Gần ba thế kỷ đầu của Kitô giáo, các hoàng đế La Mã đã tìm mọi cách để tận diệt tôn giáo mới này. Nhưng điều các bậc tiên đế tìm cách loại trừ, lại được thế hệ con cháu tôn vinh, vì năm 313, hoàng đế Constantin đã ký sắc lệnh Milan, công nhận Kitô giáo là một tôn giáo hợp pháp trên mọi lãnh thổ thuộc đế quốc La Mã. Ông còn trao tặng Đức Giáo Hoàng Sylvester một cung điện lộng lẫy nằm trên đồi Coelius. Không lâu sau đó, Đức Giáo Hoàng đã cho xây bên cạnh cung điện này một thánh đường dâng kính Đấng Cứu Thế. Ngày 09/ 01/ 324, ngài đã long trọng cung hiến đền thờ.
Năm 1144, Đức Giáo Hoàng Luciô II đổi tên là đền thờ Gioan Latêranô. Qua các trận hỏa hoạn, động đất và sự tàn phá của dân man di, đền thờ Latêranô phải tu sửa nhiều lần. Ngày 28/ 04/ 1726, sau một thời gian dài trùng tu, Đức Giáo Hoàng Bênêditô XIII đã thánh hiến lại, và công bố ngày 09/ 11 hàng năm là lễ kỷ niệm cung hiến.
Đại thánh đường Latêranô cổ xưa nhất và là nhà thờ chánh tòa của Giáo Phận Rôma, nên được gọi là mẹ của các nhà thờ Công Giáo trên thế giới. Mừng kỷ niệm ngày cung hiến đền thờ danh tiếng này, chúng ta không dừng lại ở việc chiêm ngưỡng một công trình xây dựng, dù được làm bằng những vật liệu quí giá và rất mỹ thuật, nhưng là qui hướng tâm trí về Đức Kitô, đền thờ đích thực, tuyệt hảo và vĩnh cửu, mà tất cả chúng ta được mời gọi để hiệp thông với Người.
Khi Đức Giêsu đuổi những người bán chiên, bò, bồ câu và đổi tiền khỏi đền thờ Giêrusalem, người Do Thái đã vặn hỏi: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?” Đức Giêsu đáp: “Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.” (Ga 2, 18-19) Kể lại sự việc này, thánh Gioan tông đồ viết thêm: “Đền Thờ Đức Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Người.” (Ga 2, 21)
Người Do Thái tự hào vì đền thờ Giêrusalem là nơi Thiên Chúa ngự giữa dân tộc của họ. Vượt xa ngôi đền thánh ấy, Đức Giêsu là Đấng Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở giữa nhân loại. Người đích thực là đền thờ của Thiên Chúa, vì Người ở trong Cha và Chúa Cha hằng ở với Người.
Nhiều năm trước, ngôn sứ Êdêkien đã tiên báo một dòng nước chảy ra từ đền thờ, nước ấy tràn tới đâu, đất thêm màu mỡ, các sinh vật và cây cối nảy nở thật phong phú. Chẳng những thế, cây trái được nước chảy ra từ đền thờ nuôi dưỡng còn có những khả năng vượt trội: lá không tàn và được dùng để chữa bệnh, bốn mùa đơm bông kết trái… Ngôi đền thờ ấy chính là Đức Giêsu, Đấng đã để lưỡi đòng đâm thấu cạnh sườn, ngõ hầu nhờ dòng máu và nước vọt trào từ trái tim Người, loài người được giao hòa cùng Thiên Chúa. Những ai sám hối và chịu phép rửa nhân danh Ba Ngôi, linh hồn họ sẽ nên đền thờ nơi Thiên Chúa ngự, được mang danh là Kitô hữu và trở thành chi thể của thân thể mầu nhiệm mà Đức Kitô là đầu.
