CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN A
Cung Hiến Thánh Đường Latêranô
“ĐỪNG BIẾN NHÀ CHA TÔI
THÀNH NƠI BUÔN BÁN.”
Lm. Giuse Đinh Tất Quý
***
Kính thưa anh chị em
Hôm nay chúng ta cùng với toàn thể Giáo Hội mừng lễ cung hiến thánh đường Latêranô.
Đây là vương cung thánh đường xưa nhất và mang nhiều ý nghĩa nhất trong số rất nhiều thánh đường ở Roma.
1. Theo lịch sử thì đền thờ này được xây nên ngay sau khi Hội Thánh vừa thoát ra khỏi tình trạng hang toại đạo có nghĩa là vừa thoát ra khỏi tình trạng bị bắt bớ dưới các triều hoàng đế Rôma. Năm 313 lệnh bắt đạo được bãi bỏ. Năm 320 tự do tôn giáo được pháp luật công nhận và bảo hộ. Sự việc này đã làm nức lòng các tín hữu và ngay lập tức người ta nghĩ ngay đến việc phải xây dựng những đền thờ để làm công việc thờ phượng Chúa cho xứng đáng. Trong số những nhà thờ được xây vào lúc đó người ta đặc biệt chú ý đến ngôi đền thờ dành cho vị Giám Mục Roma đồng thời cũng là vị lãnh đạo tối cao của Giáo Hội phụ trách. Chính Hoàng đế Constantinô đã xin hiến nơi ông đã được rửa tội trong cung điện Latêranô để làm cơ sở cho việc xây dựng ngôi đền thờ này. Người ta cũng đã khiêng cái bàn thờ nơi các Giám mục Roma đã từng dâng lễ trong những năm bị bắt bớ về đặt ở trong ngôi thánh đường mới. Lúc đầu người ta dâng đền thờ này để kính Đấng Cứu Thế. Về sau người ta lại gọi đền thờ này là Vương cung Thánh đường dâng kính Thánh Gioan Tẩy giả. Rồi từ đời này qua đời khác, đền thờ Latêranô luôn được coi là Nhà thờ chính tòa của các vị Giám mục thành Roma mà tất cả các Giáo Hội trên thế giới đều coi là Giáo Hội Mẹ. Đến thế kỷ thứ XVI thì ngôi vị này mới được chuyển đổi qua một ngôi Đền thờ mới: đó là Đền thờ thánh Phêrô hiện ở trong cung điện Vaticanô. Xét về phương diện lịch sử và ý nghĩa, thì sự thay ngôi đổi vị này không có ảnh hưởng gì đến ngôi đền thờ đặc biệt chúng ta mừng kính hôm nay. Chính vì thế mà hằng năm cả Hội Thánh vẫn hướng về nó như người mẹ muôn thuở đã sinh ra hàng hà sa số những người con trên mặt đất này.
Như vậy, về phương diện lịch sử chúng ta thấy việc mừng kính có một giá trị rất thiết thực. Nó hướng chúng ta về một quá khứ hào hùng của Giáo Hội, một quá khứ nói theo kiểu của Renan đã có thời phải thở bằng máu, nhưng lại là một quá khứ để lại những tấm gương về đời sống anh hùng, về niềm tin bất khuất và nhất là về một lòng yêu mến vô bến bớ đối với Thiên Chúa, làm cho những thế hệ đi sau phải noi gương. Nhắc lại những biến cố như thế thật là việc nên làm nhất là đối với chúng ta ngày hôm nay.
2. Nhưng thử hỏi có phải khi mừng lễ cung hiến thánh đường Lateranô, Giáo Hội chỉ có ý nhắm tới mục đích này mà thôi không? Không! Giáo Hội còn muốn cho chúng ta nghĩ tới những mục đích khác.
Như anh chị em đã biết: Đền thờ có một vai trò rất quan trọng trong sinh hoạt của cộng đoàn dân Chúa.
* Tiên tri Ézékiel đã cho chúng ta thấy một quan niệm rất đẹp về đền thờ. Đền thờ là nhà của Thiên Chúa. Chính từ nơi đây mà Thiên Chúa thi thố ân huệ cho dân của Người. Chính vì quan niệm về đền thờ như thế cho nên những người Do Thái rất quí trong đền thờ. Hằng năm những người Do Thái ngoan đạo đều phải lên đền thờ để được chu toàn bổn phận của mình đối với Thiên Chúa.
* Đó là hình ảnh một đền thờ trong Cựu Ước. Đến Tân ước thì chúng ta thấy ý nghĩa của đền thờ không còn dừng lại ở đó. Chúa Giêsu đã đẩy ý nghĩa của nó lên một cấp độ cao hơn. Đền thờ trong Cựu Ước tuy đã là vô cùng quí giá, thế nhưng dù quí đến đâu đi nữa thì giá trị của nó cũng chỉ là vật chất. Dù được làm bằng những thứ quí giá nhất trên đời đi nữa thì đây cũng chỉ là những thứ bằng vàng, bằng bạc, chưa phải là thứ đền thờ Thiên Chúa mong muốn. Thiên Chúa còn muốn một loại đền thờ khác. Đây không phải là đền thờ bằng những nguyên liệu đất đá nhưng là bằng chính cõi lòng của con người. Trong câu truyện Chúa thanh tẩy đền thờ mà bài Tin Mừng hôm nay ghi lại chúng ta thấy được điều đó.
