Chúa Nhật V Mùa Chay – Năm B
CHÚA GIÊSU, HẠT GIỐNG CHỊU MỤC NÁT
Bài đọc 1: Jer 31, 31-34
Bài đọc 2: Dt 5, 7-9
Tin Mừng: Ga 12, 20-33
Lm. Phêrô Trần Thanh Sơn
***
Ngay từ đầu Mùa Chay, phụng vụ đã kêu mời mỗi người chúng ta sám hối, để có thể xứng đáng đón nhận ơn cứu độ của Đức Giêsu Kitô trong ngày đại lễ Phục Sinh sắp tới. Trong chiều hướng đó, suốt 4 Chúa Nhật vừa qua, Tin mừng đã lần lượt giới thiệu cho chúng ta những khía cạnh khác nhau của Chúa Giêsu, Đấng cứu độ duy nhất của chúng ta hôm qua, hôm nay và mãi mãi (x. Dt 13, 8).
Ngay tuần đầu tiên của Mùa Chay, lời Chúa đã cho chúng ta thấy, Chúa Giêsu chính là một con người thật. Ngài đến để tái lập lại những gì mà Nguyên tổ đã làm đổ vỡ qua việc Ngài chiến thắng cám dỗ. Không chỉ là con người thật, Chúa Giêsu còn là Con yêu dấu của Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật. Đây là điều được chính Chúa Cha xác nhận trong cuộc biến hình trên núi của Chúa Giêsu mà Tin mừng Chúa Nhật 2 đã thuật lại. Vừa là Thiên Chúa vừa là con người, nên Chúa Giêsu đã trở nên Đấng trung gian giữa con người và Thiên Chúa, hay nói theo cách nói của Tin mừng Gioan trong Chúa Nhật 3, Chúa Giêsu chính là Đền thờ nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa. Không những là Đền Thờ, Chúa Giêsu còn là hiến lễ của tình yêu, khi Ngài chấp nhận “giương cao” trên thập giá, để đem lại sự sống đời đời cho những ai tin Ngài như lời Ngài tuyên bố với Nicôđêmô trong Tin mừng Chúa Nhật 4 vừa qua.
Và hôm nay, trong ngày Chúa Nhật có thể nói là cuối cùng của Mùa Chay, bởi vì bước sang tuần tới, chúng ta đã vào Tuần Thánh tưởng niệm trực tiếp đến cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, phụng vụ cho thấy, khi chấp nhận cái chết thập giá, Chúa Giêsu đã trở nên hạt giống gieo vào lòng đất, chấp nhận mục nát để trổ sinh nhiều bông trái như chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng.
Khi chấp nhận mục nát như hạt giống gieo vào lòng đất với cuộc Vượt Qua trên thập giá, Chúa Giêsu đã sống trọn vẹn mầu nhiệm tự huỷ nơi bản thân mình. Mầu nhiệm này đã bắt đầu bằng việc Nhập Thể và kéo dài trong suốt cuộc sống của Ngài như chúng ta đã nghe trong mấy tuần lễ vừa qua. Sự tự huỷ này trước hết, hệ tại ở sự vâng phục hoàn toàn của Chúa Giêsu trước Thánh Ý của Chúa Cha. Tâm tình vâng phục đó của Chúa Giêsu cũng được tỏ lộ cách cụ thể qua lời Ngài thưa với Chúa Cha, mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng hôm nay: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh…Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ nầy. Nhưng chính vì thế mà Con đã đến trong giờ nầy. Lạy Cha, xin làm vinh danh Cha”
Mặc dù luôn đặt ý Cha trên hết mọi sự, nhưng trong bản tính của một con người, đứng trước con đường thập giá, Chúa Giêsu cũng không khỏi sợ hãi, xao xuyến, ngại ngần. Ngài sợ hãi vì trước mắt, thập giá chính là “một điều điên rồ đối với dân ngoại và là một cớ vấp phạm cho người Do thái” (1 Cr 1, 23). Vì thế, khi biết rằng sắp đến “giờ” của Ngài, Chúa Giêsu đã phải thốt lên: “Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến, và biết nói gì? Lạy Cha xin cứu con khỏi giờ này”. Lắng nghe lời tâm sự tha thiết từ đáy lòng của Chúa Giêsu, chúng ta thấy rằng: sống vâng phục không phải là điều dễ dàng. Sự vâng phục này đòi hỏi Chúa Giêsu một sự cố gắng, kiên trì để vượt qua bản thân, sẵn sàng đón nhận các biến cố vui buồn Thiên Chúa gởi đến từng ngày trong cuộc sống, hay nói một cách khác, Chúa Giêsu cũng đã phải “học” để có thể sống vâng phục, như lời tác giả thư Do thái viết: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người ( Chúa Giêsu) đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu”. Thế nhưng, chính nhờ sự vâng phục trọn vẹn đó của Chúa Giêsu: “khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người”.
