Chúa nhật I Mùa Vọng Năm B
TỈNH THỨC CHỜ NGÀY CHÚA TRỞ LẠI
Chú giải của Fiches Dominicales
***
- Trong ánh sáng ngày Con Người trở lại.
Người ta chờ đợi phụng vụ năm B sẽ mở đầu bằng những trang đầu của Tin Mừng theo thánh Maccô là một điều hợp lý. Thế nhưng, không như người ta tưởng, phụng vụ hôm nay lại trích dẫn một đoạn trong phần gần cuối của Tin Mừng Maccô nói về “Ngày Tận Thế” để giúp soi sáng thêm ý nghĩa của Mùa Vọng ta đang bước vào.
Sở dĩ Đức Giêsu nói về ngày Tận Thế là vì các môn đệ đã lo lắng hỏi Người khi nghe Người loan báo đền thờ Giêrusalem sẽ bị tàn phá. Khi nhắc lại những lời Đức Giêsu nói với các môn đệ về ngày Tận Thế, thánh Maccô muốn các độc giả của Ngài hiểu rằng lời Chúa xưa nói với các môn đệ cũng là lời Người nói với họ hôm nay:
– Với những độc giả của Tin Mừng Maccô, là những người đã biết hay sẽ biết những năm tháng bi đát (năm 64 Nêrôn bắt bớ, năm 66 cuộc nổi dậy ở Palestin, năm 70 đạo binh của Titus chiếm đóng và phá hủy đền thờ), thì phải học biết rằng ngày Chúa trở lại mà họ tin là sắp đến còn lâu mới xảy ra.
– Còn với độc giả hôm nay và mọi thời cho đến ngày Đức Giêsu trở lại, lời Chúa loan báo soi sáng cho họ biết tầm quan trọng của thời họ đang sống: lịch sử đang tiến đến viên mãn và Đấng sẽ đến gặp gỡ chúng ta ở thời sau cùng này là Đức Giêsu cũng là “Con Người”.
- Mạc khải những thách thức thời hiện đại.
Thật ra khi né tránh câu hỏi KHI NÀO – bí mật của Chúa Cha – và NHƯ THẾ NÀO, Đức Giêsu có ý khuyến khích các môn đệ mình sống giây phút hiện tại trong sự dấn thân khiêm tốn và tin tưởng cùng với sự tỉnh thức nhạy bén. Người nói với các ông: “Anh em phải coi chừng (tiếng Hy lạp: hãy mở mắt), phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến.”
Những lời đó được minh hoạ tức khắc bằng dụ ngôn ngắn gọn cuối cùng: Dụ ngôn một người trẩy đi phương xa, chắc là xa lắm, và trao tất cả quyền hành cho các đầy tớ, sắp đặt mỗi người một việc, và dặn người gác cửa tỉnh thức. Chúa nhấn mạnh đến việc không biết trước ngày giờ sẽ đến (người ta không biết khi nào thời ấy sẽ đến: c. 33, người ta phải chờ đợi việc Chúa trở lại cách thình lình, không báo trước: c. 33,35,36) có mục đích duy nhất như một lệnh truyền hãy tỉnh thức.
Cách chỉ giờ giấc nối tiếp nhau của trình thuật rất có ý nghĩa, chứ không chỉ có tính cách kể chuyện, vừa thể theo cách người Rôma chia đêm thành bốn canh, vừa gợi nhớ bốn giai đoạn của cuộc thương khó, vừa đề ra bốn giai đoạn mà các môn đệ phải tỉnh thức, nghĩa là không những phải chống trả với sự buồn ngủ về thể lý, nhưng còn phải sẵn sàng đối đầu với sự việc sắp đến cách bất ngờ.
– “Buổi chiều”: Giờ mà Đức Giêsu đoán trước sự phản bội của Giuđa và sự từ chối của chính Phêrô (14,13-31).
– “Nửa đêm”: Giờ Chúa hấp hối trong vườn Giếtsêmani, mời gọi các môn đệ tỉnh thức, và ba lần “Người thấy họ ngủ”. Người nói: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ” (14, 32-42).
