Chúa Nhật XXXIV Thường niên – ĐỨC GIÊSU KITÔ – VUA VŨ TRỤ
MỘT CUỘC XÉT XỬ VỀ TÌNH YÊU
Bài đọc 1: Ez 34, 11-12. 15-17
Bài đọc 2: 1 Cr 15, 20-26a. 28
Tin mừng: Mt 25, 31-46
Lm. Phêrô Trần Thanh Sơn
***
Hôm nay, Chúa nhật cuối cùng của Năm Phụng Vụ, chúng ta cùng với toàn thể Hội Thánh mừng trọng thể lễ suy tôn Đức Giêsu Kitô, Đấng đã từng bị đóng đinh chết nhục nhã trên thập giá làm Vua vũ trụ. Khi nói đến vua, hay hoàng đế, người ta thường nghĩ đến một con người cao sang, ăn mặc toàn gấm vóc lụa là, mình mang đầy vàng ngọc. Mọi người khi gặp ông ta đều phải bái lạy và chúc tụng, tung hô thậm chí còn không được nhìn thẳng mặt của nhà vua. Thế nhưng, trong ngày lễ mừng kính Đức Giêsu Kitô, Vua vũ trụ hôm nay, lời Chúa lại trình bày cho chúng ta hình ảnh của một vị vua thật hiền lành, gần gũi. Vị vua của tình yêu. Ngài đối xử với thần dân của mình bằng một tâm tình yêu thương. Giới luật duy nhất trong vương quốc của Ngài là giới răn yêu thương. Và điều Ngài đòi hỏi nơi thần dân của Ngài cũng là sống tình thân ái với nhau.
- Đức Giêsu Kitô, Vua tình yêu:
Vị vua của tình yêu đó, được ngôn sứ Ezékiel diễn tả qua hình ảnh của người mục tử, một Mục tử sống giữa đoàn chiên của mình. Vị Mục Tử này không xa cách, nhưng gần gũi và biết rõ từng con chiên. Anh ta tự tay chăm sóc và bảo vệ từng con chiên của mình, như lời sách ngôn sứ chúng ta vừa nghe: “Chính Ta săn sóc đoàn chiên của Ta… Ta sẽ giải thoát chúng khỏi mọi nơi mà chúng đã bị phân tán…Ta sẽ tìm con chiên đã mất, sẽ đem con chiên lạc về, sẽ băng bó con chiên bị thương tích, sẽ lo chữa con chiên bị ốm đau”. Đây quả là những hình ảnh thật sinh động để diễn tả lòng yêu mến của người Chủ chăn đối với đoàn chiên, và đó cũng chính là tình yêu Thiên Chúa dành cho từng người chúng ta. Cảm nghiệm được tình yêu đó, thánh vương Đavít trong bài đáp ca đã thốt lên: “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi, trên đồng cỏ xanh rì Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi, tâm hồn tôi. Người lo bồi dưỡng.”. Thật vậy, khi nhìn lại cuộc đời của mình từ khi còn là một cậu bé chăn chiên ở Bêlem qua những chuỗi ngày long đong, cho tới ngày trở thành vị vua lừng lẫy của Israel, vua Đavít đã nhận ra bàn tay yêu thương của Chúa luôn bao phủ cuộc đời mình.
Tình yêu của Vua Kitô đối với chúng ta không chỉ có thế. Tình yêu đó không dừng ở chỗ chăm lo cho từng người chúng ta về thân xác, cho chúng ta một cuộc sống tự nhiên, nhưng quan trọng hơn, Ngài còn muốn trao ban cho chúng ta sự sống mới, một sự sống thần linh trong Thiên Chúa. Tình yêu của Vua Giêsu đối với từng người chúng ta đã lên đến cao điểm với cuộc tử nạn và phục sinh của Người. Vì tình yêu, Ngài đã sẵn sàng chết cho chúng ta, là những người Ngài yêu, “được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10). Từ cõi chết Phục sinh, Đức Kitô đã trở nên hoa quả đầu mùa để dẫn đưa tất cả những kẻ tin đến với Ngài và qua Ngài để đến với Thiên Chúa như lời khẳng định của thánh Phaolô mà chúng ta vừa nghe: “Đức Kitô đã từ cõi chết sống lại, là hoa quả đầu mùa của những kẻ yên giấc… Cũng như mọi người đều phải chết nơi Ađam thế nào, thì mọi người cũng sẽ được tác sinh trong Đức Kitô như vậy … Hoa quả đầu mùa là Đức Kitô đoạn đến những kẻ tin Đức Kitô”. Thật vậy, với cuộc Phục sinh vinh hiển của mình, Đức Kitô đã cho thấy sức mạnh của tình yêu. Một tình yêu có khả năng tiêu diệt sự chết đến muôn đời. Hơn nữa, sau cuộc phục sinh, Chúa Giêsu đã được Thiên Chúa tuyên phong làm Vua toàn thể vũ trụ kể cả sự sống và sự chết. Thiên Chúa đã đặt mọi thù địch dưới chân Đức Giêsu và trao cho Ngài quyền thống trị muôn loài.
