Chúa Giêsu, Đền Thờ Thiên Chúa
Trong hai tuần lễ vừa qua, phụng vụ lời Chúa đã cho chúng ta thấy Chúa Giêsu vừa là con của con người khi phải chịu cám dỗ
(x. Mc 1, 12-15), nhưng cũng đồng thời là Con Thiên Chúa như lời xác nhận của Chúa Cha: “Đây là Con Ta yêu dấu” (x. Mc 9, 2-10) khi Ngài biến hình trên núi. Hôm nay, phụng vụ tuần 3 Mùa Chay lại trình bày cho chúng ta một khía cạnh khác của con người Chúa Giêsu. Ngài chính là Đền Thờ của Thiên Chúa, nhờ Ngài mà con người có thể đến để gặp gỡ Thiên Chúa.
- Từ ngôi đền thờ vật chất…
Trước hết, chúng ta cùng nhìn lại công dụng của các đền thờ hay nơi thờ tự. Đền thờ hay nói chung những nơi thờ tự đúng ra phải là nơi con người đến để gặp gỡ trình bày những tâm tư, những khắc khoải, âu lo của mình lên với Đấng mình tôn thờ. Đồng thời, đây cũng là nơi thuận tiện nhất để con người có thể vượt lên cảnh sống thường ngày tìm lại những phút bình an trong tâm hồn. Vì thế, có thể nói được đền thờ là nơi linh thiêng nhất trong thế giới con người. Thế nhưng, trong thực tế, nhiều nơi thờ tự đã không đáp ứng được nhu cầu thiêng liêng này của dân chúng. Những nơi này đã biến thành các trung tâm du lịch (Ấn Đền Trần ở Nam Định, Chùa Hương, Lộc Bà Chúa Kho…). Dân chúng và có khi cả những người phụ trách nơi thờ tự đã đặt lợi nhuận về kinh tế lên trên việc giúp cho các tín hữu thực hiện những khát vọng tâm linh.
Ngay cả đền thờ Giêrusalem, một trung tâm tôn giáo, tiêu biểu cho cả một dân tộc, một nơi có thể nói là linh thiêng nhất đối với người Do Thái cũng không thoát khỏi điều này. Họ đã biến đền thờ thành khu chợ trời, hỗn tạp khiến Chúa Giêsu, một vị Thầy hiền lành cũng phải nổi cơn nóng giận. Thánh sử Gioan thuật lại: “Lễ Vượt Qua của dân Do Thái gần đến, Chúa Giêsu lên Giêrusalem. Người thấy ở trong đền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người đổi tiền bạc. Người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ, Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ và bảo những người bán chim câu rằng: “Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”.
Chúng ta biết rằng, lúc bấy giờ người Do Thái đang sống dưới ách đô hộ của đế quốc La Mã, mà trên đồng tiền của người La Mã lại có in hình của hoàng đế César. Do đó, đối với dân Do Thái, đồng tiền này không thể dùng để dâng cúng vào đền thờ được vì nó ô uế. Vì thế, tại đền thờ Giêrusalem xuất hiện những bàn để đổi từ tiền La Mã sang tiền của Do Thái, ngõ hầu có thể dâng cúng vào đền thờ. Tương tự như thế, số chiên bò, chim câu được bày bán tại đây cũng là để giúp cho các khách hành hương đỡ phiền phức, khi phải mang các súc vật này đi từ nhà. Như thế, từ ban đầu việc buôn bán này thật chính đáng, vì nó tạo được sự thuận lợi cho những người Do Thái hành hương.
Tuy nhiên, Chúa Giêsu không lên án việc chính đáng này. Điều Ngài kết án là họ đã dừng lại ở mục đích kinh tế này mà quên đi mục đích chính của đền thờ là nơi cầu nguyện. Cả ba Phúc âm Nhất lãm đều nhắc đến lời Ngài nói trong dịp này: “Nhà của Ta sẽ là nhà cầu nguyện, còn các ngươi thì đã biến nó thành hang trộm cướp” (Lc 19, 46). Đền thờ đâu còn là nơi thờ phượng Thiên Chúa, nhưng đã trở thành nơi để con người tranh giành, lừa dối nhau để kiếm tiền. Thế mà, khi bị Chúa Giêsu đánh đuổi, họ đã không nhận ra lỗi lầm của mình để sửa sai, lại còn lên tiếng chất vấn Chúa: “Ông hãy tỏ cho chúng tôi thấy dấu gì ông có quyền làm như vậy”. Câu hỏi này, cho thấy, Thiên Chúa của họ không còn là Giavê, Đấng giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai Cập, nhưng là “Thần Tài”, là những đồng tiền trước mắt mà thôi. Và như thế, phải chăng họ đang thờ những ngẫu tượng mà sách Xuất hành đã cảnh cáo: “Ngươi không được thờ thần nào khác trước mặt Ta,…Đừng thờ lạy và phụng sự các hình tượng ấy, vì Ta là Chúa”. Hay nói theo cách nói của thánh Phaolô: “Chúa họ thờ là cái bụng… Họ là những người chỉ nghĩ đến những sự thế gian” (Pl 3, 19).
