Chúa Nhật III mùa Vọng – Năm B
VUI MỪNG VÌ CHÚA SẮP ĐẾN
Lm Carolo Hồ Bạc Xái
***
– Bài đọc 1 (Is 61,1-2.10-11) : “Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Thiên Chúa”
– Đáp ca (Lc 1,46-48.49-50.53-54) : “Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa”
– Tin Mừng (Ga 1,6-8.19-28) : Gioan Tẩy giả giới thiệu về Đấng Messia “Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người”
– Bài đọc II (1 Tx 5,16-24) : “Anh em hãy vui mừng luôn mãi”
- DẪN VÀO THÁNH LỄ
Trong cuộc sống, chúng ta thường gặp những niềm vui : vui khi thấy những nụ hoa hé nở trong vườn, vui khi nhìn những cặp vợ chồng trẻ hân hoan trong ngày cưới, vui với những tù nhân mãn hạn trở về… Ngày xưa, một ngôn sứ cũng đã dùng những hình ảnh tương tự để loan báo niềm vui khi Chúa đến. Thật vậy, khi Chúa đến, Ngài sẽ làm cho cuộc sống ta tràn ngập niềm vui. Vậy chúng ta hãy chuẩn bị đón tiếp Ngài.
- GỢI Ý SÁM HỐI
– Chúng ta không nghĩ rằng sống đạo là một niềm vui, trái lại nhiều khi còn coi đó là gánh nặng khó chịu.
– Chúng ta ít nghĩ đến việc làm cho những người chung quanh được vui tươi hạnh phúc.
– Chúng ta không sẵn sàng để cho Chúa giải thoát chúng ta khỏi những trói buộc của tội lỗi và những đam mê bất chính.
III. LỜI CHÚA
- Bài đọc I: Is 61,1-2.10-11
Đoạn này thuộc phần thứ ba sách Isaia (các chương 56-66) do một (hoặc một số) tác giả không được biết tên nên người ta tạm gọi là Đệ Tam Isaia.
Có hai giả thuyết về thời gian soạn tác phần này : a/ Đó là thời sau lưu đày từ lúc xây xong Đền thờ mới cho đến năm 445 trước công nguyên (Nhóm dịch CGKPV) ; b/ Một vài năm trước khi kết thúc cuộc lưu đày. Nội dung đoạn được trích hôm nay xem ra phù hợp với giả thuyết thứ hai hơn.
Tác giả nghĩ đến lúc được giải thoát khỏi ách lưu đày.
– Trong phần đầu (cc 1-2), tác giả tự đồng hóa mình với một nhân vật được Thiên Chúa chọn làm sứ giả đặc biệt để loan tin vui ấy. “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó, băng bó những tâm hồn đau thương, báo tin ân xá cho những kẻ bị lưu đày, phóng thích cho những tù nhân, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa”.
– Trong phần sau (cc 10-11), tác giả lại tự đồng hóa mình với dân được giải thoát : “Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa, vì Ngài đã mặc cho tôi áo phần rỗi và choàng áo công chính cho tôi…”
Sau này, trong bài ca Magnificat, Đức Maria đã lấy lại một số tâm tình của tác giả ; và Đức Giêsu, tại hội đường Nadarét, cũng đã áp dụng những lời này cho chính bản thân Ngài.
- Đáp ca: Trích bài Magnificat, Lc 1,46-48.49-50.53-54.
Bài ca diễn tả tâm tình của Đức Maria. Đó cũng là tâm tình của Đệ Tam Isaia ngày trước, mà cũng là tâm tình của Giáo Hội ngày nay : vui mừng vì được Chúa đến thăm và dùng mình làm sứ giả loan báo Tin Mừng của Chúa.
- Tin Mừng: Ga 1,6-8.19-28
Sứ giả loan Tin Mừng mà Đệ Tam Isaia đã tiên báo chính là Gioan Tiền hô, và Tin Mừng mà Gioan công bố chính là Đức Giêsu.
Đoạn Tin Mừng Chúa nhật tuần trước đã cho biết Gioan là người dọn đường và ông đã dọn đường như thế nào. Đoạn Tin Mừng hôm nay (của thánh Gioan Tông đồ) cho biết nhiều hơn :
– Đấng Messia mà Gioan dọn đường chính là Ánh sáng. Ngài đến thế gian như ánh sáng chiếu soi trong đêm tối.
