CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG – NĂM B
HÃY TỈNH THỨC
Bài đọc 1: Is 63, 16b-17. 64, 1.3b-8
Bài đọc 2: 1 Cr 1, 3-9
Tin Mừng: Mc 13, 33-37
Lm. Phêrô Trần Thanh Sơn
***
Nhìn vào xã hội, chúng ta thấy trong bất kỳ lãnh vực nào, người ta cũng cần phải đề cao cảnh giác, có nghĩa là phải tỉnh thức và sẵn sàng.
Thật vậy, trong một quốc gia, để bảo đảm an ninh và trật tự, chính phủ phải luôn tỉnh thức bằng cách đặt các đồn canh ở các nơi trọng yếu, rồi lại còn phải thường xuyên huấn luyện quân đội, công an, cảnh sát và cả nhân dân nữa.
Trong một gia đình, muốn không bị trộm cắp, nhất là vào những đêm tối trời, thì chúng ta cũng phải tỉnh thức. Ngoài ra, còn phải nuôi thêm chó để canh giữ, làm cổng cho kiên cố, đặt ổ khóa cho chắc chắn.
Trong phạm vi cá nhân cũng thế, muốn thành công trong công việc làm ăn, chúng ta cần phải tỉnh táo, để nắm bắt được những thay đổi của thời tiết, những biến động của thị trường. Ngõ hầu có thể thích ứng kịp thời.
Và ngay trong Giáo phận Bà Rịa của chúng ta vào ngày 05/11/2014 vừa qua, Lm. Đaminh Trần Thế Huy, một linh mục đang còn rất trẻ, mới 45 tuổi đã được Chúa gọi về theo một cách có thể nói là hết sức bất ngờ, cũng là một lời mời gọi chúng ta tỉnh thức và sẵn sàng.
Như thế, trong đời sống tự nhiên, muốn tồn tại và phát triển một cách tốt đẹp sung mãn, chúng ta cần phải tỉnh thức. “Hãy tỉnh thức” cũng là điều mà lời Chúa hôm nay nhấn mạnh với từng người chúng ta, bởi vì, chỉ trong một đoạn Tin mừng ngắn ngủi có 5 câu, chữ tỉnh thức đã được Chúa Giêsu lập lại đến 4 lần.
Bình tâm nhìn lại mình, chúng ta sẽ nhận thấy rằng: mình rất dễ ở trong tình trạng mà Tin mừng gọi là “đang ngủ”, hay nói cách khác đó là tình trạng tội lỗi. Nếu như chủ về gặp người đầy tớ đang ngủ, thì chắc hẳn hậu quả đầu tiên mà anh ta phải lãnh nhận là bị đuổi việc, cũng tương tự như thế, nếu Thiên Chúa đến trong lúc tâm hồn chúng ta còn xa cách Chúa bởi tội lỗi thì chắc chắn chúng ta sẽ lãnh lấy án phạt, như lời ngôn sứ Isaia trong bài đọc một: “Chúng tôi đã luôn ở trong tình trạng tội lỗi, thì làm sao sẽ được cứu rỗi”.
Trong dụ ngôn có một điều mà chúng ta cũng cần lưu ý để nhắc nhở chúng ta về việc tỉnh thức, đó là thời gian chủ có thể trở về. Người chủ này có thể trở về “hoặc là chiều tối, hoặc là nửa đêm, hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng”. Nói tóm lại, là trong khoảng thời gian của bóng tối. Mà theo Thánh kinh, “bóng tối” đồng nghĩa với các thế lực của sự dữ. Tin mừng theo thánh Gioan ghi lại: trong bữa ăn tối cuối cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ. Sau khi Giuđa rời khỏi phòng tiệc thì “trời đã tối” (x. Ga 13, 30). Thế đó, Giuđa đã đi vào bóng tối, đồng nghĩa với việc ông ta đi vào con đường của tội lỗi, con đường phản bội. Không chỉ trong Thánh kinh, chúng ta cũng có thể nhận ra điều này trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Những quán café đèn mờ, thiếu ánh sáng, đồng nghĩa với sự không lành mạnh. Vì thiếu lành mạnh nên không dám đối mặt với ánh sáng. Do đó, bóng tối chính là thời gian thử thách và đầy cạm bẫy mà từng người chúng ta phải hết sức cẩn thận đề phòng.
Ông chủ có thể trở về lúc “chiều tối” là giờ mà Chúa Giêsu loan báo sự phản bội của Giuđa (x. Mc 14, 18) và sự từ chối của Phêrô (x. Mc 14, 30). Đó là lúc mà tâm hồn từng người chúng ta đang phải đối mặt và làm một cuộc chọn lựa giữa những quyền lợi vật chất, những vinh hoa phú quý ở đời này, với lòng trung thành với Thiên Chúa. Đó là cuộc chọn lựa đến tôn thờ Thiên Chúa trong ngày Chúa nhật hay là những việc làm đem lại món lợi trước mắt. Chúng ta cần tỉnh thức vào những lúc “chiều tối” này của cuộc sống.
