Chúa Nhật II Mùa Chay – Năm B
CHÚA GIÊSU, CON THIÊN CHÚA
Lm. Phêrô Trần Thanh Sơn
***
Bài đọc 1: St 22, 1-2.9a.10-13.15-18
Bài đọc 2: Rm 8, 31-34
Tin Mừng: Mc 9, 2-10
Lời Chúa tuần 1 Mùa Chay, với trình thuật Chúa Giêsu chịu cám dỗ cho thấy Chúa Giêsu đích thực là một con người như chúng ta ngoại trừ tội lỗi (x. Dt 4, 15). Ngài đã đến để giao hoà chúng ta lại với Thiên Chúa.
Lời Chúa hôm nay cho thấy: chàng thanh niên có tên là Giêsu đó, chính thực là Con Thiên Chúa với sự kiện Ngài biến hình trên núi, nhất là lời xác nhận của Chúa Cha: “Đây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Tuy nhiên, sau những giây phút vinh quang đó, Chúa Giêsu lại hiện diện bên cạnh các tông đồ một cách bình thường, hơn nữa, chính Ngài lại còn đi con đường khổ nạn với cái chết nhục nhã trên thập giá. Vì thế, đón nhận sứ điệp này không phải là điều dễ dàng. Nó đòi hỏi những người đón nhận một lòng tin vững mạnh, dám phó thác hoàn toàn cuộc đời mình trong tay Thiên Chúa và luôn làm theo lời Chúa.
- Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa:
Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, đây là một chân lý thật rõ ràng. Tất cả những lời Ngài rao giảng, những việc Ngài làm như: chữa lành bệnh tật, xua đuổi ma quỷ, cho kẻ chết sống lại …, đều chứng minh điều đó. Thế nhưng, dân Do thái lúc bấy giờ đã không nhận ra bản chất đích thực của Ngài. Đối với họ, Chúa Giêsu chỉ là một trong các ngôn sứ như Gioan Tẩy Giả, hay Êlia mà thôi. Ngay cả các tông đồ mặc dù được sống gần gũi với Chúa, được Chúa hướng dẫn trực tiếp, cùng ăn, cùng ngủ với Ngài và Phêrô cũng đã có lần thay mặt các ông mà tuyên xưng rằng: “Thầy là Đức Kitô”. Nhưng ngay khi nghe Chúa loan báo về cuộc khổ nạn, về con đường thập giá Ngài phải đi, thì chính Phêrô đã lên tiếng cản ngăn Ngài, đến nỗi Ngài phải nặng lời với ông: “Xéo đi sau Ta, hỡi Satan!” (x. Mc 8, 27-33).
Chính vì thế vào thời điểm của bài Tin Mừng này, Thiên Chúa muốn ba môn đệ thân tín nhất được nhìn thấy rõ ràng bản chất của Thầy mình qua những hình ảnh mang tính biểu tượng diễn ra trước mắt các ông. Tin mừng thuật lại: “Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan đi riêng với Người lên núi cao và Người biến hình trước mặt các ông, áo Người trở nên chói lọi trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi Êlia cùng Môisen hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu”. Chúa Giêsu đứng giữa Môisen và Êlia, là hai nhân vật vĩ đại tiêu biểu cho Lề Luật và các ngôn sứ, hay nói cách khác, hai người này đã đại diện cho toàn bộ Cựu ước (x. Lc 24, 27. 44). Còn Chúa Giêsu thì với y phục rực rỡ, có đám mây bao phủ – biểu tượng cho sự vinh quang tột cùng của Ngài. Ngoài ra, còn câu nói từ trong đám mây phán xuống: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người”. Tất cả những điều đó khẳng định cho các ông biết rõ bản chất đích thực của Chúa Giêsu. Những điều các ông thấy bằng mắt, nghe bằng tai về Thầy mình hôm nay mới đúng là bản chất đích thực của Ngài. Chúa Giêsu chính là Con Thiên Chúa.
Tuy nhiên, liền sau đó, khi thầy trò xuống núi, Chúa Giêsu đã căn dặn các ông “đừng thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại”, thì các ông lại không hiểu, nên đã tự hỏi nhau: “Từ cõi chết sống lại nghĩa là gì?”. Các ông không hiểu làm sao Con Thiên Chúa lại phải đi qua cái chết!!! Như thế, sứ điệp Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và con đường thập giá của Ngài không dễ đón nhận với lý trí bình thường của con người. Để đón nhận được sứ điệp này đòi hỏi người nghe phải có một đức tin thật mãnh liệt.
