TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN ĐỂ CHỜ ĐÓN CHÚA ĐẾN
Người ta thường nói “ngủ như chết”, vì khi ngủ say, chúng ta không thấy và cũng chẳng biết những gì đang xảy ra chung quanh. Những ai sống khép kín hoặc tự mãn, không biết khiêm tốn lắng nghe và học hỏi để thăng tiến, được gọi là kẻ ngủ mê về mặt tinh thần. Trong lãnh vực thiêng liêng, có những người đang sống mà như đã chết, vì: “Chúa họ thờ là cái bụng, và cái họ lấy làm vinh quang lại là cái đáng hổ thẹn. Họ là những người chỉ nghĩ đến những sự thế gian.” (Pl 3, 19)
Thời nào và ở đâu cũng có những người mải mê tìm kiếm lợi lộc và những khoái lạc chóng qua mà quên Đấng Tạo Hóa, họ chẳng còn thời gian nhớ đến cùng đích của đời mình. Ngôn sứ Isaia đã nói lên tình trạng dân riêng của Chúa trong thời của ngài: “Không có ai cầu khẩn danh Chúa, cũng chẳng ai tỉnh dậy mà níu lấy Ngài.” (Is 64, 6a) Cầu nguyện và tỉnh thức là thái độ khôn ngoan của những ai đặt trọn niềm tin vào Chúa. Đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe là một trong những lần Đức Giêsu căn dặn các môn đệ chuyên chăm cầu nguyện và luôn tỉnh thức.
Cầu nguyện như những nhịp cầu nối kết con người với Thiên Chúa, giúp chúng ta luôn sống trong ân sủng và dễ dàng đón nhận ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần. Nhờ sống kết hiệp với Chúa, Đức Maria mau mắn nhận ra và tận tâm chu toàn thánh ý của Người. Cũng vậy, nhờ luôn ăn chay và cầu nguyện mà cụ già Simêon và Anna nhận biết hài nhi Giêsu được dâng trong đền thờ chính là Đấng muôn dân đang mong đợi. Trái lại, mặc dù dân Israen tha thiết chờ mong Đấng Messia, nhưng vì mải mê tìm kiếm Vị Thiên Sai theo quan điểm trần thế, nên khi Người đến, họ chẳng nhận ra nên đã đóng đinh Người vào khổ giá.
Tỉnh thức là có cặp mắt đức tin đủ sáng để nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa ngay trong những điều bình dị của cuộc sống. Tỉnh thức còn là biết mình đang đi về đâu và phải làm gì để đạt tới sự sống vĩnh cửu. Nhiều tội nhân đã thức tỉnh, can đảm nhận ra tình trạng tội lỗi của bản thân, biết cậy nhờ ơn Chúa giúp và quyết chí canh tân đời sống theo tinh thần Tin Mừng, nhờ vậy đã nên thánh. Bước vào năm phụng vụ mới, Giáo Hội mượn Lời Chúa nhắc nhở chúng ta cần có thái độ tỉnh thức và chuyên chăm cầu nguyện, để chờ đón Chúa.
Mùa vọng giúp các Kitô hữu đón mừng mầu nhiệm Con Thiên Chúa giáng trần trong tâm tình cảm tạ, tri ân và chuẩn bị cách xứng đáng, để mời Đấng Emmanuen ngự đến trong tâm hồn, nơi gia đình, giáo xứ và cộng đoàn. Thiếu tâm tình ấy thì hang đá, cây thông, đèn điện chớp nháy muôn màu… chỉ mang hình thức lễ hội, vì những người chưa tin vào Đức Giêsu cũng có những hoạt động mừng Chúa giáng sinh không thiếu sáng tạo và vui nhộn như thế.
Hướng tầm nhìn về tương lai, mùa vọng nhắc nhở các Kitô hữu điều hết sức hệ trọng, đó là ngày Đức Giêsu Kitô quang lâm. Hệ trọng bởi vì trong ngày ấy, mỗi người sẽ được chúc phúc hay phải nghe tin dữ, được mời vào hưởng hạnh phúc với Chúa hoặc phải xa cách Người mãi mãi.
