Chúa nhật I Mùa Vọng Năm B
HÃY TỈNH THỨC
Lm. Giuse Trần Đình Túc
***
Thánh Kinh Cựu ước là một câu chuyện đợi chờ, câu chuyện 4000 năm Dân Chúa mong đợi Đấng Cứu thế. Và hôm nay, cùng với Giáo Hội, với những anh em Kytô trên toàn thế giới, cộng đoàn chúng ta nao nức bước vào một Năm phụng vu mới, được khởi đầu bằng hơn ba tuần lễ của ứoc mơ, đợi chờ mà chúng ta quen gọi là mùa Vọng. Nhưng chúng ta mong đợi điều gì, và sẽ mong đợi ra sao? Bởi, đang lúc đó đây rộn rịp chuẩn bị cho lễ Giáng sinh, thì hôm nay, Chúa lại nói đến ngày tận thế, cùng với lời gọi mời thật thân thương và khẩn thiết: “Anh em hãy tỉnh thức, … hãy sẵn sàng!”
Bằng hình ảnh người chủ đi xa trở về, Chúa muốn gợi lên một khía cạnh khác, và cũng là khía cạnh chính yếu của mùa Vọng. Đúng là mùa trông chờ, nhưng mùa Vọng không chỉ là thời gian nhìn lại quá khứ, ôn lại sự kiện Con Thiên Chúa làm người. Đây cũng không đơn thuần là mùa chuẩn bị mừng lễ giáng sinh, nhưng còn là một chặng dừng cần thiết để định hướng, vươn tới tương lai, về biến cố Con Thiên Chúa ngự đến lần thứ hai trong vinh quang, như là điểm tới trong sự thành toàn của lịch sử nhân loại. Đó là tâm tình được ngôn sứ Isaia diễn tả trong Bài Đọc I: “Phải chi Ngài xé trời ngự xuống, và núi non rung chuyển trước Thánh Nhan”.
Thế cho nên, điều chính yếu làm thành mùa Vọng, không chỉ là ước mơ, mong đợi, ma còn là một GỌI MỜI. Gọi mời con người đến với Thiên Chúa, Đấng đang đến trong lịch sử, đang hướng dẫn toàn thể vũ trụ đi đến sự hoàn tất và tròn đầy của mình. Ngài đến để mở toang cái thế giới đang co cụm, đóng kín để Hồng ân cứu độ tuôn trào cho muôn loài.
Ảo tưởng nguy hiểm nhất của con người là ảo tưởng cho rằng mình có rất nhiều thời giờ, để rồi lại bị chính thời gian bào mòn đi ý chí, bị chính những sản – phẩm mình – làm – ra ru ngủ trong cái cảm giác mình là những vị thần toàn năng và bất tử.
Con người ngày nay, phải chăng cũng đang bị gây mê, bị ru ngủ trong lối sống hưởng thụ, thực dụng để rồi cứ ngỡ thế giới mình đang sống là duy nhất, vĩnh hằng.
Mùa Vọng nhắc chúng ta sống có trách nhiệm hơn, sống tỉnh táo hơn. Bởi Kytô hữu không chỉ là con của Đất, mà còn là con của Trời; không chỉ lo lắng ơ đời này mà còn biết bận tâm cho đời sau. Và trên mỗi bước hành trình, Thiên Chúa vẫn có đó. Ngài vẫn đang đến – đơn sơ, dung dị. Không trống phách tưng bừng, nhưng âm thầm lặng lẽ. Không uy nghi lẫm liệt như những bậc quân vương, nhưng trong hiền lành khiêm nhường của một người phục vụ. Ngài luôn xuất hiện như một cái gì bất ngờ và mới mẻ. Không gấm vóc lụa là, nhưng đơn sơ trong y phục dân dã. Không như vị quan tòa nghiêm khắc, nhưng như một người cha nhân hậu, một người bạn dễ thương. Nếu bén nhạy, nếu biết mở lòng ra, chúng ta sẽ dễ dàng khám phá trong cuộc sống dung mạo của Thiên Chúa. Có thể Ngài đang đến qua những con người hiền lành, bé nhỏ quanh ta; trong những con người khốn khổ túng cùng. Ngài đang đến qua những khuôn mặt xanh xao hốc hác, trong những tấm thân gầy gò. Ngài có thể đang lẫn vào giữa đám đông vô danh, đang chìm mất trong số những kẻ bị loại ra ngoài xã hội, đang ẩn mình giữa đám người ăn xin đang lê bước trên nẻo đường cát bụi, đang rét run với cặp mắt ngơ ngác giữa những nạn nhân của thiên tai lụt bão. Phải tỉnh táo lắm mới có thể nhận ra Ngài. Phải tỉnh thức lắm mới có thể gặp được Ngài.
Tỉnh thức không có nghĩa là ngồi đó mà chờ đợi, nhưng là bắt tay vào hành động. Chúa như ông chủ đi vắng, giao cho ta trách nhiệm trông coi gia đình, giáo xứ, quê hương và cả thế giới mình đang sống. Ta được tự do hành động, và có trách nhiệm làm cho môi trường mình đang sống được phát triển về mọi mặt.
Vì thế, tỉnh thức là nhìn thấy những nhu cầu của anh em, và đáp ứng những nhu cầu đó. Tỉnh thức là nhìn thấy Ý Chúa trong những trào lưu thời đại, là nhận biết Chúa đang hành động trong những tâm hồn thiện chí, để thay cho đối kháng, cho tranh giành ảnh hưởng là cộng tác trong huynh đệ chân thành.
Như thế, mùa Vọng gọi mời cuộc hội ngộ lớn của hồng ân cứu độ, là mùa của dấn thân, nhập cuộc; của phấn đấu vươn lên bằng những sửa sai và đổi mới; cố gắng vun quén, ươm trồng và nhân lên nhiều hơn nữa những cái tốt cái đẹp, những điều thiện, điều hay – trong cuộc sống, trong gia đình mình. Nếu ngủ mê vì quá bận rộn với những công việc vật chất, chúng ta sẽ ở bên lề biến cố trọng đại này, và có lẽ sẽ phải hối tiếc không nguôi. Cho nên, mùa vọng cũng là mùa của tỉnh thức, mùa của lên đường, ra khỏi cái vỏ ốc của ù lì, ươn lười để bước đi trong hân hoan và hy vọng.
Như thế, chúng ta sẽ không ngồi đó mà chờ đợi,” ai sao tôi vậy”, an phận thủ thường. Nhưng sẽ bước vào mùa Tím này với một ngọn nến thật sáng trên tay. Ngọn nến của Bình An, Đổi Mới, ngọn nến của Yêu Thương, Hy vọng. Để biết đâu, một lúc nào đó, chúng ta chợt nhận ra Chúa đang đến thật gần, chợt nhận ra Ngài đang hiện diện nơi một ai đó trong cộng đoàn giáo xứ, trong gia đình chúng ta?