Lễ các Đẳng Linh hồn 2014 – năm A
NGƯỜI CÔNG GIÁO TÌM GÌ
NƠI CUỘC LỮ HÀNH TRẦN THẾ?
(Rm 6,3-9; Ga 6, 51- 59)
Lm. Vinhsơn Trần Minh Hòa
Mỗi khi tiễn đưa người chết ra nơi an nghỉ cuối cùng, hoặc ra thăm mộ người thân tại nghĩa trang, người Công giáo có dịp suy tư trầm lắng về vận mệnh đời mình. Đời con người quả là kiếp phù du, loài người Chúa dựng nên mỏnh manh quá đỗi (x. Tv 89,48). Sống làm người, ai không phải chết? Ai cứu nổi mình thoát quyền lực âm ty? (x. Tv 89,49). Bao lần, chúng ta chứng kiến kẻ giàu phải chết, người nghèo cũng phải trút thở tàn hơi. Người đang khỏe bỗng dưng tắt thở, kẻ liệt lào cũng đến ngày tận mạng. Sự chết chẳng từ một ai. Sự chết chẳng ai có thể trì hoãn được, ngày hẹn của âm phủ, ai nào có biết (Hc 14,12)!
Ý thức mình phải chết, người Công giáo sẽ chuẩn bị gì cho cuộc lữ hành trần thế duy nhất này? Nếu cuộc đời mỗi người chỉ bôn ba tìm những vinh hoa phú quý chóng qua ở đời này, bất chấp gây bao nỗi đau cho người khác thì kết cục thật buồn biết mấy. Buồn vì, dù sống trong danh vọng, con người cũng không thể trường tồn, chẳng khác chi con vật một ngày kia phải chết (x. Tv 49,13). Càng buồn hơn khi mọi của cải của ta làm ra không thể mang theo, kiếp vinh hoa cũng chẳng theo ta xuống mộ phần (x. Tv 49,11). Có thể chúng ta tự an ủi với nhau rằng: của cải chúng ta làm ra sẽ để lại cho con cháu. Tuy nhiên, nào ai biết chắc con cháu của chúng ta biết dùng của cải đúng cách hay ngược lại, nhiều khi chính gia tài của cha mẹ để lại là nguyên cớ gây ra trụy lạc cho thế hệ mai sau. Giả như, con cháu cũng giống cha mẹ, biết bươn chải một đời tìm của cải chóng qua thì chúng cũng rơi vào vòng luẩn quẩn. Bởi lẽ, người khôn cũng chết, kẻ ngu đần dại dột cũng tiêu vong, bỏ lại tài sản mình cho người khác (x. Tv 49,11). Mặt khác, danh vọng, tiền tài, sức khỏe, tuổi thọ không là những nguyên cớ chính mang lại hạnh phúc đích thực. Lời Chúa trong thánh vịnh đã cho chúng ta chân lý này: “Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ, cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi” (Tv 90,10).
Nói như thế, không có nghĩa là người Công giáo có quyền sống vô kỷ luật, hay lười biếng, hoặc buông xuôi tất cả, chẳng làm việc gì mà việc gì cũng xen vào (x. 2Tx 3,11). Trái lại, người Công giáo được mời gọi luôn làm ăn chân chính, để có của nuôi thân (x. 2Tx 3,12) và nhất là lao động để cộng tác vào chương trình sáng tạo của Thiên Chúa. Bởi lẽ, ngay trong chương trình sáng tạo, Thiên Chúa đã muốn mọi người lao động ngang qua hành vi gìn giữ và thống trị mọi loài Chúa đã dựng nên (x. st 1,28). Vì vậy, người Công giáo lao động không chỉ để kiếm của nuôi thân, nhưng còn quy hướng về cội nguồn hạnh phúc đích thật của mình là chính Thiên Chúa.
Thật vậy, không có Thiên Chúa can thiệp, con người chỉ là hạt bụi trong vũ trụ bao la. Được Thiên Chúa đoái trông, con người vốn là thân tro bụi (x. Tv 103,14) đã được hiện diện trên trần gian này cách đặc biệt. Thiên Chúa yêu thương nhào nắn và thổi hơi sự sống thần linh (x. St 2,7) của Ngài để con người trở nên một thụ tạo ưu việt, giống hình ảnh Thiên Chúa (x. St 1,26) và có thể sống trong tình yêu của Thiên Chúa. Tình yêu của Thiên Chúa lớn lao đến độ, dù tội lỗi nguyên tổ phá hủy sự sống nơi con người (x. St 3, 19), Thiên Chúa vẫn không bỏ loài người phải trầm luân trong sự chết. Trái lại, Ngài đã ban cho con người chính Con Một yêu dấu của Ngài để những ai tin vào Người thì được sống muôn đời (x. Ga 3,16).