Giữa hai lần Đức Giêsu ngự đến, Người vẫn hiện diện giữa chúng ta qua nhiều cách thức: nơi các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, trong cộng đoàn phụng vụ và nơi những anh chị em chúng ta gặp hằng ngày trong cuộc sống. Chúa tiếp tục dạy dỗ và hướng dẫn chúng ta qua Kinh Thánh và giáo huấn của Hội Thánh, bằng tiếng nói của lương tâm, những điều kỳ diệu trong thiên nhiên và các biến cố xảy ra trong đời.
Chẳng những thế, vì muốn mọi người được hưởng ơn cứu độ, Thiên Chúa đã quảng đại ban cho chúng ta muôn ơn qua Đức Giêsu, như lời thánh Phaolô viết: “Thật thế, lời chứng về Đức Kitô đã ăn sâu vững chắc vào lòng trí anh em, khiến anh em không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mặc khải vinh quang của Người.” (1 Cr 1, 6-7)
Nhiều người nghĩ rằng con người phải vất vả đi tìm Thiên Chúa, nhưng Kinh Thánh cho biết, vì yêu thương, Thiên Chúa luôn đến với chúng ta trước: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta.” (Kh 3, 20) Vì tôn trọng tự do của mỗi người, Thiên Chúa không tự động mở cửa tâm hồn chúng ta để bước vào, nhưng với những ai thành tâm mở rộng cõi lòng đón tiếp, Người sẽ đến và ở lại với họ. Cuộc đời của thánh Phanxicô Borgia, vị tổng quyền thứ ba của dòng Tên là một trong muôn vàn gương sáng về thái độ tỉnh thức và cầu nguyện.
Thánh nhân sinh năm 1510 tại Valenxia, Tây Ban Nha, được chú là tổng giám mục thành Saragossa trực tiếp giáo dục. Từ nhỏ ngài muốn sống ơn gọi tu trì, nhưng ý hướng tốt đẹp ấy sớm bị những thú vui và sự xa hoa nơi cung đình vùi lấp. 19 tuổi Phanxicô kết hôn với Êlêanor Castrô, họ sống rất hạnh phúc và sinh được tám người con. Ngài từng là cố vấn cho nhà vua, làm phó vương Catalônia, là công tước xứ Ganđia và trưởng tộc dòng họ Borgia.
Năm 1539, trong lễ an táng hoàng hậu Isabella, khi thấy hoàng hậu lúc còn sống rất xinh đẹp và đầy quyền lực, giờ đây là thân xác bất động và đang thối rữa, Phanxicô đã suy nghĩ nhiều về cuộc sống, sự chết và đời sống vĩnh cửu.
Đặc biệt khi người vợ yêu quý qua đời năm 1546, Phanxicô Borgia buồn khổ cùng cực nên tìm an ủi trong lời cầu nguyện và các bí tích. Năm sau ngài quyết định chia gia tài cho các con rồi gia nhập dòng Tên, và được thụ phong linh mục năm 1550. Đời sống thánh thiện và lời giảng dạy tràn đầy lửa yêu mến của Cha Phanxicô đã giúp ích cho rất nhiều người. Năm 1565, ngài được chọn làm bề trên tổng quyền dòng Tên. Bảy năm trong sứ vụ nặng nề ấy, ngài đã đem hết tài năng và nhiệt tâm để chu toàn, ngày 30/ 09/ 1572 ngài qua đời, và được Đức Giáo Hoàng Clemente X tuyên phong hiển thánh năm 1671.
Người nông dân không gieo hạt rồi ngồi chờ mùa gặt, nhưng luôn thăm mảnh ruộng, bón thêm phân, nhặt bớt cỏ. Cũng thế, việc bác ái, lời cầu nguyện, sự hy sinh và lòng sám hối, giúp chúng ta luôn tỉnh thức và mau mắn nhận ra sự hiện diện của Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.
Xin cho chúng ta biết giữ tâm hồn trong sạch, chuyên chăm cầu nguyện và luôn tỉnh thức, để Chúa đến cách nào và vào bất cứ giờ nào, chúng ta cũng nhận ra và đón tiếp Người với tình con thảo và niềm hân hoan.