Chúa nhật XXI Thường niên năm A
NHẬN LÃNH TRÁCH NHIỆM CHÚA TRAO
Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái
Sợi chỉ đỏ :
– Bài đọc I : Thiên Chúa trao nhiệm vụ cai quản đền thờ cho Sobna.
– Đáp ca : Lời cầu xin Chúa cho kẻ khiêm nhường đang chăm lo công việc Chúa giao.
– Tin Mừng : Đức Giêsu trao nhiệm vụ lãnh đạo Hội Thánh cho Phêrô.
I. DẪN VÀO THÁNH LỄ
Anh chị em thân mến
Trong anh chị em đang hiện diện ở đây, có người làm cha, có người làm mẹ, có người làm con… người nào cũng có trách nhiệm trong gia đình.
Đối với giáo xứ, có người được giao trọng trách trong Hội đồng giáo xứ, trong ban trị sự khu xóm, trong các giới các đoàn thể. Những người khác không có chức tước, nhưng cũng có trách nhiệm xây dựng giáo xứ và Giáo Hội. Ai cũng có trách nhiệm.
Đối với xã hội và đất nước cũng thế… Không ai được quyền chỉ lo cho mình hoặc chờ người khác lo cho mình. Ai ai cũng có trách nhiệm với người khác.
Trong Thánh lễ này, chúng ta hãy xin Chúa giúp mỗi người chúng ta ý thức trách nhiệm của mình, và xin Ngài giúp sức để chúng ta chu toàn trách nhiệm ấy.
II. GỢI Ý SÁM HỐI
– Chúng ta thiếu sót rất nhiều về trách nhiệm đối với gia đình.
– Chúng ta còn thiếu sót hơn nữa trong trách nhiệm đối với xã hội và Giáo Hội.
– Nhất là chúng ta có khuynh hướng ích kỷ, lo cho bản thân nhiều hơn lo cho người khác.
III. LỜI CHÚA
1. Bài đọc I (Is 22,19-23)
Thời vua Eâdêkia làm vua nước Giuđa (thế kỷ thứ 8 trước công nguyên), Sobna làm quan cai đền thờ. Vì ông này không xứng đáng nên bị cách chức, và chức vụ này được trao cho một người khác tên là Eâliakim.
Những điều đáng chú ý trong chuyện này là :
– Chính Thiên Chúa trao trách nhiệm cho con người : mặc dù Eâliakim phục vụ cho vua Eâdêkia, nhưng trách nhiệm của Eâliakim không phải do vua trao, mà do chính Thiên Chúa.
– Khi Thiên Chúa trao trách nhiệm cho ai thì Ngài cũng ban cho người đó những trợ giúp cần thiết để có thể chu toàn trách nhiệm : Ngài trao cho Eâliakim “áo choàng” và “đai lưng”, tức là những thứ bề ngoài để người lãnh trách nhiệm có một tư cách được người ta nhìn nhận ; Ngài cũng trao cho Eâliakim “chìa khóa”, nghĩa là thẩm quyền để hành xử trong phạm vi trách nhiệm của mình ; Ngài còn hứa “sẽ đóng nó vào nơi kiên cố như đóng đinh”, nghĩa là che chở, trợ giúp để ông thi hành trách nhiệm.
2. Đáp ca (Tv 137)
Lời cầu xin Chúa cho kẻ khiêm nhường đang chăm lo công việc Chúa giao : “Lạy Chúa, xin đừng bỏ rơi công cuộc tay Chúa”.
3. Tin Mừng (Mt 16,13-23)
Đức Giêsu trao cho Phêrô “chìa khóa Nước Trời”, nghĩa là ông được làm người quản trị của Hội Thánh mà Ngài sẽ thành lập. Việc trao trách nhiệm này có một số điều đáng ta lưu ý :
– Phêrô được giao trách nhiệm sau khi tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu : “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống” à Người lãnh trách nhiệm của Chúa phải có đức tin vào Chúa.
– Đức Giêsu bảo đảm rằng Thiên Chúa sẽ hỗ trợ cho trách nhiệm của Phêrô : “Điều gì con cầm buộc… trên trời cũng cầm buộc ; điều gì con tháo cởi… trên trời cũng tháo cởi”.