Như thế, với việc đi con đường tự huỷ, Chúa Giêsu đã chứng minh một chân lý xem ra có vẻ nghịch lý: “Cho là nhận”, “Chết là con đường đưa tới sự sống”. Thật vậy, với kinh nghiệm thường ngày, chúng ta cũng có thể nhận ra điều này. Mỗi khi chúng ta mở bàn tay để cho là lúc chúng ta có thể nhận được, và sẽ trở nên phong phú. Còn nếu chúng ta cứ nắm bàn tay lại để giữ cho chính mình, thì cũng đồng thời, chúng ta cũng không thể đón nhận được bất cứ điều gì. Như thế, chúng ta sẽ rất nghèo nàn, cô đơn. Tới đây, có lẽ, chúng ta có thể hiểu được phần nào câu nói của Chúa Giêsu: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời”. Cảm nghiệm sâu sắc chân lý từ mầu nhiệm tự huỷ này của Chúa Giêsu, thánh Phanxicô, trong lời kinh Hoà Bình, đã ca lên: “Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Chính khi chết đi là khi vui sống muôn đời”.
Mặt khác, với việc sống mầu nhiệm tự huỷ là Chúa Giêsu đã thực hiện một cuộc Vượt Qua: vượt qua cái hữu hình để đạt đến cái vô hình; vượt qua sự chết để đến sự sống; vượt qua cái giới hạn để đạt đến cái vĩnh cửu; vượt qua những nghi thức, lề luật, lễ bái bên ngoài để đưa con người đạt đến một mối tương giao mật thiết với Thiên Chúa từ trong con tim yêu thương của mình. Thực hiện cuộc vượt qua này, Chúa Giêsu đã làm ứng nghiệm trọn vẹn điều mà ngôn sứ Giêrêmia đã báo trước cách đó hơn 600 năm: “Ta sẽ đặt lề luật của Ta trong đáy lòng chúng, và sẽ ghi trong tâm hồn chúng. Ta sẽ là Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân của Ta”.
Chúa Giêsu đã sống mầu nhiệm tự huỷ để đem lại ơn cứu độ cho tất cả chúng ta. Đồng thời, Ngài cũng mời gọi chúng ta đi con đường tự huỷ như thế để có sự sống đời đời. Thế nhưng, trong thực tế, mỗi người chúng ta thường chỉ nghĩ đến mình mà quên đi người khác, hay nói theo cách nói của Đức Thánh Cha Phanxicô trong sứ điệp Mùa Chay năm nay (2015), đó là sự dửng dưng. Ngài nói: “Thái độ ích kỷ, dửng dưng này ngày nay có một chiều kích toàn cầu, đến độ chúng ta có thể nói đó là một thứ hoàn cầu hóa sự dửng dưng. Đó là một bất hạnh chúng ta cần đương đầu trong tư cách là Kitô hữu”. Giữa một thế giới như thế, Đức Thánh Cha nhắc bảo chúng ta: “Tình thương của Thiên Chúa phá vỡ thái độ khép kín chết chóc là sự dửng dưng, tình thương ấy được Giáo Hội trao tặng cho chúng ta qua giáo huấn, và nhất là qua chứng tá của Giáo Hội. Nhưng chúng ta chỉ có thể làm chứng về điều mà trước đó chúng ta cảm nghiệm. Kitô hữu là người để Thiên Chúa mặc cho chiếc áo lòng từ nhân và thương xót của Ngài, mặc lấy Chúa Kitô, để trở nên giống Chúa, là Tôi Tớ của Thiên Chúa và loài người”. Và để sống mầu nhiệm tự huỷ, biết quên mình để nghĩ đến anh chị em cách cụ thể, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta suy tư lời của nhắc bảo của thánh Phaolô trong thư thứ nhât gởi giáo đoàn Côrinhtô: “Nếu một chi thể đau, thì tất cả các chi thể khác cũng đau” (1 Cr 12, 26).
Đúng như thế, nếu mỗi người đều ý thức mình là “chi thể” của nhau, chúng ta sẽ vượt qua được thái độ “dửng dưng”, ích kỷ… để rồi biết quên mình và tự hiến cho nhau.
Trong đời sống gia đình, nếu từng thành viên luôn biết “cho đi”, nghĩa là, biết quên mình để nghĩ đến người khác và sẵn sàng chia sẻ những khó khăn của nhau: người chồng luôn nghĩ đến vợ, người vợ luôn nghĩ đến chồng; cha mẹ hết lòng lo cho con cái; con cái luôn nghĩ đến những vất vả, cực nhọc của cha mẹ để bớt đi những đòi hỏi không cần thiết, thì dù cuộc sống vật chất có vất vả, khó khăn, nhưng tôi chắc chắn rằng gia đình chúng ta sẽ có niềm vui, hạnh phúc và bình an. Và cuối cùng, cả gia đình chúng ta sẽ được ở cùng Chúa Giêsu như lời Ngài đã hứa: “Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng ở đó”. Amen.