Lễ các Đẳng Linh hồn 2014 – năm A
CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp.Xuân Lộc
+++
Trong bài hát “Nối vòng tay lớn”, Trịnh Công Sơn nói lên niềm vui của ngày gặp gỡ những người thân xa cách nhau lâu năm nay được gặp lại. Theo cái nhìn của tác giả, niềm vui gặp gỡ này không chỉ là cuộc gặp gỡ giữa những con người, mà còn là cuộc nối kết hồn thiêng sông núi, cuộc nối kết giữa người chết với người sống , ông viết rằng : “Người chết nối linh thiêng vào đời và mụ cười nở trên môi”. Quan điểm của tác giả họ Trịnh phát xuất từ một niềm tin nằm sâu trong mỗi con người, đặc biệt người Việt Nam tin rằng : Thác là thể phách còn là tinh anh. Phần chết chỉ là thể phách, là cái xác bên ngoài, phần tinh anh chính là phần còn tồn tại mãi mãi. Cái tinh anh ấy chính là phần hồn trong mỗi con người.
Thưa quý OBACE, chỉ có những người vô thần, vô đạo mới là những người tuyên bố rằng chết là hết, họ là những kẻ không tin sự hiện diện của phần thiêng liêng trong con người mà chúng ta gọi là linh hồn. Nếu chết là dấu chấm hết theo như người vô thần, thì cuộc sống của con người chẳng khác chi con vật, chỉ biết ăn, tranh giành, rồi chết. Nếu con người chỉ có như thế thì việc tưởng nhớ cầu nguyện cho người đã qua đời sẽ chẳng có ý nghĩa gì.
Họp nhau nơi đây trong ngày cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, chúng ta cùng với Giáo Hội tuyên xưng niềm tin của chúng ta về sự sống đời sau, về sự liên đới hiệp thông của các thành phần trong Giáo Hội, gồm các thánh, những người đã hoàn tất tốt đẹp cuộc đời, các linh hồn còn đang phải thanh luyện và những người còn đang chiến đấu trên hành trinh trần thế ; đồng thời nhắc mỗi chúng ta bổn phận thảo hiếu, biết ơn đối với các bậc tiền nhân, những người đã ra đi trước chúng ta.
Niềm tin vào sự sống đời sau là niềm tin đã được Thiên Chúa đặt để trong con người. Từ những dân tộc thiểu số trên núi, trên rừng hoặc những người thổ dân vùng rừng sâu nước độc tại Châu Phi, Nam Mỹ cho đến những người văn minh, đều tin rằng con người có một phần linh thiêng bất tử mà người ta gọi là hồn. Khi hồn không còn kết hợp với xác, thì xác chỉ còn là xác chết. Đối với người Kitô hữu, chúng ta được dạy rằng : Con người là do Thiên Chúa tạo dựng, xác được tạo dựng từ vật chất, còn linh hồn thì do Thiên Chúa trực tiếp dựng nên và trao ban cho mỗi người. Xác là vật chất, nên phải theo quy luật của vật chất, tức là quy luật sinh tử, còn linh hồn là phần thiêng do Thiên Chúa trao ban, nên linh hồn là bất tử.
Con người được Thiên Chúa đưa vào trần gian, và đến một ngày Thiên Chúa muốn, con người sẽ phải từ giã trần gian để trở về với cội nguồn của mình là Thiên Chúa qua ngưỡng cửa của sự chết. Vì thế, chết là một cuộc trở về với Thiên Chúa. Cuộc trở về này là một cuộc trở về trong hân hoan hay trong sợ hãi, điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào sự chọn lựa của con người khi còn sống. Nếu hôm nay chúng ta chọn lựa Thiên Chúa, thì ngày trở về, chúng ta sẽ được gặp Thiên Chúa ; trái lại, nếu hôm nay chúng ta từ chối Thiên Chúa, thì ngày trở về, chúng ta không thể gặp được Ngài. Hơn thế nữa, giáo lý Công Giáo cũng chỉ cho chúng ta thấy : Cái chết cũng chỉ là một giai đoạn tạm thời và nó không phải là điểm cuối cùng, mà sự sống mới là điểm cuối cùng. Chết là thời gian thanh luyện chuẩn bị cho ngày tất cả chúng ta sẽ được sống lại để trình diện Thiên Chúa. Người lành sẽ được hạnh phúc, còn kẻ dữ thì bị án phạt đời đời. Đó cũng là niềm tin mà ông Gióp tuyên xưng một cách chắc chắn : Tôi biết rằng Đấng Cứu độ tôi hằng sống, và ngày sau hết tôi sẽ từ bụi đất sống lại và trong xác thịt tôi, tôi sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa của tôi, và chính mắt tôi sẽ được nhìn ngắm Ngài.
