Chúa Nhật XXXIV Thường niên – ĐỨC GIÊSU KITÔ – VUA VŨ TRỤ
PHÁN XÉT CÙNG TẬN
Chú giải của GHHV Đà Lạt
***
CÂU HỎI GỢI Ý
1.Vài nhà chú giải xem đoạn văn này là một dụ ngôn (Fenton, Radermakers, Degasse, Martin, Jeremias v.v…), trong lúc số khác (Trilling, Roux, Bonnard v.v…) cho là một mô tả có tính cách tả thực bao hàm một yếu tố phụ tùy có tính cách dụ ngôn. Sau cùng một số thứ ba lại bảo là “dụ ngôn” theo nghĩa rộng (Robinson Ingelaqre v.v…). Ai có lý và tại sao?
2.Ai là những kẻ tiếp đón Chúa Kitô mà không biết Người ? ở đây ta có thể nói họ là các “kitô hữu vô danh” không? Và nói trong nghĩa nào? Và ai được chỉ dưới cái tên “một người trong các anh em hèn mọn nhất này” (25,40.45) ?
3.Cuộc phán xét nhắm vào các tội đã phạm hoặc đã tránh hay nhắm đến các việc thiện đã bỏ qua hoặc đã thi hành?
4.Như đã bảo trước đây, Diễn từ cánh chung được đưa vào bàng một câu hỏi của các môn đồ về ngày giờ sầy ra các biến cố cùng tận (24,3); trước câu hỏi đó, ta đã thấy là không có yếu tố nào trong các chương 24-25 trả lời cả; trái lại, trong suốt các chương này, luôn nói đến cuộc Quang lâm và ngày thế mạt, không phải nói để mà nói (dù 24, 15-22 và 24, 29-31) nhưng là để yểm trợ cho các lời kêu gọi tỉnh thức (kể từ 24,42) và trung thành (kể từ 24,45). Thành thử chắc không có gì quá đáng khi bảo rằng, trong suốt các chương ấ~ các gợi điểm có tính cách cánh chung về Tận cùng của lịch sử, và ngay cả các gợi điểm có tính cách khải huyền về các tai họa báo trước Tận cùng đó, đều phục vụ cho luân lý, phù hợp với việc Mt không ngừng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải làm việc lành phúc đức.
Ta cũng phải đưa ra một nhận xét tương tự về các câu 31- 46 đây, là những câu, trên phương diện dó, hoàn toàn phù hợp với văn mạch mà Mt đã đặt chúng vào: trọng tâm của chúng được quy hướng về huấn lệnh hay đúng hơn về sấm ngôn luân lý; chính để nhấp mạnh tầm quan trọng “cuối cùng” của các hành vi bác ái, nghĩa là giúp đỡ các kẻ hèn mọn nhất trong trường hợp đây (c.45), mà Mt gợi lên hình ảnh cuộc Quang lâm của Con Người.
Điều này đặt ra vấn đề văn thể của các câu đó. Phải chăng đây là một dụ ngôn hay một cách gợi lên, với ngôn ngữ trực tiếp, hình ảnh cuộc Phán xét tận cùng, có kèm theo một nét dụ ngôn để minh họa phớt qua? Câu trả lời tùy thuộc việc định nghĩa “dụ ngôn” là gì. Nếu xem dụ ngôn nhất thiết là một đơn vị văn chương được khai triển kha khá, bao gồm nhiều nhân vật, nhiều tình tiết thuật sự, một tiến trình bi thảm v.v… thì trong trường hợp đây, rõ ràng là hình ảnh người chăn chiên, các con chiên và dê không làm nên một dụ ngôn. Nhưng nếu xem là dụ ngôn một tuyên phán long trọng (Mc 7,14-17), một lời khuyên về cách xử thế (Lc 14,7-8), một trường hợp điển hình mô tả một hạ ng người nào đó (Lc 12, 16-21 ; Lc 18, 9-14), một tục ngữ (Lc 4, 23), một hình ảnh vắn tắt (Lc 5, 36 ; Lc 6, 39), một so sánh (Mc 13, 28 ; Mt 13, 33), một loại suy rút từ kinh nghiệm thường ngày (Lc 12, 41- 48 ; Lc 15, 3-7) thì bấy giờ có thể coi đoạn văn ta đang nghiên cứu là một dụ ngôn. Và ta sẽ còn dựa trên sự kiện này là, trong các ví dụ vừa trích dẫn (tục ngữ, lời khuyên xử thế, lời phán định v.v…), các Tin Mừng nhất lãm nhiên bảo đấy là các dụ ngôn ! Hiển nhiên là bấy giờ các thánh sử hiểu hạn từ hy lạp parabolê theo một nghĩa rất rộng, tương đương với hạn từ hy bá mashal. Ta sẽ mang tiếng là khó tính hạn họ nếu từ chối cho đoạn văn về ngày Phán xét đây cái tên dụ ngôn, trong lúc các tác giả Tin Mừng chắc chắn sẽ cho nếu được hỏi ý kiến.
