Chúa nhật IV mùa Vọng B
“XIN CỨ LÀM CHO TÔI…”
Lm. Giuse Đinh Tất Quý
***
Bài Tin Mừng hôm nay là một trong những bài Tin mừng đẹp nhất trong toàn bộ Kinh Thánh. Thánh Luca đã tế nhị giới thiệu cho chúng ta một nhân vật hết sức quan trọng trong việc Chúa Cứu Thế sinh ra làm con người: Nhân vật ấy chính là Đức Maria, mẹ của chúng ta.
A.
1. Dưới con mắt của Luca thì Đức Maria là “Thiếu nữ Sion” (Câu “mừng vui lên” chính là âm hưởng lời nói với thiếu nữ Sion từ ngàn xưa)
Nào thiếu nữ Xion, hãy vui mừng hoan hỷ!
Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy vui sướng reo hò!
Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi:
Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng,
khiêm tốn ngồi trên lưng lừa,
một con lừa con vẫn còn theo mẹ. (Dcr 9,9)
Như vậy ngày xưa qua miệng ngôn sứ, Thiên Chúa hứa sẽ đến ở nhà “thiếu nữ Sion” (tức là dân Chúa) thì hôm nay Lời hứa này được thực hiện nơi Đức Mẹ.
2. Đức Mẹ đã đón nhận Lời hứa ấy như thế nào?
Chúng ta hãy dừng lại một chút để so sánh việc Đức Maria và ông Dacaria khi đứng trước một tin vui xem hai người đã phản ứng như thế nào.
* Khi được báo tin sẽ có con, cả Dacaria và Đức Maria đều thắc mắc hỏi lại. Nhưng câu hỏi của Dacaria biểu lộ sự hoài nghi. Việc hoài nghi không tin này này đã được chính thiên sứ xác nhận “Bởi vì ông không tin” (câu 20)
Còn câu hỏi của Đức Maria là câu hỏi để xin soi sáng thêm (“việc ấy xảy đến thế nào được bời vì tôi không biết đến người nam?”),
* Kết quả, ông Dacaria vì không tin nên bị phạt. Còn Đức Maria đã tin và mau mắn vâng lời cho nên kế hoạch của Thiên Chúa được thực hiện ngay.
3. Như vậy chúng ta có thể nói: Nếu Lịch sử cứu độ thời Cựu Ước đã được bắt đầu với hành vi đức tin của Abraham thì Lịch sử cứu độ thời Tân Ước cũng được bắt đầu với hành vi đức tin của Đức Mẹ. Nếu Abraham đã được gọi là “cha của những kẻ tin” thì Đức Maria cũng phải được gọi là “mẹ của những kẻ tin”. Và như thế chúng ta có thể suy ra: Lịch sử cứu độ của mỗi người cũng phải bắt đầu bằng hành vi đức tin của chính người đó.
“Sứ thần nói với cô Maria : Này Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu”. Cô Maria thưa với sứ thần : “Này tôi là nữ tì của Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền” (Lc 1,31.38). Một sự đáp trả quá đẹp. Đức Maria đã xin vâng và nhờ tiếng xin vâng đó mà Thiên Chúa đã thực hiện được kế hoạch Cứu độ của Người.
B.
1. Chúng ta tự hỏi tại sao Thiên Chúa lại phải hạ mình đến như vậy? Chẳng lẽ Người phải đợi sự ưng thuận của một tạo vật rồi mới thực hiện chương trình của mình?
Câu trả lời không khó lắm. Đọc lại toàn bộ Kinh thánh chúng ta thấy mặc dù “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”, nhưng thường Thiên Chúakhông làm một mình, Ngài thích có sự cộng tác của con người. Để thành lập một dân, Chúa đã gọi Abraham để ông cộng tác với Người. Để cứu dân mình khỏi ách thống trị Ai Cập, Chúa đã gọi Môisen và chúng ta thấy Môisen đã làm cho Chúa những gì, và để Đấng Cứu Thế được nhập thể, Thiên Chúa đã nhờ Đức Maria cộng tác. Và Đức Maria đã cộng tác bằng cách ngoan ngoãn để cho Chúa hành động trong mình và qua mình :
2. “Xin cứ làm cho tôi…”.
Phải nói đây là một sự thuận phục trọn vẹn.
Đức Maria đã trả lời bằng hai tiếng thật vắn gọn “xin vâng”: Trả lời như thế có nghĩa là: Chúa bảo gì tôi cũng làm theo cả. Chúng ta tự hỏi việc trả lời như thế có liều lĩnh lắm không. Ai trong chúng ta cũng biết việc tuân hành thánh ý Thiên Chúa không phải là việc dễ dàng. Hãy nhìn vào hoàn cảnh của Đức Maria chúng ta sẽ thấy điều đó.
Chúng ta xưng tụng Đức Maria là người có phúc. Điều đó đúng.
