Chúa Nhật II Mùa Chay – Năm B
BIẾN HÌNH
ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
***
Trong đời, có những giây phút mà ta mong muốn kéo dài mãi, nhưng nó lại trôi qua nhanh như làn gió thoảng. Đó là những giây phút hạnh phúc. Giây phút ấy thánh Phêrô hôm nay đã được hưởng khi nhìn ngắm dung nhan Đức Giêsu biến hình. Đức Giêsu đưa ba môn đệ thân tín theo trong cuộc biến hình để huấn luyện họ. Cuộc biến hình của Người diễn tiến qua ba giai đoạn.
Giai đoạn thứ nhất: lên núi.
Theo quan niệm của người Do thái núi cao là nơi Chúa ngự. Vì thế lên núi là đi gặp gỡ Chúa. Lên núi là một việc làm đòi nhiều cố gắng. Phải dứt bỏ khỏi những ràng buộc của cuộc sống thường ngày với những lo toan bận bịu cho bản thân, cho gia đình. Phải dành thời giờ rộng rãi cho việc leo núi. Phải phấn đấu với bản thân khi leo lên độ cao dốc dác khó đi. Nhưng lên đỉnh rồi ta sẽ thấy tâm hồn nhẹ nhàng thư thái. Đức Giêsu chỉ đưa theo ba môn đệ thân tín vì gặp gỡ với Chúa là một gặp gỡ thân tình. Chúa muốn ta đến với Chúa trong tình thân mật. Chúa muốn cùng ta thực hiện một tương giao giữa tâm hồn với tâm hồn. Chúa muốn cùng ta đối thoại riêng tư diện đối diện. Tình yêu triển nở trong thiên nhiên và trong thanh vắng. Núi cao thanh vắng là nơi chốn thuận tiện cho ta đón nhận tình yêu của Chúa và bày tỏ với Người tình yêu của ta.
Giai đoạn thứ hai: biến hình.
Trên núi cao, Đức Giêsu gặp gỡ thân mật với Chúa Cha. Bỗng chốc Người biến hình. Y phục trở nên trắng như tuyết. Khuôn mặt Người sáng láng. Thực ra, ai gặp được Chúa cũng đều biến hình. Ta hãy nhớ lại ông Môsê. Sau khi ở trên núi Sinai 40 đêm ngày tiếp xúc thân mật với Chúa, mặt ông trở nên sáng láng đến độ, khi ông xuống núi, dân chúng không dám nhìn vào. Ông phải lấy khăn che mặt, dân chúng mới dám đến gần ông. Gần đèn thì sáng. Tiếp xúc thân mật với Chúa sẽ làm thay đổi tâm hồn ta. Tình yêu của Chúa sẽ đốt nóng tâm hồn ta, xua đi sự thờ ơ nguội lạnh. Sự dịu dàng của Chúa sẽ làm cho ta bớt đi tính độc ác khắc nghiệt. Sự khiêm nhường của Chúa sẽ diệt trừ thói kiêu căng trong ta. Sự bao dung của Chúa sẽ mở rộng tâm hồn để ta biết đón nhận anh em. Sự tha thứ của Chúa đổi mới tâm hồn, rửa sạch mọi nhơ uế trong ta. Càng gần gũi Chúa, tâm hồn ta càng được thanh luyện khỏi mọi nhỏ nhen, ích kỷ. Càng yêu mến Chúa, ta càng thêm yêu mến anh em. Càng kết hiệp mật thiết với Chúa, tâm hồn ta càng nên giống Chúa hơn.
Giai đoạn ba: xuống núi.
Khi đã hưởng nếm hạnh phúc ngọt ngào ở bên Chúa rồi, ta chẳng muốn lìa xa Chúa nữa. Thánh Phêrô, trong giây phút hạnh phúc tuyệt vời, đã xin Chúa cho dựng ba lều để ở lại vĩnh viễn trên núi. Nhưng giây phút hạnh phúc thật ngắn ngủi. Đức Giêsu đưa các môn đệ trở xuống. Xuống núi để chu toàn nhiệm vụ trần gian. Nhiệm vụ ấy rất nặng nề. Đức Giêsu phải chịu đau khổ, chịu vác thánh giá, chịu đóng đinh, chịu chết rồi mới phục sinh. Thánh Phêrô cùng các tông đồ còn phải phấn đấu với những yếu đuối, sa ngã, còn phải nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thử thách trong việc rao giảng Tin Mừng, còn phải chịu đau khổ vì Thày chí thánh, còn phải trải qua cái chết đớn đau rồi mới tới được Núi Thánh thiên quốc như lòng mong ước.
