CON CHÍ ÁI
Nói về lòng hiếu thảo, người ta thường nhắc đến chuyện ông Mẫn Tử Khiên như sau :
Mẫn Tử Khiên mồ côi mẹ từ thuở nhỏ. Mẹ kế của Mẫn Tử Khiên sinh được hai người con trai. Bà chỉ thương con ruột mà ghét Tử Khiên.
Vào mùa đông giá rét, mẹ kế không cho Tử Khiên mặc áo mền bông, chỉ cho mặc áo mền hoa lau. Bị rét mướt, nhưng Tử Khiên không kêu than một lời.
Ngày nọ, Tử Khiên bị cha đánh đòn, vô tình làm áo rách, bật hoa lau ra. Người cha thấy thế căm giận người vợ kế độc ác đã bạc đãi con mình, toan đánh đuổi đi. Tử Khiên khóc lóc van xin cha rằng : “Dì con còn ở lại, thì chỉ mình con chịu rét. Dì con bị đuổi đi, thì ai sẽ may vá cho chúng con ? Có lẽ cả ba anh em chúng con phải chịu rét cả”.
Người cha nghe con nói thấy xúc động trong lòng, thôi không đuổi vợ kế đi nữa. Và cũng từ đó, người “mẹ ghẻ” cũng yêu thương Mẫn Tử Khiên như con ruột vậy.
Để diễn tả việc mẹ ghẻ ghét bỏ con chồng, ca dao có câu :
Mấy đời bánh đúc có xương,
Mấy đời dì ghẻ có thương con chồng.
Tuy vậy, Mẫn Tử Khiên đã yêu thương và bênh vực cho người mẹ ghẻ đã từng đối xử tệ bạc với mình. Mẫn Tử Khiên đã được người đời ca tụng là người con chí hiếu.
Hôm nay, trong bài Tin Mừng theo thánh Marcô, Chúa Giêsu đã được chính Thiên Chúa Cha làm chứng và khen ngợi là người Con Chí Ái : “Đây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”.
Chúa Giêsu, Người Con chí ái
Các bài đọc hôm nay nói về những người con yêu dấu : Trước hết, trong bài đọc I, trích sách Sáng Thế, tác giả kể lại câu chuyện cảm động về tổ phụ Abraham.
Tổ phụ Abraham được Thiên Chúa hứa ban cho một dòng dõi đông đúc như sao trên trời, như cát bãi biển. Tuy nhiên, hai ông bà đã già mà không có một mụn con nào. Thiên Chúa thương ban cho hai ông bà sinh được người con trai “nối dõi tông đường” là Isaac. Nhưng thật éo le thay, Thiên Chúa lại truyền cho Abraham đem Isaac “người con yêu dấu” của ông lên núi sát tế để dâng cho Người. Abraham đã vâng lời Thiên Chúa và thực hiện ý định của Người.
Buổi sáng hôm ấy, Abraham dẫn người con yêu dấu lên núi để sát tế. Đang lên núi, Isaac ngây thơ hỏi cha : “Củi và lửa đây rồi, còn của lễ đâu ?” Abraham ngẹn ngào, lòng đau như cắt nói với con : “Chúa sẽ lo liệu !”.
Lên núi, tổ phụ Abraham đã trói con lại, giơ dao định giết con để tế hiến cho Thiên Chúa. Thiên Chúa thấy được niềm tin mạnh mẽ của Abraham, đã ban cho ông con cừu mắc sừng trong bụi cây để ông sát tế thay cho con mình.
Trong bài tường thuật Chúa Giêsu biến hình hôm nay, điểm đáng cho chúng ta chú ý nhất đó là tiếng Chúa Cha từ trời phán : “Đây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Câu này là âm vang của lời Thiên Chúa nói với Abrahm về Isaac : “Hãy đem Isaac, đứa con rất yêu dấu của ngươi lên núi Ta chỉ định và sát tế nó làm của lễ toàn thiêu…”
Như thế, Isaac chính là hình bóng của Chúa Giêsu. Cũng như tổ phụ Abraham đã hy sinh người con một yêu dấu của mình, thì Thiên Chúa cũng không tiếc khi ban Chúa Giêsu, người con một yêu dấu của Người cho nhân loại để chịu chết và cứu chuộc nhân loại.
Trên núi cao, Chúa Giêsu được Chúa Cha cho biến hình một cách bất ngờ. Đây chính là hành vi ưu ái Cha dành cho Con, như một nâng đỡ trước khi Con bước vào cuộc khổ nạn. Chúa Cha đã vén mở bức màn che khuất vinh quang thần linh của Chúa Giêsu. Ánh vinh quang ấy đã bị thân phận con người của Chúa Giêsu làm lu mờ đi.