* Như vậy thì chúng ta đã rõ việc mừng lễ cung hiến đền thờ Lateranô hôm nay không phải chỉ là một việc làm ôn lại lịch sử mà là một việc làm củng cố niềm tin của chúng ta. Chúng ta mỗi người là đền thờ của Thiên Chúa. Mỗi người là đền thờ cũng có nghĩa là mỗi người có chỗ cho Chúa trong tâm hồn của mình. Một thi sĩ Đức nói: Chúa có giáng sinh ra cả 1000 lần ở Belem cũng vô ích cho bạn nếu Ngài không sinh ra được ở trong hồn của bạn” Như vậy thì trách nhiệm của mỗi người thật nặng nề. Thánh Phaolô nói một câu mà tôi cho là rất khủng khiếp: “Vậy ai phá huỷ Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt kẻ ấy. Vì Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em”. (1Cr 3,17)
“Ai phá hủy đền thờ của Thiên Chúa thì Thiên Chúa sẽ hủy diệt kẻ ấy”.
Vậy phải biết quí trọng con người chúng ta. Anh em là đền thờ của Chúa Thánh Thần.
Chúng ta phải làm gì để chu toàn được bổn phận đó? Tôi xin để nghị một vài công việc.
Giống như một toà nhà muốn cho nó được đứng vững và tồn tại lâu dài chúng ta phải biết bảo trì nó. Bảo trì bằng cách săn sóc chăm lo cho nó. Chăm lo như thế nào?
- Trước hết hãy lo cho nó được sạch sẽ. Trong Tin Mừng Chúa Giêsu đã mô tả tầm hồn của một người tội lỗi là tâm hồn chất chứa đầy những thói hư tất xấu như “gian tà, giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian, và vu không” và Chúa bảo “đó là những cái làm cho con người ra ô uế”(Mt 15,19-20). Một tâm hồn như thế không thể xứng đáng với sự hiện diện của Thiên Chúa được.
- Tiếp theo muốn cho một ngôi nhà được đẹp đẽ chúng ta phải biết trang hoàng cho nó.Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Galata đã mô tả tâm hồn thánh thiện là một tâm hồn được trang hoàng bằng hoa quả của Thánh Thần. Hoa quả đó là: “Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa và tiết độ” (Ga 5,22-23)
- Sau cùng một ngôi nhà dù được trang hoàng đẹp đẽ cách mấy đi nữa nhưng nếu nó không có sức sống thì nó cũng trở thành vắng lạnh không phát huy được tác dụng. Tôi có dịp đi tham nhiều nơi bên Âu Mỹ….nơi có rất nhiều nhà thờ bây giờ không còn hoạt động. Nhiều nhà thờ trở thành một tụ điểm du lịch cho khách đến tham quan…Tâm hồn của chúng ta cũng vậy nếu không có sức sống sớm muộn gì nó cũng trở thành lạnh lẽo hoang tàn. Hãy làm cho tâm hồn chúng ta có sức sống bằng cách để cho ơn Chúa hoạt động trong chúng ta. Thánh Phaolô dã dám tự hào mà noí: “Tôi đã không để cho ơn Chúa ra vô ích trong tôi”(1Cr 15,10)
Ngày kia Bà thánh Catarina thành Sienna bị một cơn cám dỗ dường như quá sức của mình. Bà phải vất vả lắm mới qua được cơn cám dỗ này. Sau khi cơn cám dỗ qua đi, Bà thấy Chúa hiện ra và bà liền hỏi Chúa:
– Lạy Chúa lúc tâm hồn con bị cám dỗ đầy dẫy những hình ảnh tối tăm nhơ nhớp như thế thì Chúa ở đâu?
Chúa trả lời:
– Con yêu quí của Cha, Cha ở ngay trong lòng của con.
– Trong lòng của con? Lẽ nào Chúa lại ở trong lòng của con trong những lúc như thế được?
– Vậy con hãy trả lời cho Cha hay: Cơn cám dỗ đó đã làm cho con vui sướng hay cực khổ?
– Lạy Chúa khi đó con vô cùng đau buồn và khổ cực.
– Con biết ai đã làm cho con đau buồn và cực khổ như vậy nếu không phải là Cha ở trong lòng con? Con có tin rằng nếu không có Cha ở trong con thì cơn cám dỗ dã lôi kéo con, làm cho con sa ngã phạm tội rồi không? Phần con, con đã hết sức chống cự, còn Cha Cha đã giúp con chiến thắng. Chiến đấu sẽ làm cho con trở nên vững mạnh và giúp con có thêm nhiều công nghiệp.”