2.Nhiều câu hỏi về vấn đề giải thích đã được nêu lên chung quanh đoạn này đoạn mà người ta đã coi là dụ ngôn nói về việc “tục hóa “hay ngụ ngôn” nói về “kitô hữu vô danh” (J.A.T. Robinson, J.J.Vincent …). Thật vậy, ai là chư quốc được thâu họp (c.32) để được lựa đứng bên hữu và bên tả: hết mọi dân không phân biệt (Trilling, Feuillet, Jeremias, I.Broer) hay chỉ những kẻ đã nghe Lời và đã trở nên Kitô hữu (J.R.Michaels, A.Descamps…)? Ai là kẻ được gọi bằng cái tên “các anh em hèn mọn nhất của Ta” (cc. 40.45): bất cứ người nào sống trong khốn khổ và bị áp bức (Jeremias, Preiss, Robinson, G.Gross, Bonnard…) hay chỉ là các môn đồ, các giảng viên Tin Mừng, được tiếp đón hay viếng thăm với tư cách môn đồ, giảng viên (Michaels, Broer, Haufe, Winandy, Cope, Ingelaere, Legasse…)?
Trước đó, trong Cựu ước đã gợi lên cảnh đại triệu tập chư quốc trần gian để chịu sự Phán xét của Thiên Chúa (Ge 4, 2 ; Is 66, 18 ; Gr 25, 31…). Đó cũng là viễn tưởng ta gặp lại ở đây: không phải là cử chỉ đầy nhân ái của người mục tử cánh chung quy tụ các kẻ được tuyển chọn (Mca 4, 6 ; Xp 3,19; Ed 34, 12- 13) hay hơn nữa tập trung Israel với lương dân vào cùng một đàn (Gr 3, 17), nhưng là cử chỉ quyền uy truyền lệnh thế nhân đến trình diện trước toà án Thiên Chúa. Đàng khác, chẳng còn vấn đề Israel nữa, dân này đã biến mất để nhường chỗ cho “tất cả các dân thiên hạ”. Ý nghĩa của thành ngữ rõ ràng là nói đến các dân tộc trong toàn cõi thế giới (đây luôn luôn là nghĩa của ta ethnê trong Mt, chữ cảm hứng then cách dùng bất biến của bản 70: Mt 4, 15 ; 6, 32 ; 10, 5.18.21 ; 20, 19-25). Đó là điều rút ra từ ba đoạn khác của Mt có cùng một công thức (24, 9.14 ; 28, 19), cũng như từ nhiều bản văn Nhất lãm là Tân ước khác (Mc 13, 10 ; Lc 24, 27 ; Cv 15, 17 ; Rm 1, 5 ; 15, 11 ; 16, 26 ; Gl 3, 8 ; 2 Tm 4, 17 ; Kh 15, 4).
Phải chăng đây là các Dân ngoái đã được phúc âm hóa? Một vài tác giả nghĩ vậy, dựa trên Mt 24, 14: “Và Tin Mừng này về Nước sẽ được loan báo khắp thiên hạ, để làm chứng trước mọi dân tộc. Và bấy giờ cùng tận sẽ đến”. Từ bản văn này, các tác giả đó kết luận: vào giờ Chúa Giêsu tới xét xử thế gian, “sẽ không còn lương dân nữa” (Légasse). Nhưng thực ra bản văn Mt không nói điều ấy, mà chỉ bảo Tin Mừng sẽ được loan báo khắp nơi, cho mọi dân tộc; nó chẳng nói mỗi cá nhân sẽ nghe lời rao giảng về Tin Mừng và sẽ có đủ khả năng để quyết định theo hay chống Chúa Kitô mà họ đã nhận biết cách minh nhiên. Thành thử không mâu thuẫn tí nào khi đến ngày Chung thẩm sẽ có một số đồng bào trong mỗi dân tộc biết Tin Mừng nhưng đồng thời có nhiều cá nhân (có lẽ đa số) đã chẳng thực sự được lời rao giảng Tin Mừng kêu gọi. Nhận xét này rất cần thiết để giải thích thành ngữ “một người trong các anh em hèn mọn nhất này của Ta”.
