Chúa nhật II mùa Thường niên B
THIÊN CHÚA RỀN VANG TIẾNG GỌI,
CON NGƯỜI ĐÁP TRẢ
Lm. Vinhsơn Trần Minh Hòa
***
Trong cuộc sống, có nhiều tiếng gọi mang lại những nét đẹp về nhân văn. Tiếng chim gọi bầy làm vui lòng nhiều người, đặc biệt những ai yêu thích cảnh thiên nhiên. Tiếng vợ gọi chồng về để cùng ăn chung bữa cơm trưa, trong cảnh đồng quê yên ả, nghe sao mà chứa chan hạnh phúc. Tiếng bố mẹ gọi tìm con trong những buổi chiều tắt nắng, nghe như những tiếng nấc nghẹn ngào đầy thương nhớ. Tiếng các nam thanh, nữ tú gọi nhau được lồng vào trong các câu hò đối đáp, làm ngất ngây lòng nhiều du khách, khi họ có dịp ghé thăm những cảnh miền Tây Nam Bộ… Nhưng trên hết và bao trùm tất cả là tiếng Thiên Chúa gọi con người. Tiếng gọi ấy là tiếng gọi đầy yêu thương phát xuất từ lòng nhân lành của Đấng Tạo Hóa. Tiếng gọi ấy rền vang trong suốt lịch sử cứu độ con người cũng như trong cuộc đời của mỗi người.
Ngay từ những ngày đầu, khi con người sa ngã, Thiên Chúa cất tiếng gọi mời và hỏi con người: “Ngươi ở đâu” (St 3,9). Thiên Chúa lên tiếng ngỏ với con người không chỉ để nghiêm trị con người nhưng còn cho con người biết những trục trặc mà con người đã tự chuốc lấy, khi đã bất tuân Thiên Chúa. Đặc biệt, Thiên Chúa đã gọi con người để tỏ bày chương trình yêu thương, chương trình cứu độ con người mà Người sẽ thực hiện: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người phụ nữ, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy, dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ rình cắn vào gót nó” (St 3,15). Và cứ thế, theo từng giai đoạn lịch sử cứu độ, Thiên Chúa đã gọi Ápraham (St 12, 1-3), đã gọi Môsê (x. Xh 3,4) và đã gọi rất nhiều người…
Lời Chúa trong sách Samuen quyển thứ nhất hôm nay đã trình thuật lại sự kiện Thiên Chúa đã gọi cậu bé Samuen (x. 1 Sm 3,3-10). Tiếng gọi của Thiên Chúa đủ lớn để có thể đánh thức cậu bé Samuen, đang say giấc nồng phải tỉnh thức. Tiếng gọi của Thiên Chúa đủ nhiều, đến những ba lần, để thôi thúc cậu bé Samuen đứng lên và đáp lời Thiên Chúa.
Tin mừng theo thánh Gioan hôm nay cũng trình thuật Chúa Giêsu đã gọi những tông đồ đầu tiên. Tiếng gọi của Chúa Giêsu không chỉ hấp dẫn bằng lời nhưng còn thu phục lòng người bằng chính cuộc sống. Một khi các tông đồ đến và xem chỗ Chúa Giêsu ở, thì họ đã bị thu hút và ở lại với Người ngày hôm ấy (x. Ga 1,39). Tiếng của Chúa Giêsu không phải là tiếng gọi tầm thường nhưng là tiếng gọi quyền năng có sức biến đổi và trao gởi sứ vụ. Tiếng gọi ấy đã biến đổi Simon, con ông Gioan, thành Kêpha, tức là Phêrô (x. Ga 1, 42) để Người chuẩn bị xây dựng Hội thánh của Người (x. Mt 16, 18).
