Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa – Năm B
TỪ PHÉP RỬA BẰNG NƯỚC
ĐẾN PHÉP RỬA TRONG THÁNH THẦN VÀ LỬA
Lm. Vinhsơn Trần Minh Hòa
***
Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa (x. Pl 2,6). Người là Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa (x. Ga 1,1). Nhưng một khi đã khiêm hạ trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta (x. Ga 1,14), Đức Giêsu Kitô đã không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế (x. Pl 2,7). Nhưng dù mang thân phận giống phàm nhân, Người không hề phạm tội (x. Dt 4,15). Người còn chấp nhận trở nên người tôi tớ trung tín của Thiên Chúa, đến để thực thi ý Thiên Chúa (x. Dt 10,7).
Hình ảnh Đức Kitô là Người Tôi Tớ trung tín của Thiên Chúa đã được ngôn sứ Isaia tiên báo trong bài ca thứ nhất nói về Người Tôi Tớ. Người Tôi Tớ ấy là người mà Thiên Chúa đã tuyển chọn, được Thiên Chúa hết lòng quý mến và được ban Thần Khí của Thiên Chúa (x. Is 42,1-2). Người Tôi Tớ đóng vai trò làm trung gian giao ước với dân, làm ánh sáng chiếu soi muôn nước, trung thành làm sáng tỏ công lý và giải thoát muôn người. Hành vi giải thoát của Người Tôi Tớ là mở mắt cho những ai mù lòa, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong tối tăm (x. Is 42, 6-7). Cung cách phục vụ của Người Tôi Tớ ấy nhẹ nhàng nhưng đầy khiêm hạ và cũng dạt dào tình yêu thương. Sự khiêm hạ của Người Tôi Tớ biểu lộ qua hành vi sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường (x. Is 42 ,2). Tinh thần yêu thương của Người Tôi Tớ được thể hiện qua thái độ cư xử mọi người cách nhân từ: Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, Người cũng chẳng nỡ tắt đi (x. Is 42,3).
Lời tiên báo của ngôn sứ Isaia đã được ứng nghiệm. Chúa Giêsu Kitô đã đến trần gian trong vai trò là tôi tới của Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa và là trung gian duy nhất của Thiên Chúa (x. 1Tm 2,5). Gioan Tẩy Giả đã phần nào chứng thực về điều ấy và tiếng Chúa Cha từ trời đã xác quyết: “Con là Con của Cha, ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con” (Lc 3, 22). Không những thế, sau biến cố Chúa Giêsu phục sinh, thánh Phêrô trong bài giảng của mình đã hùng hồn minh định: “Đức Giêsu xuất thân từ Nadarét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người” (Cv 10,38).
Có một điều lạ. Trong những người được Gioan Tẩy Giả làm phép rửa tại sông Giođan (x. Mc 1,9) năm ấy, có Chúa Giêsu. Đức Giêsu đã chịu phép rửa của Gioan sau cùng, khi toàn dân đã chịu phép rửa (x. Lc 3,21). Khởi đầu là Gioan với phép rửa trong nước còn hoàn tất là Chúa Giêsu với phép rửa trong Thánh Thần và lửa (x. Lc 3,16). Với bản tính nhân loại, Đức Giêsu đã nên giống anh em mình mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi (x. Dt 4,15). Người đã chấp nhận liên đới với nhân loại trong nhân tính của Người ngang qua biến cố nhập thể và qua hành vi dìm mình trong nước, với phép rửa của Gioan Tẩy Giả. Mặt khác, với bản tính Thiên Chúa, Người là Con Thiên Chúa từ thuở đời đời, sinh ra bởi Thiên Chúa nên Người được đầy tràn Thánh Thần. Vì vậy, Đức Giêsu Kitô đã làm nên một cuộc trao đổi kỳ diệu. Đó là Người đã làm người để mở ra cho mọi người cơ hội được làm con Thiên Chúa.
Những ai tỏ lòng sám hối, chấp nhận dìm mình trong nước sông Giođan với phép rửa của Gioan và đón nhận lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả mà tin vào Chúa Giêsu và đón nhận phép rửa của Người, họ sẽ trở nên con Thiên Chúa vì đã được rửa trong Thánh Thần và lửa. Về vấn đề này, thánh Syrilô trong bài chú giải về Tin Mừng theo thánh Gioan đã lập luận: “Chúa Con vốn là Thiên Chúa từ muôn thuở, sinh ra bởi chính Thiên Chúa, thế mà hôm nay Chúa Cha lại nói là Người được sinh ra, điều ấy có nghĩa là trong Đức Kitô, Thiên Chúa nhận chúng ta làm nghĩa tử, bởi vì với tư cách là người, Đức Kitô đã thâu tóm tất cả bản tính nhân loại. Theo nghĩa đó, người ta mới nói Chúa Cha cũng lại ban Thần Khí cho Chúa Con, mặc dù chính Chúa Con đã có Thần Khí ở trong Chúa Con, chúng ta cũng được ban cho Thần Khí nơi Người”.
Như thế, phép rửa trong nước của Gioan Tẩy Giả đã mở đường để nhiều người lãnh nhận phép rửa hoàn hảo là bí tích Rửa Tội do Chúa Giêsu thiết lập. Lời loan báo của Gioan Tẩy Giả về Đấng đến sau ông sẽ cao trọng hơn ông là lời giới thiệu có sức thuyết phục để mọi người đến với Chúa Giêsu và tin vào Người. Gioan Tẩy Giả trở nên người dọn đường cần thiết để nhiều người đến với Chúa và Chúa dễ dàng đến với nhiều người.
Trong năm Phúc Âm hóa đời sống giáo xứ này, mỗi người trong giáo xứ cũng được mời gọi trở nên những Gioan Tẩy Giả của thời đại mới luôn biết dọn đường cho Chúa. Bằng lời nói và đời sống tuyên xưng Chúa trước mặt nhiều người, mỗi người giới thiệu Chúa cho tha nhân. Bằng cách sống thứ tha và bác ái giữa nhiều người, mỗi người đang chuẩn bị cho nhiều người đón nhận Chúa.
Dẫu biết rằng, Thiên Chúa không thiên vị người nào, hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận (x. Cv 10,34). Tuy nhiên, nếu những anh em lương dân đã và đang sống ăn ngay ở lành nhưng vì một lý do nào đó mà không được biết Thiên Chúa là Cha, không được biết Đức Giêsu Kitô là Đấng cứu độ họ, không được lãnh nhận bí tích Rửa Tội thì thật là tội nghiệp và thiệt thòi cho họ.
Đức Giêsu Kitô đã chấp nhận nhập thể làm người. Người đã không quản ngại dìm mình xuống dòng sông Giođan và khiêm hạ chịu phép rửa của Gioan để liên đới với con người yếu hèn thế nào, thì chắc chắn Người cũng muốn mọi người tin vào Người, lãnh nhận bí tích Rửa Tội để trở nên con cái Thiên Chúa và Giáo hội, trở nên anh em với nhau và là thành viên đích thực trong gia đình Thiên Chúa như vậy.
Ước mong sao, mỗi tín hữu luôn mãi là cầu nối hiệu quả để nhiều anh chị em lương dân biết Chúa, tin Chúa, lãnh nhận bí tích Rửa Tội và yêu mến Người.