Thật vậy vài tác giả tưởng các kẻ phèn mọn đây là môn đồ của Chúa Kitô, và đặc biệt hơn là các môn đồ hiến thân lo việc truyền giáo, rao giảng Tin Mừng. Theo giả thuyết này, mỗi người, vì đã có thể nghe sứ điệp Tin Mừng (x. điều vừa được nói về nghĩa của chữ “các dân tộc” hiểu như là “các lương dân đã được phúc âm hóa”), sẽ bị phán xử về việc họ đón nhận hay từ chối các nhà rao giảng. Lối giải thích dựa trên các lý do sau đây :
1.Ở mọi chỗ khác trong Tin mừng Mt, “các kẻ bé mọn” chỉ các môn đồ.
2.Mt không đặc biệt lưu ý đến các người nghèo khó cũng như các việc bác ái đối với họ (trong 6,1-4, giáo huấn của ông chỉ nhắm nhủ khuyên độc giả đừng khoe khoang, phô trương khi bố thí).
3.Vì thành ngữ “mọi dân tộc” chỉ các dân trong toàn vũ trụ đã được phúc âm hóa, nên các kẻ bé mọn” bấy giờ trở thành những người truyền đạt cho họ sứ điệp Tin Mừng (điều này được xác nhận do 10,42 là đoạn trong đó các nhà truyền giáo được gọi là “bé mọn”).
4.Trong 10, 42 Chúa Giêsu xem việc tiếp đón các môn đồ là như đón tiếp chính bản thân Người.
Nhưng ta có thể chống lại các lý do khác nhau đó bằng các nhận xét sau đây :
1 Vẫn biết ở mọi chỗ khác trong Tin mừng Mt, chữ “bé mọn” chỉ các môn đồ. Tuy nhiên tất cả những lần sử dụng đều nằm trong các diễn từ nói cho môn đồ, chứ không cho đám đông. Trong tất cả các trường hợp đó, Chúa Giêsu huấn thị các thủ lãnh cộng đoàn hãy đặc biệt lưu tâm đến các kẻ yếu đuối nhất giữa họ. Thành thử sự đối nghịch được nhấn mạnh không phải là kẻ bé mọn-các lương dân, mà đúng hơn kẻ bé mọn-các sứ đồ.
2.Vẫn biết Mt chú ý đến số phận người nghèo và các kẻ bé mọn thua Lc chẳng hạn, nhưng không phải là ông chẳng quan tâm gì đến họ đâu (x. 7, 12 ; 10, 8- 10 ; 11, 25 ; 1 2,7; 15, 1- 9 ; 15, 32 ; 18, 1- 5 ; 18, 14 ; 19, 13- 15 ; 19, 21 ; 19, 23- 26 ; 20, 16 ; 20, 26- 27; 24, 12). Lại nữa, vì ngỏ lời với các người Do thái tòng giáo, là những kẻ đã nhận từ Cựu ước một nền giáo dục tôn giáo nhấn mạnh đến. sự kính trọng và giúp đỡ người nghèo (x. giáo huấn các ngôn sứ về điểm này), nên ông không thấy cần phải nhấn mạnh nhiều về phương diện đó của Tin Mừng như Lc là tác của viết cho lương dân, hạng ít nhạy cảm về các vấn đề xã hội.
3. Trước tiên phải chứng minh được rằng thành ngữ tất cả “các dân tộc” chỉ các dân đã được Phúc âm hóa ; thế mà người ta thấy việc dựa trên Mt 24,14 không đủ để làm bằng chứng về điều đó. Hơn nữa, nếu thành ngữ ấy có một nghĩa như vậy thì bấy giờ phải giải thích làm sao lại có sự kiện là mọi dân được Phúc âm hóa đó chẳng biết nhận ra Chúa Giêsu trong những kẻ nghèo hèn ? Đấy không phải là một trong các khía cạnh chủ yếu của Tin Mừng sao ?
