CHÚA NHẬT I MÙA CHAY NĂM B
CHÚA GIÊSU, ĐẤNG GIAO HOÀ
Lm. Phêrô Trần Thanh Sơn
***
Chúng ta đã khởi đầu Mùa Chay bằng việc xức tro lên đầu. Đây không phải là một lễ nghi có tính bùa chú, pháp thuật, nhưng qua nghi thức bên ngoài này, Giáo Hội muốn mỗi người chúng ta hãy tận dụng thời gian 40 ngày Chay thánh này, như một cơ hội thuận lợi, để thanh tẩy tận cõi lòng thâm sâu của mình, giao hoà cùng Thiên Chúa, ngõ hầu xứng đáng mừng đại lễ Phục sinh sắp tới.
Trong chiều hướng đó, trong Chúa Nhật đầu tiên của Mùa Chay này, Lời Chúa mời gọi chúng ta đón nhận Chúa Giêsu, để nhờ Ngài, chúng ta được giao hoà lại với Thiên Chúa.
- Thân phận con người:
Khi mời gọi con cái mình sám hối và giao hoà, Giáo Hội muốn từng người chúng ta ý thức lại sự giới hạn và yếu đuối của từng người chúng ta. Kể từ sau khi Nguyên tổ phạm tội, con người chúng ta đã ra yếu đuối, luôn hướng chiều về điều xấu. Chúng ta không còn làm chủ được mình, và lắm khi không thực hiện được điều mình muốn. Chính thánh Phaolô cũng đã từng thú nhận với tín hữu thành Roma: “Tôi thì lại mang tính xác thịt, bị bán làm tôi cho tội lỗi. Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi” (Rm 7, 14b-15. 19-20).
Đến đây, tôi nhớ lại một câu chuyện kể về Mahatma Gandhi, người có công lớn trong việc giải phóng dân tộc Ấn Độ khỏi ách nô lệ của thực dân Anh. Ông được nhân dân Ấn coi như một vị thánh, một vị Cha già của dân tộc. Ông đã kể một câu chuyện thật cảm động về cuộc đời ông như sau:
“Hồi tôi mười lăm tuổi, tôi mắc một tội rất xấu, là tội ăn trộm. Khi đó tôi mắc nợ người bạn một số tiền khá lớn, thế rồi tôi đã về lấy của cha tôi một vòng đeo tay bằng vàng để bán lấy số tiền trả nợ. Nhưng sau đó tôi luôn luôn bị lương tâm cắt rứt, không cho tôi được giây phút bình an. Tôi không thể sống trong tình trạng này nữa. Tôi nhất quyết phải đến thú tội với cha tôi càng sớm càng tốt. Nhưng khi đến trước người, vì xấu hổ và sợ hãi nên tôi không thể thốt ra lời. Sau đó tôi liền nghĩ ra một cách thú tội bằng giấy mực. Tôi đã cầm tờ giấy đó đến trước mặt cha tôi, toàn thân tôi run rẩy và trao tờ giấy đó cho cha tôi. Ông đã đọc tờ thú lỗi của tôi, sau đó ông nhắm mắt lại trong giây lát và đã xé tờ giấy thành nhiều mảnh rồi nói với tôi: “Biết mình là điều rất tốt” và đến ôm chầm lấy tôi trong vòng tay tràn đầy yêu thương, tha thứ của người. Từ giây phút đó tôi hiểu và thương mến cha tôi hơn.”
Điều đó, cho thấy: con người chúng ta thật dễ vấp phạm, sai lỗi. Gandhi, một vị anh hùng dân tộc và được cả một dân tộc tôn sùng như một vị thánh, nhưng cũng đã có lần phạm sai lầm. Tuy nhiên, điều quan trọng tôi muốn chia sẻ với quý ông bà anh chị em là cách thức giải quyết sai lầm của Gandhi. Ông đã không để cho lỗi lầm đè bẹp mình trong mặc cảm, cũng không che dấu nó, nhưng ông đã can đảm thú nhận nó. Cũng từ giây phút đó, ông cảm nhận được tình yêu của người cha và tìm lại được sự bình an trong tâm hồn, như lời ông tâm sự: “Từ giây phút đó, tôi hiểu và thương cha tôi hơn”. Tương tự như thế, mỗi một lần chúng ta thành tâm đến với toà Cáo Giải là một cơ hội, để chúng ta hiểu được tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa, một tình yêu lớn đến nỗi sẵn sàng chết vì chúng ta.
Mặt khác, không chỉ đối phó với sự yếu đuối của bản thân, chúng ta còn phải đương đầu với một sự dữ khác, đó là sự cám dỗ của Satan. Chính Chúa Giêsu trong thân phận của một con người cũng phải đối đầu với nó. Thánh sử Marcô ghi lại, sau khi chịu phép Rửa, “Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa, chịu Satan cám dỗ”. Đây là điều mà chúng ta hay lãng quên. Vì quên rằng thế lực sự dữ, đứng đầu là Satan đang luôn rình mò tấn công vào những yếu đuối của chúng ta bằng mọi cách, nên lắm khi chúng ta bất cẩn và bị thua trận não nề.
