Lễ các Đẳng Linh hồn 2014 – năm A
HAI MẶT CỦA MỘT MẦU NHIỆM
ĐGM Phaolô Maria Cao Đình Thuyên
+++
Hai mặt của một Mầu Nhiệm: Các thánh cùng thông công (Lễ cầu cho các linh hồn)
Anh chị em thân mến, hôm nay Giáo Hội dâng lễ cầu cho các linh hồn. Đây là hai mặt của một Mầu Nhiệm: các thánh cùng thông công. Chúng ta tin rằng, ai đã an nghỉ trong Chúa vẫn còn hiệp thông với cộng đồng tín hữu đang sống, như tế bào, các bộ phận trong cùng một thân thể. Mọi người dù còn sống hay đã chết đều liên kết trong thân thể Mầu nhiệm của Chúa Kitô.
Trong ngày hôm nay cũng như trong suốt hành trình đức tin của chúng ta, Giáo hội không ngừng mời gọi chúng ta tưởng nhớ và cầu nguyện cho người quá cố: sự hiện diện của người quá cố trong cuộc lữ hành trần thế của chúng ta là một ân huệ đặc biệt, nó luôn nhắc nhở chúng ta về cùng đích chắc chắn của chúng ta. Nó luôn mời gọi chúng ta sống thế nào để cái cuộc sống mới sung mãn hơn.
Thánh Charles Borromêô (1538 – 1584) sống ở Ý cách đây đã 400 năm, khi còn trẻ Borromêô đầy những tước vị, nhưng một hôm Borromêô đã nhận ra rằng, một ngày nào đó mình sẽ bỏ lại tất cả. Ngài muốn luôn ghi khắc điều đó, nên đã nhờ một họa sỹ nổi tiếng vẽ một bức họa trong tư thất để diễn tả cái chết. Họa sỹ đã trình thần chết theo lối cổ điển bằng một bộ xương người nắm chặt lưỡi hái trong tay.
Borromêô ngạc nhiên hỏi tại sao họa sỹ lại hình dung cái chết bằng cái lưỡi hái?
Vì thần chết gặt gái mọi cuộc sống, cái chết hủy hoại mọi cuộc đời. Đồng ý, nhưng thần chết cũng mở cửa nước trời, cái chết là cổng mở vào đời sống tốt đẹp hơn, vì thế tôi đề nghị nghệ sỹ xóa chiếc lưỡi hái đi và đặt vào tay thần chết chiếc chìa khóa vàng.
ACE thân mến, câu chuyện này giúp chúng ta xét lại những quan niệm bi quan của chúng ta về cái chết. Thực sự cái chết là thân phận bi đát nhất của con người. Nó là giới hạn không một ai có thể vượt qua, thần chết đã hạ gục mọi người, đã chấm dứt cuộc đời ở mọi độ tuổi, thần chết thường ra tay muộn màng, chậm chạp, nhưng lắm lúc cũng thật chớp nhoáng. Chúa Kitô đã soi sáng cho chúng ta bằng một quan niệm khác, hoàn toàn lạc quan: “Hạt lúa gieo vào lòng đất nếu không thối đi sẽ không nẩy sinh ngàn vạn hạt lúa mới”. Cái chết cũng là chìa khóa bằng vàng, chìa khóa duy nhất có thể mở cửa cuộc sống vĩnh cửu. Quan điểm Thánh kinh cũng là quan điểm và niềm tin của chúng ta. Cổng trời sẽ mở ra, dẫn con người về nhà Cha, cái chết là lưỡi hái hay chìa khóa, là chuyển biến hay kết thúc, là hư vô hay là cuộc sống vĩnh hằng, đó chính là điểm khác biệt giữa người tín hữu và người vô tín ngưỡng.