4.Trong 10, 42 Chúa Giêsu minh nhiên đồng hóa “các kẻ bé mọn” với các vị thừa sai của Tin Mừng khi dùng công thức “vì danh nghĩa là môn đồ” ; cũng vậy trong 18, 5 khi Người nói đến việc tiếp đón các trẻ nhỏ “vì danh Ta”. Nhưng trong cảnh Phán xét tận cùng, không có công thức đó để nói các “anh em” Chúa Kitô là những vị thừa sai.
Hãy thêm một bác quận nữa, có tính cách tổng quát hơn, để chống lại lối giải thích “anh em = môn đồ”. Không đáng ngạc nhiên sao khi phê phán việc muôn dân cư xử đối với các nhà truyền giáo, Chúa Kitô chỉ đề cập đến các hành vi bác ái vật chất? Chẳng lẽ người ta không chờ đợi các tiêu chuẩn khác như là nghe lời, vâng phục đức tin, nhận lãnh phép rửa, hay ngược lại, là các sự từ chối tương ứng sao? Chỉ có một câu trả lời duy nhất cho vấn nạn nầy là: trong cộng đoàn Mt, các nhà truyền giáo lưu động, về phương điện xã hội, là những kẻ túng thiếu và do đấy việc tiếp nhận lời rao giảng của họ cụ thể phải kèm theo một sự giúp đỡ vật chất nào đó. Thế nhưng câu trả lời như vậy chỉ dựa trên các phỏng đoán lịch sử đơn thuần, chứ không có cơ sở trên các tài liệu ta đang sử dựng.
Thêm một nhận định khác. Nếu ta tạm chấp nhận, vì nhu cầu tranh luận, rằng thành ngữ “tất cả mọi dân tộc” chỉ toàn thể lương dân được phúc âm hóa và như thế là khi đến ngày Quang lâm, mọi người đều đã có cơ hội được nghe rao giảng Tin Mừng, thì vẫn còn phải cắt nghĩa sự im lặng lạ lùng của Chúa Giêsu về số phận của hàng triệu lương dân đã chết trong quãng thời gian giữa lúc bắt đầu việc Phúc âm hóa đến lúc việc ấy hoàn tất trong toàn vũ trụ. Vì dù nếu Chúa Giêsu đã thấy ngày Quang lâm tương đối gần đến trong thời gian (dĩ nhiên, điều này không được minh chứng), thì cũng cần phải nghĩ tới một quãng thời gian khá dài để các nhà truyền giáo đủ thời giờ rao giảng Tin Mừng cho hết rọi sinh linh. Và dù quãng thời gian này được rút ngắn vào một thế hệ, thì vẫn có một số rất đông lương dân phải chết trước khi được nghe Tin Mừng. Thế mà trong lời giải thích đước xét đến ở đây, Chúa Giêsu không nói một tiếng về số phận cuối cùng của vô số lương dân chết trong tà giáo mà chẳng phải tự lỗi của họ. Ít ra đó là một viễn tượng đáng ngạc nhiên và chứng tỏ rằng giả thuyết này không vững.
Nhận định cuối cùng. Nếu trái lại xem các “anh em” của Chúa Giêsu là hết mọi kẻ nghèo khó và bị bỏ rơi trong trần gian, thì ta sẽ hiểu được sự kiện các người tốt cũng như xấu có thể giúp đỡ hay bỏ bê những kẻ “bé mọn” đó mà không cần phải quy chiếu về Chúa Kitô. Điều này rất phù hợp với tình trạng của đại đa số nhân loại, những kẻ sống và chết mà chẳng hề gặp các thừa sai của Tin Mừng nhưng lại thường gặp các người nghèo và bị bỏ rơi trong cuộc sống và đã có thể giúp đỡ hoặc tránh họ đi. Viễn tượng này cũng có lợi điểm là hòa hợp với cái nhìn phổ quát của một. Lại nữa, nó gặp gỡ giáo huấn của Phaolô về sự công chính hóa. Thật vậy, sứ đồ Phaolô đã xét cách rõ ràng trường hợp các lương dân sẽ được công chính hóa trong ngày Chung thẩm, nếu họ chu toàn luật tự nhiên được khắc ghi trong lòng họ (Rm 2, 12- 16), là luật cũng được gồm tóm cho họ trong giới răn bác ái.
