Chúa nhật XXXIII Thường niên A – Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
CHỨNG NHÂN CỦA TÌNH YÊU
Bài đọc 1: 2 Mcb 7, 1. 20-23. 27b-29
Bài đọc 2: Rm 8, 31b-39
Tin mừng: Mt 10, 28-33
Lm. Phêrô Trần Thanh Sơn
***
Hôm nay cùng với toàn thể Hội Thánh Việt Nam, chúng ta hân hoan mừng kính trọng thể lễ Các thánh Tử đạo tại Việt Nam. Mừng lễ các ngài cũng là lúc chúng ta noi gương anh dũng của các ngài là những người đã dám dùng cái chết để minh chứng niềm tin của mình. Đọc lại lịch sử của thế giới hay lịch sử của dân tộc, chúng ta thấy có rất nhiều anh hùng, liệt sĩ cũng đã sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì một lý tưởng, vì độc lập dân tộc, thế nhưng chúng ta vẫn không gọi đó là tử đạo. Thế thì cái gì làm nên giá trị của một vị tử đạo?
Thưa, đối với chúng ta, những người tín hữu, thì chính tình yêu mới làm nên vị tử đạo. Chỉ có những cái chết vì tình yêu, trong tình yêu và để làm chứng cho tình yêu của mình với Đức Kitô mới xứng đáng được gọi là tử đạo. Chính vì chết trong tình yêu theo mẫu gương của Đức Kitô, nên các ngài không hề căm thù, hay nuôi mộng báo thù ngay cả đối với những người làm hại và giết chết mình. Chính trong thư chung năm 1789, gởi cho các tín hữu trong thời cấm cách, các vị chủ chăn lúc đó đã nhắc nhở các tín hữu rằng: “Phải lấy lời nói cùng việc làm mà xưng đạo ra cho thật thà. Phải kính mến Đức Chúa Trời trước hết mọi sự, hơn của cải, hơn mạng sống mình, lại phải yêu thương người ta bằng mình vậy, và nếu chẳng có đức yêu thương, dù chịu chết vì đạo thì cũng chẳng được gì sốt. Vì phúc tử đạo tại đức Caritas (bác ái) là lòng mến Đức Chúa Trời trên hết mọi sự cùng yêu người ta bằng mình vì Đức Chúa Trời mà chớ” (Thiên hùng sử, trang 480).
Tình yêu làm nên các vị tử đạo chính là tình yêu theo gương của Chúa Giêsu, Đấng đã tự hiến mạng sống mình vì yêu nhân loại như lời Ngài nói: “Không có lòng mến nào lớn hơn là thí mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15, 13). Hơn nữa, ngay trên thập giá, Ngài còn xin với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23, 34).
Trong chiều hướng đó, tôi muốn được cùng với quý ông bà anh chị em chiêm ngắm các thánh tử đạo dưới khía cạnh là những chứng nhân của tình yêu.
Các thánh tử đạo là những chứng nhân của tình yêu, hay đúng hơn, các ngài là phản ánh của một tình yêu tuyệt đối, tình yêu của Thiên Chúa đối với từng người chúng ta. Tình yêu của các thánh tử đạo là một lời đáp trả của các ngài đối với một Tình yêu bao la, tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu chúng ta đến nỗi sẵn sàng ban cho chúng ta tất cả mọi sự kể cả Người Con Yêu dấu của Ngài, như lời thánh Phaolô: “Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại chúng ta? Đến như Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?”. Tình yêu của Thiên Chúa còn được thể hiện qua sự quan phòng chăm lo của Ngài đối với mỗi người chúng ta, như lời Chúa Giêsu trong bài Tin mừng: “Hai con chim sẻ chỉ bán được một xu phải không? Thế mà không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Thì đối với anh cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đã đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ”.
