Chúa Nhật XXXIV Thường niên – ĐỨC GIÊSU KITÔ – VUA VŨ TRỤ
SỐNG LIÊN ĐỚI ĐÍCH THỰC
VỚI VỊ VUA TÌNH YÊU
Lm. Vinhsơn Trần Minh Hòa
***
Cứ mỗi lần đến lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, các tín hữu có dịp chiêm ngắm một vị vua có một không hai. Một vị vua không có vương quốc ở thế gian để sở hữu, không có thuộc hạ để sai khiến (x. Ga 18,36), không có nơi tựa đầu (x. Mt 8,20) để nghỉ ngơi đúng nghĩa. Vị vua ấy chính là Vua Giêsu, Vua Tình Yêu. Người là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật. Người có quyền năng của một vị Thiên Chúa nhưng lại không dùng quyền năng để cai trị, không dùng sức mạnh của đạo binh thiên quốc để trấn áp sự dữ (x. Mt 26,53). Trái lại, Người dùng sự khiêm hạ tột cùng, đức vâng phục và tình yêu tuyệt đối để cảm hóa mọi người.
Vị Vua Tình Yêu vốn dĩ là Thiên Chúa nhưng lại không duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế (x. Pl 2,6-7). Khi nhận phận con người, vị vua tình yêu ấy lại chọn hoàn cảnh hết sức bất lợi: được sinh ra trong cảnh nghèo hèn (x. Lc 2,7), tuổi thơ bé bị tìm bắt (x. Mt 2,13), lớn trong gia đình nghèo khó, nhiều khi làm việc quên ăn (x. Mc 3, 20) và chấp nhận chịu chết trong hoàn cảnh bi đát và khổ hình (x. Ga 19,18).
Vị vua tình yêu ấy chọn hoàn cảnh bất lợi không phải để lợi dụng lòng tốt của người khác nhưng để cảm thương những nỗi yếu hèn của con người (x. Dt 4, 15), gần gũi với mọi người và để phục vụ mọi người trong tình yêu, nhất là những người bị bỏ rơi. Lời Chúa trong sách ngôn sứ Êdêkiel đã giới thiệu cách phục vụ đầy yêu thương của Vị Vua Tình Yêu. Người quan tâm đến mọi người, như người mục tử yêu thương đàn chiên: “Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng” (Ed 34,15-17).
Vị Vua Tình Yêu ấy là mục tử nhân lành chăn dắt đàn chiên cách chu đáo và cho đàn chiên được hạnh phúc và sung túc. Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. (Tv 22, 1-3). Vị Vua Tình yêu ấy đã dấn thân đi trước đàn chiên (x. Ga 10, 4) để đối đầu với những hiểm nguy của sói dữ. Và đến giờ cần thiết, Vị Vua Tình yêu ấy dám hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên (x. Ga 10, 11).
Sau khi phục vụ hết mình trong yêu thương, hiến thân trọn vẹn cho đàn chiên và phục sinh vinh hiển, vị Vua Tình Yêu mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu (x. 1 Cr 15,20). Mọi người nhờ liên đới với vị Vua Tình Yêu, cũng được Thiên Chúa cho được sống (x. Cr 15, 22). Nhưng mỗi người sẽ làm gì để được xét là liên đới với vị Vua Tình Yêu?
Thái độ trước tiên cần có nơi mỗi người để liên đới với vị Vua Tình Yêu đó là thái độ tin tưởng vị Vua ấy. Những ai tin vào Vị Vua ấy thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời (x. Ga 3,16). Đời sống đức tin được biểu lộ khởi đầu qua hành vi lãnh nhận bí tích Rửa tội. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ (x. Mc 16,16). Đời sống đức tin ấy được củng cố và phát triển ngang qua hành động yêu thương tha nhân cách cụ thể. Đức tin phải được biểu lộ qua hành vi và đời sống cụ thể. Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết (x. Gc 2,17).
Vua Tình Yêu đã sống yêu thương con người cách trọn vẹn thì những người được xét là liên đới với vị Vua ấy cũng được mời gọi sống yêu thương như Người đã yêu (x. Ga 13,34). Lệnh truyền yêu thương đã được vị Vua ấy ban ra: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Lệnh truyền ấy cũng chính là tiêu chí để xét xử mỗi người trong ngày cánh chung. Lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Mátthêu đã trình bày viễn cảnh cuộc xét xử của Vị Vua Tình Yêu. Những người được xét hưởng phúc vinh quang là những người đã làm những việc tốt lành cho tha nhân. Trái lại, những ai từ chối phục vụ tha nhân trong yêu thương là những người từ chối hưởng phước vĩnh cửu muôn đời (x. Mt 25, 31 – 46). Tha nhân là cơ hội thuận tiện để mỗi người thi thố tình yêu mến Chúa. Bởi lẽ, mỗi lần ta làm điều thiện, điều tốt đẹp cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Chúa, là ta đã làm cho chính Chúa (x. Mt 25,40). Mặt khác, con người được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh Người (x. St 1,26) và Vị Vua Tình Yêu đã yêu thương con người đến độ trở nên người phàm và ở giữa nhân loại (x. Ga 1,14). Do đó, người ta không thể yêu mến Đấng mà họ không xem thấy nếu họ từ chối yêu thương những con người bằng xương bằng thịt mà họ đang xem thấy (x. 1 Ga 4,20). Người ta không thể bước vào vương quốc yêu thương của Vị Vua Tình Yêu với một đời sống thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái (x. Gl 5,20). Trái lại, những ai thương xót tha nhân, thì chẳng quan tâm đến việc xét xử (x. Gc 2,13).
Chiêm ngắm Chúa Giêsu, Vị Vua Tình Yêu, mỗi người được mời gọi sống theo gương yêu thương của Người để thực sự liên đới với Người trong tình yêu. Bởi lẽ, Thiên Chúa là tình yêu và ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy. (x. 1 Ga 4,16). Vì thế, mỗi người được mời gọi chuẩn bị cho hạnh phúc Nước Trời mai sau bằng một đời sống yêu thương tha nhân. Từng ngày sống yêu thương tha nhân, từng nghĩa cử bác ái với mọi người là những nấc thang đưa mỗi người tiến vào vương quốc hạnh phúc của vị Vua Tình Yêu.
Ước mong, mọi người luôn có một tình yêu mến Chúa sắt son đến độ không có gì có thể tách biệt (x. Rm 8,35), có thái độ đồng tâm nhất trí, thông cảm với nhau, yêu thương nhau như anh em, ăn ở nhân hậu và khiêm tốn (x. 1Pr 3,8). Mỗi người luôn để ý đến nhau, làm sao cho người này thúc đẩy người kia sống yêu thương và làm những việc tốt (x. Dt 10,24). Có như thế, chúng ta luôn tràn trề niềm hy vọng trở thành những người được sống muôn đời trong ngày Vị Vua Tình Yêu xét xử trần gian. Bởi lẽ, chúng ta đã từ cõi chết bước vào cõi sống, vì chúng ta đã yêu thương anh em (x. 1 Ga 3,14).