Chúa Nhật III mùa Vọng – Năm B
CHỨNG NHÂN NIỀM VUI TIN MỪNG
Lm. Vinhsơn Trần Minh Hòa
***
Trong cuộc sống, có những lý do đưa đến niềm vui. Có những hoàn cảnh tô thêm niềm phấn khởi hân hoan trong tâm hồn. Có những cuộc gặp gỡ hòa vỡ niềm vui mừng. Tuy nhiên, niềm vui của trần thế thì chóng qua. Cuộc vui do con người gầy dựng sẽ có ngày kết thúc. Chỉ trong Thiên Chúa, con người mới có niềm hạnh phúc đích thực, tròn đầy và vĩnh cửu. Bởi lẽ, chính Thiên Chúa là Tin Mừng cho nhân loại là suối nguồn mang đến hạnh phúc đích thực cho họ.
Thật vậy, lời Chúa trong sách ngôn sứ Isaia đã cho thấy niềm vui đích thực này. Vị ngôn sứ đã mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa (x. Is 61,10) chứ không phải vui mừng nhờ vào thụ tạo. Nhờ Thiên Chúa, vị ngôn sứ nhận được hồng ân cứu độ, được choàng đức trực công minh (x. Is 61,10). Bằng lời lẽ hết sức thi vị, tâm trạng vị ngôn sứ tràn đầy niềm vui ứng với những gì đẹp nhất, vinh dự nhất và phong nhiêu nhất: “Như chú rể chỉnh tề khăn áo, tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang. Như đất đai làm đâm chồi nẩy lộc, như vườn tược cho nở hạt sinh mầm” (Is 61,10-11).
Niềm vui nối tiếp niềm vui. Lời kinh Magnificat trong bài đáp ca đã cho thấy tâm trạng hết sức vui của Đức Trinh Nữ Maria. Linh hồn Mẹ ngợi khen Đức Chúa, thần trí Mẹ hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng Cứu độ Mẹ (x. Lc 1,46-47). Làm sao có thể không vui mừng cho được, bởi Phận nữ tỳ hèn mọn như Mẹ lại được Chúa đoái thương nhìn tới. Chẳng lẽ lại không cất tiếng ca vui khi Mẹ được hết mọi đời sẽ khen là diễm phúc và Đấng Toàn Năng đã làm cho Mẹ biết bao điều cao cả (x. Lc 1, 48-49). Quả thật, Chúa là niềm vui đích thật cho mọi người nhất là cho những ai luôn cậy tin và yêu mến Người.
Tuy nhiên, để có thể giữ được niềm vui ấy cách bền lâu, mỗi người cần có một thái độ và đời sống thích hợp. Lời Chúa trong thư gửi tín hữu Thêxalônica đã đề nghị: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh” (1Tx 5,16). Cầu nguyện và tạ ơn là cách thế để phận người mỏng manh luôn nối nguồn và biết ơn Thiên Chúa, Đấng tràn đầy hạnh phúc. Ngoài đời sống cầu nguyện và tạ ơn để giữ được niềm vui chính đáng trong Chúa, mỗi người cũng được mời gọi sống cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ; còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa (x. 1 Tx 5,21-22). Đồng thời, nguyện chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hoá toàn diện con người của mỗi người, để thần trí, tâm hồn và thân xác mỗi người, được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách, trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, quang lâm (x. 5, 23).
Có được niềm vui nhờ Chúa, mỗi người cũng được mời gọi chia sẻ niềm vui ấy bằng đời sống chứng nhân của niềm vui Tin Mừng. Không phải mỗi người là nguyên cớ đích thực đưa đến niềm vui Tin Mừng nhưng là chính Chúa. Cũng như không phải mỗi là ánh sáng nhưng đến để làm chứng về ánh sáng. Ông Gioan đã làm tốt vai trò chứng nhân này. Ông đến làm chứng về ánh sáng để mọi người nhờ ông mà tin (x. Ga 1, 7). Ý thức vai trò là tiền hô, Gioan đến mời gọi mọi người sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi (x. Ga 1, 23). Nhận mình là phận bầy tôi, Gioan xác nhận ông chỉ làm phép rửa trong nước, nhưng có một vị đang ở giữa mọi người. Người sẽ đến sau nhưng cao trọng hơn Gioan và ông không đáng cởi quai dép cho Người (x. Ga 1, 26-27).
Trong năm Phúc Âm hóa đời sống giáo xứ và các cộng đoàn, mỗi người cũng được mời gọi sống niềm vui Tin Mừng vì có Chúa và trở nên chứng nhân của niềm vui ấy. Niềm vui của các tín hữu không dựa trên những điều phù phiếm nhưng dựa vào nguồn hạnh phúc đích thực là chính Chúa. Vì thế, các tín hữu cần có một đời sống gắn bó với Chúa để có được niềm vui đích thực. Trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề nghị: “Tôi mời mọi Kitô hữu, ở bất cứ nơi nào và hoàn cảnh nào, ngay lúc này đổi mới cuộc gặp gỡ cá nhân của mình với Chúa Giêsu Kitô, hay ít ra, quyết định để cho Người gặp gỡ mình và không ngừng tìm kiếm Người mỗi ngày. Không có một lý do nào mà một người có thể nghĩ rằng lời mời gọi này không dành cho mình, bởi vì “không ai bị chối từ niềm vui mà Chúa mang đến“” (EG 3).
Nếu sự gặp gỡ giữa người với người có thể đưa đến những niềm vui và sự đổi mới thì cuộc gặp gỡ của mỗi người với Chúa Giêsu sẽ đưa đến hạnh phúc và những đổi mới lạ lùng. Trong huấn từ Chúa nhật III mùa vọng năm 2013, Đức thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh: “Niềm vui của chúng ta là Đức Kitô, là tình yêu trung tín và vô tận của Người. Khi một Kitô hữu buồn phiền, điều đó có nghĩa là người ấy đang ở xa Giêsu”. Quả vậy, một Dakêu sau khi được gặp Chúa Giêsu và Người đã đề nghị đến nhà ông, ông đã mừng rỡ đón rước Người (x. Lc 19, 6) và đã được biến đổi. Ông sẵn sàng dâng phân nửa tài sản của ông cho người nghèo, và nếu đã chiếm đoạt của ai cái gì, ông xin đền gấp bốn (x. Lc 19,8). Một Phaolô sau khi gặp Chúa Giêsu phục sinh đã mạnh dạn tuyên bố: “Tôi coi tất cả mọi sư là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô” (Pl 3,8). Niềm vui được biết Chúa là ơn huệ lớn lao. Niềm vui ấy thúc bách ta lên đường rao truyền Tin Mừng Đức Kitô cho tha nhân. Sứ vụ ấy phải là nghĩa vụ đòi buộc như lời tuyên bố của thánh Phaolô: “Đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16).
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con luôn nối nguồn với Chúa bằng một đời sống cầu nguyện thẳm sâu và năng lãnh nhận các bí tích. Nhờ thế, con luôn có niềm vui đích thực của Chúa và xin cho con nhiệt tâm loan báo Tin Mừng, hầu nhiều người nhờ biết Chúa, yêu mến Chúa mà sống bình an và hạnh phúc tròn đầy. Amen.