Chúa nhật I Mùa Vọng Năm B
TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN
Logos B
***
Cha Anthony de Mello là một linh mục dòng Tên, người Ấn Độ. Cha rất nổi tiếng với những câu truyện có tính cách ẩn dụ về đời sống tu đức. Năm 1992, cha xuất bản cuốn sách mang tựa đề “Thức Tỉnh”. Trong đó, cha đã kể câu truyện ngụ ngôn như sau :
Ngày kia, một con sư tử đến gần một đàn cừu và nó rất đỗi ngạc nhiên khi nhận ra ở giữa đàn cừu có một con sư tử. Con sư tử này vốn được đàn cừu nuôi dưỡng từ khi còn bé. Nó cũng kêu be be và chạy quanh quẩn như một chú cừu. Con sư tử “khách” tiến thẳng tới chỗ nó. Khi đối diện với sư tử thật, chú sư tử “cừu” run lẩy bẩy, hết sức sợ hãi. Sư tử thật bảo nó : “Chú mày làm gì ở giữa đàn cừu này ?”. Sư tử “cừu” trả lời ngay : “Tôi là một con cừu”. Sư tử thật bảo nó : “Ồ, không phải thế đâu, chú mày hãy theo tao”. Thế là, nó đưa chú sư tử “cừu” đến một ao nước và bảo : “Chú mày hãy nhìn đi nào !”. Vừa trông thấy hình ảnh mình phản chiếu trên mặt nước, sư tử “cừu” gầm lên một tiếng vang dội. Ngay lúc đó, nó thức tỉnh và nhận ra nó chính là con sư tử dũng mãnh, chứ không phải là chỉ là một con cừu nhát đảm (Nguyên tác : AWARENESS, 1992).
Khi kể câu truyện đó, cha Anthony de Mello muốn nói rằng : “thức tỉnh” có nghĩa là “giác ngộ” (danh từ nhà Phật), hay “phản tỉnh” (danh từ triết học) : nhận ra mình là ai, nhận thức con đường mình đang đi, đón nhận ánh sáng để biết đâu là chân lý phải theo. Thức tỉnh là “đánh thức” mình dậy trong cơn mê ngủ. Thức tỉnh luôn là thái độ khôn ngoan người tín hữu phải có khi sống ở trần gian. Tuy nhiên, để có thể “thức tỉnh”, con người cần “tỉnh thức” như lời Chúa dạy hôm nay.
Bài Tin Mừng theo thánh Marcô chúng ta vừa nghe tuy ngắn ngủi, nhưng Chúa Giêsu đã nhắc đến bốn lần hai chữ “tỉnh thức”. Điều đó cho thấy sự tỉnh thức luôn luôn quan trọng và cần thiết trong đời sống kitô hữu. Tuy nhiên, người tín hữu không tỉnh thức trong thất vọng và buồn sầu, trong trống rỗng và vô nghĩa. Trái lại, họ tỉnh thức trong hy vọng và niềm vui, trong đời sống cầu nguyện và tinh thần phục vụ.
Tỉnh thức trong hy vọng và niềm vui
Khi bước vào mùa Vọng, bầu trời phụng vụ như tối lại với một màu tím ảm đạm. Thực ra, màu tím của phụng vụ mùa Vọng là “gam” màu nói lên sự trầm lắng của sự đợi chờ, ngóng trông. Giữa màu tím sâu lắng, vẫn ẩn giấu một màu xanh hy vọng và vui tươi. Màu tím của mùa Vọng hướng ta đến một tương lai sáng ngời, một khát vọng khôn nguôi. Vì thế, mùa Vọng là thời gian tràn trề hy vọng và niềm vui trong khi mong chờ Chúa đến.
Mùa Vọng nhắc ta hãy tỉnh thức để chờ đợi Chúa đến. Ngài không chỉ đến trong ngày lễ Giáng Sinh mà thôi. Ngài còn đến trong ngày Quang Lâm. Ngài đến trong giờ sau hết của cuộc sống. Ngài đến trong từng phút giây của cuộc sống hiện tại. Dù Chúa đến vào lúc nào hay bằng cách nào, Ngài luôn đem lại sự hân hoan và niềm tin yêu cho cuộc sống. Cho dẫu quá khứ của chúng ta đầy đắng cay, hiện tại nhiều thử thách, tương lai thật đen tối, Chúa vẫn là đích điểm hạnh phúc cho chúng ta vươn tới. Vì vậy, trong mỗi giây phút của mùa Vọng, cũng như trong suốt năm phụng vụ mới, chúng ta hãy xin Chúa hãy đổ tràn đầy niềm tin yêu và hy vọng vào tâm hồn chúng ta. Nhờ vậy, cuộc đời chúng ta luôn tràn ngập hạnh phúc và bình an.
Tỉnh thức trong thinh lặng và cầu nguyện
Trong vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu đã tỉnh thức và cầu nguyện với Chúa Cha trong lo buồn sầu não. Giữa lúc đó, các tông đồ lại ngủ mê mệt. Chúa Giêsu nói với thánh Phêrô : “Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ” (Mt 26, 41). Tuy nhiên, mặc cho Chúa tha thiết nhắn nhủ, các tông đồ vẫn đắm chìm trong giấc ngủ say. Cuối cùng, vì không tỉnh thức và cầu nguyện, thánh Phêrô đã sa ngã phạm tội, đã chối Thầy ba lần (Mt 26, 74).
