Chúa Nhật V Mùa Chay – Năm B
CÁI CHẾT CỦA ĐỨC GIÊSU
SINH NHIỀU HOA TRÁI TỐT ĐẸP…
Chú giải của Fiches Dominicales
***
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI
1) Dân ngoại tiến đến
Bài Phúc âm Chúng ta đọc hôm nay nằm trong chương bản nối hai chủ đề lớn của Sách Tin Mừng Gioan: chủ đề “những dấu chỉ” (từ phép lạ Cana cho đến phép lạ Lagiarô sống lại) và chủ đề “Giờ của Chúa” (tức là cuộc khổ nạn, chết và sống lại).
Đức Giêsu đã long trọng tiến vào thành đô Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua lần cuối cùng mà cũng sẽ là chuyến từ giã thế gian này mà về cùng Cha Người.
Trong khuôn viền Đền thờ, “có mấy người Hy lạp” muốn tìm gặp Chúa. Họ không phải là những người Do thái nói tiếng Hy Lạp nhưng là dân ngoại có cảm tình với Do Thái giáo. Họ lên Giêrusalem thờ phụng Thiên Chúa dịp lễ Vượt Qua? Việc họ tìm đến với Chúa mang giá trị biểu tượng: là dấu chỉ báo trước sự lên đường của những người thuộc muôn dân sẽ đến với Đức Kitô sau này, là dấu chỉ loan báo giờ ơn cứu độ ban tặng cho hết thảy mọi người đã điểm.
Họ tìm “gặp Đức Giêsu”, không phải chỉ để trông thấy Người mà thôi, muốn vậy họ đâu cần nhờ đến ai. Nhưng họ muốn gặp để chuyện trò với Người, để đàm đạo với Người. Họ đang trên con đường đức tin rồi đấy.
Họ “lại gần ông Philipphê”, chắc bụng vì ông này với cái tên Hy Lạp, sinh trưởng ở một vùng đông dân ngoại nói tiếng Hy Lạp có thể giúp làm môi giới cho họ được.
“Ông Philipphê đi nói với ông Anrê” cùng sinh trưởng như ở ông Bétsaiđa và cũng mang tên Hy lạp như ông.
”Và hai Ông đến thưa với Đức Giêsu”. Như vậy, cũng giống như ở 1, 35-51 (Phúc âm Chủ nhật 2 Thường niên) Gioan, một lần nữa, nêu bật tầm quan trọng trong vai trò môi giới của con người giúp đi đến với Đức Giêsu.
2) Dấu chỉ loan báo giờ của Chúa
Thay cho câu trả lời, Đức Giêsu tuyên bố: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh? Giờ mà việc hồi sinh của Ladarô đã báo trước Giờ báo hiệu những người Hy lạp tìm đến đã gần kề: đó là giờ Chết-Sống Lại của Đức Giêsu sẽ mở ra cho mọi người ơn cứu độ.
Để diễn tả cái chết sắp tới của mình là nguồn ơn phong phú đem lại muôn vàn hoa trái, Đức Giêsu nhập đề cách trịnh trọng: “Thật Thầy bảo thật anh em” cho một dụ ngôn nhỏ mà giới nhà nông hiểu dễ dàng: dụ ngôn hạt lúa mì với hai ý đối chọi nhau “trơ trọi một mình” và “sinh được nhiều hạt”. Để có thể sinh nhiều bông hạt, hạt lúa mì nhất thiết phải chết đi: đó là quy luật của sự sống. Đối với Đức Giêsu cũng vậy: cái chết của Người là quá trình bắt buộc để Người tiến vào vinh quang, là điều kiện để Hội Thánh được sinh ra, nhân lên gấp bội. Với các môn đệ Chúa cũng sẽ như vậy thôi: “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất, Chúa Giêsu nói tiếp, còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó”.
Léon-Dufour quảng giải thêm: “Cuộc sống có thể được coi như là “của tôi”, và tôi có thể dập tắt đi hay giữ nó lại như thể sự tồn tại hay tàn lụi của nó là tuỳ ở tôi, cái báu vật duy nhất cần phải bảo vệ bằng mọi giá ấy, cái tài sản chỉ tuỳ thuộc vào tôi ấy. Nếu thế cuộc sống sẽ như giòng nước đang chảy xiết sẽ vuột khỏi tay tôi, khi tôi cố giữ nó lại mà không chế ngự được dòng chảy của nó. Ngược lại nếu tôi không cố bám víu vào cuộc sống này, nếu tôi chấp nhận mở ra với AI đó, cũng là chết đi cho những gì khiến tôi co cụm lại, thì này đây sự “chết” ấy không có gì khác là một sự “xuất thần”, và một khi cuộc sống tôi mở ra như thế sẽ giữ lại được như lời Chúa nói, cho sự sống đời đời”. Như ta biết theo thánh Gioan, sự sống đời đời là sự hiệp thông với chính Thiên Chúa vậy” (Lecture de l’evangile selon Jean”, quyển II, Seuil, trang 464).
