ƠN GỌI
Trong cuốn “Trên Đường Lữ Hành”, Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã kể câu truyện “Được Gọi để Gọi”. Câu truyện viết về một chị nữ tu tên Céline, giữ nhiệm vụ coi nhà khách và trực khách tại tu viện.
Trong suốt 40 năm trường, chị nữ tu ấy chỉ làm một việc duy nhất : đi gọi người khác để gặp khách. Chị thường nói đùa : “Tôi chỉ được Chúa gọi một lần duy nhất và từ dạo ấy, tôi luôn luôn gọi người khác. Tôi được gọi để gọi”.
Một ngày của chị bị cắt vụn thành từng miếng. Công việc của chị bị chẻ thành từng mảnh. Việc làm của chị luôn bị gián đoạn để tạo nên sự liên lạc cho những người khác. Mọi người đều “lấy cắp” thời giờ của chị, nhưng chị vẫn vui tươi trong nhiệm vụ.
Thế rồi, một hôm, trong lúc vội vã đi gọi người khác, chị Céline đã ngã qụy trên hành lang nhà dòng. Chị bị thổ huyết vì chứng lao phổi, chị thều thào trong hơi thở cuối : “Chúa đến gọi tôi lần thứ hai và cũng là lần cuối cùng”. Sau đó, chị đã bình an ra đi theo tiếng Chúa gọi.
Chị nữ tu Céline đã đáp lại tiếng Chúa gọi và suốt đời trung thành với Ơn Gọi của mình : “được Chúa gọi để gọi người khác”. Hôm nay, Tin Mừng theo thánh Gioan cũng thuật lại ơn gọi của thánh Gioan, Anrê và Phêrô. Qua lời giới thiệu của thánh Gioan Tẩy Giả : “Đây là Chiên Thiên Chúa”, Gioan và Anrê đã bỏ thầy mình là Gioan Tẩy Giả để đến với Chúa và trở thành môn đệ của Chúa. Sau khi đã gặp gỡ Chúa, Anrê lại trở về gọi anh mình là Simon Phêrô đến gặp gỡ Chúa và đi theo Ngài.
Ơn gọi luôn luôn là một mầu nhiệm cao cả, vì ơn gọi xuất phát từ tình yêu Thiên Chúa và con người cũng đáp trả bằng tình yêu. Ơn gọi chính là tiếng vọng của Chúa luôn âm vang trong cuộc sống chúng ta.
Lời mời gọi của Thiên Chúa
Thiên Chúa kêu gọi con người bằng nhiều cách thế khác nhau. Người có thể kêu gọi đích danh như đã kêu gọi cậu bé Samuel (Bài đọc I). Tuy nhiên, Người thường dùng một trung gian để kêu gọi con người, như lời khuyên nhủ của các người đại diện Chúa, lời giảng dạy của một vị giảng thuyết, một tia sáng bừng lên trong tâm hồn, một giấc chiêm bao hay một biến cố nào đó trong cuộc đời.
Qua ánh lửa trong bụi gai, Thiên Chúa đã kêu gọi Môisen đến gần và trao cho ông sứ mạng dẫn đưa dân Do Thái ra khỏi Ai Cập (Xh 3, 2).
Phanxicô Xaviê, một thanh niên đầy tham vọng, ham mê giàu sang và chức tước, đã được Chúa dùng thánh Inhaxiô nhắc nhở bên tai : “Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn, nào có ích gì?” (Mc 8, 36). Phanxicô đã từ bỏ tất cả vinh quang trần thế, để trở thành vị tông đồ truyền giáo nhiệt thành.
Đặc biệt, Tin Mừng hôm nay kể lại ơn gọi của các tông đồ đầu tiên của Chúa Giêsu. Với lòng quảng đại, khiêm tốn và thi hành đúng chức năng của “Vị tiền hô”, thánh Gioan Tẩy Giả đã trở thành trung gian giới thiệu Chúa Giêsu cho hai môn đệ của mình là Gioan và Anrê. Sau đó, qua trung gian Anrê, Simon đã đến gặp Chúa và cũng trở thành môn đệ của Chúa.
“Ơn gọi” không phải chỉ dành riêng cho những người dâng hiến cuộc đời trong đời sống tu trì, nhưng “ơn gọi” chính là lời Chúa mời gọi tất cả mọi người đến với Ngài và đi theo Ngài.
Chúa Giêsu nói với Gioan và Anrê : “Hãy đến mà xem”. Họ đã đến và ở với Ngài. Chính cuộc sống thân mật với Chúa đã lôi cuốn và thúc đẩy họ đi theo Ngài.