Trong cuộc sống người tín hữu, lên núi chính là những giây phút dành cho việc cầu nguyện, tiếp xúc thân mật với Chúa. Đó là những buổi tham dự thánh lễ, đọc kinh và nhất là những giờ cầu nguyện riêng tư, những buổi tĩnh tâm lâu giờ trong thinh lặng. Để đến với Chúa và nhất là để kết hiệp với Chúa trong những giờ cầu nguyện, ta phải phấn đấu rất nhiều.
Trong thân mật, Chúa sẽ dạy bảo ta về đường lối của Chúa, sẽ uốn nắn ta theo chương trình của Người và sẽ biến đổi ta nên giống hình ảnh Người. Ta có thể cộng tác vào cuộc biến hình khi khao khát kết hiệp với Chúa, khi cố gắng thanh luyện bản thân, khi quên mình, ngoan ngoãn để mặc Chúa hướng dẫn bước đường.
Kỷ niệm ngọt ngào trong những giờ sống hạnh phúc bên Chúa sẽ là sức mạnh nâng đỡ ta trong những khó khăn gian khổ của đời sống. Núi thánh sẽ trở thành quê hương yêu dấu để tâm hồn ta luôn hướng về, dù còn phải vượt qua rất nhiều trở ngại cách ngăn. Thiên đàng thoáng thấy qua những giờ kết hiệp với Chúa sẽ là nguồn động viên giúp ta chu toàn mọi nghĩa vụ của con người. Như thế, khi đã xuống núi rồi, ta vẫn còn mong ước và sẽ trở lên núi mỗi khi có dịp.
Lạy Trái Tim Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng con nên giống Trái Tim Chúa. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1- Một số bạn trẻ tiêu tốn nhiều thời giờ và tiền bạc cho sắc đẹp bên ngoài. bạn nghĩ gì về tương quan giữa vẻ đẹp bên ngoài và vẻ đẹp bên trong tâm hồn?
2- Cầu nguyện có thể làm con người ‘biến hình’. Bạn có tin điều đó không? bạn có quen ai đã biến đổi sâu xa nhờ cầu nguyện không?
3- Bạn đã có kinh nghiệm về việc sống hạnh phúc với Chúa bao giờ chưa?
4- Mùa Chay này bạn có thực sự muốn ‘biến hình’ không? Bạn sẽ làm gì để thực hiện ước nguyện đó?
——————————————————————————–
SỐNG THÂN MẬT VỚI CHÚA
***
Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu ấy là một tình yêu sáng tạo không bao giờ ngừng nghỉ. Thiên Chúa vẫn từng phút từng giây đổ tràn tình yêu của Người vào đời sống ta. Tình yêu ấy là một tình yêu tha thứ. Thiên Chúa là người Cha nhân hậu sẵn sàng tha thứ và đón nhận những đứa con hoang đàng trở về. Tình yêu ấy là một tình yêu mong đợi. Thiên Chúa mong đợi ta hiểu biết tình yêu của Người, đền đáp tình yêu của Người, đến sống thân mật với Người.
Niềm khao khát sống thân mật được tỏ bày qua việc Đức Giêsu đưa ba môn đệ thân tín lên ngọn núi cao. Chỉ chọn riêng ba người vì sự thân mật không thể có giữa đám đông. Sự thân mật chỉ có trong một nhóm nhỏ, vì sự thân mật là mối tương giao giữa tâm hồn với tâm hồn. Chúa muốn gặp gỡ riêng ta với Người, muốn có cuộc trò chuyện riêng tư với từng người. Đức Giêsu đưa họ lên núi cao. Núi cao là nơi yên tĩnh. Tình thân mật không thích những chỗ ồn ào. Tình thân mật được phát triển ngoài thiên nhiên, trong thanh vắng. Lên núi cao là bỏ lại sau lưng những phiền toái trần tục, để dành hết tâm tư, thời giờ cho cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Trong Cựu Ước, núi cao là nơi Chúa ngự. Lên núi cao có nghĩa là đến gặp Chúa. Trong gặp gỡ thân mật, Chúa sẽ mặc khải cho ta biết nhiều điều về Chúa và về bản thân ta.