Sự chết có thể lấy đi tất cả mọi sự của con người, nhưng có một điều nó không thể lấy mất của con người, đó là tình yêu và sự hiệp thông. Chính tình yêu và sự hiệp thông làm cho người chết và người sống trở nên gần gũi, gắn bó với nhau. Trong Giáo Hội, sự gần gũi, gắn bó này được gọi là mầu nhiệm Các Thánh cùng thông công. Tức là những người đã được hưởng hạnh phúc bên Thiên Chúa, gọi là các thánh và những kẻ còn ở trần gian và các linh hồn có sự hiệp thông ân sủng với nhau. Mỗi thành phần vẫn có thể liên đời với nhau bằng lời cầu nguyện, bằng sự chia sẻ, sự hy sinh và ân sủng mà Thiên Chúa ban cho. Các Thánh chuyển cầu cùng Chúa cho những người còn sống, những người còn sống thì làm nhiều việc lành hy sinh cũng như cầu nguyện cho các linh hồn, và các linh hồn trong khi đang thanh luyện vẫn có thể cầu xin cùng Chúa cho chúng ta. Niềm tin này được đặt trong niềm tin vào Đức Giêsu là Thiên Chúa, là Đấng Cứu độ và được bảo đảm chắc chắn bởi chính Đức Giêsu, Đấng đã mạc khải cho chúng ta, khi Ngài khẳng định rằng : Tất cả những kẻ Chúa Cha đã ban cho tôi, thì sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, thì sẽ không bị loại ra ngoài… và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.
Chính từ tình yêu và sự hiệp thông mà hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội dành trọn một tháng để nhắc nhở mỗi người hãy nhớ đến những người đã qua đời, hãy làm phong phú tình yêu và sự hiệp thông ngay hôm nay ; đồng thời cũng cảm nhận được tình yêu mà những người thân và những người chung quanh dành cho ta bằng lời cầu nguyện, sự thảo hiếu và lòng biết ơn.
Nhớ đến những người đã qua đời là bày tỏ lòng biết ơn, dâng lời cầu nguyện cho họ. Những người đó có thể là ông bà cha mẹ, là vợ chồng con cái, là bạn bè hoặc những người thân quen mà chúng ta có dịp gặp gỡ. Đứng bên nấm mồ của người thân gợi lên cho chúng ta những tâm tình, những cảm xúc khác nhau. Có thể là sự tiếc nuối vì biết bao điều tốt đẹp đáng lẽ ta có thể làm cho người thân, nhưng ta chưa kịp làm ; đáng lẽ ta có thể yêu thương nhiều hơn, tha thứ thông cảm cho người thân nhiều hơn, nhưng ta đã không làm, mà nay không còn cơ hội nữa. Đứng bên phần mộ của người thân còn có cả sự hối hận và những giọt nước mắt muộn màng, vì khi người thân còn sống, ta đã đối xử quá tệ bạc hoặc thiếu trách nhiệm với người thân thương. Tất cả những tiếc nuối đó sẽ chẳng bao giờ chúng ta có cơ hội để làm lại, nhưng có một điều chúng ta có thể làm là cầu nguyện, làm nhiều việc tốt, việc hy sinh cho những người thân đã qua đời ; đồng thời hãy sống tốt, cử xử thật tốt, thật đầy tràn yêu thương với ông bà cha mẹ, vợ chồng khi họ còn đang sống bên chúng ta, để khi họ ra đi, chúng ta không phải hối hận vì chưa kịp làm gì cho nhau.