Đức Maria được báo cho biết rằng nàng sẽ sinh một con trai do hành động siêu phàm của Chúa Thánh Thần. Việc đó chỉ có một mình Maria biết. Bà con lối xóm, bạn bè quen thuộc chẳng ai biết được sự việc đó. Cắt nghĩa làm sao? Mà dù có cắt nghĩa đi nữa thì ai tin. Xưa nay đã có bao giờ có như vậy đâu? Maria cũng chỉ là một người bình thường như những người khác, thậm chí còn nghèo khổ hơn những người khác…đâu có đặc biệt gì mà Thiên Chúa lại quá ưu ái như vậy! Vâng làm sao cắt nghĩa được đây? Vì thế, đối với những người bà con quen biết chắc chắn họ sẽ cho rằng Maria đã phạm tội. Đó là một vết nhơ ô nhục trên suốt cuộc đời của một người con gái chưa về nhà chồng mà đã có con.
Rồi còn một khó khăn nữa cũng không kém phần nhức nhối đó là làm sao cắt nghĩa cho Giuse hiểu đây! Giuse, hôn phu của nàng, làm sao chịu đựng nổi sự hổ nhục này?
Giuse đã tính bó trốn. Đó là con đường dễ chịu nhất. Rất may là Thiên Chúa đã can thiệp.
Giả như Đức Maria là một thiếu nữ chỉ muốn an phận thì khi được sứ thần ngỏ ý có lẽ Mẹ đã thưa: “Tôi không muốn làm mẹ Đấng Cứu Thế, tôi chỉ muốn được sống cuộc đời bình thường với sự tôn trọng của người xung quanh và tình thương yêu mà người tôi định gá nghĩa. Tôi chỉ muốn sống như các phụ nữ khác. Xin Chúa hãy đem vinh hạnh ấy cho một thiếu nữ Ítraen khác.” Nhưng thay vì câu nói ấy, chúng ta lại được đọc thấy trong Tin mừng một lời hết sức cảm động đầy tinh thần vâng phục và hi sinh: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.”
Vâng đó là những gì đẹp nhất mà chúng ta được nghe.
Nói tới đây tôi chợt nhớ tới câu chuyện của Trương Lương trong Tam Quốc Chí. Ai cũng mến mộ Trương Lương, một trong những vị tướng tài ba của Lưu Bang. Làm sao mà Trương Lương được mến mộ như vậy. Thưa vì ngay từ thuở nhỏ Trương Lương đã có những đức tính rất dễ thương. Hôm đó, Trương Lương đi dạo chơi ngoài bờ sông chợt thấy một ông lão ăn mặc rách rưới nằm ngủ trên cầu. Ông lão ngủ say quá nên làm rơi một chiếc dép xuống sông. Tỉnh dậy thấy cậu bé Trương Lương ở đó, ông sai bảo: “Thằng bé, nhặt chiếc dép cho ta”.
Trương Lương vui vẻ xuống sông nhặt chiếc dép rồi kính cẩn đưa lại cho cụ già. Cụ già cầm lấy, không một lời cám ơn. Rồi cụ loay hoay xỏ mãi mà không vào. Chiếc dép lại một lần nữa rớt xuống bờ sông. Cụ lại quát bảo Trương Lương: “Thằng bé, xuống nhặt dép cho ta”. Trương Lương vẫn vui vẻ giúp cụ. Lần thứ ba cũng thế. Thấy vậy, ông lão khen: “Thằng bé này dạy được đây”. Thì ra cụ là một cao nhân lỗi lạc. Và cụ nhận Trương Lương làm học trò, truyền dạy binh pháp cho ông. Nhờ thế, Trương Lương trở nên một danh tướng văn võ song toàn, đã giúp cho Lưu Bang dựng nên nghiệp đế vương.
Trương Lương gặp được thầy giỏi một phần nhờ cơ may. Nhưng phần lớn là nhờ sự khiêm nhường phục vụ của ông. Hoàn cảnh thời Đức Mẹ sống cũng tương tự như thế. Thời đó, ai cũng mong chờ Đấng Cứu Thế, nhưng chỉ mình Đức Mẹ được diễm phúc đón nhận. Chúa chọn Đức Mẹ, đó là do ơn lành nhưng không của Chúa, nhưng cũng vì Đức Mẹ có tâm hồn khiêm nhường đón nhận.
Kính thưa anh chị em. Chúng ta đang sống trong những ngày cuối cùng của Mùa Vọng.
Mùa Vọng là mùa chờ đón Chúa đến. Ta mong được đón rước Chúa vào tâm hồn. Ta mong được ân huệ dư đầy của Thiên Chúa. Làm sao Chúa có thể đến với chúng ta. Ta hãy noi gương Đức Mẹ, biết khiêm nhường nhận mình tội lỗi yếu hèn, biết khiêm nhường từ bỏ ý riêng để thi hành ý Chúa, biết khiêm nhường vâng theo ý Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, biết khiêm nhường phó thác vân mệnh trong tay Chúa dù không hiểu hết những ý định mầu nhiệm của Người. Chỉ khi khiêm nhường tan biến thành hư không, ta mới được Chúa thương đổ đầy tràn ân phúc vào tâm hồn.
Lạy Đức Mẹ Maria, xin dạy con biết sống khiêm nhường để con đi vào chương trình của Thiên Chúa.