Chúa Giêsu được Chúa Cha cho biến hình vì Ngài đã sống như người con thảo hiếu. Càng sống như con thảo thì căn tính Ngài càng tỏa sáng. Cả cuộc đời Chúa Giêsu chỉ lo cho tròn “chữ hiếu” với Chúa Cha. Dù trong vui sướng hay khổ đau, Ngài luôn buông mình vào lòng Cha trong sự vâng phục tín thác. Hơn bao giờ hết, chính lúc biến hình, là lúc Chúa Giêsu được tỏ hiện là người con chí ái trọn vẹn nhất với lời chứng thực của Chúa Cha.
Kitô hữu, những người con chí ái của Thiên Chúa
Trong cuộc biến hình, khuôn mặt Chúa sáng chói, y phục Ngài rực rỡ trắng tinh. Hai nhân vật lớn của Cựu Ước là Môisen và Êlia, đại diện cho lề luật và ngôn sứ, đại diện cho cả lịch sử dân tộc Israel, hiện ra đàm đạo với Ngài.
Tuy nhiên, quang cảnh rực rỡ sáng ngời, cùng những nhân vật đầy uy tín trong lịch sử, chưa phải là sự chứng giám hùng hồn nhất. Nhưng lời chứng có giá trị chính là sự chuẩn nhận của Thiên Chúa Cha : “Đây là Con Ta rất yêu dấu”.
Ba môn đệ ngỡ ngàng và kinh sợ. Thánh Phêrô muốn sống mãi trong cảnh huy hoàng ngây ngất đó, nên xin dựng ba lều. Nhưng Chúa Giêsu đã đưa các Tông đồ trở về với thực tại : đó chỉ là một thoáng vinh quang được Chúa hé mở để củng cố đức tin các ông. Con đường dài đầy khổ đau đang chờ đón cả Thầy lẫn trò.
Con đường gian truân nhất chính là con đường từ bỏ ý riêng để thực thi ý Chúa. Chính vì thế, không phải vô tình mà Chúa Cha đã căn dặn các Tông đồ : “Các ngươi hãy nghe lời Người”. Con đường vâng phục luôn luôn là con đường hẹp, con đường gập ghềnh khó đi, con đường dẫn lên Núi Sọ cùng “biến hình” với Chúa : qua đau khổ để đến vinh quang.
Nếu khuôn mặt Chúa Giêsu sáng chói trên núi Thabor, thì cũng khuôn mặt ấy đã đổ mồ hôi máu trong vườn Cây Dầu và tan nát trên Núi Sọ. Điều ấy nhắc nhở chúng ta rằng : chúng ta không chỉ chiêm ngưỡng và thể hiện khuôn mặt vinh quang của Chúa trên núi Thabor, nhưng còn phải chiêm ngưỡng và thể hiện cả khuôn mặt khổ đau của Chúa trong cuộc đời mình.
Chúng ta cũng được mời gọi để “biến hình” từng phút giây trong cuộc đời. Cuộc “biến hình” diễn ra mãi cho đến ngày chúng ta nhắm mắt xuôi tay. Nhờ nghe lời Chúa Giêsu và sống như Ngài, chúng ta cũng được trở thành những “người con chí ái” của Chúa. Nhờ vâng lời Chúa, chúng ta cũng được biến hình như Ngài : với cuộc đời hy sinh khổ ải đời này, chúng ta được biến đổi trong vinh quang sáng ngời mai sau.
Vào năm 1984, đạo diễn Trần Văn Thủy đã thực hiện một cuốn phim tài liệu gây xôn xao cả nước Việt Nam. Cuốn phim tài liệu đó mang tựa đề “Tử tế”. Trong cuốn phim, tác giả đã đi tìm những mẫu người tử tế hiếm hoi trong xã hội. Một trong những cảnh gây xúc động cho người xem nhất là hình ảnh một người đàn bà phong hủi, bị xã hội xua đuổi, nhưng đêm đêm vẫn lần mò về làng và bằng hai bàn tay cùi cụt co quắp, không đủ ngón, đã đóng được 18.000 viên gạch để xây nhà cho con. Trong bóng tối của cuộc đời bất hạnh, tấm lòng của người mẹ vẫn mãi mãi sáng ngời trong lòng những người con cái.
Đó không phải chỉ là câu chuyện của một người tử tế, mà còn là câu chuyện cao cả của tình mẫu tử. Đối với người mẹ ấy, những người con luôn luôn là cái gì rất quý giá và dấu yêu.
Đối với chúng ta cũng vậy, Thiên Chúa luôn là người Cha nhân lành, rất mực yêu thương chúng ta. Nhưng chúng ta đã làm gì để đáp đền tình yêu cao cả ấy ? Trong mùa Chay, chúng ta hãy sống xứng đáng với vai trò “người con chí ái” của Chúa. Chúng ta chỉ thực sự là người con yêu dấu của Chúa khi chúng ta biết thực thi thánh ý Ngài.