Phải chăng Chúa Giêsu đã thấy trước lỗi lầm của thánh Phêrô ? Vì vậy, Ngài đã căn dặn các môn đệ, cũng là nhắc nhở chúng ta : “Hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về, hoặc là chiều tối, hoặc là nửa đêm, hoặc lúc gà gáy, hay ban sáng”. Bài học của thánh Phêrô cũng là bài học cho chúng ta ngày nay. Nếu không tỉnh thức và cầu nguyện, chúng ta dễ dàng vấp ngã trên đường đời.
Tỉnh thức không phải là thời gian chờ đợi trong sự trống rỗng và vô nghĩa. Tỉnh thức chỉ đem lại ích lợi khi đi kèm với cầu nguyện, như lời Chúa kêu gọi : “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện”. Như thế, trong suốt “mùa vọng” đời người tín hữu, cầu nguyện chính là những “bậc thang” đưa ta lên với Chúa. Vì cầu nguyện là hướng lòng lên với Chúa để gặp gỡ Chúa. Cầu nguyện còn là nhịp cầu bắc qua dòng sông khổ ải, đưa ta đến với Chúa. Tóm lại, sống mùa vọng là hòa mình vào bầu khí cầu nguyện, nghĩa là bước vào tương quan sống động và thân tình với Thiên Chúa.
Tỉnh thức với đời sống phục vụ khiêm tốn
Mùa Vọng cũng là thời gian chúng ta sống tâm tình của người gia nhân đợi chủ đi ăn cưới về (Lc 12, 35 – 40). Người gia nhân ấy luôn thắt lưng và cầm đèn cháy sáng trong tay. Đó chính là tư thế của người luôn sẵn sàng phục vụ trong khiêm tốn. Qua đời sống phục vụ, chúng ta còn gặp gỡ Chúa đang hiện diện nơi những người mà ta phục vụ. Vì khi ta yêu mến và phục vụ người anh em bé mọn là ta yêu mến và phục vụ chính Chúa (Mt 25, 31 – 46).
Mùa Vọng là thời gian chờ đợi Chúa đến. Nhưng đó không phải là thời gian nhàn rỗi, vô vị và nhàm chán. Nhưng đó là thời gian gieo vãi cực khổ của bác nông phu, thời gian ươm tơ vất vả của con tằm, thời gian làm việc liên lỉ của người gia nhân. Tỉnh thức chỉ có ý nghĩa khi ta biết ta đang chờ đợi ai và chờ đợi gì, để sẵn sàng lấp đầy khoảng trống chờ đợi bằng những việc làm tốt lành. Tỉnh thức không phải là nghỉ ngơi, nhưng là hoạt động và hoạt động
không ngừng.
Bài đọc I, trích sách tiên tri Isaia dạy ta cách tỉnh thức để chờ đợi Chúa : Hãy trở thành miếng đất sét trong tay người thợ gốm là Thiên Chúa. Miếng đất sét chịu lệ thuộc trong tay người thợ gốm, sẽ trở thành vật dụng hữu ích, thậm chí trở thành một kiệt tác nữa. Chúng ta cũng hãy trở nên ngoan ngùy trong tay Chúa, để Người uốn nắn ta dưới ngọn lửa nung đốt của Chúa Thánh Thần.
Trong bài đọc II, trích thư thứ I gửi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô nhắc nhở người tín hữu chân tình và thực tế hơn : hãy sống xứng đáng với ân sủng Thiên Chúa ban, để khi Chúa lại đến, họ không có gì phải bị khiển trách.
Những biến cố bi thảm xảy ra trên thế giới thường gắn liền với hai chữ “bất ngờ”:
Ngày 7/12/1941, quân đội Nhật Bản đã bất ngờ tấn công Trân Châu Cảng, căn cứ hạm đội Thái Bình Dương của Hải Quân Mỹ, khiến nước Hoa Kỳ gánh chịu tổn thất và nhục nhã lớn lao chưa
từng thấy.
Ngày 15/8/1945, nước Hoa Kỳ giáng đòn thù xuống nước Nhật. Hai trái bom nguyên tử bất ngờ thả xuống hai thành phố Hirôshima và Nagasaki đ san bằng tất cả. Nước Nhật ngơ ngác và bàng hoàng, sau đó, đã đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện.
Ngày 11/9/2001, tòa tháp đôi của Trung Tâm Thương Mại Thế Giới ở New York, nước Hoa Kỳ bất ngờ sụp đổ vì khủng bố, khiến 3000 người thiệt mạng. Cả thế giới rúng động !
Ngày 26/12/2004, sóng thần và động đất đã bất ngờ xảy ra tại vùng Nam Á, cướp đi sinh mạng của gần 300 ngàn người. Mọi người kinh hoàng !
Hai chữ “bất ngờ” luôn gắn liền với cuộc sống con người. Hôm nay, Chúa nhắc nhở chúng ta : “Các con hãy sẵn sàng, vì vào lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến”. Trong mùa vọng cũng như trong suốt cuộc đời, ta hãy luôn tỉnh thức và cầu nguyện, để chờ đợi Chúa đến. Mãi mãi, Ngài là hy vọng và là niềm vui cho mỗi người chúng ta và cho thế giới hôm nay.