Chúa nhật XXI Thường niên năm A
“CON LÀ PHÊRÔ, NGHĨA LÀ TẢNG ĐÁ”
Lm. Giuse Đinh Tất Quý
“Con là Phêrô, nghĩa là Tảng Ðá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy“ (Mt 16,18), với những lời này, Ðức Giêsu đã chính thức thiết lập Hội Thánh của Ngài trên trần gian.
A. Nhưng Hội Thánh này là Hội Thánh như thế nào?
+ Trước hết đây là Hội Thánh cho con người.
Ðức Giêsu xây dựng Hội Thánh trên nền đá Phêrô mà Phêrô vốn là một con người yếu đuối. Ðời ông có nhiều thất bại hơn thành công, nhiều yếu đuối hơn mạnh mẽ. Ông đã từng ra khơi suốt đêm để sáng sớm trở về tay trắng. Ông cũng đã từng chìm xuống khi muốn đi trên mặt nước đến với Chúa, đã từng ngủ mê khi phải canh thức với Thầy trước giờ tử nạn. Và tệ hại nhất là đã từng chối Chúa ba lần lúc Chúa bắt đầu chịu khổ nạn.
Nền tảng tượng trưng cho cả tòa nhà. Nền tảng Phêrô là một con người, một con người yếu đuối cũng như cả Hội Thánh gồm những con người mỏng giòn.
Đọc lại Tin Mừng chúng tôi thấy những thất bại của Phêrô thường diễn ra trongđêm tối. Ðánh cá suốt đêm không được gì. Chìm xuống mặt nước lúc ban đêm. Ngủ gật trong vườn Cây Dầu khi trời tối. Chối Thầy giữa đêm khuya. Ðây là hình ảnh Hội Thánh. Hội thánh trong cuộc sống trần gian sẽ mãi còn phải lần mò đi trong tối tăm thử thách của thế giới với những yếu đuối của con người.
Chúa đã dùng người yếu đuối để qui tụ những con người yếu đuối. Chúa sử dụng những phương tiện của con người để nâng đỡ con người. Đó là hình ảnh đầu tiên của Giáo Hội.
+ Tiếp đến là một Hội Thánh của Thiên Chúa.
Tuy Hội Thánh dành cho con người, gồm những con người yếu đuối, nhưng đó lại là Hội Thánh của Thiên Chúa.
Hội Thánh của Thiên Chúa vì chính Thiên Chúa thiết lập. Ðức Giê su xác định đây là“Hội Thánh của Thầy” (Mt 16,18).
Hội Thánh của Thiên Chúa nên sống bằng sức sống của Thiên Chúa chứ không bằng sức sống của con người.
Qua suốt dòng lịch sử Hội Thánh đã gặp rất nhiều thử thách.
Có những thử thách từ bên ngoài. Sử sách còn ghi lại nhiều thế lực vua chúa ở trần gian này đã muốn triệt hạ Hội Thánh ngay từ lúc Hội Thánh mới chỉ là một nhóm những người bé nhỏ nghèo khó.
Có những thử thách nảy sinh từ trong nội bộ. Biết bao nhiêu lần chia rẽ, phân ly. Biết bao lỗi lầm tai hại có lúc tưởng như Hội Thánh đã đổ nát tan tành. Nhưng Hội Thánh vẫn đứng vững với thời gian. Vì đó là Hội Thánh của Thiên Chúa.
B. Đứng trước một Hội Thánh như thế. Chúng ta phải có thái độ nào?
+ Trước hết vì Hội Thánh là cho con người nên ta cần có thái độ cảm thông. Biết mình yếu đuối, tôi sẽ dễ cảm thông với những yếu đuối của anh em. Cảm thông không phải để mặc anh em chìm xuống, nhưng để giúp anh em vượt lên. Như lời Chúa dạy Phêrô: “Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho các anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22, 32).
Vì Hội Thánh gồm những con người mỏng giòn là chính chúng ta, nên ta cần khiêm nhường. Khiêm nhường nhận biết mình yếu đuối. Khiêm nhường nhận biết Hội Thánh còn chưa hoàn thiện. Khiêm nhường như thánh Phêrô suốt đời cầu xin lòng thương xót của Chúa. Khiêm nhường như Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II công khai lên tiếng xin lỗi về những sai sót của Hội Thánh. Ta không chỉ khiêm nhường khi đấm ngực chuẩn bị dâng thánh lễ, mà còn phải khiêm nhường trong đời sống hằng ngày.
Trong một bữa cơm thân mật có người hỏi Đức ông Pelgallo:
– Đức ông là người thân cận với Đức Thánh Cha vậy có điều gì nơi đức Thánh cha đánh động Đức ông hơn cả?