Ông chủ cũng có thể trở về lúc “ nửa đêm” là giờ Chúa hấp hối trong vườn Giêtsêmani (x. Mc 14, 32-42). Đó là lúc mà Chúa phải đối mặt với những đau khổ nơi thân xác và tâm hồn. Đó là lúc mà Chúa Giêsu cảm nhận được nỗi đau của những bội phản do những người mà mình tin tưởng nhất, Đó còn là lúc mà nỗi kinh hoàng do thập giá làm cho Ngài phải lo sợ đến mức đổ mồ hôi máu (x. Lc 22, 42-44). Đó cũng là lúc mà những người môn đệ thân tín đã ngủ say bỏ mặc Chúa giữa lúc tâm hồn Ngài đang cần được an ủi.
Còn “Nửa đêm” này đối với từng người chúng ta là lúc chúng ta đang bị bỏ rơi, gặp thất bại trong cuộc sống, là lúc chúng ta gặp phải sự chống đối, hiểu lầm, là lúc chúng ta cảm thấy gánh nặng của cuộc sống, của gia đình đang đè nặng lên đôi vai của chúng ta, khiến cho chúng ta như muốn ngã lòng, buông trôi tất cả. Những lúc đó, chúng ta phải thật tỉnh thức, cầu nguyện thật nhiều, để nhờ ơn Chúa giúp, chúng ta có thể vượt qua đêm tối này.
Ông chủ còn có thể về vào lúc “gà gáy” hay “ban sáng” là giờ mà Phêrô đã chối Thầy ba lần trước người tớ gái trong sân Thượng Tế (x. Mc 14, 66-72); và các môn đệ thì bỏ trốn, đang lúc Chúa Giêsu bị Hội Đồng Tối Cao Do Thái nộp cho Philatô. Thật mỉa mai, một thủ lĩnh tông đồ đoàn, chỉ vì tham sống sợ chết lại luôn miệng chối nguồn gốc của mình và cả người thầy của mình trước một cô đầy tớ, chẳng có chút giá trị gì theo luật pháp Do Thái lúc bấy giờ. Đó cũng là lúc mà chúng ta phải đối diện với sự phụ bạc của con người, thậm chí là những người thân yêu nhất của chúng ta. Thật đúng là “Còn tiền còn bạc, còn đệ tử, hết tiền hết bạc hết ông tôi”. Lúc “gà gáy hay ban sáng” chẳng phải là những lúc chúng ta đứng trước một chọn lựa sống công chính để tuyên xưng đức tin của mình, hay là im lặng đồng loã với bất công, gian dối để được hưởng một món lợi nào đó hay sao? Vào những lúc “gà gáy hay ban sáng” này, chúng ta đang tỉnh thức hay mê ngủ?
Tóm lại, trong thân phận của một con người sống trong trần thế này, từng người chúng ta phải đối diện với biết bao những cám dỗ của ma quỷ, của thế gian cùng với những dục vọng của bản thân. Chúng ta dễ dàng đi theo chúng vào trong đêm tối, ngủ mê trong vòng vây của Danh – Lợi – Thú, không đủ tỉnh thức để chờ ngày chủ trở về như lời ngôn sứ Isaia: “Tất cả chúng tôi đều như chiếc áo dơ bẩn. Không còn ai kêu cầu Thánh Danh Chúa, không còn ai tỉnh thức để bám lấy Chúa”.
Thế nhưng, cho dù đêm tối đang vây bọc chúng ta, Thiên Chúa cũng không bỏ rơi chúng ta. Ngài vẫn hằng hiện diện bên chúng ta để kêu gọi và giúp chúng ta tỉnh thức, vượt qua những mệt mỏi của cuộc sống, những cám dỗ của sự dữ. Chính vì thế, thánh Phaolô bài đọc hai chúng ta vừa nghe đã nói: “Tôi hằng cảm tạ Chúa thay cho anh em, vì ơn đã ban cho anh em trong Chúa Giêsu Kitô. Vì chưng trong Ngài, anh em được đầy tràn mọi ơn… khiến anh em không còn thiếu ơn nào nữa trong khi mong chờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta tỏ mình ra”.
Giờ đây, ý thức được sự yếu đuối của mình, chúng ta càng tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa, mượn lời cầu xin tha thiết của tác giả Thánh vịnh trong bài đáp ca, chúng ta cùng cất tiếng kêu nài Thiên Chúa đến nâng đỡ chúng ta: “Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin đoái nhìn chúng tôi, xin tỏ Nhan Thánh Chúa, thì chúng con sẽ được rỗi”. Amen.