- Sứ điệp của niềm tin:
Đây không phải là một đức tin chỉ tuyên xưng ngoài môi miệng, nhưng là một đức tin đòi chúng ta phải chứng tỏ bằng những hành động thật cụ thể như tổ phụ Abraham khi xưa. Lúc đó, vào lúc gần trăm tuổi, Abraham sinh được một đứa con là Isaac. Đây là đứa con của lời hứa, là cậy gậy cho ông trong lúc tuổi già. Thế nhưng, ngay khi vừa nghe Chúa nói: “Người hãy đem Isaac, đứa con một yêu dấu của ngươi và đi đến đất Moria, ở đó ngươi sẽ dâng nó làm của lễ toàn thiêu trên núi Ta sẽ chỉ cho ngươi”. Abraham đã vâng lệnh ngay. Ông không chần chờ, cũng không đòi lời giải thích. Hành vi này chứng tỏ một đức tin mãnh liệt của ông vào tình thương của Thiên Chúa. Chắc hẳn ông rất đau lòng khi phải đem con đi sát tế để dâng cho Thiên Chúa. Nhất là trên đường đi, lúc nghe con hỏi: “Thưa Cha! Có lửa, có củi đây, còn chiên để làm lễ toàn thiêu đâu?”. Nhưng Abraham đã trả lời rằng: “Chiên làm lễ toàn thiêu, chính Thiên Chúa sẽ liệu, con ạ.” (x. St 22, 8). Một câu trả lời bộc lộ một sự tin tưởng và phó thác hoàn toàn cuộc sống mình cho tình yêu của Thiên Chúa.
Và lòng tin của ông đã được đáp trả xứng đáng. Ngay lúc ông cầm dao định sát tế con, ông đã nghe tiếng Chúa phán: “Đừng giết con trẻ và đừng động đến nó, vì giờ đây ta biết ngươi kính sợ Chúa, đến nỗi không từ chối dâng đứa con duy nhất cho Ta…nên Ta chúc phúc cho ngươi”. Và chẳng những ông nhận lại được con, ông còn nhận được lời hứa: “Ta cho ngươi sinh sản con cái đông đúc như sao trên trời, như cát bãi biển… và mọi dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc nơi miêu duệ ngươi, vì ngươi đã vâng lời Ta”.
Đó là niềm tin của tổ phụ Abraham, một người chưa biết Đức Kitô. Còn chúng ta hôm nay thì sao? Mỗi người chúng ta đã nhận được thật nhiều hồng ân của Thiên Chúa. Đặc biệt, là ơn công chính hoá nhờ cái chết của chính Con Thiên Chúa, như lời thánh Phaolô: “Người không dung tha chính Con mình, nhưng lại phó thác Con vì tất cả chúng ta, há Người lại chẳng ban cho chúng ta mọi sự cùng với Con của Người sao?”. Vì thế, thánh nhân mời gọi chúng ta hãy tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, bởi vì: “Nếu Thiên Chúa ủng hộ chúng ta, thì ai có thể chống lại chúng ta?”.
- Chúng ta hôm nay:
Lắng nghe lời Chúa hôm nay, rồi nhìn lại cuộc sống mình, có lẽ chúng ta phải công nhận rằng: chúng ta vẫn chưa xác tín đủ sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống của chúng ta. Chúng ta còn mãi băn khoăn, lo lắng về cuộc sống như một kẻ không tin. Chúng ta cũng chưa nhận ra khuôn mặt của Đức Kitô nơi người chồng, người vợ, nơi cha mẹ, con cái của chúng ta, nên chúng ta còn làm khổ họ bằng những lời nói cộc cằn, thô lỗ, có khi còn hận thù, ghen ghét, và bằng cả lối sống ích kỷ của chúng ta.
Chúng ta cũng chưa đủ niềm tin vào tình yêu của Thiên Chúa, nên chúng ta còn nhiều ngần ngại khi phải sống những đòi hỏi của Thiên Chúa. Chúng ta còn do dự khi phải đi con đường thập giá của Chúa. Chúng ta còn tính toán khi làm việc bác ái hay chia sẻ với anh chị em thật đúng như lời chia sẻ của các bạn giới trẻ tại thành phố Hồ Chí Minh, được trích đăng trong tập “Abba”, số 115:
– Ăn Chay bằng cách nhịn đói cả một bữa xem ra nhiều khi lại dễ hơn là nhịn bớt một miếng ăn ngon âm thầm trong bữa (ăn hàng ngày).
– Bố thí 500đ cho một hành khất vô danh xem ra nhiều lúc khó hơn cho đi cả 500.000đ với tên được đăng trên báo.
– Sự lịch thiệp nơi cơ quan hay trước công chúng lắm lúc được trau chuốt hơn là sự tế nhị, dịu dàng trong gia đình… (đối với vợ, chồng, con cái, cha mẹ).
Lạy Chúa là Đấng yêu thương và thấu suốt mọi bí ẩn, xin giúp chúng con nhận ra khuôn mặt và tình yêu của Chúa nơi những người đang sống chung quanh con, và xin Chúa giúp chúng con luôn chu toàn tất cả mọi việc, dù lớn dù nhỏ, chỉ vì lòng yêu mến mà thôi. Amen.