Chúa Nhật III mùa Vọng – Năm B
HÃY VUI LÊN
Bài đọc 1: Is 61, 1-2a. 10-11
Bài đọc 2: 1 Thess 5, 16-24
Tin Mừng: Ga 1, 6-8. 19-28
Lm. Phêrô Trần Thanh Sơn
***
Mùa Vọng là mùa của sự chờ mong, mùa chuẩn bị tâm hồn cho việc đón Con Thiên Chúa đến. Đây không phải là một sự chờ đợi trong u buồn, sầu não, nhưng là một sự chờ đợi trong hân hoan. Thật vậy, Chúa Giêsu không chỉ đến trần gian một lần nơi Bêlem cách đây hơn 2000 năm, nhưng trong những ngày đầu mùa Vọng, phụng vụ Giáo Hội còn mời gọi chúng ta chuẩn bị tâm hồn để đón Chúa đến lần thứ hai trong vinh hiển để ban thưởng cho những ai trung thành. Và hôm nay, trong Chúa nhật III của mùa Vọng, Giáo Hội còn mời gọi chúng ta tin tưởng và vui lên, vì Chúa vẫn đang đến và đồng hành với chúng ta mỗi ngày trong cuộc sống. Chính trong niềm hân hoan vui mừng đó, phụng vụ Giáo Hội cho phép chúng ta sử dụng lễ phục hồng ngay trong mùa Vọng này.
- Niềm vui có Chúa ở cùng:
Trong cuộc sống của mình có lẽ chúng ta cũng đã từng có nhiều niềm vui: Niềm vui khi thành công trong công việc làm ăn của quý phụ huynh, hay niềm vui thi đậu của các em học sinh. Đó còn là niềm vui âm thầm, nhẹ nhàng khi bỗng nhiên nhận được một luồng gió mát ngay giữa trưa hè nóng bức, hay niềm vui khi gặp lại người bạn thân sau bao ngày xa cách… tất cả những niềm vui đó đến với chúng ta do một tác động từ bên ngoài và rồi cũng đã qua đi, và có khi chúng cũng chẳng làm thoả lòng của chúng ta nữa.
Thế nhưng, có cũng những lúc chúng ta cảm thấy tâm hồn rất thanh thản, bình an cho dù bên ngoài không có gì thay đổi. Đó là những lúc tâm hồn chúng ta đang thuộc trọn về Chúa, có Chúa ở cùng. Hay nói một cách khác, đó là niềm vui của những tâm hồn trong sạch. Ngôn sứ Isaia trong bài đọc một cũng đã lên tiếng diễn tả niềm vui của những người công chính: “Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa, và lòng tôi hoan hỉ trong Chúa tôi, vì Người đã mặc cho tôi áo phần rỗi và choàng áo công chính cho tôi”. Người công chính là người đang bước đi trong ánh sáng của Thiên Chúa. Chính vì đang bước đi trong ánh sáng của Thiên Chúa, nên người công chính mới có thể “hớn hở vui mừng trong Chúa”.
Có Chúa ở cùng phải là ước vọng và là niềm vui lớn nhất của mỗi người kitô hữu chúng ta. Thế nhưng, chúng ta phải làm sao để có thể cảm nghiệm và giữ vững được niềm vui này?
- Tâm hồn trong sạch, bảo đảm sự hiện diện của Chúa:
Con người chúng ta có xác và hồn. Với thân xác, niềm vui của chúng ta thường dựa vào những gì mà giác quan chúng ta cảm nhận được. Thế nhưng, những niềm vui đó không thật sự bền vững.
Chính vì thế, để chúng ta có được niềm vui trọn vẹn, thánh Phaolô còn khuyên bảo chúng ta: “Hãy tránh xa sự dữ dưới mọi hình thức”. Tránh xa sự dữ dưới mọi hình thức, nghĩa là chúng ta phải tránh xa cả các dịp tội, kể cả tội nhẹ, đừng để ma quỉ thừa cơ lợi dụng những yếu đuối của chúng ta để lôi kéo chúng ta xa dần Thiên Chúa, vì chỉ những tâm hồn thật sự xa lánh tội lỗi, mới có thể cảm nghiệm được sự ngọt ngào của Thiên Chúa. Không chỉ là xa lánh sự dữ, vị Tiền Hô trong bài Tin mừng còn mời gọi chúng ta mau mắn “sửa cho ngay đường Chúa đi”. Con đường mà vị Tiền Hô đang mời gọi chúng ta tu sửa không phải là con đường vật chất hay những cây thông, hang đá trang trí bên ngoài, nhưng là con đường tâm hồn của chúng ta.