– “Lúc gà gáy”: Giờ Phêrô chối Thầy trong sân thượng tế (1 4,66-72).
– “Sáng sớm”: Giờ các môn đệ bỏ trốn, Đức Giêsu bị Hội đồng trao nộp cho Philatô (1 5,1 …).
Một lần nữa khi nhấn mạnh lệnh truyền của Thầy “Hãy tỉnh thức” trước cuộc tử nạn, thánh sử Maccô muốn khuyến khích anh chị em ngày hôm qua, hôm nay và ngày mai đừng để cho lòng mình ra nặng nề, rối loạn, thất vọng. Nhưng luôn vững tâm tỉnh thức đón tiếp Đấng vẫn đến cho những ai luôn biết hiện diện với Người, và một ngày kia, Người sẽ đến trong vinh quang. Bởi lẽ chính ngay bây giờ, chính trong thực tại khiêm tốn diễn ra hằng ngày, mầu nhiệm cuộc gặp gỡ được thể hiện.
Sau hết, hình như điều quan trọng Đức Giêsu muốn nói với chúng ta không nằm trong chữ KHI NÀO hay BẰNG CÁCH NÀO vào thời sau hết mà nằm trong chữ AI: Phải gặp gỡ AI trong cuộc gặp gỡ sau cùng, cũng như nằm trong sự tỉnh thức tích cục giữa những lo toan của cuộc sống hằng ngày. Đó chính là điều Con người mời gọi mời gọi các tín hữu khi Người đến.
BÀI ĐỌC THÊM
- Ơn gọi của các môn-đệ: trở nên người canh thức cho thế giới.(Mgr. L. Daloz, trong “Vậy Ngài là ai?, Desclée de Bouwer, tr. 83-84).
Chương này dựng cảnh trí cho Đức Giêsu nói đến bi kịch của thế giới sẽ diễn ra: viễn ảnh của ngày tận thế. Sự chết và sống lại của đức Giêsu làm cho lịch sử nhân loại có ý nghĩa. Tại núi Câu Dầu, đối diện với Đền thờ, Đức Giêsu tâm sự với bốn môn đệ mà Người kêu gọi trước hết là “Phêrô, Giacôbê, Gioan và Anrê…”. Qua các ông, Người mạc khải cho chúng ta ý nghĩa của thời kỳ ta đang sống: đó là thời kỳ chờ đợi, người môn đệ phải là người canh thức, ngóng chờ chủ trở về. Đó là thời kỳ đầy mơ hồ cần sự phân định, và chúng ta được mời gọi phải canh phòng cẩn mật, đừng để bị phỉnh gạt chạy theo những đấng Mêsia giả hiệu. Đó là thời kỳ phấn đấu và chịu bách hại, thời kỳ chuyển bụng của một thế giới đang đau đớn trước khi sinh con. Đó là thời kỳ được ban cho các nhân chứng để rao giảng Tin Mừng cho mọi dân mọi nước. Đó là thời kỳ của Thần Khí, Đấng hướng dẫn miệng lưỡi các vị tử đạo.. Sự chết và sự sống lại của đức Giêsu phá vỡ cái vòng luẩn quẩn của những biến cố xoay vần bất tận. Xuyên qua ngay cả những bất an và những cùng khổ, từ nay lịch sử quy hướng về Con Người đang đến. Khi mọi chỗ nương tựa chắc chắn hữu hình và cả đến “trời và đất” đều sụp đổ, Người để lại cho các môn đệ Người một chỗ nương tựa vững chắc, đó là những lời Người không thể qua đi. Họ có bổn phận phải kiên trì quan sát những cành cây vả, để nhận ra và loan báo rằng, cây sắp đâm chồi nẩy lộc, và sau mùa đông rét buốt thì mùa hạ đang đến gần. Họ có bổn phận phải lắng tai để nghe hồi chuông báo hiệu giờ quyết định, mà không ai ngoài Chúa Cha được biết, và phải mở to đôi mắt để chiêm ngắm ngày mới, tỏa ánh vinh quang của Con Người. Từ nay ơn gọi của người môn đệ cho đến ngày tận cùng thời gian là làm người canh thức cho thế giới… “Lạy Đức Giêsu, xin hãy đến!”