– Phần Gioan tiền hô, ông rất khiêm tốn : nói rõ mình không phải là Messia và tuyên bố Đấng Messia là Đức Giêsu cao trọng hơn ông.
- Bài đọc II : 1 Tx 5,16-24
Thêxalônica là một giáo đoàn mà thánh Phaolô rất quan tâm, bởi vì ngài mới thành lập giáo đoàn này không bao lâu thì phải bị buộc rời họ đi xa. Nhưng dù non trẻ, giáo đoàn này đã sống đạo khá tốt. Bởi thế khi biên thư cho họ, Phaolô bảo họ một mặt hãy luôn vui mừng trong Chúa và mặt khác hãy cầu nguyện không ngừng và cảm tạ Chúa trong mọi việc.
- GỢI Ý GIẢNG
* 1. Vui mừng theo đơn đặt hàng ư ?
Lời kêu gọi rất rõ của Giáo Hội trong Thánh lễ hôm nay là “Anh em hãy vui lên”.
Nhưng có thể vui mừng theo đơn đặt hàng như thế chăng ? Vả lại, trong cuộc sống cũng có nhiều nỗi buồn. Đâu phải bất cứ lúc nào hễ Giáo Hội kêu chúng ta vui lên thì chúng ta vui lên ngay được ?
Thiết tưởng ta nên phân biệt cho rõ. Cuộc đời gồm nhiều phương diện lắm khi không hoàn toàn phối hợp hài hòa với nhau. Bởi thế người ta vẫn có thể vui về phương diện này đang khi gặp điều không vừa ý thuộc phương diện khác. Chẳng hạn nghèo mà vui, bị sỉ nhục vẫn vui v.v. Phương diện lúc nào cũng có thể vui chính là phương diện siêu nhiên : vui vì Chúa, vui trong Chúa. Thứ niềm vui này ở tận trong lòng nên bất cứ thứ xáo trộn bên ngoài nào cũng không ảnh hưởng tới nó được.
Tác giả Sách Huấn ca đã viết : mọi việc đều có thời của nó. Có thời để khóc và có thời để cười, có thời để buồn và có thời để vui… Giáo Hội chỉ cho chúng ta biết rằng thời để vui chính là thời bây giờ đây, thời chuẩn bị đón Chúa Giáng sinh. Chúng ta vui vì Chúa đã “công bố năm hồng ân” (bài đọc I), vì “Chúa đã đoái nhìn phận hèn tôi tớ” của chúng ta (Bài đáp ca) và vì ý Thiên Chúa muốn rằng chúng ta luôn được hân hoan hạnh phúc (Bài Thánh Thư).
* 2. Vui và sướng
Trong bài đọc II, Thánh Phaolô bảo : “Anh em hãy vui luôn”. Flor McCarthy có những suy nghĩ sau đây về vui và sướng (joy and pleasure).
Vui và sướng rất khác nhau :
– Ta có thể vạch kế hoạch để mình được sướng, nhưng không thể làm thế để được vui.
– Sung sướng đến ngay, còn niềm vui thường đến sau ; và niềm vui ngọt ngào hơn cả là thứ niềm vui đến sau đau khổ.
– Sung sướng đến do mình trả lời “có” với mình ; niềm vui đến do mình trả lời “không” với chính mình.
– Sung sướng giống như một ánh lửa loé lên trong đêm tối, chiếu sáng mọi sự trong giây lát rồi tắt lịm, sau đó ta cảm thấy tối tăm và trống rỗng hơn bao giờ hết ; Niềm vui giống như một ngọn lửa trong tim, sau đó dù lửa đã tàn nhưng vẫn còn để lại hơi ấm trong ta.
* 3. Vui luôn
Thánh Phaolô kêu gọi “Anh em hãy vui mừng luôn mãi”.
– “Luôn mãi” là cả khi bị người ta đối xử xấu với mình nữa chăng ?
– “Luôn mãi” là cả khi làm việc thất bại nữa chăng ?
– “Luôn mãi” là cả khi người thân bị chết hay bị bệnh nặng nữa chăng ?
– “Luôn mãi” ngay cả khi đã phạm tội chăng ? v.v.