Để chuẩn bị cho ngày lễ Giáng Sinh, chúng ta chuẩn bị rất nhiều thứ: nào là vệ sinh khuôn viên thánh đường, lau rửa các bộ tượng, tu bổ các vật dụng làm hang đá… và rất nhiều việc như thế nữa, nhưng thử hỏi: Tôi và quý OBACE có dừng lại để làm vệ sinh, thanh tẩy những điều làm dơ bẩn tâm hồn và trang trí tâm hồn chúng ta bằng các nhân đức để sẵn sàng mừng lễ không? Bắt đầu ngày mai, Thứ Hai cho đến thứ Tư là các ngày Tĩnh tâm của Giáo xứ và Thứ Năm là ngày các cha đến Giải tội. Ước mong chúng ta biết lợi dụng thời gian này để dọn tâm hồn chúng ta xứng đáng đón Con Chúa Nhập Thể.
Mặt khác, ý thức được sự yếu đuối của chúng ta, thánh Phaolô cũng mời gọi chúng ta cầu xin sức mạnh của Chúa Thánh Thần đến trợ giúp chúng ta: “Xin chính Thiên Chúa bình an thánh hoá anh em toàn diện, để thần trí, linh hồn và thể xác anh em được gìn giữ toàn vẹn”.
Như thế, Thánh Thần chính là Đấng giúp chúng ta dọn đường đến với Thiên Chúa, đồng thời cũng nhờ Ngài chúng ta mới có thể thực sự cảm nhận được trọn vẹn niềm vui của người con Chúa.
- Lời mời gọi chia sẻ niềm vui:
Theo dõi các cuộc thi đấu thể thao, nhất là bóng đá chắc chúng ta thấy mỗi khi ghi bàn cho dù có mệt mỏi, vất vả, thì các cầu thủ đã ghi bàn cũng không dấu nổi vẻ vui mừng hiện rõ trên khuôn mặt. Họ chạy khắp vòng quanh sân, la lớn cùng nhiều cử chỉ bất ngờ khác nữa như muốn chia sẻ niềm vui đang trào dâng trong lòng họ với tất cả những người đang hiện diện.
Tương tự như thế, Chúa Giêsu không những đã đến trần gian cách đây hơn 2000 năm, nhưng ngày hôm nay Ngài vẫn đang hiện diện bên cạnh từng người chúng ta trong mỗi phút giây của cuộc sống. Có Chúa ở cùng chính là niềm vui tuyệt vời và lớn lao nhất. Và với một niềm vui lớn như thế, chúng ta không thể dấu kín trong lòng mà không loan báo cho mọi người. Ngôn sứ Isaia trong bài đọc một đã tiên báo về bước chân hân hoan loan báo Tin mừng của Đấng Messia, người được xức dầu Thánh Thần: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi: vì Chúa đã xức dầu cho tôi; Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó, băng bó những tâm hồn đau thương; báo tin ân xá cho những kẻ lưu đày, phóng thích cho những tù nhân; công bố năm hồng ân của Thiên Chúa”. Lời tiên tri này của vị ngôn sứ quả thực đã được ứng nghiệm, hơn 600 năm sau, tại hội đường ở Nazareth, Chúa Giêsu đã nhận những lời loan báo của ngôn sứ trên đây cho chính bản thân mình, khi nói: “Hôm nay đã ứng nghiệm đoạn Sách này nơi tai các ngươi” (Lc 4, 21). Chúa Giêsu được đầy tràn hoan lạc trong Thánh Thần và Ngài đã lên đường rao giảng Tin mừng cho mọi người. Do đó, bản thân chúng ta một khi đã có được niềm vui có Chúa ở cùng, chúng ta cũng phải cất bước lên đường chia sẻ niềm vui đó cho anh chị em mình. Giống như Gioan, chúng ta phải là một tiếng “kêu”, cho dù là trong “hoang địa”, để loan báo tin vui Chúa đến cho anh chị em mình.
Chúng ta cần loan báo tin mừng cho anh chị em mình không chỉ bằng những lời nói, nhưng phải bằng những việc làm thật cụ thể. Thánh Giacôbê nói: “Ích gì, hỡi anh em, khi ai rêu rao mình có đức tin, mà việc làm lại không có? … Về đức tin cũng vậy, nếu không việc làm, thì đức tin ấy đã chết tiệt rồi!” (Gc 2, 14-17).
Chúng ta còn phải loan báoTin mừng bằng chính đời sống vui tươi của mình. Chúng ta không thể loan báo Tin mừng bằng một khuôn mặt buồn được. Do đó, ngay mở đầu bài đọc hai, thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta: “Hãy vui mừng luôn”.
Như thế, chính hành vi bác ái, tha thứ, chia sẻ và nhất là thái độ lạc quan, vui sống của mỗi người chúng ta chính là thước đo cho thấy mức độ chúng ta đã cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời của mình. Và cũng chẳng đâu xa, ít phút nữa đây, từng người chúng ta lại có cơ hội để đón Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể vào tâm hồn mình. Có Chúa ở trong mình, chúng ta không được phép u buồn, sầu não, nhưng phải vui lên, và rồi khi trở về nhà chúng ta hãy chia sẻ niềm vui có Chúa cho anh chị em mình để từng gia đình và cả cộng đoàn chúng ta luôn tràn ngập niềm vui có Chúa ở cùng. Amen.