Chính vì tin tưởng và cậy dựa vào tình yêu vô biên đó của Thiên Chúa, nên bà mẹ cùng bảy người con mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc một, đã can đảm trung thành giữ trọn lề luật của Thiên Chúa cho dù phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Lúc đó dân Do thái đang chịu ách thống trị của đế quốc Hy Lạp, dưới triều vua Antiocho IV, vị vua này đang ra sức dụ dỗ, cùng với đủ loại cực hình để bắt dân Do thái từ bỏ Thiên Chúa để thờ các thần của người Hy Lạp. Biết bao người đã không chịu nổi cực hình, và không đủ sức chống lại những lời dụ dỗ, mua chuộc của nhà vua nên đã bỏ đạo. Thế nhưng, bà mẹ này đã can đảm chấp nhận dâng không chỉ một mà là cả bảy người con cho Thiên Chúa. Bà quả thật xứng đáng với lời khen ngợi của tác giả Sách Thánh: “Bà mẹ là người rất mực xứng đáng cho ta khâm phục và kính cẩn ghi nhớ. Bà thấy bảy người con trai phải chết nội trong có một ngày, thế mà bà vẫn can đảm chịu đựng, nhờ niềm trông cậy bà đặt nơi Chúa”. Không những yêu mến Thiên Chúa và lề luật của Thiên Chúa với trọn cả tấm lòng, bà còn dạy con biết đâu là giá trị vững bền mà mình cần trông cậy. Bà nói với các con: “Mẹ không rõ các con đã thành hình trong lòng mẹ như thế nào. Không phải mẹ đã ban cho các con hơi thở và sự sống. Cũng không phải mẹ đã sắp đặt các phần cơ thể cho mỗi người trong các con. Chính Đấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài. Chính Người, do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con hơi thở và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng luật lệ của Người hơn bản thân mình”.
Đối diện với cảnh đầu rơi, máu đổ của những người con mình đã rứt ruột sanh ra, mẹ nào lại chẳng đau đớn xót xa, nhưng tình yêu đối với Thiên Chúa đã giúp bà nhìn thấy một thực tại xa hơn, đó là lúc mẹ con bà được đoàn tụ vĩnh viễn trong tình yêu của Chúa. Bà đã động viên người con út rằng: “Con ơi! Hãy thương mẹ, mẹ đã chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, đã nuôi nấng dạy dỗ con cho đến ngần này tuổi đầu… Con đừng sợ tên đao phủ này, nhưng hãy tỏ ra xứng đáng với các anh con, mà chấp nhận cái chết, để đến ngày Chúa thương xót, Người sẽ trả con và các anh con cho mẹ”. Bà đúng là một người mẹ dũng cảm, đạo đức và gương mẫu. Bà không chỉ sống mà còn dạy con yêu mến, trung thành với lề luật của Thiên Chúa, như một dấu chứng của tình yêu mến.
Những lời của bà mẹ trong sách Thánh cũng chính là tâm tư của bà thánh Anê Lê Thị Thành, một người mẹ của 6 người con. Trong cơn đau đớn vì bị tra tấn, bà đã nhắn nhủ cô con gái đến thăm mình trong tù rằng: “Con chuyển lời mẹ nói với các anh chị em con: Hãy coi sóc việc nhà, giữ đạo sốt sắng, đọc kinh sáng tối, dâng lễ mỗi ngày, cầu nguyện cho mẹ vác thánh giá Chúa đến cùng. Chẳng bao lâu mẹ con ta sẽ đoàn tụ trên Nước Thiên đàng”.
Như thế, tâm tình yêu mến cũng chính là tâm tình của các thánh tử đạo Việt Nam chúng ta. Các ngài đã yêu mến trọn vẹn, yêu mến hết lòng đến nỗi không có gì có thể tách các ngài ra khỏi tình yêu đó như lời thánh Phaolô trong bài đọc hai: “Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta”
Chúng ta không thể kể ra đây hết những hình khổ các thánh Tử đạo đã phải chịu. Chúng ta cũng không thể nói hết ở đây những lời di chúc quí báu của các ngài. Đối với các ngài, Thiên Chúa là trên hết. Thiên Chúa là tất cả. Lập trường của các ngài là: “Thà chết chứ không thà bỏ đạo, bỏ Chúa”. Có lẽ ngày hôm nay chúng ta không còn được diễm phúc đổ máu và hy sinh mạng sống để làm chứng cho Chúa nữa. Nhưng nếu phải hy sinh một món lợi vật chất, nếu phải đánh đổi một chức vụ trong xã hội, nếu phải từ bỏ một bữa nhậu, một cuốn film, một trận đá bóng… vì Chúa, vì luật lệ, và vì Tin Mừng của Người, chúng ta có dám không, thưa quí ông bà và anh chị em? Phải chăng lập trường của chúng ta vẫn là: “Thà bỏ đạo, bỏ Chúa chứ không bỏ những thứ đó?”
Chớ gì nhờ lời bầu cử của các thánh Tử đạo tại Việt Nam, mỗi người chúng ta cảm nghiệm được nhiều hơn tình yêu của Chúa đối với chúng ta, để rồi bắt đầu từ giờ phút này, mỗi người chúng ta can đảm sống yêu thương và chu toàn trọn vẹn luật Chúa với cả tấm lòng yêu mến của chúng ta. Amen.