Tuy nhiên, dù chết là chìa khóa vàng, là chuyển biến, là cuộc sống mới, cũng vẫn gây nên một tang thương mất mát cho chúng ta. Chúng ta tưởng nhớ đến ông bà, cha mẹ, thân bằng quyến thuộc chúng ta đã ra đi. Chúng ta xa mặt nhưng không xa lòng. Chúng ta hy vọng một cuộc sống tốt đẹp hơn nơi trời mới đất mới. Niềm hy vọng và xác quyết của chúng ta được chính Đức Kitô bảo đảm. Chính Ngài đã sống lại từ cõi chết. Thánh Paul nói: “Thần chết đã bị Đức Kitô hạ gục, thần chết bị nuốt chửng trong chiến thắng. Thần chết đã buông lưỡi hái và cầm lấy chìa khóa vàng. Cổng trời được mở ra cho con người vào nhà cha”.
ACE, nghĩ đến người chết để chúng ta xác quyết rằng: cái chết là chìa khóa mở cửa cho cuộc sống mới. Và cuộc sống mới này tùy thuộc vào việc tích chứa, xây dựng trong cuộc sống tại thế này. Chúng ta cần tận dụng từng giây phút, cần hoàn tất từng công việc dù nhỏ mọn đến đâu, để làm giàu cho cuộc sống, để làm cho đời ta có được giá trị vĩnh cữu. Thiên Chúa đã ban cho mọi người những khả năng mà hoàn thành trách nhiệm của mình. Không ai được sinh ra để sống như một kẻ bàng quang, vô trách nhiệm, nhưng ai cũng sinh ra để gánh vác cuộc đời để chu toàn sứ mạng mà Thiên Chúa đã an bài xếp đặt.
Chúa Kitô đã dạy: “Hãy dùng của cải đời này mà mua Nước Trời”. Chúa muốn chúng ta hãy dùng tất cả mọi hoạt động trần thế vào mục đích ấy và có lẽ không có hoạt động nào có giá trị hơn việc canh tân đời sống mỗi ngày và thực thi công bình, bác ái, yêu thương, phục vụ. Những việc tốt đẹp chúng ta làm hôm nay tại trần thế này, chính là những viên gạch sẽ xây dựng ngôi nhà cho chúng ta trên thiên quốc. Hôm nay thắp một nén hương cho người quá cố, dâng một lời cầu cho những người ra đi, chúng ta xin Chúa thương cho các linh hồn tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thân nhân bạn hữu sớm được hưởng nhan thánh Chúa, đồng thời cũng là cầu cho chúng ta biết sử dụng cuộc sống hôm nay cho hợp với thánh ý Chúa. Đốt lên một ngọn nến cầu cho các linh hồn được sống đời sống với Chúa, cũng là lúc nhắc nhớ chúng ta: muốn được sống với Chúa thì hãy cùng chết với Người, chết từng ngày từng giờ cho con người cũ tội lỗi và sống một cuộc sống mới tốt lành thánh thiện.
Chúng ta vô cùng cám ơn những người ra đi trước chúng ta về chứng từ niềm tin và hy vọng, về quà tặng bình an, về sự chuyển cầu mà họ đã chia sẻ cho ta, những người còn lữ hành trong hy vọng.
Chúng ta cũng không quên chia sẻ, như một nghĩa vụ thiêng liêng với những người đã chết, kinh nguyện và việc lành phúc đức mà nay họ mong muốn làm để đền bù thiếu sót nhưng không thể.
Cuối cùng chúng ta nguyện xin Chúa cho lễ tế Hội thánh dâng lên sinh ích cho những người con của Chúa là tổ tiên, ông bà và thân bằng quyến thuộc của chúng ta đã ly trần. Xưa kia họ đã từng lãnh nhận Bí tích tình yêu này, giờ đây xin cho tất cả cũng được cùng thần thánh chung phần vinh phúc với Đức Kitô, Đấng hiển trị muôn đời.
Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã luôn khơi dậy trong tâm hồn chúng con sự tưởng nhớ đến người quá cố. Xin cho sự hiện diện của họ trong cuộc lữ hành đức tin của chúng con luôn là nguồn cảm hứng dẫn chúng con bước đi trong tin yêu, phó thác, cậy trông và hân hoan.