Chắc chắn là thánh Phaolô đã nghĩ đến những tình huống đó, dù vậy Ngài vẫn kêu gọi “Hãy vui mừng luôn mãi”. Tại sao ?
Liền sau lời kêu gọi ấy, thánh Phaolô viết tiếp “Hãy cầu nguyện không ngừng”. Đúng rồi, nếu gặp phải những tình huống ấy mà biết cầu nguyện thì mọi buồn sầu lo lắng sẽ sớm tan biến và trở thành niềm vui.
- Có Đấng mà các ngươi không biết, Ngài sẽ đến sau tôi
Đấng mà người ta không biết chính là Thiên Chúa. Thật vậy, rất nhiều người không biết Thiên Chúa, thậm chí còn không tin là có Thiên Chúa. Điều này cũng tự nhiên thôi, vì chính Thánh Kinh cũng nói rằng khả năng con người không thể biết được Thiên Chúa : Thánh Gioan tông đồ đã viết “Chưa ai trông thấy Thiên Chúa bao giờ” (Ga 1,18) ; Thánh Phaolô cũng viết rằng Thiên Chúa là Đấng “ngự trong ánh sáng siêu phàm, Đấng không một người nào đã thấy hay có thể thấy” (1 Tm 6,16).
Thế nhưng, vì yêu thương loài người, Thiên Chúa đã khấng cho loài người biết Ngài, qua Đức Giêsu con yêu dấu của Ngài nhập thế sống giữa loài người chúng ta. Gioan Tiền hô đã báo cho người ta biết tin vui đó : “Ngài đang ở giữa các ngươi mà các ngươi không biết”.
Chúng ta là những người được biết, vậy chúng ta hãy vui mừng ; và cũng như Gioan, chúng ta hãy chỉ Ngài cho nhiều người khác được biết.
- Điều kiện của người làm chứng
Điều kiện tiên quyết của người làm chứng là sống đúng như chứng từ của mình.
Gioan Tẩy giả là người làm chứng như thế. Đoạn Tin Mừng hôm nay viết : “Ông đến để làm chứng về ánh sáng”. Trung thực với chứng từ này, một mặt ông cố gắng chỉ cho người ta thấy Ánh Sáng là ai, mặt khác khi có người tưởng ông là Ánh sáng ấy thì ông thẳng thắn phủ nhận. Rồi khi Ánh sáng xuất hiện, ông âm thầm rút lui : “Ngài phải sáng lên, còn tôi phải mờ đi”.
Câu chuyện sau đây được thuật lại trong quyển The Tablet (Tháng 5 năm 1998) :
Một cặp vợ chồng trẻ kia đều là bác sĩ. Họ đã học chung với nhau ở Đại học Y khoa, quen nhau, rồi cưới nhau. Người vợ là công giáo, người chồng thì không. Đã nhiều lần người vợ cố gắng thuyết phục chồng Rửa Tội, nhưng anh không hề quan tâm, có lẽ vì chưa thấy đạo công giáo có cái gì hay.
Thế rồi trong một đợt thanh lý công nhân viên, người chồng bị bắt đi cải tạo cùng với một số nhà trí thức khác. Người vợ không vào tù nhưng bị làm áp lực bỏ đạo và ly dị chồng. Nhiều nữ bác sĩ khác cùng cảnh ngộ đã đành chìu theo những áp lực ấy. Nhưng bà này vẫn cương quyết sống theo niềm tin và tình yêu của mình, mặc dù gặp phải rất nhiều khó khăn.
Nhưng một ngày kia, người chồng được trả tự do cùng với nhiều bác sĩ khác. Xảy ra rất nhiều tình huống trớ trêu dở khóc dở cười : nhiều bà vợ vui mừng vì chồng trở về nhưng không dám đón chồng vì đã trót ly dị. Riêng cặp vợ chồng này thì niềm vui rất trọn vẹn.
Sau đó người chồng xin gia nhập đạo công giáo. Anh đã thấy được giá trị của đức tin và tình yêu hiện thân nơi vợ mình. Đó là một chứng từ, không phải bằng lời nói suông mà bằng cả cuộc sống.