Thiên Chúa đã rền vang tiếng gọi và yêu thương ngỏ lời với con người. Thiên Chúa tỏ bày tình yêu với con người khi Người lên tiếng gọi, nhưng thật là bất công nếu con người từ chối Thiên Chúa. May thay, có những con người đã đáp lại tiếng Chúa. Apraham đã bỏ quê hương xứ sở yêu dấu của mình, lên đường vâng theo tiếng gọi của Thiên Chúa (x. St 12, 4). Môsê đã dấn thân, đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa để thi hành sứ vụ của Thiên Chúa trao phó là đưa dân nô lệ Do thái ra khỏi đất Aicập (x. Xh 3, 10- 4, 18). Samuel, dù là một cậu bé nhưng một khi biết được Thiên Chúa gọi mình, cậu đã mau mắn đáp lời: “Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe” (1 Sm 3,10). Gioan, Giacôbê, Simon và Anrê cũng đã đáp lời Thiên Chúa ngang qua tiếng gọi mời của Chúa Giêsu và các ông đã làm tông đồ của Người.
Hôm nay, dù là người lương dân hay là người theo đạo Công giáo, dù là những người thuộc nền văn hóa văn minh hay lạc hậu, Thiên Chúa vẫn rền vang tiếng gọi với họ. Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Người (x. St 1,26-27) nên con người được tham dự vào ánh sáng và sức mạnh của Thánh Thần Thiên Chúa. Họ có lý trí, nên họ hiểu được trật tự muôn loài do Đấng Sáng Tạo thiết lập. Nhờ ý chí, họ có khả năng hướng tới sự thiện hảo đích thực. Con người đạt tới sự viên mãn của mình bằng cách tìm kiếm và yêu mến những gì là chân, là thiện, là mỹ ( x. GS 15,2 ). Thiên Chúa mời gọi họ nương theo lý trí và ý chí của mình mà tin nhận Đấng toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ là chính Thiên Chúa.
Nhờ có linh hồn với các khả năng tinh thần là lý trí và ý chí, con người được hưởng tự do ( x. GS 17). Nhờ lý trí, con người nhận ra tiếng nói của Thiên Chúa thúc đẩy mình ‘làm lành lánh dữ’ ( x. GS 16 ). Mỗi người được mời gọi vâng theo lề luật ấy. Luật đang âm vang trong lương tâm mỗi người, và mời gọi họ thi hành luật ấy với tình yêu mến Đấng Tạo Hóa và tha nhân.Tiếng Thiên Chúa vẫn rền vang trong lương tâm của con người và mời gọi họ sống ngay lành. Mỗi khi sống theo tiếng lương tâm ngay lành mánh bảo, con người đang đáp lại tiếng gọi mời thân thương của Thiên Chúa.
Đặc biệt, với các kitô hữu, Thiên Chúa vẫn rền vang tiếng gọi với họ và mời gọi họ sống xứng danh là kitô hữu. Bằng những nghĩa cử yêu thương, các kitô hữu phản chiếu tình yêu đích của Chúa Kitô dành cho nhân loại và Hội thánh. Bằng đời sống tốt lành, thánh thiện, các kitô hữu đang giới thiệu cho anh em lương dân những nét đẹp đời sống của những người xứng danh là con cái Thiên Chúa.
Cách riêng, trong phụng vụ hôm nay, các kitô hữu được mời gọi sống làm sao để phù hợp với thân xác của họ là chi thể của Chúa Kitô, được giá châu báu của người cứu chuộc. Họ là chi thể được mời gọi sống hiệp nhất và tinh tuyền với Đấng làm Đầu thân thể là Đức Kitô, Đấng Thánh Thiện. Thân xác của họ là đền thờ của Chúa Thánh Thần nên họ được mời gọi tránh xa mọi tội gian dâm (1 Cr 6, 18). Chính Chúa Thánh Thần đã được ban và ngự trong người tín hữu (x. 1Cr 6,19). Họ được mời gọi sống làm sao để tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác của họ (x. 1 Cr 6, 20).
Ước mong mỗi kitô hữu, dù sống trong hoàn cảnh nào vẫn tỏa lan một đời sống đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa. Đời sống của các tín hữu luôn tỏa lan sức sống chứng tá của tình yêu thương, chứng tá của đời sống ngay chính và tốt lành, chứng tá của đời sống bác ái và hiệp nhất, để nhiều anh em lương dân nhờ thấy những chứng nhân sống động mà tin nhận Thiên Chúa là Cha, là Chúa và là Đấng đang rền vang kêu gọi họ.