Kế đó, với việc Chúa Giêsu chịu cám dỗ sau khi được Thanh Tẩy và được Chúa Cha xác nhận là “Con yêu dấu”, nhắc bảo chúng ta rằng: hồng ân được làm con Chúa nhờ phép Rửa tội, không miễn trừ cho chúng ta khỏi các cám dỗ, thử thách và những khó khăn trong cuộc sống hiện tại. Thiên Chúa không làm phép lạ nhãn tiền để giải quyết những khó khăn, hay thoả mãn những nhu cầu theo ý riêng của chúng ta. Nhưng để xứng đáng lãnh nhận được ơn cứu độ, Thiên Chúa muốn chúng ta cộng tác bằng những cố gắng của bản thân mình.
Chia sẻ với quý ông bà anh chị em những yếu đuối của con người không phải để chúng ta tuyệt vọng, nhưng là để chúng ta càng thêm lòng tin tưởng và cậy trông vào Thiên Chúa, bởi vì chúng ta có một vị Thiên Chúa làm người để đồng hành và nâng đỡ chúng ta, đó là Đức Giêsu Kitô. Ngài là Đấng đến để giao hoà chúng ta lại với Thiên Chúa.
- Chúa Giêsu, Đấng giao hoà:
Chính tình yêu đã thúc đẩy Thiên Chúa đi bước trước đến với con người. Thông thường, trong tương quan giữa người với người, những người có lỗi thường phải đi bước trước đến để xin người kia tha thứ và làm hoà. Nhưng ở đây, trong tương quan với Thiên Chúa thì chúng ta lại gặp điều ngược lại. Giữa lúc con người đang là tội nhân, phản bội, chống lại Thiên Chúa, Ngài đã đến để giao hoà chúng ta lại với Ngài. Chúng ta có thể nhận ra điều này ngay trong bài đọc một. Lúc đó, vừa ra khỏi tàu, đúng ra gia đình Noê phải dâng lễ tế tạ ơn Thiên Chúa, và xin Người đoái thương đừng đoán phạt con cháu họ nữa. Thế nhưng, chính Thiên Chúa đã chủ động đến lập với họ một giao ước: “Đây Ta ký kết giao ước của Ta với các ngươi: nước lụt không còn tiêu diệt mọi loài nữa… Ta sẽ đặt trên trời một cái mống, và nó sẽ là dấu chỉ giao ước giữa Ta với trái đất”. Đây là một giao ước đơn phương, chỉ mình Thiên Chúa đặt mình vào giao ước, không hề có một điều kiện nào từ phía con người. Lòng nhân từ đó của Thiên Chúa đã được thánh Phêrô diễn tả cách cụ thể: “Với Thần Linh, Người đã đến rao giảng cho những tâm hồn bị giam cầm, cho những kẻ xưa kia có lúc không tin, đang khi lòng nhân từ Chúa còn khoan giãn lúc ông Noê đóng tàu”.
Không chỉ giải thoát con người khỏi cái chết về thể xác, Đức Kitô còn dùng chính mạng sống mình để giao hoà chúng ta lại với Thiên Chúa, như lời thánh Phêrô chúng ta vừa nghe: “Chúa Kitô đã chết một lần cho tội lỗi chúng ta, Người là Đấng công chính thay cho kẻ bất công, để hiến dâng chúng ta cho Thiên Chúa”.
Hơn nữa, theo thánh Phêrô, với cuộc Vượt Qua của mình, Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta bí tích Thánh Tẩy, để đem lại cho chúng ta một đời sống mới: “Hiện giờ, phép Thánh Tẩy cũng cứu thoát anh em giống như thể thức ấy, vì phép ấy không phải chỉ rửa sạch thân xác, mà đó là một lời cầu xin Thiên Chúa ban cho một lương tâm ngay thẳng”.
Giờ đây, tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng đã dùng chính cái chết của mình để giao hoà chúng ta lại với Thiên Chúa, chúng ta hãy mau chóng đáp lời Ngài, đến với toà Cáo giải làm hoà cùng Thiên Chúa. Và sau khi rời toà Cáo giải, rời ngôi Thánh đường này trở về nhà, chúng ta cũng thành tâm sống yêu thương, và mau mắn giao hoà với người chồng, người vợ, với con cái và anh chị em chúng ta, để gia đình chúng ta thực sự trở thành một tổ ấm yêu thương, giáo xứ chúng ta trở thành một cộng đoàn hiệp nhất trong tình yêu của Thiên Chúa. Nhờ đó, tâm hồn chúng ta được thanh thản và an bình để đọc lời kinh Lạy Cha: “Xin Cha tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha”. Amen.