CHÚ GIẢI CHI TIẾT
“Như người chăn chiên tách chiên ra khỏi dê”. Nói cho đúng, đây là chiên và “dê con”; ở Palestine, việc chăn chung chiên với dê con là chuyện thường. Nhưng chiều đến, người ta phải lựa chúng ra, vì dê con cần được sưởi ấm suốt đêm. Vì chiên có giá trị hơn dê nên ta hiểu tại sao, trong dụ ngôn, chúng được đứng bên hữu Đấng Thẩm phán cánh chung (bên hữu là chỗ danh dự).
“Vua”: các chữ này (đây quy chiếu về Chúa Giêsu (x 2, 2 ; 21. 3 ; 27, 11 ; 27, 29. 37. 42).
“Hãy lĩnh lấy làm cơ nghiệp Nước đã dọn cho các ngươi”: x.hai mối phúc thật đầu tiên: Vì Nước Trời là của họ” (5, 3) và họ sẽ được đất làm cơ nghiệp” (5, 4).
“Vì xưa Ta đói . . .Ta khát . . . ” : Phù hợp với óc tả thực không thay đổi của Mt, các nỗi thống khổ nhân thế được gợi lên ở đây: mình trần thân trụi, lưu đày biệt xứ (nghĩa là không có quyền lợi và sự chở che), bắt bớ giam cầm, đói khát yếu đau, xảy ra rất thường; ta đang ở trong cùng một bầu khí như trong Tám mối phúc thật và Diễn từ trên núi. Các kẻ khốn khổ này là những người, khách quan mà nói, cần được cứu giúp, dù theo chủ quan họ thế nào chăng nữa. Bản răn không bảo những người khách lạ, đói khát, tù đày đó là Kitô hữu hay là thừa sai. Con Người liên đới với mọi nỗi khổ của nhân loại trong tất cả chiều rộng và chiều sâu của nó.
“Lạy Chúa, có bao giờ chúng tôi thấy Ngài đói…”: Bản văn không cố ý bảo các người công chính ấy (những kẻ trung thành và tỉnh thức của các dụ ngôn trước) quên điều họ đã làm, nhưng là : họ không biết rằng mình đã làm cho chính Con Người trong bản thân của những kẻ khốn khổ. Ý nghĩa trọn vẹn của các hành vi họ khi được mặc khải cho họ vào giờ chót; điều này phù hợp với toàn bộ luân lý của Mt (x.”Cha ngươi, Đấng thấu suốt nơi kín ẩn, sẽ hoàn trả lại cho ngươi”-6,4). Hãy ghi nhận là động từ làm thường xuất hiện trong các câu đây (4 lần trong cc. 40- 45) ; thế mà trong tiếng Aram, Chúa Giêsu chỉ có thể dùng động từ “abad” vừa có nghĩa làm vừa có nghĩa phục vụ.
“Hãy xéo đi… mà vào lửa đời đời”: Như trong suốt các chương 24-25, việc kết án các bất công, nghĩa là kết án những kẻ đã chẳng thi thố lòng nhân lừ, thật vô cùng khủng khiếp. Trong lúc trong sách Khải huyền Do thái, chính lương dân hoặc địch thù của Israel, hoặc các người Do thái bất trung (xét theo quan điểm của nhóm Essêni hay Biệt phái) sẽ bị vị thẩm phán của những ngày cuối cùng đè bẹp, thì ở đây là những kẻ đã chẳng cứu giúp anh em của Con Người. Không một bản văn Tân ước nào diễn tả rõ ràng như ở đây ý tưởng “tránh phục vụ” (“các ngươi đã không làm”) cũng lỗi nặng nề như phạm tội ác; sau này, học thuyết của thánh Gioan sẽ dạy rằng không yêu thương tức là giận ghét vậy (1 Ga).