Với tư cách là Đấng làm chủ sự sống và sự chết, Chúa Giêsu có toàn quyền để xét xử. Vậy thì Ngài sẽ hỏi chúng ta về vấn đề gì? Thật ra, vì tất cả là của Chúa và thuộc về Chúa, đồng thời Ngài cũng là tình yêu (x. Ga 4, 16). Ngài đã yêu thương chúng ta và đã dạy chúng ta sống yêu thương (x. Ga 13, 35). Nên điều duy nhất mà Ngài muốn mỗi người chúng ta trả lời với Ngài cũng chỉ là tình yêu. Do đó, giờ đây, Ngài cũng muốn chúng ta kiểm điểm lại cuộc sống của mình, xem thử chúng ta đã sống yêu thương như thế nào.
- Một cuộc xét xử về tình yêu:
Trước mặt Vua Kitô, Ngài không cần phân biệt ai là Giáo hoàng, ai là Giám mục, ai là linh mục, ai là giáo dân; không cần biết ai giàu ai nghèo, ai sang ai hèn; thậm chí không cần biết ai đi lễ nhiều, ai đọc kinh nhiều, ai lần chuỗi nhiều, ai hành hương nhiều, ai cúng vào nhà thờ nhiều, v. v… Ngài cũng không hỏi chúng ta đã phạm tội gì, nhưng Ngài lại hỏi tại sao chúng ta không làm điều này, không làm điều kia. Hay nói một cách khác, Ngài hỏi chúng ta về những việc bổn phận, những điều đáng phải làm để thể hiện tình yêu, mà chúng ta đã bỏ qua. Ngài chỉ xét có một điều: mỗi người đã làm gì và không làm gì cho tha nhân. Chẳng phải Ngài đã từng tuyên bố: “Không phải mọi kẻ nói với Ta: “Lạy Chúa, lạy Chúa” là sẽ được vào Nước Trời, nhưng là kẻ thi hành ý Cha Ta, Đấng ngự trên trời.” (Mt 7, 21) sao?
Thật vậy, trong cuộc phán xử này, lý do khiến cho những người đứng bên hữu được chúc phúc và được mời gọi vào hưởng gia nghiệp Nước Trời, theo Vua Giêsu, chỉ đơn giản là: “Vì xưa Ta đói, các ngươi cho ăn, Ta khát, các ngươi đã cho uống, Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước, Ta mình trần, các ngươi đã cho măc, Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm, Ta tù đày, các ngươi đã đến với Ta”. Ngược lại, những kẻ bị chúc dữ, phải “vào lửa muôn đời đã đốt sẵn cho ma quỷ và kẻ theo chúng” cũng chỉ vì họ đã sống thiếu tình nhân ái, như lời Vua Giêsu tuyên bố: “Xưa Ta đói, các ngươi không cho ăn, Ta khát, các ngươi không cho uống, Ta là khách lạ, các ngươi chẳng tiếp rước, Ta mình trần, các ngươi không cho đồ mặc. Ta đau yếu và ở tù, các ngươi đâu có viếng thăm Ta”. Như thế, chính hành động của chúng ta – chứ không phải lời nói hay cái gì khác – quyết định chúng ta thuộc loại này hay loại kia.
Và câu kết luận của Vua Giêsu thật làm cho chúng ta bất ngờ: “Những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta”. Thế đó, vị Vua tình yêu của chúng ta đã tự đồng hoá mình với những người thấp kém, vô danh tiểu tốt, tầm thường nhất ở giữa chúng ta. Chính điều này làm cho mọi hành vi của chúng ta làm cho anh chị em mình trở nên có giá trị, một giá trị vĩnh cửu.
Lắng nghe lời Chúa hôm nay, mỗi người chúng ta hãy bắt đầu sống yêu thương với anh chị em mình. Đời sống yêu thương này, chúng ta phải bắt đầu từ trong gia đình đối với vợ chồng, cha mẹ và con cái. Có thể trong gia đình chúng ta, không có ai thiếu ăn, thiếu mặc, nhưng đang có một ai đó đang đói một sự cảm thông và khát một lời chia sẻ, một ánh mắt yêu thương. Có thể con cái chúng ta đang đói một sự quan tâm, chăm sóc, gần gũi của cha mẹ. Chúng ta có nhận ra điều này để đến với những người thân của chúng ta không? Trong cộng đoàn của chúng ta đang có những anh chị em đang bị giam hãm trong những nhà tù của thành kiến, dư luận, chúng ta đã làm gì cho họ?
Hãy để việc thực hiện bác ái thành một trong những phản xạ tự nhiên, không cần suy nghĩ là mình đang làm việc bác ái. Nó phải thành một trong những bản năng tự nhiên của từng người chúng ta, một người tự nhận mình là kitô hữu. Vì ở đâu người ta sống tình yêu chân thật với nhau, thì Thiên Chúa làm người sẽ nhìn nhận họ là người của mình: “Các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”. Nhờ đó, vào ngày sau hết, tất cả chúng ta cũng nhận được lời mời gọi: “Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi”. Amen.