Trước hết Chúa cho ta hiểu biết về Người. Chúa đưa ta vào đời sống thâm sâu của Người. Đó là sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa. Sự sống của Ba Ngôi là tình yêu, một tình yêu không ngừng trao tặng và không ngừng nhận lãnh. Tình yêu đó là nguồn mạch sự sống và là nguồn mạch hạnh phúc. Sự sống và hạnh phúc ấy đổ tràn vào tâm hồn những ai đến sống thân mật với Chúa. Ai đã một lần nếm cảm hạnh phúc ấy rồi, vĩnh viễn không thể tách rởi Thiên Chúa được nữa. Chính vì thế, sau khi ngắm nhìn dung nhan Đức Giêsu và sau khi nghe lời Chúa Cha nói: “Đây là Con Ta yêu dấu”, thánh Phêrô cảm nhận được niềm hạnh phúc ngập tràn đến độ muốn ở lại mãi mãi trên núi, không muốn trở xuống nữa. Chúng ta nhớ lại hai môn đệ Gioan và Anrê, sau một buổi chiều sống với Đức Giêsu đã quyết định theo làm môn đệ của Người. Thánh Phaolô sau khi được đưa lên tầng trời thứ ba đã mạnh dạn nói: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Chúa Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?… Không, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,35-39).
Sau khi cho ta hiểu biết người, Chúa cho ta hiểu biết chương trình của Người. Chương trình của Chúa là chương trình của tình yêu. Tình yêu được minh chứng qua sự hy sinh quên mình. Chúa Cha, vì yêu thương ta, đã đành hy sinh Con Một yêu quý của Người. Tình yêu ấy được diễn tả qua hành động của Abraham mà ta nghe đọc trong bài đọc thứ nhất. Chúa Con, vì yêu thương ta, đã chấp nhận liều mạng sống như lời Người nói: “Không có tình yêu nào lớn lao bằng tình yêu người dám hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu”. Chương trình tình yêu của Chúa để cứu chuộc ta được thực hiện qua sự đau khổ và cái chết trên thập giá của Đức Giêsu.
Sau cùng, trong thân mật với Chúa, Chúa cho ta hiểu biết về bản thân mình. Gần bên Chúa quyền năng, ta thấy mình chỉ là cát bụi. Sống trong trái tim dịu dàng của Chúa, ta thấy mình quá độc ác dữ tợn. Hưởng nếm tình yêu của Chúa rồi, ta thấy mình chỉ là phường bội nghĩa vong ân. Uống vào suối nguồn sự sống của Chúa, ta khám phá ra những mầm mống chết chóc mà ta ấp ủ trong mình. Tiếp cận với nguồn ánh sáng tinh tuyền của Chúa, ta thấy mình chỉ là bóng tối nhơ uế.
Hiểu biết những sự thực về Chúa và về bản thân, ta sẽ có một cái nhìn khác về con người và thế giới. Ta sẽ nhìn mọi người bằng ánh mắt của Thiên Chúa. Ta sẽ nhìn thế giới như thể nó đã được biến hình trong Đức Giêsu. Ta sẽ nhìn thấy tình yêu Chúa dành cho mỗi người. Mỗi người đều là kết quả của tình yêu cứu độ của Chúa. Ta cũng sẽ nhìn thấy con đường mình phải đi là con đường Thánh giá. Chính những đau khổ sẽ thanh luyện, giúp ta nên tinh tuyền để càng ngày càng gần gũi thân mật với Chúa hơn.
Lạy Chúa, xin thanh tẩy tâm hồn con. Amen.
CÂU HỎI GỢI Ý
1) Bạn đã có kinh nghiệm về sống thân mật với Chúa chưa?
2) Sống thân mật với Chúa ta sẽ hiểu biết gì?
3) Trong mùa Chay này, bạn có dành thời giờ để sống thân mật với Chúa không?