Thánh Phaolô từng nhắc nhở các tín hữu: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?” (1 Cr 3, 16) Với những người ý thức linh hồn là đền thờ của Thiên Chúa, biết giữ tâm hồn trong sạch, luôn kết hiệp với Chúa bằng cầu nguyện, siêng năng lãnh nhận bí tích hòa giải và Thánh Thể, lòng trí họ sẽ tràn ngập bình an và niềm vui. Ngược lại, ai để cho bóng tối sự dữ chiếm ngự cõi lòng, sự bất an, hận thù và ganh tị sẽ chi phối ý nghĩ và hành động của họ.
Anh ấy năm nay ngoài bốn mươi. Vì bất mãn với cha mẹ và bất hòa với anh em, nên từ ngày xưng tội để lãnh nhận bí tích Hôn Phối đến nay đã gần 20 năm, anh chưa một lần đến với tòa giải tội. Gần đây, anh giận và hận cả Ông Trời, vì khi nhập viện, bác sĩ cho biết đã bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Sau nhiều kiên nhẫn và hy sinh, một hội viên Lêgiô đã giúp anh tìm lại niềm tin và anh đồng ý mời linh mục đến để lãnh nhận các bí tích mà bất cứ người tín hữu nào khi lâm cơn nguy tử cũng đều khao khát. Sau đó anh chân thành chia sẻ: “Đã lâu lắm rồi, chưa bao giờ tôi có được sự bình an và niềm vui trong lòng như lúc này.” Đang khi mọi sự bế tắc và bóng tử thần như lởn vởn đâu đây, điều làm cho bệnh nhân ấy cảm nhận được sự thanh thản, niềm vui và hy vọng, chính là linh hồn anh vừa được thanh tẩy khỏi tội lỗi và ân sủng của Thiên Chúa tràn ngập cõi lòng.
Các Đức Giám Mục Việt Nam trong thư chung gởi cộng đoàn dân Chúa sau hội nghị thường kỳ II/ 2014 đã viết: “Chúng tôi tin rằng nếu các giáo xứ thật sự trở thành những cộng đoàn thờ phượng Chúa, hiệp nhất và yêu thương nhau, thì vẻ đẹp và niềm vui Phúc Âm sẽ được lan tỏa rộng rãi và thu hút nhiều người đến với Chúa.” (số 5) Mọi người đều hiểu rằng, để ngôi nhà kiên vững, từng viên gạch dùng vào công trình đó phải thật tốt. Cũng vậy, các gia đình Công Giáo sẽ là “Giáo Hội tại gia” và cộng đoàn Kitô hữu trở nên đền thờ đích thực của Giáo Ước Mới, khi tâm hồn mỗi tín hữu xứng đáng là đền thánh Chúa ngự.
Dù vất vả trăm bề, nhưng một khi khởi sự xây cất thánh đường, sớm muộn gì cũng tới ngày nhà thờ ấy được khánh thành hoặc cung hiến trong niềm vui của cộng đoàn dân Chúa. Ngôi đền thờ thiêng liêng là tâm hồn các tín hữu đã được thánh hiến trong ngày lãnh nhận bí tích rửa tội, nhưng chỉ thực sự hoàn tất vào ngày chúng ta từ giã cõi đời này. Chắc chắn có rất nhiều người hoàn thành ngôi thánh đường của mình cách hoàn hảo, nhưng không ít người còn xây dựng dở dang, và biết đâu ai đó lại làm hỏng những gì Thiên Chúa đã khởi sự cách tốt đẹp nơi họ.
Ơn Chúa không thiếu cho từng cá nhân và cộng đoàn. Điều phải làm suốt cuộc đời của mỗi người Kitô hữu là cộng tác với ơn Chúa; đồng thời, luôn cố gắng dùng lời cầu nguyện, những hy sinh và lòng bác ái như những hạt dầu thiêng, giúp ngọn đèn đức tin luôn tỏa sáng trong tâm hồn, nơi gia đình và cộng đoàn, đang khi chúng ta mong đợi trời mới, đất mới xuất hiện.
Xin cho các Kitô hữu biết luôn canh tân lòng trí, để tâm hồn xứng đáng là đền thờ của Thiên Chúa Ba Ngôi, và trở thành viên đá quí giá góp phần xây dựng Hội Thánh Chúa Kitô.