Cây trong rừng cùng lớn lên bên nhau, mỗi khi có luồng gió mạnh, cành lá chúng đung đưa chạm vào nhau, nhưng chẳng bao giờ chúng tìm biết cây bên cạnh thuộc loại gì và đang sống ra sao? Vì cỏ cây là loài vô tri vô giác.
Có vị thầy hỏi đệ tử:
– Làm thế nào để phân biệt ngày và đêm?
Người môn đệ thưa:
– Đêm đã qua và ngày mới khởi đầu, khi có thể nhìn rõ cụm bông giấy trước nhà.
Thầy nói:
– Chưa chính xác.
– Đó là lúc con nhìn thấy hai người từ đàng xa và phân biệt được ai là đàn ông, ai là phụ nữ.
Thầy khích lệ:
– Có còn cách nào khác nữa không?
Thấy học trò lúng túng, thầy nói:
– Gọi là ngày, khi con nhìn một người và nhận ra người ấy là anh em của con.
Thánh Gioan tông đồ viết: “Ai ghét anh em mình thì ở trong bóng tối và đi trong bóng tối mà chẳng biết mình đi đâu, vì bóng tối đã làm cho mắt người ấy ra mù quáng.” (1 Ga 2, 11) Khi nhìn ra tha nhân là anh em, chúng ta đang bước đi trong ánh sáng để đến gần Thiên Chúa. Cũng vậy, nhờ nhận biết Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, chúng ta mới thực sự trở nên môn đệ của Người.
Loài người được Thiên Chúa ban cho trí thông minh và trái tim biết yêu thương, nhờ vậy mỗi người đều có thể nhận biết Thiên Chúa là Đấng tạo thành và an bài mọi sự; đồng thời, có khả năng chia sẻ, cảm thông và yêu mến tha nhân. Tiếc rằng, nhiều khi chúng ta nhắm mắt bịt tai trước những mạc khải của Thiên Chúa. Với anh chị em, chúng ta gặp mặt mà như chẳng thấy, chào hỏi nhau mà lòng xa cách, chẳng những thế nhiều lần còn nhận định về người khác cách sai lầm và đầy ác ý. Đọc Tin Mừng, chúng ta thấy nhiều người hiểu sai về con người và sứ vụ của Đức Giêsu.
Nhiều bậc thầy trong dân Israen đã coi Đức Giêsu là kẻ phá bỏ lề luật và truyền thống của tiền nhân. Thậm chí họ còn nói: “Ông ấy dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.” (Mt 9, 34) Thái độ này bắt nguồn từ tính ganh ghét và bè phái, đưa đến lời nói, hành động mang tính đối kháng, vu khống và loại trừ.
Dân làng Nazaret, dù thán phục trước lời Đức Giêsu giảng dạy và được nghe kể về những phép lạ Người đã làm, nhưng vì biết rất rõ về bản thân, cha mẹ, và họ hàng của Người, nên họ không tin. (Mt 13, 54-58) Với lối nhìn hẹp hòi và thành kiến, nhiều người đồng hương đã không nhận ra Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai.
Một số thân hữu thương mến Đức Giêsu, nhưng vì nhận định hời hợt và nóng vội, họ nghĩ Người là kẻ sống trong ảo tưởng hoặc mất trí nên tìm bắt Người để đưa về với gia đình. (Mc 3, 21)
Nhiều người có lối nhìn sáng suốt hơn, nhưng chưa chính xác và cũng không thống nhất. Kẻ thì nói Đức Giêsu là ông Gioan Tẩy Giả đã chết nay sống lại, người khác bảo là ông Êlia, Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ thuở xưa nay tái thế. (Mt 16, 14)
Trước những nhận định khác nhau như vậy, Đức Giêsu muốn chính các tông đồ, những người từng nghe giảng và chứng kiến nhiều phép lạ Người làm, nói lên nhận định của các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? “Ông Simon Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16, 15-16) Sau khi Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Người đã trao cho ông chìa khóa Nước Trời và mạc khải cho các tông đồ biết những gì sẽ xảy đến với Người ở Giêrusalem (Mt 16, 18-21). Từ đây, một tương quan mới được thiết lập giữa Đức Giêsu và các tông đồ.
Các tín hữu Công Giáo tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và người thật, lời tuyên xưng ấy là công thức tuyên tín của Giáo Hội và được dạy trong các lớp giáo lý. Nhưng tự thâm tâm, mỗi người trả lời thế nào trước câu hỏi của Đức Giêsu: “Anh em bảo Thầy là ai?” Câu trả lời này rất hệ trọng, vì là nền tảng cho đời sống đức tin của chúng ta.
Nếu trả lời cách máy móc, chỉ lặp lại những gì được nghe dạy, chúng ta cảm thấy việc cầu nguyện là những lời sáo rỗng, thánh lễ và các bí tích là những nghi thức nhàm chán, giới răn của Chúa và luật Giáo Hội giống chiếc dây trói buộc làm mất tự do. Ngược lại, nếu thực sự xác tín Đức Giêsu là Đấng cứu độ, chúng ta sẽ tìm mọi cách để nên đồng hình đồng dạng và mong mỗi ngày được kết hiệp mật thiết với Người hơn; đồng thời, cảm nhận được niềm vui và bình an trong đời sống đức tin.
Nhận biết Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, chúng ta dễ nhìn ra Người nơi anh chị em, và hiểu rằng thực hiện hay từ chối với tha nhân điều gì, sẽ là dấu chỉ yêu mến hay không chấp nhận Người (Mt 25). Nhưng để nhận biết được điều ấy, chúng ta cần đến ơn soi sáng từ trời cao, như Đức Giêsu nói với phêrô: “Này anh Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.” (Mt 16, 17) Muốn đón nhận ơn soi dẫn của Thiên Chúa, chúng ta cần thực hành những phương thế truyền thống như: chăm chỉ cầu nguyện, siêng năng lãnh các bí tích, học hỏi Lời Chúa, tích cực tham gia sinh hoạt của cộng đoàn và thực thi công bằng, bác ái.
Xin cho các tín hữu luôn xác tín Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống; nhờ đó, nhận biết tha nhân là anh em, để kính trọng, yêu thương và phục vụ nhau cách chân thành.