Chúa nhật 2 mùa Vọng – Năm B
TRỞ NÊN CHỨNG NHÂN
DỌN ĐƯỜNG CHO CHÚA
Lm. Vinhsơn Trần Minh Hòa
***
Sống trong tăm tối của phận người tội lỗi, con người khao khát được Thiên Chúa ân xá và thứ tha. Sống trong phận lưu đày khốn khổ, con người mong có ngày hồi hương và được sống an bình. Dân Do Thái đã sống tâm trạng như vậy. Tội lỗi và sự bất trung đã làm cho lòng người Do Thái xa Chúa và họ phải chịu những cảnh sống bất hạnh. Hạnh phúc thay, thời gian sống trong cảnh lầm than của họ sẽ mau qua, bởi Lời Chúa trong sách ngôn sứ Isaia đã tiên báo một thời kỳ lạc quan. Thời kỳ phục dịch của dân Do Thái đã mãn, tội của họ đã đền xong (x. Is 40, 2). Thiên Chúa sẽ đến ở giữa họ. Người sẽ quang lâm hùng dũng, tay nắm trọn chủ quyền (x. Is 40, 10). Như hình ảnh mục tử yêu thương đoàn chiên, Chúa chăn giữ dân của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Tình thương của Thiên Chúa bao phủ dân của Người như người mục tử nhân lành dành cho đàn chiên. Lũ chiên con được Chúa ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, được Người tận tình dẫn dắt (x. Is 40, 11).
Thiên Chúa ở giữa con người (x. 1 Cr 14,25) và Ngôi Hai Thiên Chúa là Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta (x. Ga 1,14). Tuy Thiên Chúa là Đấng quyền năng và Người không phụ thuộc vào không gian cũng như thời gian, nhưng để Chúa thực sự hiện diện trong tâm hồn, Người cần con người cộng tác. Chúa cần con người cộng tác không phải vì Thiên Chúa yếu kém, nhưng Người tôn trọng tự do của con người và cho con người có phẩm giá cao quý và khả năng để sống xứng đáng là hình ảnh của Thiên Chúa. Mặt khác, Chúa cần con người có những biểu lộ cụ thể để phận mỏng giòn của con người có thể bắt nhịp phần nào với sự cao cả của Thiên Chúa toàn năng.
Lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Máccô hôm nay đã giới thiệu cách cộng tác với Chúa bằng một đời sống dọn đường cho Chúa đến: “Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để người đi” (Mc 1, 2). Nơi sa mạc của cõi lòng chai đá, cần dọn một con đường của những phút hồi tâm sám hối. Chốn quanh co của cuộc sống lươn lẹo, cần vạch ra một con lộ của sự chân thật cho Thiên Chúa ngự trị. Những thung lũng thẳm sâu của tính hư nết xấu và tội lỗi, cần lấp đầy bằng những việc lành và các nhân đức. Chốn đồi núi và ghồ ghề của đời sống kiêu ngạo, cần san phẳng bằng một thái độ khiêm nhường thẳm sâu.
Ý thức dọn lòng cho Chúa là cần thiết, nhưng mỗi người không chỉ dọn lòng mình, mà còn được mời gọi trở nên chứng nhân dọn đường cho Chúa. Gioan Tẩy Giả là một trong những gương mẫu của đời sống chứng nhân này. Bằng đời sống hy sinh khắc khổ, bằng lời rao giảng mạnh mẽ về sự sám hối, ông đã đưa dẫn nhiều người hồi tâm trở về. Mọi người từ khắp miền Giuđêa và Giêrusalem đã đến với ông. Họ đã thú tội, và thánh Gioan đã làm phép rửa cho họ nơi sông Giođan (x. Mc 1,5). Gioan Tẩy Giả không chỉ là cầu nối, nhưng ông còn là chứng nhân đưa người khác đến với Chúa. Khi đã làm xong công việc của người dọn đường cho người khác đón nhận ơn cứu độ, Gioan Tẩy Giả đã mạnh dạn giới thiệu và rao giảng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần” (Mc 1, 8).
Trong năm phúc âm hóa đời sống giáo xứ và các cộng đoàn, các tín hữu cũng đang chờ đón Chúa đến lần thứ hai. Trong thời gian ấy, Chúa luôn kiên nhẫn chờ đợi sự hối cải của mỗi người, bởi Người chẳng muốn ai phải diệt vong (x. 2 Pr 3,9). Tuy nhiên, để lãnh nhận hồng ân cứu độ, các tín hữu được mời gọi sống làm sao cho Chúa thấy mỗi người sống tinh tuyền, không chi đáng trách (x. 2 Pr 3, 14).
Mặt khác, Thiên Chúa không dựng nên con người đơn độc, nhưng dựng nên con người sống trong cộng đoàn có nam, có nữ (x. St 1,27). Trong mỗi cộng đoàn, mỗi người có mối tương quan tội phúc với nhau. Vì thế, ngoài một đời sống dọn đường để Chúa đến với mình, mỗi người cũng có nghĩa vụ góp phần dọn đường để Chúa đến với người khác. Cũng như Chúa Giêsu Kitô khi mang thân phận con người đã chấp nhận chịu đóng đinh (x. 2 Cr 13,4). Người đã làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời (x. Cl 1,20). Gioan Tẩy Giả sống trong cộng đoàn Do Thái thời Chúa Giêsu đến. Ông đã liên đới với cộng đoàn và đã nên cầu nối để đưa nhiều người trở về với Chúa. Nhờ ông, nhiều người biết Chúa Giêsu và đến với Chúa.
Hôm nay, bằng lời nói và đời sống chứng nhân, Chúa cũng mời gọi các tín hữu trở nên cầu nối cho người khác đến với Chúa. Mỗi tín hữu trở nên trung gian hữu dụng không chỉ cho những các tín hữu khô khan, nguội lạnh trở về với Chúa mà còn cho những anh em lương dân nhận ra Chúa là Đấng cứu độ, là lẽ sống và hạnh phúc đời mình. Có thế, cộng đoàn giáo xứ trở thành một cộng đoàn sống động về đời sống đức tin, chan chứa tình yêu thương của đời sống bác ái và kiên trung trong đời sống đức cậy, để khi Chúa đến, mỗi người ra đón Chúa với tâm hồn hân hoan, phấn khởi và sẽ được ở cùng Chúa mãi mãi (x. 1Tx 4,17).