Linh mục Anthony de Mello có kể một câu chuyện sau đây :
Có gia đình kia đi nghỉ hè một thời gian dài bên bờ biển. Ngày nọ, mấy đứa con đang nô đùa, xây những lâu đài bằng cát trên bãi biển, thì có một bà cụ xuất hiện. Tóc bà rối bời trong gió, quần áo bẩn thỉu rách rưới. Bà vừa lẩm bẩm một mình, vừa cúi nhặt những vật gì đó trên mặt cát rồi cho vào giỏ.
Cha mẹ lũ nhỏ gọi chúng lại và bảo chúng hãy tránh xa mụ đàn bà đó. Khi đi ngang qua, bà mỉm cười với họ, nhưng mọi người không hề tỏ dấu đáp lại.
Nhiều tuần sau, cả gia đình mới biết rằng đã lâu lắm rồi, người đàn đà ấy đã tự nguyện, làm công việc lượm các mảnh thủy tinh rơi rớt trên bãi biển, để bọn trẻ khỏi bị đứt chân.
*
“Giữa các ngươi có một Đấng mà các ngươi không biết” (Ga.1,26).
Sứ mạng của Gioan Tiền Hô là làm chứng cho Sự Sáng đích thật chính là Đức Kitô. Đức Kitô đến để chiếu ánh sáng cho trần gian. Toàn bộ Tin mừng Gioan chỉ là để trả lời cho câu hỏi này : “Giêsu Nagiarét, Người là ai ?” Gioan không dùng danh từ Phúc âm mà chỉ dùng từ ngữ “chứng nhân”. Động từ “làm chứng” được Gioan nhắc đến 33 lần. Tin mừng Gioan được khai mở bằng lời chứng của Gioan Tiền Hô và kết thúc với minh chứng của Gioan Tông đồ : “Chính môn đệ này làm chứng về những việc đó và đã viết ra. Chúng tôi biết lời chứng của người ấy xác thực” (Ga.21,24).
Qua lối sống khổ hạnh khác người, qua lời rao giảng sám hối, và qua lời chứng : “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa : Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi” (Ga.1,23) đã minh chứng Gioan là vị Tiền Hô của Đấng Cứu Thế, là chứng nhân của Thiên Chúa. Gioan chỉ đứng ra làm chứng và báo trước ngày Chúa xuất hiện, rồi rút lui vào bóng tối.
Có thể nói, Gioan là người tôi tớ, còn Đức Giêsu là ông chủ, Gioan là đèn soi, còn Đức Giêsu là ánh sáng, Gioan là tiếng kêu, và Đức Giêsu là lời hằng sống.
Như Gioan, người tín hữu cũng sẽ là chứng nhân cho Đức Kitô trong cuộc sống. Về điểm này, Teihard de Chardin đã ví von rất sống động : “Ánh sáng xuyên qua những áng mây, người ta đoán là có mặt trời trên đó. Nhìn vào đời sống chúng ta mọi người cũng đoán được có Đức Kitô”. Bà cụ trong câu chuyện của Cha Mello phản ánh một tấm gương sáng ngời về lòng thương người, luôn quan tâm tới kẻ khác. Cụ sống khó nghèo, âm thầm, hy sinh thời giờ sức lực của mình, để cho niềm vui của người khác được trọn vẹn.
Martin Luther King viết : “Chúng ta không chỉ làm chứng bằng lời nói, mà còn làm chứng bằng cuộc sống của mình”. Có những tâm hồn dần dần cải hóa nhờ việc làm của ta, nhưng chính ta lại không ngờ tới. J. Basquin nói : “Sống chứng nhân không phải là đuổi theo các tâm hồn, mà là sống làm sao để các tâm hồn chạy theo ta”.
Ước gì khi nhìn vào đời sống chúng ta, mọi người cũng có thể nói như đã nói về Thánh Gioan Vianey “Tôi đã thấy Thiên Chúa trong một con người”.
*
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết làm chứng cho Chúa bằng lời rao giảng và bằng gương sáng đời sống chúng con. Xin cho chúng con biết sống khiêm nhường : không hiếu danh cũng chẳng ganh tị, không cao ngạo cũng chẳng cậy uy. Nếu có khi nào thành công việc gì xin cho chúng con biết hướng vinh dự về cho Chúa, để qua đó, người ta nhận biết Chúa là Đấng quyền năng và yêu thương con người. Amen. (Thiên Phúc, “Như Thầy đã yêu”)