3) Giờ chôn vùi xuống cũng là giờ nâng cao lên.
Vẻ nghịch lý mà từ đầu trình thuật vốn nối kết giờ chết với giờ vinh hiển, còn diễn ra ở phần hai. Trong phần này, Gioan chỉ mượn và sử dụng theo chủ đích của mình một số yếu tố trong những câu chuyện kể lại trong Phúc âm nhất lãm như: một bên là cảnh Chúa hấp hối trong vướng Giếtsêmani, và bên kia là sự kiện Chúa Hiển dung trên núi Taborê.
Thực vậy, Gioan sẽ không tường thuật lại cơn hấp hối của Đức Giêsu, nhưng ở đấy Gioan có ý báo trước rằng Giờ bị chôn vùi trong sự chết đang đến, giờ ấy sẽ phải là một quá trình đau thương mà nỗi xao xuyến và buồn sầu sẽ choán hết. Thế nên lời “Thầy xao xuyến” cũng như lời nguyện cùng Cha “Lạy Chúa, xin cứu con khỏi giờ này” được tiếp theo ngay bằng tâm tình hoàn toàn phó thác nơi Cha của Người: “Nhưng không, chính vì Giờ này mà Con đã đến! Lạy Cha, xin tôn vinh danh Cha!”. Một kinh nguyện, như A. Marchadour nhận xét: vùng lên như một bản tóm lược “kinh Lạy Cha” vậy (kinh này không có trong Tin Mừng Gioan). Đức Giêsu quả là người đầu tiên từ bỏ chính mình để vâng nghe lời Chúa Cha” (O.C. trang 169) .
Gioan cũng chẳng kể lại câu chuyện ‘Chúa Hiển Dung’, nhưng ở đây ngài nhắc đến “có tiếng phán từ trời”. Một tiếng nói mà những người chứng kiến giải thích khác nhau: Người thì cho rằng “đó là tiếng sấm”, người khác lại bảo: “Tiếng một thiên thần nói với ông ta đấy”. Tiếng nói đó tuyên bố cho mọi người biết rằng lời Đức Giêsu cầu xin cũng như việc dâng hiến mạng sống Người đã được Chúa Cha đoái nghe và đón nhận, sẽ sinh nhiều hoa trái. Tác giả kết luận: “Bởi tính chất độc đáo của sự việc, lại nằm cuối phần thứ nhất của sách Tin Mừng, nên sự can thiệp này của Chúa Cha coi như Đức Giêsu được Cha Người long trọng xác nhận là Con và là đang được sai đi. Đó là một sự phê chuẩn có tính tôn vinh một phần cho lúc này, một phần hứa cho tương lai. Cuộc khổ nạn đối với Đức Giêsu đúng là một thử thách vinh quang vậy” (idem).
Buổi đầu khi thi hành sứ vụ, ở Cana, Đức Giêsu đã nói với Mẹ Người rằng: “Giờ Con chưa đến”, thế mà Người cũng “đã tỏ vinh quang” Người cho các môn đệ. Giờ đây, “Giờ đã đến” lúc vinh quang này sẽ được tỏ ra trên khắp thế giới. “Khi làm những dấu lạ đầu tiên” ở Cana, các môn đệ “đã tin vào Người? Từ nay khi được “giương cao lên khỏi đất”, một kiểu nói ám chỉ cùng một trật, Người sẽ phải chết cách nào và được Chúa Cha đem lên vinh quang, Đức Giêsu sẽ “kéo mọi người lên theo với Người” và sẽ mở cho họ con đường đến với Chúa Cha.
Léon Dufour hỏi để kết luận Đức Giêsu có đã đáp ứng lòng mong đợi của những người Hy lạp muốn “gặp” Người không?
Không có lời đối đáp nào được kể lại, ông trả lời, thế nhưng bài diễn từ đã cho thấy rằng muốn gặp Đức Giêsu, thì ta phải hướng mắt nhìn lên Đấng-bị-đóng-đinh-được-tôn-vinh. Nói một cách tổng quát, ta đã được tỏ cho biết rằng, người ta chỉ có thể đến với Đức Giêsu tại thế, nhờ nhận ra Đức Giêsu được nâng lên cao, có nghĩa là mọi nhận thức, mỗi cái nhìn về Đức Giêsu khi Người chưa được tôn vinh đều là không đầy đủ, nếu không nói là ảo tưởng. Ý nghĩa cuộc đời trần thế của ta cũng được soi sáng từ đó: chính bằng cách mở lòng ta ra với Lời và những đòi hỏi quyết liệt của Người, vượt thắng khuynh hướng muốn hoàn toàn tự lập, mà người ta tiến đến “sự sống”. Đi theo Đức Giêsu là phải có tinh thần phục vụ. Phục vụ cốt tại ở cái gì, thì bài diễn từ giã biệt sẽ nói cho ta hay. Điều cốt yếu là để cho Chúa Con lôi kéo ta đi. (O.C. trang 478).