– Dĩ nhiên Đức Thánh Cha Phaolô VI là một vị giáo hoàng rất thông minh và thánh thiện. Nhưng riêng tôi, điều làm tôi cảm kích hơn cả nơi Ngài là lòng Ngài muốn hy sinh vì yêu Hội Thánh. Mỗi khi hòa mình với đám đông ở Roma, ở Manila chẳng hạn, hầu như Ngài quên tất cả, Ngài để cho mọi người lôi kéo. Chúng tôi, những kẻ có nhiệm vụ bảo vệ Ngài, lắm phen phải cực nhọc… Nên những lúc thân mật cha con, chúng tôi vẫn thưa với Ngài:
– Thưa Đức Thánh Cha, chúng con thấy Đức Thánh Cha vất vả quá, với muôn nghìn lo âu, thức khuya dậy sớm. Lắm phen nguy hiểm đến tính mạng. Đức Thánh Cha để cho đám đông lạ mặt lôi kéo như thế: chúng con ngăn cản bảo vệ không nổi. Xin Đức Thánh Cha gìn giữ sức khỏe cho.
Nhưng mỗi lần như thế, Ngài đều đáp lại với chúng tôi như một điệp khúc nhỏ nhẹ, dịu dàng:
– Tất cả vì Hội Thánh, vì Hội Thánh.
Nhiều khi chúng tôi mệt lả, ngao ngán, nhưng nhớ đến câu nói của Ngài, chúng tôi phải vươn lên theo Ngài, không thể bỏ Ngài, và càng cảm phục kính mến Ngài hơn nữa.
+ Thứ đến vì Hội Thánh là của Chúa nên ta phải hoàn toàn tin tưởng vào Chúa. Biết mình u mê, ta sẽ phó thác cho Chúa hướng dẫn cuộc đời. Biết mình yếu đuối, ta sẽ không còn cậy dựa vào sức riêng, nhưng hoàn toàn tin tưởng vào Chúa, làm việc bằng sức mạnh của Chúa. Như thánh Phêrô tuyên xưng đức tin nhờ ơn soi sáng của Chúa Cha. Như thánh Phêrô giảng đạo trong ngày lễ Ngũ Tuần nhờ ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn.
Chính Chúa là sức mạnh của Hội Thánh. Phêrô là Ðá Tảng nhưng chính Chúa làm cho Ðá Tảng vững bền. Phêrô giữ chìa khoá nhưng chính Chúa gìn giữ toà nhà.
Vào quãng đầu thế kỷ 19, Napoléon đệ nhất của nước Pháp đã chinh phục hầu hết các nước Châu âu. Năm 1804 ông lên ngôi hoàng đế.
Để được các nước Âu châu thần phục mình, ông đã mời Đức Giáo Hoàng Piô VII đến đội mũ tấn phong cho ông lên làm hoàng đế. Ông cũng cố gắng thuyết phục vị Giáo Hoàng dời tòa thánh về Paris. Nghe những lời vừa đe dọa vừa vuốt ve của Napoléon, Đức Piô VII mỉm cười nói:
– Hài kịch của ông thật là xuất sắc.
Bị chạm tự ái, Napoléon cầm lấy sơ đồ vương cung thánh đường thánh Phêrô vừa xé vừa nói:
– Đây là điều mà ta sẽ làm cho Hội Thánh. Ta sẽ dẫm nát Hội Thánh ra từng mảnh.
Nghe thế vị Giáo Hoàng vẫn bình tĩnh nói:
– Bây giờ lại đến lượt bi kịch.
Đúng vậy, Napoléon đã bắt đầu bi kịch bằng cách tống giam vị Giáo Hoàng rồi chiếm lấy những lãnh thổ thuộc về Hội Thánh. Nhưng thảm kịch lại xảy ra cho chính ông. Đúng bốn ngày sau Napoléon thất trận lần đầu tiên.
Từ trong tù, vị Giáo Hoàng cũng thể hiện quyền lãnh đạo của ngài. Ngài đã dứt phép thông công Napoléon, nghĩa không cho ông tham dự vào đời sống của Hội Thánh nữa.
Napoléon gầm thét lên cách giận dữ, ông nói với Đức Giáo Hoàng:
– Đức Giáo Hoàng nghĩ rằng với việc rút phép thông công ấy, binh sĩ của ta sẽ buông súng ư?
Vài năm sau, từ những cánh đồng băng giá bên nước Nga, một bản báo cáo được đánh đi:
– Các binh sĩ của chúng ta đang buông súng.
Năm 1812, Napoléon dẫn quân ra khỏi nước Nga, và năm sau đó ông hoàn toàn bị quân đồng minh đánh bại. Tại chính biệt thự Fontaineblau nơi ông đang giam giữ Đức Giáo Hoàng Piô VII, hoàng đế của nước Pháp đã ký tên từ chức.
Và Đức Piô VII trở lại Rôma giữa tiếng reo hò mừng vui của thế giới công giáo.