KẾT LUẬN
Người công chính rốt cục là những kẻ đã chu toàn Luật Thiên Chúa như chính Chúa Giêsu đã diễn tả trong giới răn trọng nhất. Một lần nữa Người đồng hóa tình yêu tha nhân với tình yêu Thiên hùa. Cái mặc tính cách “thiện hảo” cho các công việc con người làm đối với anh em mình chính là chúng đã được làm cho Chúa Kitô.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1.Thế là chúng ta đã đến Chúa nhật cuối cùng của Năm phụng vụ. Giáo Hội, kẻ đã đưa ta vào trong mọi mầu nhiệm của Chúa. Hôm nay muốn thu tóm tát cả sứ điệp đã được nghe trong suốt năm rồi bằng cách lập ra cho ta lễ Chúa Kitô-Vua vũ trụ.
2. Ta nói vậy là vì dựa vào các bài đọc hôm nay trong đó Chúa Giêsu lần lượt được giới thiệu như là Vua-mục tử săn sóc chiên mình, Vua-chiến thắng đánh bại các quyền lực chống đối và làm ta thông hiệp vào cuộc Người thắng trận, Vua-Thẩm phán phân biệt những kẻ đã biết chấp nhận quyền bá chủ của Người, Vua-tôi tớ giáo quyền thống trị lại cho Chúa Cha. Thật khó mà tóm kết trong vài câu một hình ảnh vừa đa dạng vừa đầy đủ về Chúa như thế.
3. “Các dân thiên hạ được thâu họp lại trước mặt Người thảy”: Đây là một cuộc phán xét phổ quát. Tất cả mọi người đều có liên hệ. Dầu họ thuộc tôn giáo, chủng tộc hay nền văn hóa nào, Chúa Kitô-vua cũng triệu tập tất cả họ lại trong cuộc gặp gỡ tối hậu ấy. Điều lạ lùng là hết thảy những kẻ Chúa Kitô-vua sắp xét xử, đều không biết rằng họ đã phục vụ Người hay bỏ rơi Người. Còn đối với các tín hữu, Tin Mừng đưa ra nhiều tiêu chuẩn xét xử bổ sung khác, mặc khải các yêu sách chính xác khác; điều này thật dễ hiểu vì họ đã biết Chúa Kitô, Đấng đã nhờ Thánh Thần mà tự mặc khải cho họ. Họ đã phải can đảm tuyên xưng Người (10, 32), đã phải thi hành thánh ý Cha thiên quốc (7,1), đã phải tỏ ra lòng nhân ái (5,7), đã phải luôn sẵn sàng thứ tha (6,14)… Ta biết các tín hữu bị xét xử như thế đã nhận nhiều ánh sáng hơn các kẻ khác, vì họ đã được tiền định biết Chúa Kitô từ lúc còn ở dương trần. Thành thử thật dễ hiểu khi người ta đòi hỏi ở họ nhiều hơn. Nhưng cái “nhiều hơn” này vẫn luôn đứng trong đường hướng tình yêu như đối với các lương dân đã không được nhiều ánh sáng ngần ấy. Chỉ khác điểm này là các Kitô hữu, vì đã biết rõ các yêu sách tình yêu hơn, vì đã biết rằng Chúa Giêsu tự đồng hóa với tất cả các kẻ “bé mọn” của thế gian, nên sẽ khó lòng chữa mình hơn lương dân được.
4. Trang Tin Mừng hôm nay chỉ nói đến các việc phục vụ thuộc bình diện vật chất phải thi hành đối với các kẻ “bé mọn” của thế gian nầy. Nhưng đó chỉ là những ví dụ, bảng kê khai các việc lành phúc đức không chỉ từng ấy. Chúa Giêsu chỉ gợi lên những việc rõ ràng nhất. Nhưng Người cũng đã rất có thể đề cập đến việc giáo dục những kẻ dốt nát, phấn khích người suy nhược, bầu bạn với những ai đơn côi, cảm thông vơi các gia đình tang thế, tươi cười với người quạu cọ… Khi vừa đáp ứng nhu cầu của tha nhân, là ta làm được một điều gì đó cho các anh em của con người là ta làm cho chính bản thân Chúa Giêsu. Chính các dấu tích tình yêu đó một ngày kia sẽ lầm ta xứng đáng nghe bảo: hãy đến, hỡi những người được Cha Ta chúc phúc …”.