Đức Kitô, Con Một Thiên Chúa đã cho con người được sống bằng con đường tự hủy của Người. Đức Giê-su Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế (x. Pl 2,6-7). Không dừng ở đó, Người còn gánh muôn lỗi tội nhân. Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính (x. 1Pr 2,24). Có một sự trao đổi kỳ diệu: Con Thiên Chúa, Đấng Hằng Sống (x. Mt 16,16), chấp nhận mang thân phận con người phải chết để một khi Người chết đối với tội lỗi (x. Rm 6,10), Người mở ra con đường sống đời đời cho tất cả mọi người.
Như thế, con đường sự sống đời đời đã được Đức Kitô mở ra. Tuy nhiên, để lãnh nhận hồng ân sự sống đời đời, mỗi người phải có thái độ đáp trả bằng sự tự do vâng phục đức tin. Sự tự do vâng phục đức tin mời gọi mọi người dấn thân theo Chúa Kitô. Dấu chỉ khởi đầu của đời sống tin theo Chúa Kitô được biểu lộ ngang qua hành vi lãnh nhận bí tích Thánh tẩy. Lời Chúa trong thư Rôma đã cho thấy sức sống mới của Thiên Chúa được khởi đầu nơi người lãnh bí tích này: được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô, nên một với Đức Kitô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại (x. Rm 6, 3-5).
Để sự sống mới của Thiên Chúa được phát triển không ngừng nơi những người Công giáo, Thiên Chúa ban cho họ Bánh Thánh Thể. Chúa Giêsu Kitô là Bánh Hằng Sống từ trời xuống (x. Ga 6,51 -59) đã được trao ban để ai ăn Bánh ấy ngang qua tiếp nhận Thánh Thể, người ấy được sống đời đời (x. 6, 54). Như của ăn phần xác giúp cho con người thể lý phát triển, thì Bánh Hằng Sống cũng làm cho sự sống thần linh nơi những người Công giáo được tăng trưởng không ngừng đến độ được sống muôn đời. Chân lý ấy đã được ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu Kitô. Dẫu mang lấy thân phận yếu hèn của con người (x. 2 Cr 13,4) qua biến cố nhập thể, thân xác Chúa Giêsu đã bị giết chết (1 Pr 3,18), nhưng Người đã được phục sinh. Và một khi Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, thì không bao giờ Người chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người (x. Rm 6,9). Bí quyết để Chúa Giêsu luôn sống, dẫu Người đã mang thân phận yếu hèn của con người (x. 2 Cr 13,4), đó là Người luôn sống nhờ Chúa Cha là Đấng Hằng Sống (x. Ga 6, 57). Giờ đây, Người mời gọi mọi người Công giáo sống bí quyết ấy qua tiếp nhận Bánh Thánh Thể trong tin yêu: Ai ăn bánh ấy sẽ được sống muôn đời (x. Ga 6, 58).
Hạt bụi nằm trong bàn tay yêu thương Thiên Chúa đã được hiện diện trên trần gian với tư cách là con người giống hình ảnh Thiên Chúa. Phận con người tro bụi không dựa vào của cải mau hư nát mà được sống đời đời nhưng nối nguồn với Đấng Hằng Sống để được sống muôn đời. Vì thế, những người Công Giáo sau khi có được sự sống mới qua bí tích Rửa Tội, được Bánh Thánh Thể nuôi dưỡng đời sống thần linh và sống một đời yêu thương tha nhân, họ có quyền hy vọng vào sự sống muôn đời, cho dù thân xác họ một ngày kia phải chết. Bởi lẽ, Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu (x. 1 Cr 15,20). Và bởi, chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giêsu, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giêsu (1. Tx 4,14).
Xác tín vào chân lý ấy, người Công giáo được mời gọi chuẩn bị hành trang đời mình bằng một đời sống đong đầy sức sống thần linh của Chúa qua các phương thế bí tích và biểu lộ tình yêu thương tha nhân để một khi hoàn tất cuộc lữ hành trần thế, mỗi người đều có quyền hy vọng vào sự sống đời đời mà Thiên Chúa đã hứa ban cho những ai trung tín với Ngài đến cùng.