- “Đợi chờ rạng đông”.(H.Vulliez, trong “Thiên Chúa rất gần năm B, Desciée de Brouwer, tr. 9-10).
Đức Giêsu luôn đến với ta cách đột ngột. Ngài loan báo những ngày thống khổ, mặt trời, mặt trăng và tinh tú sẽ không còn chiếu sáng, đồng thời Ngài gợi lên “sự trở lại của Con người” sự trở lại của chính Ngài, “trong uy quyền và vinh quang” viên mãn. Tất cả là để nói lên: “Hãy sẵn sàng, hãy tỉnh thức”.
“Hãy tỉnh thức”, đó là lời mời gọi khẩn cấp vang lên trong khung cảnh của ngày sau hết trong lúc xuất hiện một thế giờ mới. Trong bài đọc ngày hôm nay, lời mời gọi này được lặp lại bốn lần! Khi nói như thế, không phải Đức Giêsu muốn tung ra một lời đe doạ ghê gớm của ngày chung thẩm, hay muốn tạo cho người nghe cảm giác nổi gai ốc về tai hoạ sắp xảy đến. Nhưng ở đây qua dụ ngôn nén bạc chẳng hạn, không phải là chuyện tính sổ, mà trước hết là đừng ngủ mê, phải tỉnh thức sẵn sàng để đón tiếp, vì bất cứ lúc nào Thầy cũng có thể đến một cách bất ngờ. Làm sao các môn đệ hiểu được những lời này khi Đức Giêsu nói với các ông? Phải đợi đến sáng sớm Phục sinh, bóng lên trong ánh sáng mờ ảo của bình minh, dụ ngôn ngắn ngủi nay mới rõ nghĩa. Một chi tiết của bài đọc làm ta ngạc nhiên: Thầy sẽ đến ban đêm, vào bất cứ giờ nào: buốt tối, nửa đêm, lúc gà gáy hay lúc rạng đông? Không ai biết cả. Từ muôn thuở, từ lúc Thiên Chúa tách ánh sáng ra khỏi bóng tối, ngày và đêm chiến đấu với nhau và sẽ như thế mãi cho tới khi Chúa đến chiến thắng vĩnh viễn cho ánh sáng. Chiến thắng trên những quyền lực sự dữ của bóng tối. Thời gian ở đời này là thời gian chiến đấu. Đức Giêsu thúc giục bạn hữu mình và các môn đệ của Ngài hãy tỉnh thức, không như những người lính gác hay người lính tuần đêm, nhưng như người đợi chờ ánh bình minh, mong ngày tới để hưởng niềm vui và loan báo cho mọi người. Người cũng muốn các ông luôn phải sẵn sàng đón người, vì Chúa đến bất cứ lúc nào, chứ không chỉ vào “giờ chết” hay “ngày tận thế” mà thôi đâu. Trong mọi giây phút tăm tối của cuộc đời, ánh sáng soi dẫn của Chúa luôn bên ta. Nhiều người mời gọi người ta ăn năn trở lại bằng cách loan báo những tai hoạ khủng khiếp: “Hãy run sọ, hãy chuẩn bị”. Còn Đức Giêsu kêu mời một cách thanh thản, thực tế. Thanh thản như bầu trời lúc bình minh đầy ánh sáng. Thực tế như trái đất sống nhờ ánh sáng. Cái nhìn thanh thản và thực tế này tạo nơi chúng ta niềm cậy trông bởi vì nó đưa chúng ta vượt qua cái chết, vượt qua trần thế này. Cái nhìn ấy cũng hướng về ánh sáng luôn đến gần bên ta. Chúng ta có phải là những người đang mong chờ ánh bình minh không? Bước vào ngượng cửa Mùa Vọng này, chúng ta có sẵn sàng nhìn ngắm và đi theo ngôi sao dẫn chúng ta đến với Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người không?