Ơn gọi của người kitô hữu chính là đi theo Chúa và trở thành môn đệ của Chúa. Nhưng để trở thành người môn đệ đúng nghĩa, mỗi người chúng ta phải bước vào tương quan thân mật với Chúa. Mỗi ngày, qua các thánh lễ, nơi bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể, Chúa vẫn mời gọi chúng ta đến và ở lại trong tình yêu với Ngài.
Lời đáp trả của con người
Trước tiếng gọi của Chúa, cậu bé Samuel đã mau mắn thức dậy và thưa với Chúa : “Lạy Chúa, xin hãy phán dạy, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe”.
Để đáp lại tiếng Chúa kêu gọi, Abraham cũng đã ra đi, can đảm dấn bước vào một cuộc hành trình đầy phiêu lưu, mạo hiểm, đi mà không biết mình đi đâu (St 12, 1-9).
Trước sứ mạng nặng nề, ông Môisen cũng mạnh dạn lên đường thi hành sứ mệnh Chúa trao phó, mặc dù phía trước là những thử thách đang đón chờ.
Cũng thế, sau khi đến và ở lại với Chúa Giêsu, Gioan và Anrê đã bị Chúa chinh phục và đã trở thành môn đệ Chúa.
Đặc biệt hơn cả, sau khi được Chúa gọi, thánh Anrê lại gọi người khác đến với Chúa. Thánh Anrê đã gặp anh mình là Simon và giới thiệu : “Chúng tôi đã gặp Đấng Messia”. Sau đó, Anrê đã dẫn anh mình đến gặp Chúa Giêsu. Thánh Anrê “được gọi để gọi”.
Quả thật, mỗi lần Tin Mừng Gioan đề cập đến Anrê, thì liền sau đó, Anrê lại dẫn một ai đó đến với Chúa Giêsu. Anrê chính là người đã dẫn cậu bé có “năm chiếc bánh và hai con cá” giới thiệu với Chúa Giêsu và sau đó, phép lạ hóa bánh ra nhiều đã xảy ra (Ga 6, 9-13). Khi Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem lần cuối, có mấy người Hy Lạp đến xin gặp Ngài, chính Anrê là người giới thiệu họ với Chúa Giêsu (Ga 12, 22). Thánh Anrê là mẫu mực cho những vị sứ giả
tình yêu.
Tiếng Chúa luôn vang lên trong cuộc sống chúng ta. Tiếng gọi của Ngài có thể là một lời thì thầm trong bóng tối, có thể chỉ là lời nói nhỏ nhẹ như cơn gió thoảng qua. Chỉ có những đôi tai nhạy bén và tinh tường mới nghe được tiếng Ngài. Chỉ có những tâm hồn thinh lặng và sâu lắng mới nhận ra được lời Ngài.
Chúng ta hãy mau mắn đáp lại lời mời gọi của Chúa, nhất là luôn biết sẵn sàng trở thành sứ giả tình yêu giới thiệu Chúa cho
mọi người.
Tháng 3/1998, Đức Cha J.B. Phạm Minh Mẫn, Giám mục phó Giáo phận Mỹ Tho, được Tòa thánh bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục tổng Giáo phận Sài Gòn. Từ Lyon nước Pháp, một chị nữ tu tên là Marie Claude Faure (cựu tổng quyền dòng Chúa quan phòng Portieux) đã gửi đến Đức Cha J.B. những lời khích lệ sau :
Chúa cần một người cha cho dân Ngài. Ngài đã chọn một ông cụ già, thế là Abraham đứng lên…
Chúa cần một người phát ngôn. Ngài đã chọn một kẻ nhút nhát, nói năng ngọng nghịu. Thế là Môisen đứng lên…
Chúa cần một lãnh tụ dẫn dắt dân Ngài. Ngài đã chọn kẻ nhỏ nhất, yếu nhất. Thế là Đavit đứng lên…
Chúa cần một tảng đá để đặt nền cho tòa nhà. Ngài đã chọn một kẻ chối thầy. Thế là Phêrô đứng lên…
Ngài cần một gương mặt để nói cho người ta biết tình thương của Ngài. Ngài đã chọn một cô gái điếm. Đó là Maria Mađalêna.
Ngài cần một nhân chứng để hô to sứ điệp của Ngài. Ngài đã chọn một kẻ bách hại đạo. Đó là Phaolô thành Tarsô.
Ngài cần ai đó để tập họp dân Ngài, và để Ngài đến với kẻ khác. Ngài đã chọn Đức Cha : dù Đức Cha run sợ, Đức Cha có thể không đứng lên sao?
Thật là một lời khích lệ sâu sắc biết bao ! Phải chăng đó cũng là lời khích lệ dành cho chúng ta hôm nay, để chúng ta cũng biết can đảm đứng lên, sẵn sàng đáp lại tiếng gọi của Chúa : lên đường thi hành ý Chúa và chu toàn ơn gọi đời mình.