– Tuy nhiên người lãnh trách nhiệm không hẳn là người hoàn toán xứng đáng, thánh thiện : vừa được trao trách nhiệm cao cả, đã can gián Chúa chịu nạn chịu chết và bị Ngài quở trách nặng lời : “Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy”.
4. Bài đọc II (Rm 11,33-36) (Chủ đề phụ)
Thánh Phaolô ca tụng sự khôn ngoan vô cùng của Chúa : “Ôi thẳm sâu thay sự giàu có, thượng trí và thông biết của Thiên Chúa. Sự phán quyết của Người làm sao hiểu được, và đường lối của Người làm sao dò được”
IV. GỢI Ý GIẢNG
1. Mỗi người chúng ta cũng là một viên đá sống động
Bài Tin Mừng hôm nay kể rằng Thánh Phêrô đã được Đức Giêsu chọn làm tảng đá để xây dựng Hội Thánh của Ngài trên đó. Nhưng ngoài tảng đá Phêrô, Chúa còn xây dựng Hội Thánh của Ngài trên tảng đá nào khác nữa không ? Đây là một câu hỏi thú vị. Câu hỏi thú vị này lại có câu trả lời thú vị không kém, mà lại là câu trả lời của chính tảng đá Phêrô : Thưa có, mỗi kitô hữu cũng là một viên đá để xây dựng Hội Thánh. Nguyên văn câu nói của Phêrô trong thư thứ nhất của ngài là : “Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên Đền thờ thiêng liêng” (1 Pr 2,5)
Như thế, thánh Phêrô không dành độc quyền xây dựng Hội Thánh mà chia quyền ấy cho mọi kitô hữu. Công đồng Vaticanô II cũng nói không khác với Phêrô : mọi kitô hữu đều có sứ mạng xây dựng Hội Thánh, mỗi người trong cương vị của mình, hoàn cảnh của mình và theo khả năng của mình.
Có một bài cầu nguyện rất đặc biệt mà tôi đã đọc trong một quyển sách. Tôi không còn nhớ tựa đề quyển sách đó, cũng không nhớ tên tác giả, nhưng vẫn nhớ nội dung lời cầu nguyện ấy mặc dù không nhớ kỹ từng lời. Đó là lời cầu nguyện của một viên gạch. Viên gạch này nằm sát chân tường. Đôi khi nó nhìn lên những viên gạch khác và trong lòng nó chợt nảy ra những so sánh, những ước ao, và nó cầu nguyện như sau :
Lạy Chúa, con chỉ là một viên gạch tầm thường nằm sát dưới chân tường.
Con không được như viên gạch xây cửa, ở ngay tầm mắt người ta.
Con không được như viên gạch xây mặt tiền, hãnh diện nhìn người qua kẻ lại và sung sướng được người ta khen đẹp.
Con không được như viên gạch trong phòng khách, hàng ngày được người ta lau chùi đánh bóng.
Con chỉ là một viên gạch tầm thường nằm sát chân tường.
Nhưng viên gạch ấy đã suy nghĩ, rồi nó cầu nguyện thêm :
Nhưng lạy Chúa, con vui vì chỗ ở của con, con vui với nhiệm vụ của con. Con mừng vì con cũng có góp phần trong ngôi nhà xinh đẹp này. Không có phần nhỏ bé và âm thầm của con thì bức tường sẽ đổ, ngôi nhà sẽ sập. Mặt tiền xinh đẹp kia không còn, cánh cửa xinh đẹp kia không còn, phòng khách xinh đẹp kia cũng không còn.
2. Xây nhà trên đá
Bài Tin Mừng về việc Chúa chọn Phêrô làm đá tảng xây dựng Hội Thánh khiến ta liên tưởng tới một đoạn Tin Mừng khác, Đức Giêsu nói về việc xây nhà trên đá (Mt 7,24-27).
Xây nhà trên đá là gì ? Thưa là biết lắng nghe Lời Chúa và nhất là sau đó đem Lời Chúa ra thi hành. Đức Giêsu bảo người đó là người khôn. Còn kẻ nào không lắng nghe Lời Chúa và nhất là không thi hành lời Chúa thì giống như người ngu xây nhà trên cát.
Mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm xây dựng Giáo Hội, xây dựng giáo xứ, xây dựng xã hội và xây dựng gia đình. Việc xây dựng đầu tiên, làm nền tảng cho mọi cuộc xây dựng tiếp theo, chính là nỗ lực lắng nghe và sống Lời Chúa.
3. Đừng là gánh nặng cho nhau, mà hãy là đá để thành chỗ dựa cho nhau
Trong cuộc sống chung, khi mọi việc đều êm xuôi tốt đẹp thì hòa thuận yêu thương nhau rất là dễ, hạnh phúc như đang bao bọc chung quanh mình. Nhưng khi khó khăn xảy đến thì mọi người đều buồn phiền, bực bội, gắt gỏng… Một chuyện nhỏ cũng có thể gây nên một xung đột lớn. Tại sao thế ?
Thưa vì trong những lúc khó khăn như thế, người ta chỉ còn nghĩ đến nỗi khổ của mình mà không còn nghĩ đến người khác, người ta chỉ nhớ rằng người khác phải có trách nhiệm với mình mà quên rằng mình cũng có trách nhiệm với người khác.
Ai nấy cũng đã khổ rồi, sao còn vô tình làm khổ nhau thêm ? Phải chi mỗi người nhớ đến trách nhiệm của mình để đến an ủi người khác, san xẻ gánh nặng của người khác, và trở thành chỗ dựa cho người khác thì tốt hơn biết mấy !
Hạnh phúc không phải do thụ động chờ mà tới. Hạnh phúc phải do con người xây dựng, người này xây dựng cho người kia, mọi người xây dựng cho nhau.
4. Chuyện minh họa
a/ Trách nhiệm âm thầm
Có một người làm công, ngày ngày đi quét lá rừng rụng xuống, gom lại một nơi rồi hốt đi. Một hôm một đoàn người lên rừng chơi, thấy người quét lá họ rất đỗi ngạc nhiên, và họ càng ngẩn ngơ khi biết rằng chính Hội đồng Thành phố đã thuê với số lương 7000 đồng một tháng.
Sau một hồi vãng cảnh, đoàn người trở về. Một số người tìm đến ông Chủ tịch Hội đồng thành phố đề nghị hủy bỏ phụ khoản chi tiêu cho việc quét lá rừng vì quá vô ích. Ông Chủ tịch cũng như Hội đồng chẳng hiểu căn do của phụ khoản kia, vì họ chỉ làm theo truyền thống, nên cuối cùng quyết định không thuê người quét lá rừng nữa.
Ngay giữa thành phố có một cái hồ rộng lớn, nước trong xanh, cây to in bóng mát, người qua lại dập dìu. Mọi người ca tụng nó là viên ngọc trai điểm trang cho thành phố. Nhưng lạ thay, một tháng sau ngày người quét lá rừng nghỉ việc, nước hồ trở nên đục ngầu bẩn thỉu, không còn thấy bóng người hóng gió ngoạn cảnh, quán xá bên bờ hồ vắng tanh… Cả thành phố trở nên buồn tẻ mà không hiểu tại đâu. Hội đồng Thành phố nhóm ngay phiên họp bất thường để tra xét hiện tượng trên. Và sau cùng họ tìm ra nguyên nhân : do người phu quét là rừng nghỉ việc nên lá rừng rụng xuống, gió đùa lá bay tứ tung trên mặt đường, rồi rơi xuống hồ nước trong xanh, gây nên tình trạng ô nhiễm…
Và ngay hôm đó họ tái dụng người phu quét lá với số lương còn cao hơn xưa. (Trích “Phúc”)
b/ Trung thành với trách nhiệm
Một ngày nọ vào năm 1780 bỗng dưng cả vùng tiểu bang Connecticut bị tối hẳn lại. Ai nấy đều cho rằng đã đến ngày tận thế. Khi đó Hội đồng lập pháp tiểu bang đang họp. Nhiều người yêu cầu hoãn cuộc họp để họ có thể về nhà cùng với gia đình chờ Chúa đến. Nhưng ông chủ tịch nói : “Không biết hôm nay có phải là ngày tận thế hay không. Nếu không thì không cần hoãn họp. Còn nếu phải thì chúng ta càng cần chu toàn nhiệm vụ hơn nữa. Xin thắp nến lên” (Drinkwater).