- … đến ngôi đền thờ của Thiên Chúa:
Đứng trước câu hỏi của người Do Thái, Chúa Giêsu đã trả lời: “Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại”. Nghe câu trả lời này dân Do Thái không hiểu Ngài định nói gì. Trước mắt họ chỉ có một ngôi đền thờ vật chất, bằng đá quý, nguy nga, sang trọng, nên họ lại thắc mắc: “Phải bốn mươi năm mới xây được đền thờ này, mà Ông, Ông sẽ dựng lại trong ba ngày ư?”. Thế nhưng, lời nói của Chúa Giêsu hướng về một thực tại khác, như lời giải thích của thánh sử Gioan: “Người có ý nói đền thờ là thân thể Người”. Tuy nhiên, các môn đệ cũng chỉ có thể hiểu điều này sau khi Chúa Giêsu “đã từ cõi chết sống lại”. Nghĩa là sau khi Ngài đã đi trọn con đường thập giá với hiến tế trên đồi Canvê.
Con đường thập giá, con đường đạt đến sự sống bằng cách vượt qua cái chết, trước mắt con người thật là một điều khó hiểu, nếu không muốn nói là một sự khờ dại, như lời thánh Phaolô: “Chúng tôi rao giảng một Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho người Do Thái, một sự điên rồ đối với người ngoại giáo”. Nhưng thánh nhân cũng kết luận: “Đối với những người được gọi, dầu là Do Thái hay Hy Lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa”.
Thật vậy, với hiến tế này, Chúa Giêsu thực sự trở thành một của lễ duy nhất có khả năng giao hoà chúng ta lại với Thiên Chúa, như lời tác giả thư Do thái: “Không phải nhờ máu dê hay máu bê, nhưng là nhờ chính Máu của Ngài, Ngài đã vào thánh điện – duy chỉ một lần – sau khi đã thành đạt việc cứu chuộc muôn đời” (Dt 9, 12). Từ đây, Chúa Giêsu trở thành một đền thờ mới, nơi con người gặp gỡ được Thiên Chúa như lời Ngài nói: “Ai thấy Ta là thấy Cha” (Ga 14, 9b). Đồng thời, cũng từ nơi Đức Kitô, chúng ta sẽ nhận được các phúc lành của Thiên Chúa như lời thánh Gioan trong bài tựa Tin mừng của mình: “Vì do từ sự sung mãn của Ngài mà ta hết thảy đã chịu lấy, ơn này thay cho ơn nọ. Vì Luật đã được ban nhờ Môsê, ơn nghĩa và sự thật thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có” (Ga 1, 17-18).
Ý thức điều đó, kết thúc các Kinh Nguyện Thánh Thể, Giáo Hội đã tung hô: “Chính nhờ Người (Đức Kitô), với Người và trong Người, mà mọi danh dự và vinh quang đều qui về Chúa là Cha toàn năng, trong sự hợp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời”.
Lắng nghe lời Chúa hôm nay cùng với việc chiêm ngưỡng ngôi Đền Thờ mới là chính Chúa Giêsu trên thập giá, mời gọi từng người chúng ta thanh tẩy con người mình, vì thánh Phaolô đã nói: “Thân mình anh em là Đền thờ của Thánh Thần” (1 Cr 6, 19). Chúng ta hãy thanh tẩy đền thờ tâm hồn chúng ta bằng cách tuân giữ các giới răn Thiên Chúa đã truyền mà chúng ta vừa nghe trong sách Xuất Hành: “Ngươi hãy nhớ thánh hoá ngày Sabát (ngày Chúa Nhật)…Ngươi hãy tôn kính cha mẹ…Ngươi chớ giết người, chớ phạm tội ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng dối hại anh em mình, chớ tham lam nhà của kẻ khác, chớ ham muốn vợ bạn hữu”.
Và ngay giờ phút này, chúng ta hãy sửa soạn tâm hồn chúng ta thật xứng đáng với ý ngay lành để sẵn sàng rước Chúa ngự vào lòng chúng ta nhờ việc hiệp lễ. Và khi trở về nhà, chúng ta hãy luôn tôn trọng và yêu mến mọi người, nhất là những người thân trong gia đình, vì mỗi người đều là “Đền thờ của Thánh Thần”. Sống được như vậy, gia đình chúng ta sẽ thật sự trở nên một Đền thờ sống động, nơi Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trị. Amen.