúc thời gian, hoàn tất công trình của Thiên Chúa, ngày thế mạt, và tất cả chúng ta đang tiến tới ngày đó. Lạy Chúa, xin tạ ơn Chúa. Chớ gì mỗi bữa tiệc Thánh Thể là bước chuẩn bị dẫn chúng con tới bữa tiệc rượu mới trong Nước của Chúa Cha, trong tình yêu.
TIẾN ĐẾN TÌNH TRẠNG CÔ ĐỘC HOÀN TOÀN.
Chúng ta hãy theo sát Đức Giêsu. Người báo trước: “mọi người” sẽ bỏ rơi Người (Mc 14,27), Phêrô, người có trách nhiệm, sẽ chối từ Người (Mc 14,30). Người chọn “ba” người trong các môn đệ để ở bên Người trong cơn hấp hối, và ba lần Người trở lại với họ để nài xin họ cùng thức, nhưng họ đều “ngủ” cả (Mc 14, 33-37.40-41), tất cả đều “bỏ Người trốn chạy hết” (Mc 14, 50) và trên thập giá, Người cảm thấy Thiên Chúa cũng bỏ rơi Người (Mc 15,34). Thật là cô độc hoàn toàn. Mọi người đều phải chết cách cô lẻ. Đức Giêsu đã không tìm cách tránh né; Người vâng theo định mệnh con người”.
Anh em ngồi lại đây. Thầy đi cầu nguyện (Mc 14,32)… Lạy Cha, Cha có thể làm được mọi sự. Xin cho Con khỏi uống chén đắng này. Nhưng xin đừng theo ý Con, mà xin theo ý Cha” (14,36).
Vào lúc ba giờ chiều, Đức Giêsu kêu lớn tiếng: “Ê-lô-i, Ê-lô-i, la-ma-sa-bác-tha-ni!” nghĩa là: “Lạy Thiên Chúa của con, sao Chúa nỡ bỏ con” (Mc 15,34).
Như thế, trong cuộc thụ khổ, Đức Giêsu không ngừng cầu nguyện. Trên đây là hai lối cầu nguyện: cầu nguyện tại Giệtsêmani và cầu nguyện tại Golgotha. Maccô còn cho ta biết, Đức Giêsu đã cầu nguyện bằng tiếng mẹ đẻ tiếng A-ra-mên, thứ tiếng mà khi Người còn là cậu bé, Đức Maria đã dạy Người cầu nguyện: “Ap-ba” có nghĩa là “Ba ơi”, “Ê-lô-i” có nghĩa là “Thiên Chúa của con”. Lạy Chúa, xin giúp con khi gặp đau khổ dám cầu nguyện thưa gửi như Chúa:
- Xin cho con khỏi đau khổ này!
- Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.
Nếu tôi có sách Kinh Thánh (nhưng một gia đình Công giáo đã chắc gì có Kinh thánh!), tôi sẽ đọc lại trọn Thánh Vịnh 21. Đức Giêsu đã dùng Thánh Vịnh này để cầu nguyện trên thập giá. Khởi đầu Thánh Vịnh hoàn toàn có tính chơ vơ cô lẻ nhưng khi kết thúc thì lại hớn hở mừng vui một cách hết sức nghịch lý. Đây là một trong những chìa khóa bí mật của huyền nhiệm mà ta đang tìm hiểu trong cuộc thương khó này.
HAI LỜI TỐ CÁO ĐỂ NÓI TRƯỚC MẶT THIÊN HẠ RẰNG: ĐỨC GIÊSU LÀ “CON THIÊN CHÚA” VÀ LÀ “VUA”.
Trong Tin Mừng Maccô, có hai lời tố cáo Đức Giêsu: Một lời tố cáo có tính “tôn giáo” (Mc 14, 53-65), trước Thượng hội đồng, trước “tất cả các vị Thượng tế; và một lời tố cáo mang tính “chính trị” (Mc 15, 1-20), trước Philatô, viên tổng trấn đại diện cho Rôma, để “bí mật” về căn tính đích thực của kẻ bị kết án đó, Đức Giêsu Nagiarét, được công bố trước mặt thiên hạ.
Ong có phải là Đấng Kitô, con Đấng chí tôn không?
Phải, chính thế. Rồi các ông sẽ thấy con người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng, và còn thấy Người ngự giá mây trời mà đến.
Ong là Vua dân Do Thái sao? Đúng như ngài nói đó.
Bây giờ “bí mật” đã được tiết lộ. Cuối cùng thì Đức Giêsu cũng đã nói ra Người là ai. Trong suốt đời sống công khai của mình, Đức Giêsu đã yêu cầu mọi người đoán nhận ra bí mật này phải im lặng, bởi vì con người chỉ có thể “hiểu được” Thiên Chúa khi nhìn lên thập giá: Người là “Con”, nhưng không như con người nghĩ tưởng. Người là “Vua”, nhưng không như người ta chờ mong. Người con đó hoàn toàn yêu thương, không giữ lại cho mình chút nào: Đó là tình yêu tuyệt đối, liều chết cho “kẻ khác”; ông Vua này yêu thương trọn vẹn, không dành quyền thống trị; mà trở nên “tôi tớ”, tặng ban mạng sống mình cho “muôn dân”.
Đây là một điều hết sức mới lạ, hết sức gây ngỡ ngàng, đến nỗi không ai có thể hiểu được: những kẻ qua đường thì “lắc đầu” trước ông Vua người Do Thái này (Mc 15, 29-30), những người tố cáo thì tiếp tục buộc Người muốn phá Đền thờ (14,58), các thượng tế vẫn nghĩ rằng ‘nếu là Thiên Chúa thì hẳn là sẽ xuống khỏi thập giá’ (15, 31-32), hai tên trộm cướp bên tả và bên hữu thì sỉ nhục Người (15,32), còn các tông đồ thì chẳng thấy mặt mũi đâu cả!
Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Đức Giêsu, thấy Người tắt thở như vậy liền nói: “Quả thật, ông này là Con Thiên Chúa”.
Ta cần ghi nhận, cách Đức Giêsu chết đã làm phát sinh thái độ đức tin trên, chứ không phải biến cố “Phục sinh” xảy ra sau này. Phải, trước khi suy niệm về cuộc sống lại vinh hiển, cần phải suy gẫm về “cái chết” của Đức Giêsu: Cái chết này nói lên nhiều điều. Lạy Chúa, qua cái chết đó, Chúa nói gì với con? Con sẽ đọc lại trình thuật này. Con sẽ lắng nghe bí mật của Chúa.