Chúng ta thể hiện lòng biết ơn đối với người thân, ông bà cha mẹ qua việc chúng ta xây mồ yên mả đẹp cho các Ngài, dâng lễ cầu nguyện cho các Ngài. Thế nhưng, không thiếu những ngôi mộ rất đẹp, rất mắc tiền mà con cái hoặc những người còn sống làm cho người đã chết, nhưng rồi sau đó, người còn sống không bao giờ nhớ đến người thân và cũng không mấy khi ra thăm ngôi mộ đó nữa, người ta gọi đó là chôn lần thứ hai. Việc xây mồ mả cho ông bà tổ tiên là việc làm tốt, nhưng việc làm tốt hơn là hãy bày tỏ lòng biết ơn ngay khi ông bà cha mẹ còn sống. Hãy yêu thương, chăm sóc ông bà cha mẹ bằng cả trái tim và tình yêu, với lòng hiếu thảo biết ơn, dù các ngài có thay tính đổi nết, dù các ngài đau lâu ốm dài. Đừng bao giờ có những lời nói, cách cư xử gây đau lòng, tủi thân cho các ngài ; đừng bao giờ khinh thường, hắt hủi và vô lễ với các ngài. Vì sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy, hôm nay chúng ta cư xử với mẹ cha thế nào, thì sau này, con cái chúng ta cũng sẽ cư xử với chúng ta giống như thế. Vì vậy, ngay khi cha mẹ còn sống, hãy cố gắng yêu thương, thông cảm và làm cho tuổi già các ngài được hạnh phúc.
Đứng trong nghĩa trang những ngày cuối năm này để mỗi người rút ra được những cảm nghiệm cho riêng mình, để thấycuộc đời con người chóng qua như cỏ, như bông hoa nở trong cánh đồng, một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi, nơi nó mọc, cũng không còn mang vết tích.. Mới ngày nào còn sống bên nhau, mà giờ đây âm dương cách biệt, mới ngày nào ngang dọc một thời, bao nhiêu dự định, bao nhiêu tính toán, bao nhiêu đất đai tài sản, vui buồn giận hờn… thế mà giờ đây, tất cả đều im lặng dưới nấm mồ và đất thánh này mới thực sư là điểm hẹn của tất cả mỗi người. Nhìn thấy như thế, để ngay từ hôm nay, mỗi người hãy biết loại bỏ những giành giật tranh chấp, loại bỏ những thù oán vụn vặt, để biết sống yêu thương hơn. Hãy sử dụng tốt cuộc sống hiện tại để làm giàu tình yêu thương hơn là làm giàu của cải, vì cuộc đời như nước chảy hoa trôi,chỉ có tình thương để lại đời.
Nhớ đến ông bà tổ tiên không chỉ trong tháng này, mà mỗi ngày, trong gia đình, hãy thể hiện lòng biết ơn bằng cách làm cho gia đình mình thêm ấm cúng hơn, duy trì và bồi đắp, làm cho gia sản tinh thần và đạo đức của tổ tiên để lại được phát triển tốt đẹp hơn nữa. Anh chị em trong gia đình hãy sống yêu thương, bác ái với nhau, đừng vì một vài tấc đất, một vài viên gạch mà làm mất đi tình anh em ruột thịt. Hãy dành những giờ kinh tối sớm mỗi ngày trong gia đình để nhắc nhở cho con cháu, giáo dục con cháu lòng thảo hiếu, biết ơn tổ tiên ông bà qua việc đọc kinh cầu nguyện.
Mỗi người, mỗi gia đình thực hiện như thế, chúng ta sẽ giữ gìn được nề nếp gia phong của gia đình, đồng thời cũng thể hiện niềm tin của mình vào mầu nhiệm các thánh cùng thông công mà chúng tuyên xưng. Amen